Lý luận - phê bình

Thiên anh hùng ca Điện Biên Phủ: Nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Thụy Phương 06/05/2024 11:19

Chiến thắng Điện Biên Phủ “là một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử”. Góp vào chiến công vang dội ấy không thể không nhắc đến các văn nghệ sĩ - những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Nhìn lại thắng lợi vẻ vang của cuộc chiến tranh toàn dân này từ điểm nhìn 70 năm sau chiến thắng, có thể thấy rõ dấu ấn của văn học nghệ thuật viết về đề tài Điện Biên Phủ trải đều trên khắp các loại hình văn học nghệ thuật, từ văn chương cho đến âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, kiến trúc, điện ảnh…

toan-canh-doi-a1-voi-nhung-dau-tich-con-nguyen-ven-tu-tran-danh-lich-su-dien-bien-phu..jpg

Theo PGS. TS Trần Thị An - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, dẫu chưa có một công trình sưu tập toàn diện ca dao, dân ca về đề tài/ phục vụ cho chiến dịch Điện Biên, tuy nhiên, thông qua một số bài ca dao không nhiều và qua một số ghi chép và sáng tác văn học khác, có thể nói, ca dao, dân ca là một nguồn lực tinh thần to lớn, có giá trị động viên, cổ vũ tinh thần toàn dân đi tới thắng lợi cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

tieu-thuyet-nguoi-nguoi-lop-lop-cua-nha-van-tran-dan.jpg
Tiểu thuyết “Người người lớp lớp” của nhà văn Trần Dần

Ngay trong những ngày tháng bom đạn khốc liệt của chiến dịch, văn học nghệ thuật đã có mặt cùng các chiến sĩ. Đó là những văn nghệ sĩ đã trực tiếp ra trận, sáng tác văn học nghệ thuật để khích lệ tinh thần các chiến sĩ, ghi lại những giờ phút hào hùng của dân tộc.
Ở lĩnh vực văn học, sự kiện lịch sử trọng đại Điện Biên Phủ “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” đã được tái hiện qua nhiều thể loại khác nhau từ tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký, ghi chép, tùy bút, tản văn... Trong ngôn ngữ tiểu thuyết, Trần Dần đã có những trang viết nóng hổi về sự kiện này với 3 tập tiểu thuyết “Người người lớp lớp” xuất bản 1954 - 1955. Nguyễn Huy Tưởng với “Bốn năm sau” (1959) cũng đã phản ánh chân thực công cuộc tái thiết Tây Bắc của các chiến sĩ từng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa. Còn Hữu Mai với “Cao điểm cuối cùng” (1961) đã tái hiện không gian khốc liệt trong cuộc chiến của ta với địch ở đồi A1. Ngoài ra, còn có các tiểu thuyết “Dòng sông”(1955) của Nguyễn Chân, “Truyện một người bị bắt”(1957) của Vũ Cao, “Thồ lên Điện Biên” (1957) của Đào Phương, “Điện Biên Phủ - bản hùng ca chiến thắng” (2022) của Cao Văn Liên, “Vầng trăng Him Lam” (2023) của Châu La Việt...

Nhìn lại dòng chảy thơ Việt Nam về đề tài Điện Biên Phủ, ThS. Lê Thùy Giang - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điện Biên nhận định: “Mỗi bài thơ có một cách khai thác, từ góc nhìn cá nhân của cái tôi trữ tình khác nhau, nhưng đều góp phần tái hiện lại những năm tháng đau thương mà hào hùng của dân tộc, xây dựng được tượng đài những người anh hùng dân tộc cùng với cảm hứng ngợi ca không bao giờ vơi cạn. Tượng đài đó sừng sững trong thơ, tạc vào thế núi, in lên trời xanh đã khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự tôn, tự hào dân tộc trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam”.

ca-nuoc-ra-tran.jpg
Cả nước ra trận - Tượng của Lưu Danh Thanh - 2003.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ sáng tác ra những tác phẩm âm nhạc. Có thể nói đây là giai đoạn tập trung nhiều tài năng nhất của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Đã có rất nhiều tác phẩm âm nhạc đặc sắc ra đời tạo thành bản đại hợp xướng ca ngợi Tây Bắc anh hùng, ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ và cho đến nay vẫn đi cùng năm tháng. Có thể kể tới “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”, “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận; “Trường ca Sông Lô” của nhạc sĩ Văn Cao, “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân, “Mừng chiến thắng Tây Bắc” của Đặng Đình Hưng, “Chiến sĩ Tây Bắc” hành khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, “Tây Bắc sáng lại” của nhạc sĩ Trọng Bằng, “Tình ca Tây Bắc” của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh (phỏng thơ Cầm Giang), “Em bé Mường La” của Trần Ngọc Xương…

Điểm lại một số bức ảnh chụp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ThS. NSNA Hồ Sĩ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống cho hay, các nhà nhiếp ảnh tham gia ở Chiến dịch Điện Biên Phủ không nhiều, cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng họ đã làm được những điều vĩ đại để lại cho lịch sử một kho tàng tư liệu ảnh vô giá, điển hình như NSNA Triệu Đại, Nguyễn Đình Ưu, Đinh Ngọc Thông; và các nhà quay phim, kiêm chụp ảnh như Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Đăng Bẩy…

mot-canh-trong-phim-ky-uc-dien-bien.jpg
Một cảnh trong phim “Ký ức Điện Biên”

Qua những bức ảnh được xem như di sản nhiếp ảnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ như: “Lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries”, “Toàn cảnh chiến thắng Him Lam” hay bức ảnh cận cảnh đồi Him Lam, NSNA Hồ Sỹ Minh nhận xét: Các nhà nhiếp ảnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã sử dụng hình ảnh để truyền đạt thông điệp và cảm xúc một cách mạnh mẽ, gợi lên sự chân thực và cảm động trong chiến dịch.

Trong lĩnh vực mỹ thuật, đã có nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc đóng góp sáng tạo của mình với đề tài Điện Biên Phủ. Có thể kể đến “Tô Vĩnh Diện chèn pháo”, “Kéo pháo” của Dương Hướng Minh, “Kéo pháo Điện Biên” của Trần Đình Thọ, “Việt Bắc” của Đào Đức, “Tiễn nhau đi dân công” của Lưu Văn Sìn, “Cả nước ra trận” của Lưu Danh Thanh. Đáng chú ý, tình cảm quân và dân gắn bó khăng khít, đùm bọc lẫn nhau trong thời chiến được các hoạ sĩ diễn tả qua các tác phẩm “Tình quân dân” của Nguyễn Sáng, “Đường lên Điện Biên” của Trần Khánh Chương… Nhiều tác phẩm khắc họa sâu sắc và tái hiện sinh động những trận đánh hào hùng, oanh liệt tại chiến trường như “Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ” của Nguyễn Thế Vị, “Điện Biên năm ấy” của Cao Trọng Thiềm… Bên cạnh đó, còn có những tác phẩm kinh điển về tinh thần anh dũng chiến đấu như “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng, “Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng” của Lê Vinh, và đặc biệt là chùm ký họa chiến trường Điện Biên Phủ của họa sĩ Tô Ngọc Vân… Đáng chú ý, nhiều tác phẩm chất lượng được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia và các bảo tàng địa phương, tư nhân, góp phần lan tỏa giá trị chiến thắng vĩ đại cho công chúng hôm nay cũng như thế hệ mai sau.
Nhắc tới những sáng tác về đề tài Điện Biên Phủ, không thể không nhắc tới những tác phẩm điện ảnh. Mảng phim tài liệu có thể kể tới “Chuyện những người lính già”, “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn hòa bình”, “Cột mốc vàng Điện Biên Phủ” “Địa chấn ở Điện Biên”, “Câu chuyện trên đồi A1”, “Điện Biên Phủ ngày nay”. Đặc biệt, còn có phim của tác giả “ở bên kia chiến tuyến” thực hiện. Đó là phim tài liệu Điện Biên Phủ - “Cuộc chiến giữa hổ và voi” của đạo diễn người Pháp Daniel Roussel và bộ phim tài liệu “Điện Biên Phủ” của đạo diễn Pierre Shoendorfer - người trực tiếp tham chiến của quân đội Pháp ở chiến trường Điện Biên.

Mảng phim truyện điện ảnh cũng đã ghi dấu với bộ phim “Hoa ban đỏ” (đạo diễn, NSND Bạch Diệp), “Kí ức Điện Biên” (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn), “Sống cùng lịch sử” (đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, kịch bản: Đoàn Minh Tuấn). Phim truyền hình có “Đường lên Điện Biên”dài 26 tập của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (kịch bản: Lê Ngọc Minh - Khuất Quang Thụy - Bùi Tuấn Dũng) được sản xuất phát sóng vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2014).

Đáng chú ý, dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hãng phim hoạt hình Việt Nam đang gấp rút hoàn thành 2 bộ phim hoạt hình cắt giấy “Lời hứa Điện Biên” và “Chiếc xe thồ Điện Biên”. Mong muốn của những người làm phim này đó là giúp khán giả nhỏ tuổi hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và giải phóng Điện Biên qua đó tiếp thêm tình yêu quê hương đất nước và tự hào dân tộc cho các em nhỏ.

Đề cập tới những đóng góp của giới kiến trúc đối với vùng đất Điện Biên trong 70 năm qua, TS. Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay, từ ngày chiến thắng làm nên thiên sử vàng Điện Biên Phủ, vai trò kiến trúc đã có đất dụng võ. Những người làm kiến trúc cách mạng ở Việt Nam đã luôn luôn đau đáu, tâm huyết, trí tuệ đóng góp cho mảnh đất này và những tác phẩm kiến trúc mọc lên ở đây chính là một minh chứng.

Tiêu biểu là việc thiết kế quy hoạch lại thành phố Điện Biên và các vùng đất bị tàn phá trong chiến tranh; quy hoạch tôn tạo các vùng di tích: Mường Phăng, những ngọn đồi chiến tích, khu hầm De Castries, các khu nghĩa trang Liệt sĩ (Đồi A1, Độc Lập, Him Lam, Tông Khao). Từ những quy hoạch mang tính chuyên sâu nghệ thuật kiến trúc bài bản này, những đường phố được hình thành, những vùng dân được an cư, những nền tảng văn hóa được tôn tạo, những nhà máy được mọc lên, những trường học, bệnh viện, công viên được dựng hình... “Những sáng tạo đó được thực hiện ngay sau lời ca “Giải phóng Điện Biên, Bộ đội ta tiến quân trở về...”, rồi theo suốt hành trình từ đó đến nay, bồi đắp hoàn thiện, bổ sung thêm tác phẩm mới. Giá trị những tác phẩm này hầu hết đã đáp ứng được tính kịp thời, chất nghệ thuật, vì vậy cho đến hôm nay vẫn được cộng đồng công nhận, tôn vinh và trân trọng”, KTS Phan Đăng Sơn khẳng định.

Ở lĩnh vực sân khấu, những tác phẩm nghệ thuật về đề tài Điện Biên Phủ cũng đã ghi được nhiều dấu ấn. Đầu tiên phải kể tới vở chèo “Mối tình Điện Biên” (tác giả Lưu Quang Thuận). Tiếp đó là các vở “Bài ca Điện Biên” (kịch bản: Tất Đạt, tổng đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang), “Thông điệp từ Điện Biên” (tác giả: Nguyễn Khắc Phục, tổng đạo diễn: NSND Lê Hùng, cố vấn nghệ thuật: NSND - TS. Đình Quang).

Năm 2024, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã nỗ lực để ra mắt vở diễn “Điện Biên vẫy gọi” (kịch bản: PGS. Tất Thắng; đạo diễn: NSND Lê Hùng). Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã tái hiện sinh động chiến dịch Điện Biên Phủ qua chương trình xiếc đặc biệt mang tên “Sống mãi với Điện Biên” (kịch bản và đạo diễn: NSND Tống Toàn Thắng). Cùng làm đậm thêm ký ức về bản anh hùng ca Điện Biên Phủ trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử này, còn có vở chèo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của Nhà hát Chèo Quân đội (kịch bản: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSND Thúy Mùi) và vở diễn “Mệnh lệnh từ trái tim” của Sân khấu Lệ Ngọc từ kịch bản của tác giả Nguyễn Thanh Bình.
Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên những đỉnh cao trong văn học nghệ thuật thời kỳ chống Pháp nói riêng, văn học nghệ thuật của dân tộc Việt Nam nói chung. Như nhận định của NSND, họa sĩ Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT thì: “Từ lâu, cái tên Điện Biên Phủ đã là niềm cảm hứng to lớn cho văn học nghệ thuật, đã có biết bao tác phẩm thành công, sống mãi cùng đất nước và dân tộc. Có lẽ, hiếm một chiến thắng quân sự nào lại thu hút nhiều cảm xúc của văn nghệ sĩ (các lĩnh vực) đến thế. Không chỉ văn nghệ sĩ trong nước, nhiều nghệ sĩ nước ngoài cũng lấy Điện Biên Phủ làm cảm hứng sáng tạo và đã mang lại thành công.

canh-trong-vo-dien-dien-bien-vay-goi-nha-hat-kich-quan-doi.jpg
Cảnh trong vở diễn “Điện Biên vẫy gọi” - Nhà hát kịch Quân đội

70 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất Điện Biên huyền thoại vẫn như một suối nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận đối với các văn nghệ sĩ. Những dấu ấn của văn học nghệ thuật về đề tài Điện Biên từ 1954 đến nay chính là nền tảng góp phần thúc đẩy sự thăng hoa, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn nghệ sĩ để từ đó, nâng cao chất lượng tác phẩm, tiếp tục có thêm nhiều sáng tác để đời về Điện Biên Phủ./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Mở cánh cửa trong kỷ nguyên số
    Trong tình hình ảm đạm của sân khấu hiện nay, lý luận phê bình (LLPB) cũng thưa thớt theo. Vẫn còn đó những nhà lý luận sắc sảo và có đầy đủ kiến thức chuyên sâu trong nghề, nhưng họ gần như không còn đất để dụng võ.
  • “Phê” cho hợp tình, “bình” cho thấu đáo
    ghệ thuật biểu diễn gồm các loại hình nghệ thuật phong phú như: kịch hát, kịch nói, trình diễn ca múa nhạc, sân khấu, xiếc, ảo thuật…
  • Vừa tỉnh vừa mê với “Thuốc mê” của Thâm Tâm
    Câu chuyện mỏng mảnh, ngắn gọn, mà nhà thơ Thâm Tâm gợi ra được những sắc thái ly kỳ, hồi hộp. Nhưng vừa ngả theo hướng truyện phiêu lưu, điều tra, lại vừa gài được chất tình của chuyện yêu đương quyến luyến nam nữ, mà không ngả ngớn, “sến sẩm” ướt át. Liên tưởng trong đời sống hiện đại hôm nay, tiểu thuyết “Thuốc mê” vẫn nhắc hỏi ta về việc sống như thế nào cho ra con người, giữa biết bao nhiêu áp lực và ràng buộc.
  • Độc đáo thơ đố của Phạm Đình Ân
    Nhà thơ Phạm Đình Ân là tác giả thơ trữ tình, phê bình văn học, thơ văn dành cho thiếu nhi... lĩnh vực nào ông cũng có đóng góp. Riêng viết cho thiếu nhi, ông là một tác giả nổi trội, bền bỉ sáng tác suốt gần 50 năm qua, đạt nhiều thành tựu. “Vui cùng thơ đố” (NXB Phụ nữ, 2023) là tập thơ thứ hai của Phạm Đình Ân về thơ đố, cũng là đầu sách thứ hai mươi của tác giả này dành cho thiếu nhi - không kể 20 tập sách hợp thành ba đầu sách biên soạn.
  • Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: “Viết cho thiếu nhi thật ra không dễ chút nào”
    Nhà văn Bùi Tiểu Quyên “khởi nghiệp văn chương” từ năm 2008 và những năm gần đây đặc biệt gây tiếng vang với những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Ngòi bút tinh tế, trong trẻo, dí dỏm thấm đượm tình yêu, lòng ham học hỏi đã chinh phục hàng ngàn trái tim độc giả, đặc biệt là độc giả thiếu nhi - thiếu niên. Không chỉ vậy, các tác phẩm của chị cũng được giới chuyên môn đánh giá cao và gặt hái nhiều giải thưởng. Cùng phóng viên Người Hà Nội lắng nghe chia sẻ của chị xung quanh những “đứa con tinh thần” mà chị đã dày công ấp ủ…
  • Làm báo nơi vùng giải phóng
    Tôi học và bắt đầu viết báo từ năm 1974, tại một vùng đất mới giải phóng - đó là Quảng Trị. Nơi ấy lúc bấy giờ là miền đất đói nghèo, đau thương nhưng cũng biết mấy can trường, biết bao thương nhớ… Nói như nhà thơ Chế Lan Viên, ấy là vùng quê: “Những đồi tranh ăn độc gió Lào/ Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người/ Cuộc sống gian lao, ít tiếng nói cười/ Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng…”.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thiên anh hùng ca Điện Biên Phủ: Nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO