Lý luận - phê bình

Thêm một nỗi niềm cho Tây Bắc

Lời bình của Hương Giang 15/05/2024 21:01

Trước khi đọc “Ta còn em Tây Bắc” của Nguyễn Việt Chiến, tôi tự hỏi: đây là bài thơ viết về điều còn lại của “ta” hay là bài thơ ngợi ca Tây Bắc? Nhưng có lẽ, bài thơ không đơn thuần gợi mở chừng ấy cách nghĩ.

anh-tay-bac-2.jpg

Ngược rừng lên Tây Bắc
Những lũng, đèo mù sương
Núi như ngàn vò rượu
Xếp ngổn ngang bên đường


Em là men rượu lá
Tiếng khèn mùa trăng xưa
Để tình anh Tây Bắc
Thơm nếp xôi bốn mùa


Mắt mòn chiều vó ngựa
Áo chàm em về đâu
Những cánh rừng thổ cẩm
Mộc Châu rồi Yên Châu


Ta nhớ em Tây Bắc
Hoa ban chiều như mưa
Những người lính nằm lại
Mường Thanh xanh đến giờ


Họ như vừa ngã xuống
Tiếng khèn kia trên môi
Vầng trăng xưa còn đợi
Vó ngựa xưa trên đồi


Ta còn em… như họ
Mùa ban rừng tháng năm
Qua nhọc nhằn đá núi
Mơ giấc mơ vĩnh hằng

Ta còn em Tây Bắc - Nguyễn Việt Chiến

Trước khi đọc “Ta còn em Tây Bắc” của Nguyễn Việt Chiến, tôi tự hỏi: đây là bài thơ viết về điều còn lại của “ta” hay là bài thơ ngợi ca Tây Bắc? Nhưng có lẽ, bài thơ không đơn thuần gợi mở chừng ấy cách nghĩ. Bởi nếu chỉ nghĩ “ta còn em” thì sẽ gợi sự mất mát quá nhiều trong chủ thể trữ tình, mà để tâm quá nhiều vào một Tây Bắc được khắc họa bằng những nét đặc trưng của xứ sở thì sẽ làm mờ đi dụng ý tâm tư của người viết. Có lẽ đó chỉ là cú chạm ban đầu với tác phẩm khi những suy đoán đều mang tính chủ quan.

Ngay từ nhan đề, điều gì đã tự gợi mở? Đó là cách diễn đạt khẳng định: “Ta còn em Tây Bắc”. “Ta” thoát khỏi “tôi” nhỏ bé, một bản ngã đã được mở rộng hay chăng là “chúng ta” - nhân xưng cho một cộng đồng, tập thể, lớn hơn là đất nước, dân tộc? Nhan đề gợi ra nhiều tầng nghĩa, có thể giải mã theo nghĩa ta mất hết, còn duy nhất em là điểm tựa, hoặc ta tự hào vì ta có em - một vùng Tây Bắc mang đậm dấu ấn bản sắc Việt như đã suy đoán ban đầu? Ở đây, “em”- “Tây Bắc” đóng vai trò đối tượng trữ tình, “ta” là chủ thể mang nhiều suy tư của kẻ lữ hành. Tuy nhiên, tên bài thơ vẫn là sợi chỉ nhỏ dẫn tới một cách để giải mã toàn bộ bài thơ, là tín hiệu đọc một bài thơ.

Mở đầu là một thi ảnh đẹp:

Ngược rừng lên Tây Bắc
Những lũng, đèo mù sương
Núi như ngàn vò rượu
Xếp ngổn ngang bên đường

Chủ thể không xuất hiện, ẩn giấu đi nhưng vẫn có thể hình dung được “ta” đang xê dịch trên hành trình “ngược rừng lên Tây Bắc”. Để miêu tả về nét đặc trưng của vùng núi, có lẽ từ “ngược” cũng đã đủ sức nặng để khái quát được toàn bộ hình ảnh của núi rừng. Nơi ấy luôn là sự hiện hữu của lũng đèo và sương mù giăng khuất. So sánh “Núi như ngàn vò rượu/ Xếp ngổn ngang bên đường” đã khiến cho những bức tranh tương ứng đồng hiện sinh động. Một bức là thiên nhiên trập trùng núi trập trùng mưa và những con đường. Một bức khác là cuộc trưng bày ngổn ngang “ngàn vò rượu”. Hình ảnh đẹp, mới lạ, độc đáo này vừa tái hiện được vẻ đẹp thuần túy, ban đầu của Tây Bắc vừa gửi được tình mê đắm, say sưa của lữ khách trên hành trình của mình.

Em là men rượu lá
Tiếng khèn mùa trăng xưa
Để tình anh Tây Bắc
Thơm nếp xôi bốn mùa

Cách định nghĩa “Em là men rượu lá” có gì gợi nét vừa giống vừa khác với “Em thà coi như hơi rượu say” của Thâm Tâm trong “Tống biệt hành”. Em là khởi nguồn của tình yêu, một chút men rượu lá hay một hơi rượu say cũng đủ khiến cho “ta” tương tư về “em” về thân phận hay một câu chuyện nóng rẫy tuổi đời. Vậy, cụ thể “em” là ai hay “em” là điều gì? Khổ thơ cho ta hình dung “em” trong cả tiếng khèn, mùa trăng xưa, trong nếp xôi bốn mùa. Nhưng bấy nhiêu thôi chưa đủ. Em có lẽ là cả một vùng Tây Bắc? Vậy “em” thực ra là một không gian văn hóa gần gũi mà thiêng liêng!
Khổ thơ tiếp theo không gian được mở rộng hơn, bức tranh đa chiều hiện diện và có sự dịch chuyển. “Mắt mòn chiều vó ngựa” là tình thế của sự chờ đợi. “Mắt mòn” bởi chờ đợi em, chờ đợi sự trở về trong tâm tưởng màu sắc của Tây Bắc, trở về trong “áo chàm”, “cánh rừng thổ cẩm”…

Những khổ thơ tiếp theo gợi nhắc về lịch sử. Từ đây mạch thơ biến đổi, giọng điệu lắng đọng, bình tâm và thấu hiểu hơn.

Ta nhớ em Tây Bắc
Hoa ban chiều như mưa
Những người lính nằm lại
Mường Thanh xanh đến giờ

Họ như vừa ngã xuống
Tiếng khèn kia trên môi
Vầng trăng xưa còn đợi
Vó ngựa xưa trên đồi

Một số hình ảnh được lặp lại như tiếng khèn, vầng trăng, vó ngựa… trầm lắng trong cơn mưa. Bởi tất cả vốn dĩ thuộc về quá khứ, nơi “những người lính nằm lại”. Họ vẫn hiện hữu trong giây phút này như vừa mới đây thôi, “xanh đến giờ”.

Tiếp nối mạch thơ đó, khổ kết đến như một lẽ tự nhiên:

Ta còn em… như họ
Mùa ban rừng tháng năm
Qua nhọc nhằn đá núi
Mơ giấc mơ vĩnh hằng

So sánh như là một biện pháp nghệ thuật chủ đạo của bài thơ, giúp tác giả dễ dàng gửi gắm một định nghĩa hay một liên tưởng sâu sắc. “Ta còn em… như họ”, nghĩa là ta còn Tây Bắc xanh tươi, còn hi vọng trong một chút tiếc thương xa xót và tự hào về xứ của những cuộc chiến hào hùng. Thêm nữa, đó cũng là xứ của những bản sắc đẹp, thiêng liêng vẫn luôn được gìn giữ vẹn nguyên. “Ta còn em” của vĩnh cửu, sức sống lâu bền. Hai câu kết khẳng định cho điều đó, dù chỉ là một giấc mơ của những kẻ lữ khách.

Vậy, “Ta còn em Tây Bắc” cũng có thể là một bài thơ để tưởng nhớ “họ”- những người lính xưa đã làm nên lịch sử Tây Bắc. Bằng cách gọi tên địa danh, “em” là nơi chứa những năm tháng thăng trầm của lịch sử. Ta còn lại em, tự hào về em.

Để cảm và thấu hiểu bài thơ dường như đó là quá trình lựa chọn những góc nhìn và cách diễn giải đa chiều của bạn đọc. Bài thơ đã không chỉ dừng lại ở những suy cảm bạn đầu mà còn khiến chúng ta có những xúc động đặc biệt trước những điều đẹp đẽ của Tây Bắc. Viết về đề tài Tây Bắc không còn mới, nhưng nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã thành công khi gây được cảm xúc trong lòng độc giả trên tác phẩm của mình. Đó chắc hẳn đã là món quà quý dành cho người nghệ sĩ khi luôn đau đáu về quê hương đất nước!

Bài liên quan
  • Tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá
    Giá trị VHNT Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh là một bộ phận nền tảng quan trọng, mang ý nghĩa văn hóa, xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện rõ nét trên các lĩnh lực: văn học, văn nghệ dân gian, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, múa. Nhìn lại chặng đường gần 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước của VHNT 3 thành phố, có thể thấy rõ những thành tựu và cả những mặt hạn chế tồn tại cần phải thay đổi để tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá.
(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thêm một nỗi niềm cho Tây Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO