Chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm)
Chùa Bà Đá hiện nay ở số 3 phố Nhà Thờ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chùa có tên chữ là Linh Quang tự (Linh nghĩa là linh thiêng, Quang là ánh sáng. Linh Quang là ánh sáng Phật pháp viễn chiếu không gì che cản nổi để cứu độ chúng sinh).
Thời Lê, chùa thuộc thôn Tự Pháp, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) chùa thuộc thôn Tự Pháp, tổng Thuận Mỹ, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Năm 1873, quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ nhất. Tên giám mục kiêm chỉ huy gián tiếp Puyginhiê đã chiếm một khu đất ở đầu thôn Báo Thiên, dựng một nhà thờ bằng gỗ, danh nghĩa là để làm nơi cầu nguyện cho lính Pháp và giáo dân quanh vùng. Từ đó, Giáo hội lấn dần đất đai khu vực này, và tới cuối thế kỷ XIX, toàn bộ đất thôn Báo Thiên và một phần thôn Tự Pháp trở thành tài sản của Giáo hội, do đó mà thành tên phố Nhà Chung, Nhà Thờ.
Theo các nguồn tư liệu thì chùa được xây dựng vào khoảng niên hiệu Hồng Đức (1460 - 1497). Còn tên gọi “Bà Đá” được gắn với truyền thuyết khi đang xây dựng, tường chùa cứ xây lên lại bị đổ, người ta cho rằng dưới lòng đất có “linh khỉ” (?) nên đào sâu vài thước, thấy một pho tượng đá hình dáng người phụ nữ, nhân dân đem thờ, cầu đảo thấy linh nghiệm nên gọi là chùa Bà Đá.
Năm 1786, qua trận binh đao, chùa bị thiêu huỷ, cảnh vật tiêu điều. Lúc đó có thí chủ Đỗ Bá Ngân tự Khoan Lượng và vợ là Lý Thị Khiêm (quê xã Phương Liệt, huyện Thanh Trì cư trú tại thôn Nam, phường Báo Thiên) cùng các ông Nguyễn Văn Phan, Nguyễn Văn Tú, Trần Văn Hiệp, Phan Văn Bi cùng phát tâm xây dựng lại một nhà lá (am tranh) thờ Phật để làm nơi quy hướng tâm linh cho nhân dân địa phương.
Năm Quý Sửu (1793) Thiền sư Khoan Giai - đời thứ 6 thiền phái Tào Động chùa Hồng Phúc đến thăm chùa Bà Đá. Ngài đã nhận lời thỉnh cầu của nhân dân về trụ trì, dựng chùa, tô tượng, đúc chuông, tiếp độ đệ tử, tín đồ phật tử, nhân dân gần xa đến quy tụ thụ giáo rất đông.
Theo văn bia dựng các năm: Minh Mệnh thứ 2 (1821), Tự Đức thứ 3 (1850), Khải Định thứ 3 (1918) cũng như bản Thiền phổ hiện lưu giữ tại chùa cho biết các đợt trùng tu sửa chữa và mở rộng diện tích đất đai nội tự như sau:
- Năm 1847, các ông Luyện, ông Chí, ông Kỳ, ông Thành, ông Đán cúng thêm đất cho tổ đệ nhị Từ Tạng - Thích Giác Vượng để mở rộng cảnh chùa; năm Tự Đức thứ 7 (1849) chùa được tu bổ sữa chữa lại để trở thành một ngôi chùa lớn ở Hà Nội.
- Năm 1898, niên hiệu Thành Thái 10, Tổ đệ tứ Thuần Hợp Thích Thông Toàn cho đại trùng tu chính điện, nhà Tổ, hai bên hành lang như quy mô ngày nay.
- Năm 1946, thực dân Pháp đốt nhà Tổ, thiêu huỷ toàn bộ nhà, các tượng Tổ và tượng Bà Đá. Sơn môn đã chuyển chính điện chùa Càn Đà (khi đó đang bị phá huỷ dở) về làm lại nhà Tổ chùa Bà Đá vào năm Mậu Tý (1948).
Từ năm 1793 đến nay, chùa được các bậc tổ sư kế tiếp trụ trì, hoằng dương chính pháp, mở rộng sơn môn thành một tổ đình lớn của thiền phái Tào Động và Lâm Tế (Tào Lâm tương tạp), đào tạo lên nhiều thế hệ danh tăng, tăng ni góp phần tô thắm thêm trang sử Phật giáo Thăng Long - Hà Nội.
Tạp chí “Tiếng chuông sớm” số đầu tiên đã ca ngợi chùa Bà Đá: “Tiếng mõ tụng kinh, tiếng chuông chiêu mộ. Thế giới rộng rãi, phạm vũ nguy nga! Tăng chúng rất đông, đàn Việt thực lắm! Biết bao chùa ở Bắc Kỳ do ở sơn môn Bà Đá mà ra. Người thiện tín thập phương ai ai cũng biết”.
Ngày 5 tháng 1 năm 1946, Bác Hồ đã đến thăm chùa Bà Đá và nói chuyện với các thượng toạ, tăng ni, phật tử. Người căn dặn: “Việc Phật không xa rời việc thế gian, phải tham gia vào các công việc cách mạng cứu đói, cứu dốt...”.
Hiện nay, chùa Bà Đá là trụ sở của Thành hội Phật giáo Hà Nội.
Chùa Bà Đá đã được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2006./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02