Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: “Viết cho thiếu nhi thật ra không dễ chút nào”
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên “khởi nghiệp văn chương” từ năm 2008 và những năm gần đây đặc biệt gây tiếng vang với những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Ngòi bút tinh tế, trong trẻo, dí dỏm thấm đượm tình yêu, lòng ham học hỏi đã chinh phục hàng ngàn trái tim độc giả, đặc biệt là độc giả thiếu nhi - thiếu niên. Không chỉ vậy, các tác phẩm của chị cũng được giới chuyên môn đánh giá cao và gặt hái nhiều giải thưởng. Cùng phóng viên Người Hà Nội lắng nghe chia sẻ của chị xung quanh những “đứa con tinh thần” mà chị đã dày công ấp ủ…
PV: Trong những năm đầu sự nghiệp văn chương của mình, chị đã có những tập truyện ngắn đầy ma mị, nội tâm, kiệm lời như trong “Con tàu đi tìm sân ga”, “Cỏ đồi phương Đông”. Điều gì khiến chị rẽ hướng sang một cảm hứng sáng tác khác, về đất nước, con người, thiên nhiên và đặc biệt là chủ đề biển đảo cho nhóm độc giả thiếu nhi?
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Khi bắt đầu viết văn, cũng như nhiều cây bút trẻ khác, Quyên đã chọn viết về mình nhiều hơn, từ ký ức tuổi thơ hay những cảm xúc, suy niệm của tuổi trẻ về thế giới quan xung quanh. Nhìn lại những năm đôi mươi của mình, bằng văn chương, Quyên cũng đã thể hiện những tư tưởng, suy nghĩ của mình tại thời điểm đó qua những tác phẩm mình viết. Lúc đó Quyên nghĩ viết cho thiếu nhi thật ra không dễ chút nào. Tác phẩm cho thiếu nhi không chỉ cần những câu chuyện đơn giản, hài hước mà còn cần có một chút phiêu lưu khám phá, gợi mở trí tưởng tượng, ly kỳ, hồi hộp… Tác phẩm có thể truyền tải những thông điệp nhân văn nhưng đều phải rất khéo léo, nhẹ nhàng, tinh tế. Ngôn ngữ cần trong sáng dễ hiểu nhưng cũng cần giàu cảm xúc, giàu hình ảnh... Bởi trẻ em không giống người lớn, nếu đọc một vài trang sách đầu mà các bé không thích là sẽ không đọc nữa. Hiểu rõ như thế nên thời điểm cảm thấy chưa đủ khả năng cũng như sự tự tin, mình chưa thể viết cho các em được. Với mình cho dù có viết bao nhiêu cuốn sách cho người lớn đi nữa thì bắt tay vào viết cho trẻ nhỏ vẫn là thử thách cực kỳ lớn, và mình phải vượt qua chính mình trước đã.
Cho đến năm 2019, khi cùng đoàn công tác đến Trường Sa, được quan sát, trải nghiệm, tiếp nhận rất nhiều kiến thức, và đặc biệt những cảm xúc dâng trào đã khiến Quyên quyết định viết truyện dài thiếu nhi “Cà Nóng chu du Trường Sa”. Đề tài biển đảo đã được các nhà văn đi trước khai thác nhiều, qua các tập truyện ngắn, tản văn, bút ký… Nhưng thời điểm đó lại có rất ít sách về Trường Sa dành cho trẻ nhỏ. Vậy nên khi trở về, Quyên đã chọn viết một cuốn sách dành cho thiếu nhi về đề tài này.
PV: Chị đã phải làm quen với phương pháp sáng tác mới cho độc giả thiếu nhi như thế nào và thử thách lớn nhất trong quá trình ấy với chị là gì?
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Khi đặt bút viết, Quyên chưa nghĩ nhiều về việc mình sẽ thay đổi phong cách sáng tác như thế nào mà chỉ đơn thuần muốn kể một câu chuyện về Trường Sa. Thử thách lớn nhất với mình là làm thế nào để mềm hóa câu chuyện, xử lý tư liệu ra sao cũng như truyền tải những thông điệp lớn lao mà không bị khô cứng hay sa vào tuyên truyền.
Để hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi, Quyên đã nhân cách hóa các nhân vật là những chiếc máy ảnh. Nhóm bạn Cà Nóng, Ni, So, Meica đã có một hải trình đặc biệt, khám phá, phát hiện những điều mới lạ. Chúng cũng có những giấc mơ, hoài bão, lý tưởng sống và cả tiếc nuối, những điều khao khát nhưng không thể thực hiện được... Quyên cố gắng gửi gắm vào tác phẩm một cách trọn vẹn những thông điệp, rung động mà trên tất cả là tình yêu dành cho Trường Sa, cho biển đảo và lớn lao hơn là tình yêu dành cho quê hương đất nước.
PV: Và chị đã quyết định chọn những điểm thú vị như những chiếc máy ảnh trong truyện “Cà Nóng chu du Trường Sa” hay chú chó nhỏ Phong Ba trong “Trường Sa! Biển ấy là của mình” và chú chó Hùm Xám trong “Hùm Xám qua sông” để bắt đầu hành trình chinh phục độc giả nhỏ nhỏ tuổi?
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: “Cà nóng chu du Trường Sa” là tập truyện dài đầu tay mà Quyên mất 6 tháng để nghĩ ý tưởng và 6 tháng nữa để viết. Trong suốt hải trình, mình dự định nhân vật chính là thiên nhiên, sinh vật biển hay thực vật trên quần đảo Trường Sa nhưng khi bắt tay vào triển khai thì thấy không ổn. Cảm xúc bế tắc đã theo mình rất nhiều tháng vì nếu không có nhân vật thì không thể làm được tác phẩm. Khi ấy mình đã mở máy ảnh ra xem lại những tấm hình chụp trong chuyến đi để có thêm cảm hứng thì bỗng ngỡ ngàng nhận ra: “À! Thì ra trên hải trình Trường Sa đó ngoài bản thân và những người xung quanh thì chiếc máy ảnh này luôn gắn bó với mình. Đi đâu cũng mang theo”. Từ đó “Cà Nóng chu du Trường Sa” ra đời với nhân vật chính là Cà Nóng, cùng nhiều nhân vật máy ảnh khác với góc ống kính, chức năng, tính năng khác nhau của các dòng máy ảnh khác nhau.
Ý tưởng về chú chó nhỏ Phong Ba xuất phát từ những chú chó ở Trường Sa. Điểm nhìn của Cà Nóng là nhân vật từ đất liền đi khám phá biển đảo, còn điểm nhìn của Phong Ba là một chú chó ở Trường Sa hướng về đất liền.
Còn chú chó Hùm xám trong “Hùm Xám qua sông” thì lại khác. Vào một buổi chiều cuối năm 2020 mình đi công tác qua sông Lòng Tàu (Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) và thấy chú chó miền sông nước đang đứng trên đầu chiếc tắc ráng (tên một loại xuồng làm bằng gỗ) băng băng trên sóng như một chiến binh. Hình ảnh ấy đẹp đến mức ngay khoảnh khắc ấy, mình đã nghĩ rằng sẽ viết một tác phẩm lấy chú chó làm nhân vật chính và qua đó, kể với các em nhỏ câu chuyện về lịch sử văn hóa miền Tây Nam bộ, của những dòng sông, những cuộc khẩn hoang, những lễ hội văn hóa biển… Cuộc gặp gỡ tình cờ này như một duyên may trong hành trình sáng tác của mình.
PV: Trong tác phẩm “Cà Nóng chu du Trường Sa”, chị sử dụng ngôn từ hết sức giản dị, súc tích mà đầy sức gợi, đồng thời tác phẩm cũng giàu những thông tin về địa lí, lịch sử, văn hóa...Phải chăng công việc của một nhà báo đã tác động đến bút lực cũng như ngôn ngữ văn chương và tư duy sáng tác của chị?
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Công việc nhà báo tạo ra cơ hội cho người cầm bút được đi rất nhiều nơi, gặp gỡ rất nhiều người. Còn ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ văn chương khác nhau hoàn toàn, báo chí cần tính chính xác, khách quan, đôi khi không cần dùng đến nhiều tính từ. Còn văn chương là cảm xúc, sự sáng tạo và trí tưởng tượng. Nếu có một sự bổ trợ thì đó chính là nghề báo rèn luyện sự quan sát, óc phân tích tổng hợp cũng như được tiếp cận nhiều nguồn thông tin tư liệu quý. Quyên đã chọn văn chương để song hành với mình như một sự nghiệp nên nếu không làm báo mình cũng viết văn. Và thật ra, mình luôn tách biệt hai công việc này, một bên gắn với vai trò xã hội và những mối quan hệ còn một bên là thế giới tĩnh tại, lặng lẽ của riêng mình. Vì viết văn luôn là một hành trình rất đơn độc của mỗi người cầm bút.
PV: Thời gian gần đây, dòng sách văn học thiếu nhi đang nhận được nhiều sự quan tâm và được nhiều tác giả định hướng theo đuổi. Là một tác giả đã gặt hái được ít nhiều thành công từ thể loại truyện đồng thoại cho thiếu nhi, vậy trong tương lai chị có tiếp tục theo đuổi thể loại này?
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Quyên cảm thấy rất may mắn vì các tác phẩm của mình được bạn đọc đón nhận và yêu mến đến như vậy. Đó vừa là niềm vui vừa là trách nhiệm và động lực. Mình chưa thể nói trước về những cuốn sách chưa ra mắt nhưng có thể nói rằng Quyên vẫn đang viết tiếp và còn nhiều ý tưởng dành cho văn học thiếu nhi. Quyên luôn nghĩ rằng, đối với văn chương thì không có gì gấp hết, khi nào trong lòng mình đầy cảm xúc và những câu chuyện mình kể thật sự chinh phục được bản thân mình trước tiên thì mình sẽ gửi tới độc giả. Tương lai mình sẽ tiếp tục viết cả cho cả thiếu nhi lẫn người trưởng thành nhưng tác phẩm nào ra trước có lẽ còn chờ duyên may của tác phẩm đó nữa (cười).
Xin chân thành cảm ơn chị!