Để lý luận phê bình sân khấu không còn thiếu và yếu
Dù đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nghệ thuật sân khấu, thế nhưng đội ngũ lý luận phê bình (LLPB) sân khấu nước ta hiện nay vừa thiếu và yếu, vừa có dấu hiệu lệch hướng dẫn đến những hạn chế trong việc thúc đẩy sự phát triển đời sống sân khấu. Làm thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ LLPB sân khấu, qua đó cổ vũ sáng tác, định hướng thẩm mỹ cho công chúng, góp phần xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, đó cũng chính là những băn khoăn, trăn trở của không ít người trong giới nghề. Dưới đây là một số những chia sẻ của các văn nghệ sĩ xoay quanh vấn đề này.
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền: “Lý luận phê bình sân khấu không thể đứng ngoài rìa đời sống sân khấu”
Với vai trò là “ngọn roi quất con ngựa sân khấu nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung phi nước đại”, hay “dẫn dắt dư luận”, “định hướng”... nhưng hoạt động thực tiễn hiện nay lại cho thấy vị trí của LLPB sân khấu rất yếu trong hoạt động sân khấu. Nhà hát nào cũng có phòng Nghệ thuật, lãnh đạo nhà hát thấy kịch bản khả thi mới chọn dựng. Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở Văn hóa nào cũng có các Hội đồng thẩm định, chọn duyệt từ khi là kịch bản đến lúc vở diễn đã dàn dựng xong. Thế nhưng hoạt động LLPB hiện nay đang thiếu và rơi vào thế khó. Các GS, TS chuyên nghiên cứu về sân khấu thường viết dài cho thấu đáo và chỉ đăng được các trên tạp chí trong khi báo chí rất ngặt nghèo về số chữ, diện tích trên trang báo. Bài trong tạp chí khi ra dễ nguội bởi vở diễn không còn diễn. Các phóng viên sân khấu quá hiếm mà kiến thức LLPB sân khấu hầu như ít được trang bị.
Một nguyên nhân khác dẫn đến thiếu vắng LLPB sân khấu hiện nay còn do hoàn cảnh, quan niệm của các đơn vị sân khấu trọng về vở ăn khách với mục tiêu doanh thu. Một số (tuy không nhiều) sáng tạo vì thù lao hơn là vì nghệ thuật dẫn đến sự dễ dãi, mì ăn liền chứ không như những vở diễn xưa dàn dựng cả đôi ba tháng, đạo diễn bàn cùng tác giả, phân tích nhân vật cùng diễn viên.
Để LLPB sân khấu thực sự có vai trò, thiết nghĩ các đơn vị sân khấu, các hội đồng nghệ thuật cần có những nhà hoạt động sân khấu rành về LLPB, có trình độ, hiểu biết những vấn đề cơ bản của tác phẩm dưới góc độ khoa học và thực tiễn. Điều cần thiết nhất của LLPB sân khấu là giúp ê kip sáng tạo bảo đảm được tính thống nhất của vở diễn, nhấn được thông điệp của tác phẩm. Sân khấu cần sự thống nhất về thể tài, tính logic của sự phát triển hành động kịch chứ không thể là những trò mua vui cho khán giả.
Các nhà chọn, duyệt kịch thiết nghĩ cũng nên trung thành với sự chọn duyệt của mình, tránh tùy tiện chọn kịch bản một đằng, cấp phép cho vở diễn đã duyệt kịch bản một nẻo thành vở diễn khác. Khi nhà quản lý sân khấu không phải là khán giả am hiểu và có hiểu biết về LLPB sân khấu thì mãi mãi LLPB sân khấu vẫn đứng ngoài rìa đời sống sân khấu.
Tác giả Lệ Dung: “Cần xây dựng, bồi dưỡng để phát triển đội ngũ LLPB sân khấu”
Nhìn vào mặt bằng công tác LLPB hiện nay sẽ nhận thấy sự phân bổ lực lượng không đều giữa các loại hình, các cấp, các vùng miền. Trong đó lĩnh vực sân khấu thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Tính chuyên nghiệp của những người làm LLPB không cao, không đồng đều. Nhiều năm qua bài toán nâng cao chất lượng công tác LLPB sân khấu luôn được đề cập. Nhưng các giải pháp khắc phục vẫn chưa có hiệu quả, những khó khăn mà LLPB sân khấu đang gặp là đối diện với nguy cơ hiện hữu, đó là một sự quay lưng của giới sáng tác và công chúng yêu nghệ thuật. Thực trạng đội ngũ LLPB sân khấu hiện nay không tương xứng với đội ngũ sáng tác, không đáp ứng được yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo quần chúng nhân dân.
Để tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới thì việc xây dựng và phát triển đội ngũ LLPB trong đó có LLPB sân khấu là vô cùng cần thiết. Nâng cao chất lượng công tác LLPB sẽ góp phần thúc đẩy sáng tác, sáng tạo, tiếp nhận, thụ hưởng giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật của công chúng, có chủ trương rõ ràng. Giới chuyên môn đều nhìn nhận việc xây dựng phát triển đội ngũ LLPB sân khấu sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Thực trạng LLPB sân khấu hiện nay cho thấy đã đến lúc phải nhìn nhận sự thật và nên bắt đầu từ vấn đề đào tạo. Thời gian qua hội đồng LLPB văn học nghệ thuật Trung ương đã có sáng kiến kết hợp các đợt tập huấn và mở các lớp bồi dưỡng LLPB để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ. Đó là một ý tưởng, một tham vọng thiết thực và rất tốt. Nhưng hiệu quả thì đang còn phải theo dõi, chờ đợi. Nếu chỉ bằng bồi dưỡng nâng cao thì khó có thể tạo ra nhà LLPB như chúng ta kỳ vọng. Bồi dưỡng để phát triển đội ngũ LLPB văn học nghệ thuật là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Vấn đề còn là tư chất, năng khiếu cảm thụ, kiến thức và năng lực, cá tính của người cầm bút. Thiếu những phẩm chất này thì có lẽ học cả đời cũng khó trở thành nhà LLPB. Vì vậy việc bồi dưỡng nhằm kích thích sở trưởng, để trao đổi kinh nghiệm thẩm mỹ và phát triển các nhân tố mới.
Đạo diễn Hoàng Thanh Du: “Tiếp thu có sáng tạo thành tựu của các hệ hình lý luận phê bình trên thế giới”
Nghệ thuật sân khấu và LLPB sân khấu không thể tách rời mà luôn song hành… bởi LLPB là tấm gương soi rọi phản chiếu làm rõ những sáng tạo của nghệ thuật sân khấu.
Hiện nay LLPB sân khấu có vẻ như đang chìm dần, và để “chữa trị” căn bệnh trầm kha thì rất cần mở rộng, tiếp thu và vận dụng có sáng tạo các hệ hình LLPB đồng thời cần tăng cường tính đối thoại, bình đẳng, tranh luận trong hoạt động của nghệ thuật sân khấu.
Để LLPB sân khấu phát triển và hòa nhập với xu hướng chung của văn học nghệ thuật thì hơn ai hết các nhà LLPB cần phải tiếp thu có sáng tạo các thành tựu của các hệ hình phê bình trên thế giới như: Phê bình thi pháp học, phê bình phân tâm học, phê bình cấu trúc học, phê bình bản thể luận, phê bình ký hiệu học, phê bình hậu hiện đại... Nếu người viết LLPB sân khấu nghèo nàn trong sự hiểu biết về các hệ hình LLPB sân khấu và chỉ vận dụng một hệ hình LLPB để đánh giá các tác phẩm sân khấu sẽ dẫn đến tình trạng LLPB sân khấu trở nên lạc hậu và độc tôn, không khám phá được những giá trị sáng tạo mới lạ tìm tòi của các vở diễn sân khấu. Điều này chẳng khác gì một người chỉ có trong tay duy nhất một chiếc chìa khóa nên không thể mở được nhiều cánh cửa của những căn phòng bí ẩn khác nhau…
Đích cuối cùng của các hoạt động văn học nghệ thuật cũng như sân khấu là tác phẩm (đối với ê kíp sáng tạo và biểu diễn). Và LLPB sân khấu chính là công việc song hành gạn lọc tìm ra định hướng thẩm mỹ khích lệ khán giả đến rạp tự thẩm định một tác phẩm sân khấu… Có những tác phẩm sân khấu mà Nhà nước đặt hàng dàn dựng xong đi liên hoan kiếm huy chương nhưng về lại cất kho. Nên chăng, cần tính đến hiệu quả phổ cập của các tác phẩm sân khấu được dàn dựng đến với khán giả; đặt ra chỉ tiêu số đêm diễn, số lượng khán giả cho một vở diễn được đặt hàng. Như thế vừa không lãng phí vật chất, và quan trọng hơn, không lãng phí năng lượng tinh thần của xã hội, khi mà tác phẩm cứ hết sức làng nhàng mà tiền thì vẫn đầu tư. Và lúc ấy vai trò chức năng LLPB sân khấu sẽ có tác dụng và phát triển luôn và ngay.
Nhà báo Thúy Hiền: “Khen chê cho đích đáng để giới nghề và công chúng “tâm phục khẩu phục”
Tạo nên diện mạo viết về sân khấu trên báo chí hiện nay có hai lực lượng: Lực lượng LLPB sân khấu và lực lượng các nhà báo. Trong bối cảnh LLPB sân khấu bị trầm lắng thì chính báo chí lại góp phần duy trì sự tồn tại của lý luận phê bình. Để nâng cao chất lượng LLPB sân khấu, Ban Biên tập các báo, tạp chí có chuyên mục văn hóa nghệ thuật cần có chính sách thu hút những cây bút LLPB sân khấu, có chế độ nhuận bút cao hơn đối với những bài phê bình có chất lượng, tạo dư luận xã hội.
Bản thân các nhà LLPB cũng cần có sự đổi mới để phù hợp với xu thế viết hiện đại sao cho bài viết phê bình ngắn gọn, súc tích và biểu đạt được trúng vấn đề đưa ra. Không thể viết dựa, nói dựa theo người khác mà cũng không thể cầm bút viết khi chưa xem, chưa đọc tác phẩm một cách kỹ lưỡng. Chính những yêu cầu sát sao của Ban Biên tập đòi hỏi mỗi phóng viên phải tự trau dồi, đào sâu suy nghĩ trong từng bài viết.
Trong lĩnh vực đào tạo đội ngũ LLPB sân khấu, các hội chuyên ngành cần chủ động có chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng viết về các tác phẩm sân khấu cho các nhà báo đang công tác trong lĩnh vực VHNT; mở rộng các chương trình giao lưu giữa tác giả, tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nắm lấy lực lượng nhà báo trẻ và bổ sung các kiến thức phê bình sân khấu cho họ sẽ giúp cho họ củng cố được tay nghề cũng như ngòi bút phê bình có trọng lượng hơn.
Bên cạnh đó, Ban Biên tập các báo, tạp chí chuyên ngành cũng cần chặt chẽ hơn đối với khâu kiểm duyệt bài vở để tránh những bài viết mang tính cá nhân, thiếu khách quan của người viết hoặc những bài viết mang tính PR, lá cải… Đào tạo phóng viên chuyên sâu về sân khấu mới có thể tạo nên những tác dụng mạnh mẽ và có hiệu quả đối với việc định hướng sân khấu phát triển đúng hướng.
Các nhà LLPB sân khấu có tên tuổi nên xắn tay vào làm điểm tựa giúp cho lực lượng các nhà báo theo dõi văn nghệ trong các tờ báo. Bản thân các nhà báo được phân công theo dõi sân khấu ở các tờ báo cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tự tìm tòi, lăn lộn thâm nhập vào đời sống VHNT để trau dồi những kiến thức về lĩnh vực mà mình được phân công theo dõi. Làm báo không ngoài hai chữ khen chê, vậy nên khen chê thế nào cho đích đáng để đối tượng được viết cũng như công chúng “tâm phục khẩu phục” là cả một sự nỗ lực, trau dồi nghề nghiệp của bản thân cá nhân từng nhà báo.