Chùa Hương Lam (huyện Thạch Thất)
Chùa Hương Lam hiện nay tọa lạc tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Chùa Hương Lam mang tên làng. Địa danh này trước kia thuộc tổng Đại Đồng, huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.
Chùa Hương Lam quay hướng đông nam, kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm có Tiền đường và Thượng điện, nhà Tổ nằm ở phía bên phải. Tiền đường gồm 3 gian 2 chái được làm theo kiểu tường xây, hồi bít đốc. Vào bên trong, các bộ vì đỡ mái tiền đường được làm theo hai kiểu khác nhau: Hai bộ vì gian giữa được làm theo kiểu “giá chiêng kẻ chuyền”. Hai bộ vì gian bên được làm theo thể thức “thượng chồng rường hạ kẻ”. Trang trí kiến trúc trên tòa tiền đường được làm đơn giản nhưng thanh thoát, các chi tiết kiến trúc như: xà, kẻ, rường, quá giang... được bào soi vỏ măng có tạo gờ chỉ. Thượng điện gồm 2 gian nhà dọc được làm theo kiểu tiền đạo hậu đốc. Các bộ vì đỡ mái ở thượng điện cũng được làm theo hai kiểu thức trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Vì một được làm theo kiểu “thượng ván mê” trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Bộ vì thứ hai được làm theo kiểu “chồng rường”. Nghệ thuật điêu khắc trong chùa tập trung vào hệ thống tượng tròn trên Phật điện. Ở vị trí cao nhất là bộ tượng Tam thế có kích thước và tạo dáng tương tự như nhau. Lớp thứ 2 là tượng A Di Đà. Hai bên là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí được tạo tác trong tư thế đứng. Lớp thứ 3 là tượng Ngọc hoàng và bốn pho thị giả. Lớp thứ 4 là tượng Nam Tào Bắc Đẩu. Lớp cuối cùng là tòa Cửu long chạm kiểu vòm cầu.
Bên phải của Thượng điện có tượng Quan Âm chuẩn đề. Góc bên trái của Thượng điện là nơi tọa lạc của tượng Quan Âm tống tử miêu tả một người phụ nữ đang bế một hài nhi. Hai sườn của Thượng điện là bộ tượng Thập điện Diêm vương, mỗi bên bày 5 pho. Tượng Thổ địa và Giám trai được đặt ngoài cùng của tòa Thượng điện về hai bên. Ngoài Tiền đường ở hai phía gian đầu hồi là hai nhóm tượng Đức Ông cùng Già lam, Chân tể và Thánh tăng cùng Diệm nhiên, Đại sĩ.
Chùa Hương Lam còn lưu giữ lại được 2 mâm bồng cỡ lớn, 8 bia hậu, 4 bát hương gốm Thổ Hà, 1 quả chuông đồng đúc năm 1824. Trên 4 khoang phía trên có đúc nổi 4 chữ “Hương Lam tự chung” trong vòng tròn lá đề.
Chùa đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 2003./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02