Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở phường Vạn Phúc (quận Hà Đông)

Sơn Dương (t/h) 02/10/2023 09:45

Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến thuộc địa phận xóm Đoàn Kết, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội. Đây vốn là ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Văn Dương được Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm nơi ở và làm việc cho Bác từ ngày 3/12/1946 đến ngày 19/12/1946.

761c018c-b702-42eb-be67-f7756ae65517.jpeg
Phòng trưng bày tại tầng 1 nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Vạn Phúc, Hà Đông.

Từ trung tâm Thủ đô Hà Nội đi theo đường Quốc lộ 6 khoảng 12km qua cầu Hà Đông rẽ phải theo đường Quốc lộ 70 cũ đi qua cầu Am, rẽ phải qua cầu Cong (còn có tên gọi là cầu “Cách Tiên”) là đến Nhà lưu niệm Bác Hồ.

Làng Vạn Phúc xưa còn có tên gọi là Vạn Bảo, vốn là trang Vạn Bảo, xã Thượng Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, trấn Sơn Nam. Tấm bia đá ở Văn chỉ của làng được xây dựng thời Tây Sơn cho ta thấy ghi thôn Vạn Bảo thuộc xã Thượng Thanh Oai. Song, đến triều Nguyễn do phân định lại địa giới hành chính nên xã Thượng Thanh Oai có các thôn: Cầu Đơ, Kiều Tri, Văn Quán và Vạn Bảo. Riêng làng Vạn Bảo nằm biệt lập ở bên kia sông Cầu Am nên đã đổi lệ thuộc vào tổng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Sách “Các trấn, tổng, xã danh bị lãm” do tổng trấn Đức Thành soạn thảo vào những năm đầu thời Nguyễn ghi thôn Vạn Bảo thuộc tổng Thiên Mỗ. Đến cuối thế kỷ XIX, do kiêng húy của vua Thành Thái (1889 - 1906) là Bảo Lân, nên mới đổi và gọi tên là Vạn Phúc như ngày nay.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Vạn Phúc thuộc thị xã Hà Đông. Năm 1948, theo yêu cầu chỉ đạo vùng địch tạm chiếm, Vạn Phúc thuộc liên huyện Bắc (Đan Phượng, Hoài Đức). Từ năm 1949, Vạn Phúc thuộc thị xã Hà Đông, sau là thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây. Từ ngày 1/8/2008, Vạn phúc thuộc quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội.

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước công - nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á được thành lập, nước Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhưng thực dân Pháp không từ bỏ âm mưu xâm chiếm nước ta một lần nữa, chúng muốn xoá bỏ nền độc lập chúng ta vừa giành được và đè bẹp nhà nước non trẻ của chúng ta vừa thành lập.

Để thực hiện âm mưu đó, thực dân Pháp tìm mọi cách gây hấn nhằm khiêu khích lực lượng quân đội ta để lấy cớ nổ súng tiến hành chiến tranh xâm lược.

Đứng trước kẻ thù hung hãn và manh động, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những biện pháp kịp thời nhằm hạn chế lực lượng muốn xâm chiếm nước ta mà chỉ tập trung đối đầu với một lực lượng chính là thực dân Pháp. Do đó, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với thực dân Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3 và Tạm ước ngày 14/9 dành cho thực dân Pháp một số quyền lợi tại Việt Nam để chúng thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch và quân Anh ở Việt Nam. Việc ký kết các văn bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3 và Tạm ước ngày 14/9 đã thể hiện sự tài tình của Đảng ta, đã có những sách lược hết sức khôn khéo, mềm dẻo để kéo dài thời gian chuẩn bị cho kháng chiến. Ngay cả việc Đảng ta phải tuyên bố tự giải tán, chỉ giữ lại một tổ chức nhỏ bé là Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương cũng không hề làm cho sức mạnh của Đảng ta bị yếu đi, trái lại nó được củng cố và đi vào xây dựng bề sâu từ Trung ương tới tận cơ sở chi bộ.

Những ngày này, ban ngày Bác vẫn ở số 8 Lê Thái Tổ, vẫn làm việc tiếp khách, họp Chính phủ ở Bắc Bộ phủ. Nhưng về đêm, để bảo vệ an toàn cho Bác, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và các đồng chí bảo vệ đưa Bác đi nghỉ ở một số điểm khác nhau trong thành phố: hôm ở cầu Mới, hôm ở khu Quần ngựa, hôm ở một ngôi nhà ven hồ Ale.

Cuối tháng 11/1946, tình hình căng thẳng hơn, các anh quyết định mời Bác ra ngoại thành.

Ngày 26/11/1946, Bác về làng Canh thuộc xã Hậu Ái, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Bác ở ngay trong nhà ông Nguyễn Kiến Phúc (thân sinh đồng chí Lê Thành Công - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin). Nhưng làng Canh không thuận tiện đường đi lối lại ra vào thành phố (thời đó đường chưa rải nhựa, làng lại không ở gần đường quốc lộ) không thuận tiện cho việc nắm bắt tình hình, không thuận tiện cho việc tiến, thủ khi cần thiết nên Bác chỉ ở đây một tuần, rồi các anh mời Bác sang nghỉ ở làng Vạn Phúc, ven thị xã Hà Đông.

Vạn Phúc vốn là một làng quê có truyền thống yêu nước, từng là căn cứ vững chắc của cách mạng, lại thuận tiện đường giao thông ra vào Thủ đô Hà Nội hoặc di chuyển lên Sơn Tây - Hòa Bình (Quốc lộ 6 và tỉnh lộ 70), Vạn Phúc không cách quá xa Hà Nội, đáp ứng được yêu cầu nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời của Bác, chính vì những ưu điểm ấy mà các đồng chí Ban công tác Đội Trung ương (đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc trực tiếp lựa chọn địa điểm) đã đón Bác về ở và hoạt động.

Ngôi nhà được chọn làm nơi Bác về hoạt động là gia đình cụ Nguyễn Văn Dương. Cụ Dương sinh năm 1900, gia đình ông vốn nghèo nhưng biết phát huy nghề dệt truyền thống, buôn bán tơ lụa từ Nam ra Bắc nên có bát ăn bát để. Khi đó ông gom góp xây dựng được một dinh cơ khang trang, cao ráo. Đến trước năm 1940, ông đã dựng những ngôi nhà ngang bằng gạch, lợp ngói, riêng mảnh đất làm nhà gác, do chưa đủ vốn ông phải dựng tạm tranh tre, nhưng đã thuê thợ hạ móng sẵn, tính toán chịu lực cho căn gác hai tầng. Năm 1941, ông khởi công xây dựng ngôi nhà gác và hoàn thành năm 1942.

Sáng ngày 3/12/1946, Bác Hồ rời làng Canh vào Bắc Bộ phủ làm việc. Hôm đó, Bác nhận lời tiếp Xanhtơny (Sainteni) ủy viên Cộng hòa Pháp ở miền Bắc Đông Dương. Cuộc tiếp xúc không mang lại kết quả vì phía Pháp cứ khăng khăng lập trường thực dân, đưa ra những yêu sách hết sức vô lý như yêu cầu ngừng kháng chiến ở Nam Bộ, trao quyền kiểm soát Thành phố Hà Nội cho Pháp và để Pháp có quyền kiểm soát bộ đội và công an ta.

Tối, Bác không về Canh mà đi thẳng về làng Vạn Phúc.

Do đã được chuẩn bị trước, ông Dương và anh con trai thứ hai tên là Liêu đã rút xuống tầng dưới từ chiều, nhường toàn bộ căn gác 2 cho khách ở. Bác ở trong căn buồng tại gác 2, các đồng chí đi theo phục vụ Bác được bố trí ở gian nhà ngoài.

Thời gian này, Hà Đông vẫn còn hoàn toàn trong vùng kiểm soát của ta. Nhưng để giữ bí mật, tránh tai mắt chỉ điểm của bọn gián điệp Pháp, những ngày ở đây hầu như Bác chỉ làm việc trong phòng, không có những cuộc tiếp xúc với nhân dân địa phương. Có ít nhất 3 lần Người ra Hà Nội (tiếp đồng chí Trần Đại Nghĩa một trí thức yêu nước vừa ở Pháp về cùng với Người hồi tháng 10/1946, ngày 5/12 tiếp Mộpa - Giám đốc cục châu Á, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và trả lời phỏng vấn báo Pari - Sài Gòn ngày 7/12; tiếp 2 phóng viên của tờ Nữu Ước thời báo ngày 14/12), nhưng các lần này Người đều đi từ sáng sớm khi trời còn tối và mãi tới sẩm tối mới về.

Những ngày Bác ở đây, các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng thường trực tiếp đến trao đổi công việc, thỉnh thị xin ý kiến và bằng nhiều đường dây khác nhau, các đồng chí phụ trách các ngành hoặc được mời đến trực tiếp báo cáo, hoặc kịp thời gửi các kế hoạch hoạt động để xin chỉ thị của Người. Các số báo Cứu quốc, Sự thật vẫn được đều đặn chuyển tới để Người xem.

Đến những ngày giữa tháng 12, tình hình Hà Nội và cả nước đã rất căng thẳng. Do thái độ hiếu chiến của thực dân Pháp, thời kỳ tạm hòa hoãn đã không thể kéo dài được nữa. Không khí chiến sự đã bị dồn ép lại như một liều thuốc súng nhồi chặt, chỉ chờ dịp là nổ tung.

Thấy trước được khả năng tất yếu sẽ phải đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã tích cực và chủ động chuẩn bị cho ngày nổ ra kháng chiến. Đến lúc này, việc di chuyển các cơ sở sản xuất, đặc biệt là sản xuất cơ khí, các trạm quân y, các cơ quan không có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu đã cơ bản hoàn thành.

Để động viên hơn nữa khí thế của toàn dân, để biểu lộ ý chí kiên quyết chiến đấu hy sinh cho độc lập, tự do của toàn thể dân tộc, trong những ngày ở Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ chuẩn bị Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.

Hai buổi chiều liên tiếp 18 và 19 tháng 12, Hội nghị thường vụ Trung ương đã được triệu tập ở làng Vạn Phúc. Hội nghị đã nghiên cứu mở rộng và thông qua văn kiện Toàn dân kháng chiến do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh dự thảo. Đây là bản chỉ thị nêu rõ đường lối, chính sách và cách tiến hành cũng như lực lượng của cuộc kháng chiến. Chỉ thị của Đảng cũng khẳng định cuộc kháng chiến tuy lâu dài, gian khổ nhưng nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang. Đặc biệt, Hội nghị Thường vụ Trung ương đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị góp ý kiến cho “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” do Người soạn thảo.

Đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, Đài tiếng nói Việt Nam phát tín hiệu đầu tiên phát động toàn quốc kháng chiến, tiếp đó Bộ trưởng Quốc phòng phát mệnh lệnh chiến đấu: “Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã điểm".

Từ đó, ngày 19/12 đã đi vào lịch sử, ghi một dấu ấn chứng tỏ sự sáng suốt, quyết đoán sự lựa chọn duy nhất đúng của Bác Hồ và của Ban Thường vụ Trung ương, chứng tỏ sự giác ngộ và ý thức trách nhiệm cao của mỗi người dân trước vận mệnh đất nước. Ngày Toàn quốc kháng chiến đã mở đầu cho 9 năm kháng chiến trường kỳ để giành thắng lợi vẻ vang, làm ngời sáng thêm chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập - tự do” đã được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết sau này.

Trong những ngày Bác ở đây, gia đình cụ Dương tuy không được thông báo chính thức cũng biết là Bác. Tuy vậy, gia đình đã tự giác giữ gìn tuyệt đối bí mật và tạo mọi điều kiện để Bác làm việc thuận lợi. Tối ngày 19, trước khi đi, Bác đã cho mời cụ Dương tới gặp, Bác cảm ơn gia đình đã giúp đỡ ăn ở và tạo điều kiện để đảm bảo bí mật tốt. Nói chuyện với cụ Dương, khi thấy cụ tỏ ý băn khoăn lực lượng Pháp mạnh, ta còn yếu, kháng chiến bao giờ mới thành công. Bác đã ân cần giải thích và nhắc nhở: “Kháng chiến nhất định thắng lợi. Còn thắng nhanh hay chậm là do ta. Nếu nhân dân ta ai cũng đồng lòng gắng sức thì dù giặc Pháp có mạnh đến mấy chúng cũng phải thua. Gia đình ta có bát ăn, bát để, tôi mong ông bà và nhân dân Vạn Phúc tích cực góp phần ủng hộ cho kháng chiến”.

Hiện nay Nhà lưu niệm đã trải qua nhiều lần tu bổ tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên kết cấu kiến trúc như những ngày Bác Hồ về ở và làm việc. Ngoài phòng khách và các công trình bổ trợ xung quanh, di tích còn căn gác tầng 2 được bố trí các hiện vật và đồ dùng như ngày Bác Hồ ở, tầng 1 là phòng trưng bày bổ trợ sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc và một gian trưng bày về truyền thống cách mạng phường Vạn Phúc. Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vạn Phúc đã được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận là Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp quốc gia theo Quyết định số 09/VH-QĐ ngày 21/02/1975./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở phường Vạn Phúc (quận Hà Đông)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO