Lý luận - phê bình

Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm

Trần Văn Mỹ 20/10/2024 07:04

Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.

truyen-dai-_trai-tan-boi_-cua-hoang-cong-khanh.jpg
Truyện dài “Trại Tân Bồi” của tác giả Hoàng Công Khanh

Lê Ngọc mở trường dạy đánh máy chữ trên một căn gác nhỏ thuê trong ngõ phố Hàng Rươi. Nhiều văn nghệ sĩ phải ở nhà thuê trong ngõ hẹp, nhiều gia đình chạy gạo ăn từng bữa. Thấu hiểu nỗi khó khăn đó, một số người được nhận “trợ cấp”: Nguyễn Bắc, Lê Tám, Dương Linh, sau này thêm Lê Văn Ba, mỗi tháng nhận được 60 đồng Đông Dương của đoàn thể (số tiền đó mua được 20kg gạo).
Nhà văn Lê Văn Ba (1934 - 2022) kể lại trong cuốn sách “Viết trong Hà Nội”: “Viết văn làm thơ đâu có tiền nhuận bút, bài gửi đi được in cho là mừng rồi. Nghèo thì chịu vậy, văn chương là để nói tiếng lòng, chia sẻ tâm tư và góp phần giúp cho đời sống trong sáng, lành mạnh. Điều quan trọng hơn cả là truyền tới mọi người lòng yêu nước thiết tha, qua những văn thơ ca ngợi người tráng sĩ thanh gươm yên ngựa năm xưa, qua những câu văn viết về một người trai đang cầm súng trong sương gió... Ấy là kín đáo truyền cho đồng bào niềm tin “đằng mình” sẽ thắng lợi, kháng chiến nhất định thành công”.

Lê Văn Ba quê ở làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, viết báo, viết văn ủng hộ kháng chiến đã bị Pháp bắt giam bỏ tù ở Hỏa Lò một năm. Khi được tạm tha để chờ ngày xét xử, tổ chức đã đưa ông ra vùng tự do học chính trị rồi lại đưa vào thành hoạt động bí mật. Lê Tám thì bị mật thám liên bang tra tấn dã man, nhưng trong xà lim anh vẫn làm thơ: “Ai có thấy những đêm dài gió lộng/ Mảnh chăn đơn nào đủ ấm thân tù?”, và ngay khi ra khỏi Hỏa Lò, Lê Tám hào hứng đọc thơ tặng bạn: “Cánh cửa đề lao khép lại rồi/ Nắng chiều quấn lấy bước chân vui/ Ba mươi sáu phố phường e còn hẹp...”

Có một thực tế nghiệt ngã là trong những năm tháng khó khăn này, vì nặng gánh gia đình mà có nhiều người phải hồi cư về thành, nhưng các anh vẫn là người yêu nước. Ngọc Giao, Thao Thao thường tránh gặp bạn đồng nghiệp vào giờ trả “mo-rát” cho các báo. Lê Văn Trương đã kể lại nỗi lòng mình khi qua Đầm Đa - cửa ngõ vào tề: “Nói thật với ông tôi chẳng muốn tí nào. Bó thân về với triều đình/ Hàng thần lơ láo phận mình ra sao? Tôi đã sống nhiều ở chế độ cũ đế quốc thực dân, tôi thấy dân chủ cộng hòa của mình hơn hẳn, con người có tự do, được tôn trọng hơn”...

Từ năm 1950, văn chương Hà Nội trong thời kỳ tạm chiếm ngày càng khởi sắc. Một nguyên nhân quan trọng là tới giai đoạn này, đội ngũ sáng tác đông đảo gồm nhiều lớp, nhiều lứa tuổi. Đó là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Bằng, Phạm Cao Củng, Lê Văn Chương, Ngân Giang... các họa sĩ tài danh như Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn, Mạnh Quỳnh, đạo diễn Phan Tại. Lực lượng sáng tác của Hà Nội những năm này có thêm Giang Quân, Băng Hồ... và đông đảo những người viết tuổi đời còn rất trẻ: Lương Danh Hiền (Lê Tám), Nguyễn Quốc Trinh, Hạnh Hoàng Thu, Minh Tâm, Thùy Linh, Dương Tuyết Lan... Có người đang tuổi học sinh có truyện ngắn, thơ in báo, tạp chí ở Hà Nội, Sài Gòn như Vân Long, Băng Sơn, Thạch Anh (Lê Văn Ba). Những năm này, các báo tạp chí ở Hà Nội tờ nào cũng có trang văn nghệ, tòa soạn nào cũng phát hành đặc san, giai phẩm: Hương xuân, Hoa sen, Kinh đô văn nghệ, Hương mùa chinh chiến. Đây chính là đất cho các nhà văn, nhà thơ trẻ phát huy tài năng.

viet-trong-ha-noi-1.jpg

Trong những năm tạm chiếm, Hà Nội có nhiều nhà xuất bản. Nhà xuất bản Tân Dân do Vũ Đình Long làm chủ nhiệm, Vũ Bằng làm chủ bút chuyên in lại tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, những tác phẩm trước năm 1945 của Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Công Hoan, Lan Khai... Nhà xuất bản Kuy Sơn, thành lập năm 1951, giám đốc từng là người bị Pháp bắt giam ở Nhà Tiền. Kuy Sơn đã cho ra đời một lúc hai tác phẩm “Mẹ tôi sớm biệt chiều thu” và “Trại Tân Bồi” của Hoàng Công Khanh. Cũng thời gian này, trên báo Dân Ý có bài “Đẩy mạnh phê bình” của Trung Ngôn (biệt hiệu của Nguyễn Bắc, cán bộ lãnh đạo trí thức vận của Thành ủy Hà Nội). Sau khi phân tích sự cần thiết của phê bình, thái độ phê bình... tác giả hô hào: “Nào đâu! Các bạn văn nghệ sĩ chân chính của nhân dân hãy phất cao lá cờ phê bình, lá cờ hướng dẫn cho nền văn nghệ tiến bộ đang nảy nở...”

viet-trong-ha-noi-2.jpg

Để cụ thể hóa lời kêu gọi trên, cuối năm 1953, nhà văn Hoàng Công Khanh viết cuốn lý luận “Quan điểm văn nghệ nhân dân” nhằm gợi hướng đi đúng cho anh em văn nghệ sĩ Hà Nội lúc ấy. Không sợ nguy hiểm đang rình rập, chủ nhà in Kuy Sơn mạnh dạn đứng ra in quyển sách này. Sách được anh em văn nghệ hoan nghênh, coi đó như những lời khuyên, lời chỉ dẫn cho những ai muốn dùng ngòi bút để phục vụ nhân dân. Mạnh dạn hơn, có nhà xuất bản bí mật nhân bản tiểu thuyết “Xung kích” của Nguyễn Đình Thi, “Thắng từ biên giới” của Nguyễn Huy Tưởng.

Điều đặc biệt, các văn nghệ sĩ sống trong Hà Nội bị tạm chiếm luôn ghi nhớ hình ảnh Bác Hồ. Lê Ngọc có nghề đánh máy chữ, năm 1951 đã bí mật xin được tấm hình Bác. Ông nhờ họa sĩ Mạnh Quỳnh sửa lại rồi dựa theo đó, dùng các ký tự máy chữ “vẽ” hình Bác rất có thần. Lê Ngọc đã phải cất giữ tác phẩm của mình rất cẩn thận. Nhiều văn nghệ sĩ cũng phải chịu cảnh tương tự. Như họa sư Nam Sơn, ông vẫn lặng lẽ lưu giữ mấy bức ký họa Hà Nội ngày đầu kháng chiến năm 1947, ghi quang cảnh đường phố nhà cửa sập đổ, cháy đen.

Trong những năm này, kịch thơ phát triển mạnh mẽ. Phần lớn kịch thơ dùng đề tài lịch sử, đáp ứng nhu cầu hướng về cội nguồn, đề cao tinh thần dân tộc, lòng ái quốc để dễ qua mắt kiểm duyệt. Những vở kịch thơ “Về Hồ”, “Bến nước Ngũ Bồ” (của Hoàng Công Khanh), “Con tôi về giữa mùa xuân”, “Nát ngọc” (của Giang Quân), Viễn khách (của Hoa Thu)... được đạo diễn tài năng Phan Tại dàn dựng và giọng ngâm kỳ tài của Văn Phú, Quỳnh Hương, Kiều Oanh thể hiện. (Sau ngày tiếp quản Thủ đô kịch thơ “Bến nước Ngũ Bồ” của Hoàng Công Khanh vẫn nhiều lần tái diễn; năm 1956 diễn ở Pháp, Ý; năm 1991 diễn ở California, Mỹ)

Từ đầu tháng 5/1954, Hà Nội đã biết tin chiến thắng Điện Biên Phủ, sau đó Hiệp định Genève được ký kết, hòa bình được lập lại trên toàn cõi Đông Dương. Các văn nghệ sĩ đã có những đóng góp tích cực cho ngày tiếp quản Thủ đô. Nguyễn Bắc, Hoài Việt xoay được giấy phép ra tiếp tờ Niềm vui. Lê Tám, Dương Linh là giảng viên các lớp chính trị mở ở Thường Tín. Đây là những lớp ngắn ngày về đường lối, chính sách khi vào tiếp quản Hà Nội.

Càng gần tới ngày 10/10, công việc đón tiếp bộ đội ta tiến vào thành phố càng náo nức. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ (Đỗ Quyên) sáng tác kịp thời ca khúc “Mừng Hà Nội giải phóng”. Đoàn thanh niên cử từng tốp nhỏ đến học hát, rồi về dạy lại cho nhau.

Đúng sáng ngày 10/10/1954, đoàn ca nhạc Tuổi trẻ đứng bên Hồ Gươm cùng nhân dân Hà Nội vẫy cờ hoa và hân hoan hát những bài ca hùng tráng. Trong những thước phim lịch sử về Ngày Giải phóng Thủ đô được chiếu đi chiếu lại suốt 70 năm qua, người xem nhớ mãi hình ảnh các chàng trai Hà Nội đứng bên các bạn gái tóc phi-dê, áo dài thướt tha hát theo nhịp đàn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ “Hà Nội ơi vui lên Hà Nội ơi! Qua tám năm sống nhục nhằn u buồn...”

Hà Nội ơi!... Đấy là tiếng lòng của văn nghệ sĩ Hà Nội hòa vào niềm vui chung của nhân dân Hà Nội trong ngày tiếp quản Thủ đô.
....................................................................................
(Trong bài có sử dụng tư liệu và trích từ sách “Viết trong Hà Nội”, do Giang Quân, Lê Văn Ba,
Vân Long sưu tầm, biên soạn - NXB Văn học, 2014)

“Trong thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm, dù gặp vô vàn khó khăn… mọi hoạt động cũng như tâm cảm mỗi người dân trong vòng vây giặc vẫn phát huy tinh thần yêu nước, được thể hiện cực kỳ linh hoạt, dũng cảm vì thắng lợi của cuộc kháng chiến toàn dân. Giới tri thức, văn nghệ sĩ yêu nước ở Thủ đô, bằng mọi hoạt động và sự sáng tạo đã thể hiện tinh thần đó.” - Nhà văn Tô Hoài

“Những tác phẩm viết trong thời kỳ tạm chiếm thuộc nhiều thể loại (bút ký, phóng sự, điều tra, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ… giúp bạn đọc thấy cụ thể hơn tính cách, phẩm chất, lối sống người Hà Nội trong những năm nhiều biến động; phản ánh tinh tế nội tâm phong phú, phức tạp của con người thuộc nhiều tầng lớp và lứa tuổi. Đặc biệt ghi dấu lại một thời hào hùng là những trang viết mạnh mẽ, kín đáo, khi bí mật, lúc công khai, kêu gọi đấu tranh, góp phần đánh trả quân thù ngay trong vùng địch tạm chiếm, một lòng vì công cuộc kháng chiến thắng lợi, giải phóng Thủ đô.” - Nhà thơ Bằng Việt

“Tuy thời kỳ tạm chiếm kéo dài gần 8 năm nhưng báo chí, văn nghệ Hà Nội chỉ bắt đầu khởi sắc từ 1950 và phát triển mạnh mẽ cho đến giữa những năm 1954. Một khoảng thời gian không dài và đầy khó khăn để có thể ra mắt những tác phẩm tầm cỡ. Nhưng nhìn lại những gì văn nghệ, văn nghệ sĩ Hà Nội thời kỳ tạm chiếm để lại, chúng ta có thể tự hào. Họ đã để lại một “gia tài” đáng kể. Đó là hàng nghìn tác phẩm báo chí, những bút ký phóng sự phản ánh muôn mặt đời thường xã hội ngày đó; để lại hàng trăm truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết in đậm dấu ấn một thời. Đấy là những tác giả, tác phẩm vang bóng một thời.” - Nhà văn Lê Văn Ba

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Thơ truyền thống trong thời đại số
    Thơ truyền thống là loại thơ viết theo đúng niêm luật, thường bó buộc trong các thể loại: Lục bát, Đường luật (Nhất, tam ngũ bất luận), song thất lục bát, thơ (bốn, năm, sáu, bẩy, tám) chữ… phải có vần điệu, cấu tứ rõ ràng và ngôn từ là phương tiện để nhà thơ biểu đạt, giãi bày tình cảm, tư tưởng tinh thần của tác giả. Trong thời đại số, thơ truyền thống vẫn được nhiều tác giả tiếp nối nhưng theo một hình thức mới, nội dung mới và nhà thơ không bị giới hạn bởi bất kỳ khuôn phép nào.
  • 50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế
    Hội nghị Lý luận, phê bình Văn học lần thứ V diễn ra ngày 27/11 tại Hà Nội, quy tụ những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình hàng đầu. Với chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”, hội nghị đã làm nổi bật bức tranh toàn cảnh văn học Việt Nam...
  • Thị trường nghệ thuật Việt Nam: Chuyên nghiệp để bứt phá
    Nghệ thuật Việt Nam gần đây thu hút sự chú ý đáng kể trên thị trường trong và ngoài nước. Các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam không chỉ được công nhận về mặt giá trị nghệ thuật mà còn đạt được mức giá cao, phản ánh sự gia tăng sức hút và quan tâm của các nhà sưu tầm, người yêu mỹ thuật, cũng như các hãng đấu giá quốc tế.
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO