Lý luận - phê bình

Vừa tỉnh vừa mê với “Thuốc mê” của Thâm Tâm

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng 11:08 04/07/2024

Câu chuyện mỏng mảnh, ngắn gọn, mà nhà thơ Thâm Tâm gợi ra được những sắc thái ly kỳ, hồi hộp. Nhưng vừa ngả theo hướng truyện phiêu lưu, điều tra, lại vừa gài được chất tình của chuyện yêu đương quyến luyến nam nữ, mà không ngả ngớn, “sến sẩm” ướt át. Liên tưởng trong đời sống hiện đại hôm nay, tiểu thuyết “Thuốc mê” vẫn nhắc hỏi ta về việc sống như thế nào cho ra con người, giữa biết bao nhiêu áp lực và ràng buộc.

thuoc-me-tham-tam.jpg

1. Đọc, cảm nhận được cái tình thật của con người thương mến, lưỡng lự, dằn vặt trước tình yêu song hành với tội lỗi, với nguy cơ đánh mất bản thân. Nhưng cũng mở ra những ngẫm ngợi, triết lý và ẩn ý trong sự nhắn nhủ người ta nên sống thế nào cho đàng hoàng, đứng đắn, lương thiện ở đời. Ấy là cái tài sáng tạo của người viết khi phác thảo cốt truyện, dụng công tháo lắp trong điều hòa mạch truyện và trau chuốt ngôn ngữ, văn phong.

Đó là vài cảm nhận khi đọc tiểu thuyết ngắn “Thuốc mê” của nhà thơ Thâm Tâm từng xuất bản trước năm 1945, thời gian qua được Công ty Linh Lan Books và NXB Lao động ấn hành, đưa trở lại bạn đọc hôm nay. Từ đây vừa hé mở thêm về văn tài của một nhà thơ tài hoa, cũng trình lại cho công chúng một ví dụ độc đáo của lao động nhà văn trong vòng xoay tìm tòi sáng tác cá nhân - nắm bắt xu hướng sáng tạo của đời sống văn chương và đồng nghiệp - tìm hiểu thị hiếu độc giả.

2. Chia sẻ từ ông Nguyễn Tuấn Khoa (con trai nhà thơ) và PGS. TS Ngô Văn Giá cho thấy, Thâm Tâm là người ham học hỏi, thích thử sức với những thể loại, chủ đề mới. Đồng thời trong quãng những năm nửa cuối thập niên 30, mấy năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, Thâm Tâm cùng một số đồng nghiệp đã bước vào nghề viết và hoạt động văn chương như những người viết chuyên nghiệp, vừa để thỏa đam mê sáng tác vừa để mưu sinh. Nhiều tác phẩm song hành với quá trình làm văn, làm báo của nhóm các thi nhân, văn nhân khi ấy, là sự phản chiếu nhất định mối quan hệ người viết - người đọc qua việc sáng tác, phục vụ khách hàng bằng hàng hóa văn chương trong cơ chế đã mang tính thị trường thời bấy giờ. Cùng với đó, cũng phản chiếu tác động qua lại giữa những người cầm bút cùng thời hoặc chênh nhau chút ít trong ý tưởng, đề tài, sự ảnh hưởng và có thể cả cạnh tranh, đua tài sáng tạo.

Nhìn rộng ra, trong đời sống văn chương nước nhà những năm trước 1945, xuất hiện những sáng tác về các nội dung yêu đương lãng mạn, lại có những tác phẩm mang tính luận đề, hướng về mục đích răn dạy đạo lý, nhắc nhở thanh niên sửa sang đạo đức, lối sống như các sáng tác của một số nhà văn trong nhóm Tự Lực văn đoàn. Có loạt tác phẩm mang màu sắc trinh thám, phiêu lưu, ký sự ly kỳ và còn mang cả chất rùng rợn… Và người viết trẻ Thâm Tâm, khả năng cao, đã có những lắng đọng từ trước, những tham khảo nhất định từ các bậc đàn anh đó, cũng như từ người bạn tâm giao Trần Huyền Trân, để sáng tác nên tác phẩm “Thuốc mê” đặc sắc của mình.

3. Câu chuyện “Thuốc mê” của Thâm Tâm bắt đầu từ cuộc rời làng quê Lữ Xá êm đềm của Tý - cô gái bán lụa. Tưởng chừng cô lên chợ Bái để bày hàng như lẽ thường. Nhưng không, chuyến đi của cô gắn với một tập tục… khủng khiếp! Mỗi năm, người con gái được chọn của làng Lữ Xá phải dùng thuốc mê làm đắm say lú lẫn rồi sau đó là dùng thuốc độc để hại một mạng trai ở nơi khác, làng khác. Rồi cô phải trở về làng để báo cáo trước một thời hạn nhất định. Nếu không thực hiện được việc này, thì chính người con gái đó sẽ phải chịu hậu quả thảm khốc do người làng bí mật đi theo, giám sát và… ra tay. Ngôi làng Lữ Xá ấy lại có sự ràng buộc mang tính bắt buộc đối với những người được giao đi làm cái nhiệm vụ… hại người đó, là bởi, trước kia từng có tiền lệ, nếu không hại được người làng khác, thì cả làng sẽ gặp tai họa. Nếu hại được người, thì đời sống, mọi công lên việc xuống của người làng diễn ra bình thường, và người con gái đi làm việc ác kia sẽ lập gia đình êm xuôi như bao nhà khác.

Những lý do quái đản ấy đưa đẩy bước chân người con gái để theo đó mà mọc lên những mầm mống của tội ác, những nguy cơ nhiễu loạn đời sống và lòng người do hủ tục hôn ám bao đời. Và từ đây những rắc rối cứ theo nhau nảy sinh. Tác giả đẩy những mâu thuẫn, xung đột của câu chuyện ngày càng cao khi đối chọi giữa tình yêu với cô gái bán lụa và tình bạn của những người nam giới; giữa lý trí kìm hãm dục vọng để giữ gìn bản thân với niềm yêu đắm đuối dẫn đến buông thả; giữa tình cảm gia đình thắm thiết với sự rắp tâm còn lẩn khuất trong kẻ manh tâm gây tội; thậm chí là mâu thuẫn của chính người con gái đi làm việc ác khi trong thâm tâm vẫn le lói tính thiện và sự ân hận…

Chuyện tình của cô bán lụa với anh chàng thư sinh nọ ăn phải miếng trầu bùa mê thuốc lú cứ bị giằng néo, dan díu, dây dưa không dứt. Để rồi qua những sự vụ cãi vã, thề bồi, tranh đua, ẩu đả, trốn tránh, đau ốm tương tư ngơ ngơ ngẩn ngẩn… cũng đã phải dẫn đến một kết thúc khá bất ngờ. Một kết cục bi thương nhưng cũng hợp lý cho sự triệt tiêu cái mầm họa hại người, hại mình từ hủ tục ác nghiệt của ngôi làng kia gieo nên. Ở đây, người đọc thấy tác giả Thâm Tâm thể hiện sự dũng cảm và kiên quyết của mình khi không cho các nhân vật tìm lấy một kết quả thỏa hiệp, để cho êm xuôi mọi bề và hài lòng bạn đọc bằng tình yêu êm ái. Mà một cái chết buộc phải xảy ra trên cao trào sự việc, khiến cho người trong cuộc tỉnh ngộ, dù đau đớn, và người đọc cũng phải thấy chạnh lòng.

Một lời nhắc, một bài học vẫn còn lơ lửng sau khi khép lại câu chuyện. Rằng hãy sống nhân, sống thiện, sống lành. Đừng vì một lợi ích chính đáng nào đó như sự yên ấm, thanh bình mà lại đi làm việc ác. Như vậy thì rõ ràng cái hiệu quả thanh bình, yên ấm kia cũng đâu còn chính đáng nữa. Và từ cá nhân cho đến một cộng đồng nào đó, cũng không xứng đáng được hưởng niềm hạnh phúc được bảo đảm bằng mầm đen của hành vi ác hại. Tiểu thuyết “Thuốc mê” của Thâm Tâm đặt trong bối cảnh đầu những năm 1940, dường như cũng nằm trong dụng ý sáng tác của tác giả, lan truyền những quan điểm tiến bộ, những suy nghĩ văn minh, chống lại những hủ tục của đời sống cũ. Liên tưởng trong đời sống hiện đại hôm nay, cũng vẫn nhắc hỏi ta về việc sống như thế nào cho ra con người, khi ở giữa biết bao nhiêu áp lực và ràng buộc./.

Theo ông Nguyễn Tuấn Khoa, từ sự giúp đỡ, động viên của các nhà văn, nhà nghiên cứu, bạn bè, gia đình đã tìm kiếm, sưu tầm được nhiều truyện ngắn, truyện vừa, kịch ngắn của Thâm Tâm đăng trên các ấn phẩm Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Truyền bá những năm trước 1945. Rất may mắn, ông Khoa cho biết, trong đó có bản gốc tiểu thuyết “Thuốc mê” in trong Phổ thông bán nguyệt san số 133 ngày 16/6/1943. Cũng theo ông Khoa, hai tiểu thuyết “Thuốc mê” và “Nỗi ân hận dài” của nhà thơ Thâm Tâm từng được in lại vài lần từ năm 1970 ở Sài Gòn, và năm 1989 tại NXB Long An…

Bài liên quan
  • Thêm một nỗi niềm cho Tây Bắc
    Trước khi đọc “Ta còn em Tây Bắc” của Nguyễn Việt Chiến, tôi tự hỏi: đây là bài thơ viết về điều còn lại của “ta” hay là bài thơ ngợi ca Tây Bắc? Nhưng có lẽ, bài thơ không đơn thuần gợi mở chừng ấy cách nghĩ.
(0) Bình luận
  • Độc đáo thơ đố của Phạm Đình Ân
    Nhà thơ Phạm Đình Ân là tác giả thơ trữ tình, phê bình văn học, thơ văn dành cho thiếu nhi... lĩnh vực nào ông cũng có đóng góp. Riêng viết cho thiếu nhi, ông là một tác giả nổi trội, bền bỉ sáng tác suốt gần 50 năm qua, đạt nhiều thành tựu. “Vui cùng thơ đố” (NXB Phụ nữ, 2023) là tập thơ thứ hai của Phạm Đình Ân về thơ đố, cũng là đầu sách thứ hai mươi của tác giả này dành cho thiếu nhi - không kể 20 tập sách hợp thành ba đầu sách biên soạn.
  • Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: “Viết cho thiếu nhi thật ra không dễ chút nào”
    Nhà văn Bùi Tiểu Quyên “khởi nghiệp văn chương” từ năm 2008 và những năm gần đây đặc biệt gây tiếng vang với những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Ngòi bút tinh tế, trong trẻo, dí dỏm thấm đượm tình yêu, lòng ham học hỏi đã chinh phục hàng ngàn trái tim độc giả, đặc biệt là độc giả thiếu nhi - thiếu niên. Không chỉ vậy, các tác phẩm của chị cũng được giới chuyên môn đánh giá cao và gặt hái nhiều giải thưởng. Cùng phóng viên Người Hà Nội lắng nghe chia sẻ của chị xung quanh những “đứa con tinh thần” mà chị đã dày công ấp ủ…
  • Làm báo nơi vùng giải phóng
    Tôi học và bắt đầu viết báo từ năm 1974, tại một vùng đất mới giải phóng - đó là Quảng Trị. Nơi ấy lúc bấy giờ là miền đất đói nghèo, đau thương nhưng cũng biết mấy can trường, biết bao thương nhớ… Nói như nhà thơ Chế Lan Viên, ấy là vùng quê: “Những đồi tranh ăn độc gió Lào/ Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người/ Cuộc sống gian lao, ít tiếng nói cười/ Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng…”.
  • Thêm một nỗi niềm cho Tây Bắc
    Trước khi đọc “Ta còn em Tây Bắc” của Nguyễn Việt Chiến, tôi tự hỏi: đây là bài thơ viết về điều còn lại của “ta” hay là bài thơ ngợi ca Tây Bắc? Nhưng có lẽ, bài thơ không đơn thuần gợi mở chừng ấy cách nghĩ.
  • Giao hưởng Điện Biên - thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
    Chiến thắng Điện Biên là chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu), làm rạng danh nước Việt trên thế giới “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castriest, ngày 12/5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân: “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó, Tố Hữu có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Bên cạnh những tác phẩm thơ, Điện Biên còn được nhắc đến trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, các cuốn sách hồi ký, biên khảo…
  • Thiên anh hùng ca Điện Biên Phủ: Nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật
    Chiến thắng Điện Biên Phủ “là một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử”. Góp vào chiến công vang dội ấy không thể không nhắc đến các văn nghệ sĩ - những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Nhìn lại thắng lợi vẻ vang của cuộc chiến tranh toàn dân này từ điểm nhìn 70 năm sau chiến thắng, có thể thấy rõ dấu ấn của văn học nghệ thuật viết về đề tài Điện Biên Phủ trải đều trên khắp các loại hình văn học nghệ thuật, từ văn chương cho đến âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, kiến trúc, điện ảnh…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Vừa tỉnh vừa mê với “Thuốc mê” của Thâm Tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO