Lý luận - phê bình

Triển vọng tiểu thuyết ngắn

Nhà văn Bùi Việt Thắng 10/08/2024 15:38

Ngày nay rất khó nhìn thấy hình ảnh một người say mê đọc những bộ tiểu thuyết trường thiên như “Chiến tranh và hòa bình” của L.Tolstoy, “Sông Đông êm đềm” của M.Solokhov, “Những người khốn khổ” của V. Hugo… mặc dù đó là những kiệt tác văn chương thế giới.

Nhưng những cuốn sách “vừa tay” lại có cơ hội tồn tại khi nó phù hợp với sở thích và hoàn cảnh hiện đại. Sự riêng thích này không phải là một động thái bột phát, ngẫu hứng. Nó có căn nguyên kinh tế và văn hóa mà nhiều khi chúng ta vô tình không để ý. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu đã có lý khi nhận xét “Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng. (…). Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải” (Đến hiện đại từ truyền thống). Tất cả những khái niệm “vừa khéo”, “vừa xinh”, “phải khoảng” là chỉ cái tính chất “vừa phải”, “vừa tầm” trong tư duy nghệ thuật (tâm lý sáng tác cũng như tâm lý tiếp nhận) của người Việt Nam có từ lâu đời. Thiết nghĩ các nhà tiểu thuyết hiện đại không thể không chú ý đến đặc trưng văn hóa này của dân tộc khi sáng tác với câu hỏi “viết cho ai đọc?” và “viết như thế nào?”. Câu hỏi này xuất phát từ góc nhìn kinh tế và cơ chế đọc hiện nay.

lac-rung.jpg

Vẫn phải thừa nhận vị trí không thể chối cãi của những “trường thiên tiểu thuyết” kiểu như “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh (mỗi cuốn đều cỡ 900 trang khổ to), “Kiếp người” (3 tập, 1500 trang) của Hữu Ước, “Ký ức gã ăn mày” của Tôn Ái Nhân (900 trang),... Nhưng theo chúng tôi, tiểu thuyết trường thiên không có thị phần văn chương lớn như tiểu thuyết ngắn. Chỉ cần điểm qua sẽ thấy đội hình tiểu thuyết ngắn trên văn đàn đương đại là đông đảo: “Thiên sứ” (1989) của Phạm Thị Hoài, “Lạc rừng” (1999) của Trung Trung Đỉnh, “Thoạt kỳ thủy” (2004) của Nguyễn Bình Phương, “Tấm ván phóng dao” (2004) của Mạc Can, “Thiên thần sám hối (2004) của Tạ Duy Anh, “Khê Ma Ma” (2004) của Thái Bá Lợi, “Và khi tro bụi” (2007) của Đoàn Minh Phượng, “Âm dương cách trở” (2009) của Vũ Huy Anh, “Họ vẫn chưa về” (2009) của Nguyễn Thế Hùng, “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” (2012) của Y Ban, “Chân trần” (2012) của Thùy Dương, “Con hoang” (2016) của Lê Hồng Nguyên, “Con chim Joong bay từ A đến J” (2017) của Đỗ Tiến Thụy,... Cuốn tiểu thuyết “siêu ngắn” “Hình bóng đàn bà” (2006) của Vũ Xuân Tửu chỉ có 80 trang. Theo tác giả, đây là một cuộc thí nghiệm nghệ thuật “không thành công cũng thành nhân”.

tam-van-phong-dao.jpg

Tiểu thuyết ngắn có đặc trưng gì? Theo tôi, ngoài tiêu chí “ngắn” (có độ dài dưới 300 trang), thì còn có một số tiêu chí để định vị tiểu thuyết ngắn như sau:

Sự dồn nén dung lượng: Trong nghệ thuật quy luật “quý hồ tinh bất quý hồ đa” luôn luôn đúng. Xin dẫn vài trường hợp để chúng ta cùng suy ngẫm - đó là hiện tượng Mạc Can với tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao”. Nhà văn Hồ Anh Thái đã có một nhận xét chính xác về đặc điểm của cuốn tiểu thuyết này: “Mạc Can sử dụng hiệu quả phương pháp gián cách. Mọi sự kiện, mọi biến động của đời sống bên ngoài vừa được tái hiện trực tiếp lập tức được đẩy ra xa, đưa qua màng lọc của chàng thiếu niên, khắc in lại trong đó những đường đồ thị run rẩy. Chuyện thế sự khi ấy chỉ còn là cái cớ để cho những rung cảm của một con người được dịp phun trào ra, ngân lên. Sự kiện ngay phút chốc được xóa mờ, nhường chỗ cho những chiêm nghiệm, những rung động, những cung bậc tình cảm tinh tế nhiều vẻ” (Lời giới thiệu Tấm ván phóng dao). Sự dồn nén dung lượng, theo cách nói của nhà khoa học, giống như là cách chế tác những “vi mạch” (thể tích sự vật rất nhỏ, nhưng sức chứa dữ kiện rất lớn).

noi-buon-chien-tranh.jpg

Sự giản lược nhân vật và cốt truyện: Tiểu thuyết “Thiên thần sám hối” (2004) của Tạ Duy Anh chỉ có hai nhân vật chính: người mẹ mang thai sắp đến ngày sinh con, đứa bé ở dạng bào thai (vì còn 3 ngày nữa bé mới chào đời). Tiểu thuyết là câu chuyện về cuộc đấu tranh nội tâm của một con người dù hình hài chưa rõ ràng, nhưng đã có thể “thấu hiểu” và thậm chí “thấu cảm” được cuộc đời và cái lý, cái lẽ của cõi nhân gian “Còn bảy mươi hai giờ nữa tôi mới hết giai đoạn bào thai. Sau đó chỉ còn mỗi việc giãy đạp, gào thét mà chui ra, thế là thành người”. Cuối cùng, với tinh thần hiện sinh, đứa bé đã dứt khoát “Nhưng tôi chấp nhận cuộc sống, còn bởi một sự thật ngàn lần khó tin hơn: Con người chẳng làm được gì hơn ngoài sự chuẩn bị cho cái chết của chính mình. Vì thế họ phải chuẩn bị đến nơi đến chốn”. Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh một dạo đã gây sóng gió dư luận bởi cái “tứ” độc đáo nhưng không dễ chấp nhận.
“Lạc rừng” của Trung Trung Đỉnh cũng là một ví dụ tiêu biểu. Tiểu thuyết có sức nén và sức phóng của một mũi tên rời khỏi dây cung, bay nhanh tới đích. Nhân vật xưng “Tôi” kể chuyện là một chiến sĩ giải phóng quân bị lạc đơn vị, sa vào giữa trùng trùng rừng núi. Anh được đồng bào dân tộc cứu chữa, nuôi nấng, đùm bọc. Một cuộc “lạc rừng” đã nảy sinh biết bao nhiêu chuyện, nhưng đằng sau những câu chuyện lạ lẫm là một cái “tứ” rất sâu đậm - sự cần thiết của những cuộc “lạc” ra ngoài hệ thống của mình, sự cần thiết phải va chạm văn hóa với hệ thống khác. “Lạc rừng” như là một tình huống tư tưởng giả định để con người có được cái phẩm tính trải nghiệm, có dịp để chiêm nghiệm và nhận biết cái lý lẽ cũng như cái tình của đời sống vốn vô cùng, vô tận. Trung Trung Đỉnh đã nêu lên một tình huống dự phóng - mỗi người cần có một lần “đi lạc” để có cơ hội ngộ ra những gì ở ngoài hệ thống của mình và là dịp kiểm tra lại năng lực thực tiễn cá nhân.

Sự giản lược nhân vật và cốt truyện, như là hệ quả tất yếu của sự dồn nén dung lượng của hình thức “tiểu thuyết ngắn” đang rất thịnh hành trong văn chương đương đại Việt Nam.

Phép “tỉnh lược”- giải pháp cho xây dựng kết cấu tác phẩm: Nghệ thuật viết là nghệ thuật rút gọn. Trong tiểu luận Nghệ thuật tiểu thuyết, nhà văn M. Kundera đã viết “Tôi nghĩ rằng để nắm bắt được tính phức tạp của cuộc sống trong thế giới hiện đại cần có một kĩ thuật tỉnh lược, cô đặc. Làm khác đi anh sẽ rơi vào cái bẫy dài dằng dặc (…). Thử tưởng tượng một tòa lâu đài khổng lồ đến nỗi không thể bao quát hết trong tầm mắt, thử tưởng tượng một bản nhạc bộ tứ kéo dài chín tiếng đồng hồ. Có những giới hạn của con người không nên vượt qua, những giới hạn của trí nhớ chẳng hạn. Khi đọc đến phần cuối cuốn sách, anh còn đủ sức nhớ lại phần đầu. Nếu không, cuốn tiểu thuyết sẽ thành dị hình, tính sáng sủa về kết cấu của nó sẽ tối sầm lại” (Tiểu luận - Nghệ thuật tiểu thuyết. Những di chúc bị phản bội).

Hiện chúng ta đang nói về “tái cấu trúc” nền kinh tế Việt Nam, nhưng suy rộng ra thì lĩnh vực nào cũng đòi hỏi phải tái cấu trúc. Đã thấy rõ những tìm tòi trong xây dựng cấu trúc tiểu thuyết theo phương pháp “dòng ý thức” (Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh), phương pháp “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” (Phố Tàu của Thuận), phương pháp “gián cách” (Tấm ván phóng dao của Mạc Can), phương pháp “mã hóa” - chúng tôi tạm gọi (Trò chơi hủy diệt cảm xúc của Y Ban)… Tôi muốn dẫn lại ý kiến của Nguyên Ngọc nhận xét về tiểu thuyết “Khê Ma Ma” của Thái Bá Lợi để thấy rõ hơn tác dụng của “phép tỉnh lược” đối với xây dựng kết cấu tác phẩm “Thái Bá Lợi rất ít khi viết dài, rất ít khi anh để cho một cuốn sách của mình đi đến chỗ nói rốt ráo đến độ chẳng còn gì để nói tiếp nữa” (Lời bạt cho tiểu thuyết Khê Ma Ma).

Tạ Duy Anh trong một bài viết đã nhấn mạnh “Xu hướng ngắn, thu hẹp bề ngang, vừa khoan sâu chiều đọc, đa thanh hóa sự đối thoại, nhiều vỉa ý nghĩa, bi kịch thời đại được dồn nén trong một cuộc đời bình thường, không áp đặt chân lý là dễ thấy. Tiểu thuyết ít mô tả thế giới hơn là tạo ra một thế giới theo cách của nó. Ở đó con người có thể chiêm ngưỡng mình từ nhiều chiều hơn là chỉ thấy cái bóng của mình đổ dài xuống lịch sử” (Tiểu thuyết, cái nhìn cuối thế kỉ). Nhìn vào văn đàn hiện nay, có thể thấy các nhà văn nữ hiện nay ưa như Dạ Ngân, Vũ Thị Hồng, Thùy Dương, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Anh Thư, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Lê Hồng Nguyên, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Ngọc Tư,... đều ưa thích viết tiểu thuyết ngắn. Ngắn dường như hợp với “tạng” người và văn của phái nữ.
Tiểu thuyết ngắn, theo chúng tôi, có triển vọng. Tại sao không?!

Bài liên quan
  • Để lý luận phê bình sân khấu không còn thiếu và yếu
    Dù đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nghệ thuật sân khấu, thế nhưng đội ngũ lý luận phê bình (LLPB) sân khấu nước ta hiện nay vừa thiếu và yếu, vừa có dấu hiệu lệch hướng dẫn đến những hạn chế trong việc thúc đẩy sự phát triển đời sống sân khấu. Làm thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ LLPB sân khấu, qua đó cổ vũ sáng tác, định hướng thẩm mỹ cho công chúng, góp phần xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, đó cũng chính là những băn khoăn, trăn trở của không ít người trong giới nghề. Dưới đây là một số những chia sẻ của các văn nghệ sĩ xoay quanh vấn đề này.
(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Bánh tẻ Cầu Liêu – Món ăn thấm hồn quê của làng Thạch xá
    Vùng đất xứ Đoài không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, mà còn có nhiều món ăn ngon, trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của xứ Đoài, trong đó có món Bánh tẻ. Bánh tẻ xuất hiện sớm tại 2 địa danh của vùng xứ Đoài xưa là Cầu Liêu (Thạch Thất) và Phú Nhi (Sơn Tây). Nếu như bánh tẻ Phú Nhi được gói bằng lá dong, lá chuối như nhiều loại bánh tẻ khác thì bánh tẻ Cầu Liêu so với những nơi khác là bánh được gói bằng loại lá đặc biệt – lá tre mai.
  • Bản hòa ca Hà Nội qua tranh vẽ
    70 tác phẩm đa dạng về chất liệu từ màu nước, ký họa, lụa, sáp dầu... với chủ đề về Hà Nội sẽ được giới thiệu tới công chúng tại Trung tâm thông tin triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ 20/11 đến 28/11/2024.
  • Khai mạc triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”
    Chiều 18/11, tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh (số 29 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”.
  • Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
    Việc công nhận “Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường xã Kim Thượng, xã Xuân Đài” là Di sản văn hóa phi vật thể cũng đánh dấu hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa đặc trưng ở Phú Thọ.
  • Trưng bày chuyên đề “Hoàng đế Lê Thái Tổ - Người khai sáng vương triều Hậu Lê”
    Chào mừng Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), sáng 18/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề: “Hoàng đế Lê Thái Tổ - Người khai sáng vương triều Hậu Lê”. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Phong tới dự.
  • Khám phá Hà Nội qua triển lãm "Mười Bốn Art Show 2024"
    Triển lãm “Mười Bốn Art Show 2024” đang diễn ra tại không gian Aqua Art - Hanoi Aqua Central 44 Yên Phụ, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.
  • Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành chính thức nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
    Di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá Làng Vành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình vừa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
  • Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc
    Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
  • Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 khẳng định thương hiệu “Thành phố sáng tạo”
    Tối 17/11, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 “Giao lộ Sáng tạo” đã kết thúc với thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn trong lòng nhân dân Thủ đô và du khách.
  • [Podcast] Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam
    Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của “nguyên khí quốc gia”, nơi đây đào tạo sĩ tử và hơn thế nữa, là nơi tôn vinh nhân tài. Hiện nay, Di tích đặc biệt quan trọng này đang là nơi lưu giữ những hiện vật vô cùng giá trị: Bia Tiến sĩ là Bảo vật Quốc gia, Di sản tư liệu thế giới; Khuê Văn Các được chọn là Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội…
Triển vọng tiểu thuyết ngắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO