Ngô Thì Du – người tiếp nối ngòi bút văn xuôi Ngô Thì Chí
Ngô Thì Du có tên chữ là Trưng Phủ và Văn Bác, con của Ngô Thì Đạo, cháu gọi Ngô Thì Sĩ là bác ruột. Ngô Thì Đạo hiếm con trai, Ngô Thì Sĩ phải cho người con trai thứ ba (Ngô Thì Định, tên hiệu là Hy Kiều, sinh năm 1762) làm con thừa tự.
Mười năm sau, mùa xuân năm Nhâm Thìn (1772), vợ thứ Ngô Thì Đạo mới sinh Ngô Thì Du. Lúc ấy Ngô Thì Đạo đã 40 tuổi, đang trấn nhậm ở Nghệ An. Ngô Thì Du có bảy chị em, ba người cùng mẹ, mình Thì Du là con trai, nhưng Ngô Thì Đạo vẫn coi Hy Kiều là con trưởng. Năm 1783, Hy Kiều đã đỗ Hương tiến, nhưng năm 1788 thì mất, không có con, Thì Du được giao trách nhiệm con trưởng từ đó. Ngô Thì Đạo đỗ Giải nguyên khoa Hoằng từ, cũng từng giữ chức Đại lý tự thừa, nhưng phần lớn làm quan ở các trấn. Ngô Thì Sĩ từng cho rằng chức vụ chưa xứng với tài của em nhưng an ủi hãy thử dùng dao mổ trâu trong việc mổ gà! (Tiễn em trai đi nhậm chức Tri huyện Nam Chân). Ngô Thì Đạo là người nghiêm túc, cương trực, khoảng năm 1776 được thăng chức Hiến sát ở Sơn Tây, nhưng trong triều có người gièm pha là ông dính líu đến vụ án vương tử Trịnh Lệ năm trước (Trịnh Lệ là em trai Trịnh Sâm, có ý muốn tranh ngôi chúa với anh, nhưng việc không thành). Có vị gửi thư khuyên ông nên đến “quyền môn” điều đình, nhưng ông từ chối, coi chuyện chạy chọt là một việc sỉ nhục. Ngô Thì Đạo một lòng trung thành với nhà Lê, Ngô Thì Du chịu ảnh hưởng rất đậm quan điểm ấy của cha. Thì Du có chí học tập và học giỏi nhưng không đỗ đạt. Năm 1787, khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc lần thứ hai, Thì Du theo cha chạy về Kim Bảng (Hà Nam), Nam Chân (nay thuộc Nam Định) và nhiều nơi khác. Lê Chiêu Thống rồi Tây Sơn vời ra làm quan, Ngô Thì Đạo đều từ chối. Ông đã làm bài thơ tám mươi vần để tỏ chí. Tướng Tây Sơn là Trần Văn Kỷ biết ông là người nghĩa khí không ép nữa, thế là từ năm 1790 được trở về quê làm ruộng, nhưng nhà cửa đã rất tiêu điều. Năm 1802, Ngô Thì Đạo mất, nhà Nguyễn lên cầm quyền, Ngô Thì Du lại rời làng chạy về quê thông gia. Năm 1803, ông dạy học ở Gia Lâm. Năm 1809, ông chuyển về Đông An, nhưng “mười năm nơi đất khách, chẳng qua cũng chỉ đủ miệng ăn, không một mảy may nào để nuôi dưỡng mẹ”. Năm 1814, ông còn có ý định theo Ngô Thì Hương lên Lạng Sơn; kế sinh nhai trong nhà vẫn một tay mẹ lo toan, trước khi mất có mấy ngày, nỗi bận tâm của bà vẫn là chuyện đói no của con cháu: “Vụ mùa này lúa tốt, xong vụ thế nào cũng bội thu, sang năm thóc lúa đủ ăn mấy tháng, mẹ không phải lo nữa” (Hành trạng của cha, mẹ, mẹ đích, mẹ sinh đã mất).
Sau khi mẹ mất, được Phạm Đình Hổ khuyến khích: “Không phải chỉ tính cho một thân mình mà còn vì gia kế” (Thư gửi quan Tế tửu Quốc tử giám họ Phạm), ông mới ra làm quan với nhà Nguyễn. Mùa xuân năm Tân Tỵ (1821), Ngô Thì Du được triệu vào Kinh đô giữ một chức từ hàn nào đó trong Sử cục. Ông lưu giữ lại được mấy tác phẩm làm trong thời gian đó (Tả miếu thi tụng, Từ Thọ cung thi tụng, Trường Ninh cung thi tụng, Hữu miếu thi tụng), nhưng có lẽ đối với ông công việc đó không mấy ý nghĩa, trái lại quan sát người ta tranh giành danh lợi, ông kinh sợ đến “râu tóc dựng đứng”. Thoái chí, Ngô Thì Du bộc lộ tâm trạng chán nản trong bài thơ dài Hành lộ nan:
Mang chút tài mọn đẽo gọt văn chương,
Đi nghìn dặm đến kinh đô.
Ngựa xoàng bám nhờ đuôi ngựa ký,
Con thuyền đơn lẻ ra giữa trùng khơi.
Huống nữa trong gia đình lại liên tiếp xảy ra biến cố: ông vừa đi được vài tháng thì đứa con trai mới bốn tuổi khôi ngô mắc bệnh không cứu được, năm trước (1820), người anh con bác là Ngô Thì Hương mất, cùng năm một người cháu làm quan Trấn (là Ngô Thì Lữ) cũng qua đời. (Ngô Thì Hương, con trai út Ngô Thì Sĩ; Ngô Thì Lữ là con trai Ngô Thì Chí, cả hai đều là tác giả trong Ngô gia văn phái).
Riêng mình thì tuổi đã không còn trẻ, ông nhìn con đường phía trước một cách vô vọng:
Chiều muộn đường còn xa,
Trong lòng ngổn ngang trăm mối.
Nhà nghèo chi dùng không đủ,
Con nhỏ, sự việc chẳng thay đổi.
Năm nào cũng mãi làm khách,
Tuổi thọ con người được bao nhiêu mà chờ thời cơ!
Ngô Thì Du đau đáu nhớ quê hương, nơi đó, đất Long Biên dưới vùng trời sao Bắc Đẩu, có ngôi nhà bên sông Nhuệ mà đêm đêm ông tìm về trong giấc mộng. Ông muốn “lui về ngay”, “không sợ vất vả trèo nghìn ngọn núi, qua vạn con sông”, nhưng “có một chức quan, việc đi hay dừng đâu có dễ gì!”. Ông nhớ quê, nhớ nhà mà chỉ đành trông sao Bắc Đẩu. Trong thời gian ở Xuân Kinh bài Vọng Đẩu ca là tác phẩm hay nhất viết về gia đình. Không rõ Ngô Thì Du đề đạt nguyện vọng nghỉ quan bằng cách nào, sau triều đình cũng chấp thuận cho về Bắc giữ chức Đốc học Hải Dương để được gần quê nhà. Ông rất cảm kích, nhân dịp này viết bài Hải Dương trấn học đường minh ca ngợi triều đình, cảm tạ ơn vua và hứa cố gắng hết sức làm cho “nhân tài Hải Dương phấn phát mạnh mẽ”. Song không được bao lâu, quan Đốc lại buồn nản, nhớ quê và thành bệnh. Thêm nữa, lương bổng cũng ít ỏi, Ngô Thì Du gửi thư cho một vị Thị lang bộ Binh họ Nguyễn (Dữ Binh Thị Nguyễn đài thư) nhờ xin cho về nghỉ. Lý do của ông là bệnh tật khiến ông làm việc không có hiệu quả, “Một năm chỉ giảng học được bốn tháng, suốt ngày đóng cửa ngồi sắc thuốc, công sở học đường đã biến thành nhà dưỡng bệnh”, mà “Bệnh do tâm sinh, thuốc không chữa được”, tâm nguyện “chim mỏi mong được về rừng”... Đến năm 1827, nguyện vọng của ông được phê chuẩn. Từ đó ông ở lỳ tại quê nhà cho đến khi qua đời vào năm 1840. Bài thơ Cảm hoài, có thể làm trong dịp này, như một cái nhìn tổng quát lại cả cuộc đời gian nan vất vả. Bảy chị em ông, bốn người đã mất trước chỉ còn lại ba, lúc này tuổi đã lớn, chị trên sáu mươi, em gái trên năm mươi, Ngô Thì Du năm mươi sáu, gia cảnh cũng vẫn khó khăn. Riêng em gái ông được nhờ bên chồng cũng tạm khá giả, còn chị gái, chồng và con đều mất sớm, một mình nghèo túng lênh đênh. Bản thân ông thì:
Tiếng là được một chức quan,
Thực ra vẫn cứ nghèo mãi.
Năm được mùa nhà thường đói,
Một tấm áo qua năm lần năm mới.
(Cảm hoài)
Tâm trạng Ngô Thì Du không lúc nào vui, cũng khá điển hình cho lớp trí thức Bắc Hà đầu đời Nguyễn, làm quan thân ở Kinh đô mà tâm gửi lại phía bắc Hoành Sơn. Trong một ngày khai bút đầu xuân, ông viết: “Kẻ sĩ không được dự vào hàng công khanh có cái không may mà cũng có cái may” (Tân Tỵ xuân khai bút đề). Tuy vậy ông không phải người khinh bạc, nặng tình gia đình, nhưng chưa bao giờ có cách nghĩ vượt khuôn phép như người bác giàu tính nghệ sĩ của mình: “Nếu biết đi làm quan xa mà chuốc lấy nỗi khổ chia ly thế này thì tước vạn hộ hầu cũng chẳng thiết”. (Ngô Thì Sĩ: Sau khi vợ cả mất, vợ thứ tôi trông nom việc nhà, cũng hiền thục có đức, tôi đang mừng vì đẹp duyên đôi lúa lại càng đau buồn vì sự chia lìa, cảm xúc làm thành một bài thơ luật Đường). Ngô Thì Du cũng quan niệm rất nghiêm túc về học hạnh của kẻ sĩ:
Ta nghe nói Tiến sĩ là người có tài và đức hạnh,
Lại được tiền nhân làm điều thiện, để lại phúc lành.
Nếu không thế, chỉ theo học mà đạt đến,
Thì cũng là bậc danh Nho tú tài lão luyện.
Vì thế tục truyền cổ nhân có nêu năm điều:
Một là duyên, hai là phận, ba là phóc đất,
Bốn là tích âm công, năm là đọc sách.
Bỏ ngoài những điều đó thì nghĩa lý ở đâu?
(Báo Ân tháp giải)
Ngô Thì Du cũng là người con rất hiếu nghĩa, một nho gia. Trong số tác phẩm còn lại của ông, nhiều bài nói về đạo hiếu, về những nghi thức lễ tiết trong gia đình theo quan niệm nho gia: Truy viễn đàn thăng hữu nghị, Gia từ sùng phụng nghị, Truy viễn đàn truy tế phú, Huấn tử phú, Nhiếp tế phú... Bài Can cách yếu thoại (Lời cốt yếu trong tâm can), có lẽ được viết trước lúc mất không lâu, dặn dò rất cẩn thận mọi việc tang té sau khi ông qua đời, từ đồ khâm liệm, đất mộ, lễ điện, đề chủ, tất cả đều cần kiệm theo gia cảnh nhưng không trái với Bách niên thư chí. Cuối cùng ông kết luận: “Trên đây là nói một cách đại khái về việc khâm liệm, còn cái tình thì không nỡ nói mà nói cũng không cùng, các con hiểu ý những điều không nói, suy ra mà làm, cũng không can gì”...
Ngô Thì Du rất ít làm thơ trữ tình. 76 bài tập hợp trong Trưng Phủ công thi văn có khoảng 12 bài thơ, trong đó chỉ có một bài thất ngôn bát mà ông gọi là khúc – Hồng lâu khúc, phần còn lại là thơ cổ thể trường thiên gồm cả các loại ca, ngâm, trong đó có một bài ông gọi “nhạc chương” (chưa rõ dùng cho điệu nhạc nào?). Trong thơ của ông cũng vắng bóng giai nhân, dù Hồng lâu khúc và Sơn trủng cầm tháo có nói đến Huyền Trân và chuyện một người đẹp nước Ngô, nhưng Ngô Thì Du cũng không bộc lộ tình cảm cá nhân. Ngô Thì Du đúng là con người của đạo đức, của gia đình, một nho gia chừng mực. Những khoảnh khắc “chơi vơi” một chút với thiên nhiên, cây cỏ - Hãn mạn ngâm, Tài cúc thuyết - là rất hiếm hoi. Trong tác phẩm của ông, ngoài những điều về chí hướng, thân phận kẻ sĩ, ông dành tình cảm sâu đậm cho gia đình - cha mẹ, anh chị em và con cháu. Ông viết hành trạng cho cha, mẹ đích, mẹ sinh, chị dâu (vợ Ngô Thì Chí), viếng anh rể, khóc đứa con nhỏ, thư cho các con, cho em... đều với lối văn giản dị, ân tình, thể hiện tình cảm chân thành dễ khiến người đọc xúc động. Tuy nhiên, trong chùm tác phẩm về chủ đề gia đình, hai bài Vọng Đẩu ca và Văn thương nhi là hai tác phẩm đặc sắc, được Ngô Thì Du thổ lộ tình cảm sâu kín nhất trong lòng. Chỉ với bài Văn thương nhi người đọc mới thấy ở Ngô Thì Du một ông bố “mềm yếu”, một tình cảm cha con xanh tươi bản chất tự nhiên, và cũng do đó mà xót xa đau đớn quan thắt: “Nuôi con đến nay được bốn tuổi/ Khi ở nhà, con ngồi bên gối cha/ Khi đi con nắm áo cha/ Mỗi bước đi lại ngoái nhìn, cha con nương tựa nhau”. Vào Kinh làm quan, Ngô Thì Du mang theo hình ảnh ấy của con, nghĩ rằng ngày về con lớn, cha con sẽ vui vầy, chính vì thế nghe tin dữ, tâm trí ông rối loạn những câu hỏi: “Con bị bệnh gì? Con uống thuốc gì? Ai chữa cho con? Bệnh con như thế nào mà đột nhiên trở nặng? Bệnh tình ra sao mà rốt cuộc chịu bó tay?..”. Ngô Thì Du đau đớn vì bất lực trước hoàn cảnh: “Muốn về ngay chẳng được, ôm nỗi lòng bi thương/ Nhìn mãi ra cửa Bắc, mây trắng bay cô đơn/ Cớ sao ra nỗi ấy, ai người gây đau thương?”. Ngô Thì Du yêu con, nhưng trong từng ấy tác phẩm ông chưa từng chính thức nhắc đến vợ. Tuy vậy nếu đọc kỹ Vọng Đẩu ca sẽ thấy nỗi niềm “gia thất” ông gửi gắm trong đó. Những tứ thơ: giấc mộng đêm đêm, lòng bồi hồi rối loạn khi tỉnh giấc, điển cố phép rút đất của Phí Trường Phòng, thường dùng chỉ việc về thăm nhà và lời nói ý tứ “Chàng có lòng chàng tự hiểu, lại có thể nói với người nào bên cạnh?” có thể cho phép nghĩ Ngô Thì Du đang nói về tình cảm của mình với người thân thiết, yêu thương nhất và lời văn cũng da diết nhất.
Ngô Thì Du đặc biệt ưa viết các thể loại văn xuôi và phú. Ông có 11 bài phú, về số lượng bài chỉ đứng sau Ngô Thì Nhậm trong Văn phái, riêng văn xuôi thì các thể rất phong phú, bao gồm cả bị văn, vãn, truyện, minh, thuyết. Theo Ngô gia thế phả, ông còn là tác giả 7 hồi (hồi 7 đến hồi 14) cuốn Hoàng Lê nhất thống chí. Văn xuôi của Ngô Thì Du chững chạc, dù chỉ là văn ghi chép nhưng qua cách kể của ông, tính cách nhân vật cũng được thể hiện rõ ràng (như bài Hành trạng của cha, mẹ đích, mẹ sinh và Thứ tẩu phu nhân lỗi từ). Điều đó cho phép chúng ta tin lời ghi của Ngô gia thế phả. Với bảy hồi này, Ngô Thì Du đã nối tiếp được mạch văn Ngô Thì Chí, tạo nên những giá trị nghệ thuật kiệt xuất cho Hoàng Lê nhất thống chí, một đỉnh cao của thể loại truyện chương hồi viết bằng chữ Hán của văn học Việt Nam. Tác phẩm của Ngô Thì Du còn lại không nhiều nhưng ông cũng là một tác giả có những đóng góp đặc sắc riêng cho Ngô gia văn phái./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội