“Bệ phóng” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội phát triển, đóng góp nhiều hơn vào GRDP Thủ đô
“Nghị quyết quy định một số nội dung chi và mức chi đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2026-2030” đã được HĐND Thành phố Hà Nội thông qua vào chiều ngày 9/7, tại kỳ họp thứ 25. Đây là “bệ phóng” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội đóng góp nhiều hơn vào GRDP thành phố, phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng của Trung ương và Thành ủy Hà Nội đặt ra.
Theo Tờ trình của UBND Thành phố Hà Nội, tính đến hết quý I/2025, tổng số lượng doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn Thành phố Hà Nội là 407.798 doanh nghiệp, với 213.283 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm khoảng 23% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước (940.708 doanh nghiệp). Trong đó, DNNVV của Thành phố Hà Nội chiếm 98,2% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập, tạo việc làm cho 55,1% lao động, đóng góp trên 40% GRDP cho thành phố.

DNNVV của thành phố ngày càng phát huy vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển của thành phố, trở thành lực lượng chủ lực, là động lực quan trọng, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN), tạo việc làm. Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội hiện là nơi tập trung nhiều startup công nghệ và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo với khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (chiếm 26,32% doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước), với 32 vườn ươm doanh nghiệp, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực (chiếm 38,1% tổng số vườn ươm của cả nước); 14 tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh (chiếm 40% cả nước).
Về cơ cấu kinh tế trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến hết năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,05% khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 17,83%; khu vực dịch vụ chiếm 69,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,13%. Cơ cấu thu ngân sách theo đơn vị hành chính cho thấy tại các quận, huyện (cũ) phát triển công nghiệp và dịch vụ, có mức đóng góp cho ngân sách cao, tập trung tại 7 quận, huyện (trước ngày 1/7/2025): Đống Đa, Hoàn Kiếm, Đông Anh, Cầu Giấy, Long Biên, Hai Bà Trưng và Nam Từ Liêm chiếm 64,5% tổng số thu ngân sách của Hà Nội năm 2024.
Tuy nhiên, DNNVV trên địa bàn Thành phố Hà Nội nói riêng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rời hoặc tạm thời rời khỏi thị trường tăng bình quân 24,29%/năm - cao hơn khá nhiều mức tăng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động (7,02%/năm); tỷ lệ số doanh nghiệp rời hoặc tạm thời rời khỏi thị trường trên tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động cũng tăng khá cao (từ 29,44% năm 2019 lên 58,79% năm 2023), vì vậy, tỷ trọng đóng góp số thu từ sản xuất kinh doanh trong tổng thu nội địa giảm (từ 50,78% năm 2019 giảm còn 44,75% năm 2023).
Báo cáo thẩm tra “Tờ trình và dự thảo Nghị quyết quy định một số nội dung chi và mức chi đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2026 – 2030”, Ban Kinh tế -Ngân sách trình HĐND Thành phố khóa XVI đánh giá, năm 2025 là năm kết thúc thời hiệu các Nghị quyết của HĐND Thành phố về hỗ trợ DNNVV trên địa bàn Thành phố.
Việc triển khai các Nghị quyết này đã thể hiện quyết tâm của Thành phố trong đồng hành cùng sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Các chính sách đã đi vào cuộc sống, có tác động thực tế và tạo khung pháp lý rõ ràng cho công tác hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố, làm cơ sở để các cơ quan chuyên môn triển khai các đề án và kế hoạch cụ thể.
Tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu đến năm 2030: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nên kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phẩn thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng”.
Hiện nay, cả nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những yêu cầu và mục tiêu cao hơn, đòi hỏi các địa phương, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội phải có những hành động cụ thể để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên, tạo nền tảng cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Việc ban hành các chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ là giải pháp quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này.

Vì vậy, để tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kế thừa kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục các tồn tại vướng mắc trong công tác hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2021- 2025, đồng thời thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới, việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, giải pháp hỗ trợ đột phá cho DNNVV là rất cần thiết.
Tại khoản 2, khoản 4 Điều 29 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV quy định UBND cấp tỉnh “có thể trình HĐND cùng cấp phê duyệt mức hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ quy định tại Nghị định này từ nguồn ngân sách địa phương. Căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực, xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV hằng năm và trung hạn từ nguồn ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư công, trình HĐND tỉnh phê duyệt...”.
Căn cứ quy định nêu trên, việc UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành quy định một số nội dung chi và mức chi đặc thù hỗ trợ DNNVV trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2026-2030 là phù hợp với thầm quyền của HĐND Thành phố.
Nghị quyết gồm 8 điều với nội dung cơ bản quy định về nội dung chi, mức chi đặc thù hỗ trợ DNNVV trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2026 – 2030. UBND Thành phố sẽ quy định phương thức, cách thức thực hiện các nội dung hỗ trợ tại “Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2026 – 2030”, dự kiến ban hành vào tháng 9/2025. Các nội dung cơ bản của Nghị quyết bao gồm:
Hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội: Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố nhưng không quá 20 triệu đồng/tư vấn viên/năm.
Hỗ trợ tư vấn chuyên sâu: Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn chuyên sâu nhưng không quá 300 triệu đồng/doanh nghiệp/năm đối với DNNVV hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp chủ lực trên địa bàn Thành phố.

Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: DNNVV khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố được hỗ trợ 50% chi phí thuê trang thiết bị tại các cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội nhưng không quá 50 triệu đồng/doanh nghiệp/năm. Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng thuê mặt bằng tại các cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội nhưng không quá 10 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp.
Hỗ trợ 70% chi phí tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện chuyên sâu ngắn hạn ở nước ngoài về đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, và phát triển trí tuệ nhân tạo nhưng không quá 100 triệu đồng/học viên/doanh nghiệp/năm. Thời gian hỗ trợ tại khoản 1, khoản 2 Điều này tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền./