Văn hóa – Di sản

Trần Tung – nhà thiền học yêu nước

Nguyễn Hữu Sơn 30/10/2023 14:32

Trần Tung (1230 - 1291), đạo hiệu Tuệ Trung, thường gọi Tuệ Trung Thượng sĩ, con trai Trần Liễu (Thế kỷ XIII), anh ruột Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1232-1300). Quê gốc ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc xã Lộc Vương, ngoại thành Nam Định). Ông trực tiếp tham dự hai cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông vào các năm 1284 - 1285, 1287 - 1288. Đương thời từng được phong chức Tiết độ sứ coi sóc phủ Thái Bình và được phân phong thực ấp ở Tịnh Bang (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh).

Vốn là người không ham công danh, ông chuyên tâm đọc sách tìm hiểu đạo Phật, theo học các thiền sư và sớm trở thành nhà Thiền học danh tiếng, được em rể là vua Trần Thánh Tông (1240 - 1290) kính trọng, được vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) tôn làm thầy học. Chính vua Trần Nhân Tông khi viết Thượng sĩ hành trạng ở cuối sách Trần triều Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục đã xác định: “Thượng sĩ là con trai đầu lòng của Khâm Minh Từ Thiện Thái Vương [Trần Liễu] và anh cả của Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu. Khi Thái Vương mất, Hoàng đế Trần Thái Tông cảm nghĩa phong cho Thượng sĩ tước Hưng Ninh Vương. Thủa nhỏ, Thượng sĩ bản tính thanh cao, nổi tiếng thuần hậu. Được cử trấn giữ quân dân ở lộ Hồng. Hai lần giặc Bắc xâm lăng, có công với nước, lần hồi được thăng chuyển giữ chức Tiết độ sứ vùng biển trại Thái Bình (...). Ôi! Thượng sĩ là người thần thái nghiêm trang, cử chỉ đĩnh đạc. Khi người đàm luận về cái lẽ cao siêu huyền diệu thì như gió mát trăng thanh. Đương thời các bậc đạo cao đức trọng đâu đâu cũng đều tôn trọng, cho Thượng sĩ là người “tin sâu biết rõ”, ngược xuôi thật khó mà lường được”...

tue-trung-thuong-si.jpg
Tượng Tuệ Trung Thượng sĩ.

Có thể coi Trần Tung Thượng sĩ là người nối tiếp nguồn sáng Phật giáo thời Lý qua sư Tiêu Dao, đồng thời khơi mở, đặt nền móng cho sự phát triển của Phật giáo đời Trần. Sách Tam tổ thực lục xác định ảnh hưởng trực tiếp của Tuệ Trung đến đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông: “Điều Ngự tính sáng suốt, đa tài, hiếu học, đọc khắp sách vở, thông hiểu cả nội và ngoại điển. Lúc rảnh việc nước, vua mời các khách Thiền đến giảng dạy tâm tông, lại tham vấn tuệ Trung Thượng sĩ, nhờ thế đạt được cốt tủy của Thiền, nên thờ Tuệ Trung theo lễ của bậc thầy” (Bản dịch, 1995). Khi khắc in lại bộ sách Trần triều Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục vào năm Quí Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 (1763), Tỳ kheo Tuệ Nguyên viết rõ: “Bộ lục này do Đại đức Tiêu Dao nói cho Thượng sĩ Tuệ Trung. Thượng sĩ nói cho Tổ thứ nhất của phái Thiền Trúc Lâm là Điều Ngự Giác Hoàng. Điều Ngự Giác Hoàng nói cho Tổ thứ nhì của phái trúc Lâm là Đại sư Pháp Loa. Đại sư pháp Loa nói cho Tổ thứ ba của phái Trúc Lâm là Tôn giả Huyền Quang. Tôn giả Huyền Quang nói cho tông phái Trúc Lâm”...

Tác phẩm của Trần Tung hiện còn được tập hợp trong bộ Thượng sĩ ngữ lục (do nhầm lẫn của Bùi Huy Bích, 1744 - 1818, khi soạn Hoàng Việt thi văn tuyển nên một thời gian dài sách này được coi là của Trần Quốc Tảng). Nhà nghiên cứu Nguyễn Lang Thích Nhất Hạnh xác định: “Le Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục est l’oeuvre du maitre dhyãna Tuệ Trung. Le Hoàng Việt văn tuyển, compilé par Bùi Huy Bích sous la dynastie Lê, dit que Tuệ Trung est le nom religieux de Trần Quốc Tảng, fils ainé du héros national Trần Hưng Đạo. Nous avons découvert que Tuệ Trung, au lieu d’être fils de Trần Hưng Đạo, est son frère ainé. Trần Nhân Tông, disciple de Tuệ Trung, a escrit à la fin du Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục que Tuệ Trung est “fils ainé du Khâm Minh Từ Thiện Đại Vương et frère ainé de la reine Nguyên Thánh Thiên Cảm”. Or, Khâm Minh Từ Thiện Đại Vương est le titre conféré par l’empereur Thái Tông à An Sinh Vương Trần Liễu, père de Trần Hưng Đạo. La reine Nguyên Thánh Thiên Cám est elle aussi fille de An Sinh Vương Trần Liễu et petite soeur de Trần Hưng Đạo. D’après une note dans le Đại Việt sử ký toàn thư, le fils ainé de An Sinh Vương Trần Liễu s'appelle Trần Quốc Tung, ayant pour titre Hưng Ninh Vương” (Thich Nhat Hanh: Histoire du Bouddhisme Vietnamien - Programme de l'année 1972-1973: Étude des textes dhyana (Zen) vietnamiens de la dynastie des Trần (1225-1400). Annuaire 19731974. École pratique des hautes éstudes. IVe Section sciences historiques et philologiques, Sorbonne, 1974, p.750) (Sách Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục là tác phẩm của thiền sư Tuệ Trung. Sách Hoàng Việt văn tuyển do Bùi Huy Bích soạn dưới triều Lê nói rằng Tuệ Trung là tên hiệu của Trần Quốc Tảng, con trai cả của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Chúng tôi đã phát hiện ra rằng Tuệ Trung, thay vì là con trai Trần Hưng Đạo, lại là anh trai của ông. Trần Nhân Tông, học trò của Tuệ Trung, viết cuối sách Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục rằng, Tuệ Trung là “anh trai của Khâm Minh Từ Huệ Đại Vương và là anh trai của Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm”. Thế nhưng, Khâm Minh Từ Thiện Đại Vương lại là hiệu do Hoàng đế Thái Tông ban cho An Sinh Vương Trần Liễu, cha của Trần Hưng Đạo. Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm cũng là con gái An Sinh Vương Trần Liễu và là em gái Trần Hưng Đạo. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, con trai cả của An Sinh Vương Trần Liễu tên là Trần Quốc Tung, tước hiệu Hưng Ninh Vương) (Thích Nhất Hạnh: Lịch sử Phật giáo Việt Nam - Bài giảng niên khóa 1972-1973: Nghiên cứu các văn bản Thiền Việt Nam thời Trần (1225–1400). In trong Tập san thường niên (1973-1974). Trường Cao đẳng thực hành thuộc Phân hệ IV- Khoa học lịch sử và ngữ văn, Đại học Sorbonne xuất bản, Paris, 1974, tr.750) (Cao Việt Dũng dịch)... Bộ sách Thượng sĩ ngữ lục có niên đại sớm nhưng do nhiều người biên soạn, tập hợp văn bản từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm nhiều thể loại, có cả tác phẩm của chính Trần Tung hoặc người khác ghi chép về Trần Tung, thậm chí chép lẫn cả thơ văn người khác. Đến nay, vấn đề văn bản học của bộ sách Thượng sĩ ngữ lục đã được giải quyết bước đầu khá cơ bản.

Tác phẩm Thượng sĩ ngữ lục là một hợp tập gồm 4 phần. Phần Ngữ lục chủ yếu là những lời giảng về Thiền học dưới hình thức thầy trò vấn đáp, trong đó có lời văn xuôi giống như những công án thiền và bằng cả lối thơ hai câu, thơ ngũ ngôn và thất ngôn tứ tuyệt. Phần thứ hai có 49 bài thơ với nhiều đề tài, thể loại, nội dung, mục đích sáng tác khác nhau. Phần thứ ba là những bài văn phúng tế gồm 8 bài tán của các nhà sư trong phái Trúc Lâm Yên Tử viếng sư thầy Trần Tung. Phần thứ tư có bài Thượng sĩ hành trạng do người khác ghi chép, trong đó có tàng trữ 6 bài kệ của chính Trần Tung. Trên thực tế, phần tác phẩm có ý nghĩa văn học nhất chính là 49 bài thơ của Trần Tung với nhiều sắc thái trữ tình khác nhau.

Trần Tung viết rất ít về lý tưởng hành đạo, chuyện nhân gian, thế sự, cuộc đời. Những bài thơ đề vịnh thể hiện khẩu khí ngang tàng kiểu như Trụ trượng tử (Chiếc gậy) chiếm số lượng không nhiều:

Nhật nhật trượng trì tại chưởng trung,

Hốt nhiên như hổ hựu như long.

Niêm lai khước khủng sơn hà toái,

Trác khởi hoàn phương nhật nguyệt lung.

Tam xích song lâm hà xứ hữu?

Lục hoàn Địa Tạng khoái nan phùng.

Túng nhiên thế đạo kỳ khu thậm,

Bất nại tòng tiền bột tốt ông.

Huệ Chi dịch thơ:

Ngày lại ngày qua tay vững gậy,

Thoắt nhanh như cọp dẻo như rồng.

Vung lên, sông núi e tan nát,

Dựng dậy, trời trăng sợ mịt mùng.

Ba thước song lâm tìm mỏi mắt,

Sáu vòng Địa Tạng kiếm hoài công.

Dẫu cho đường tục chông gai mấy,

Lão chẳng như xưa bước ngại ngùng.

Một vài bài thơ của ông có nhắc đến người này người khác thì lại thường là tiếng thơ khuyên con người tìm về với đạo Phật, thăm Đại sư Tăng Điền, viết đùa thiền sư Trí Viễn xem kinh giảng nghĩa, ca ngợi đạo học của thiền sư Tiêu Dao, pháp sư Thuần Nhất và Trần Thánh Tông. Riêng trong bài Họa Hưng Trí Thượng vị hầu (Họa thơ Hưng Trí Thượng vị hầu), ông tỏ ý đồng cảm, sẻ chia tâm sự với Trần Quốc Nghiễn, con trai thứ hai của Trần Quốc Tuấn:

Thiền phong vô hậu diệc vô tiền,

Bản thể như như chỉ tự nhiên.

Thiếu Thất cửu niên vô nhất ngữ,

Hoàng Mai bán dạ giả đơn truyền.

Tâm cơ bất quải ti hào niệm,

Khẩu nghiệp hà lao gián trạch nghiên (ngôn).

Vị báo nguyên quân Trần xử sĩ,

Nhất thanh lãnh nhạn độ sương thiên.

(Phong độ Thiền không trước cũng không sau,

Bản thể tròn đầy mãi mãi là điều tự nhiên.

Chín năm ở Thiếu Thất không nói một lời,

Nửa đêm ở Hoàng Mai lập kế truyền đạo cho một người.

Tâm cơ không vướng mảy may ý nghĩ,

Nghiệp miệng cần gì phải chọn lời cho mệt.

Xin báo cho nguyên quân xử sĩ họ Trần,

Một tiếng nhạn lạnh lùng bay qua trời sương)

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, khi giặc chịu lui quân, vua Trần hạ lệnh không đánh nữa nhưng Quốc Nghiễn vẫn vây đánh nên không được trọng thưởng. Có thể sau này ông lui về sống cuộc đời ẩn dật bình dị nên Trần Tung mới gọi ông là “Trần xử sĩ”.

Khác biệt với âm hưởng thơ Thiền đời Lý, Trần Tung có mấy bài thơ in đậm phong cách một cư sĩ phóng khoáng, một tiếng nói của thiền Đại thừa, một người hướng về đạo Phật nhưng không quá bị ràng buộc bởi những tín điều hình thức. Nhiều khi ông nói đến ý nguyện thoát đời, lui khỏi trường danh lợi, tìm về với thế giới tự nhiên thanh tĩnh, nhấn mạnh hình ảnh con người gần với đạo tu tiên, thể hiện chí tiêu dao, tự do, tự tại. Một mặt, Trần Tung tỏ ý ly tâm với cõi đời, bộc lộ tâm thế Xuất trần (Ra khỏi bụi trần), Thoát thế (Thoát đời), Thoái cư (Lui về), thấy được cái kết cuộc cuối cùng ở phía trước Vạn sự qui như (Muôn việc đều về cõi chân như), Thế thái hư huyễn (Cõi đời hư ảo); nhưng mặt khác lại không thoát được những ràng buộc của kiếp nhân sinh một khi còn hiện diện trên đời, trước sau vẫn không thể xa lánh được thực tại với con đường Nhập trần (Vào vòng cát bụi), có lúc Đốn tỉnh (Chợt tỉnh) và thấy Phàm thánh bất dị (Phàm thánh chẳng có gì khác nhau), Mê ngộ bất dị (Mê lầm và giác ngộ không có gì khác nhau). Từ đây xuất hiện một lối ứng xử, một kiểu nhân cách tăng sĩ độc đáo mà ngay các nhan đề Chiếu thân (Soi mình), Giang hồ tự thích (Vui thích giang hồ),... cũng biểu lộ rõ thái độ của người viết. Với bài Phóng cuồng ngâm (Bài ngâm cuồng phóng), Trần Tung thể hiện là bậc thiền sư đạt đạo, sống giữa cõi đời mà đứng cao hơn nhân gian, nhập thế mà biết gián cách thoát thế, làm chủ thân tâm và biết an vui, hòa nhập với từng giây lát thực tại:

Cơ tác xan hề hòa la phạn,

Khốn tắc miên hề hà hữu hương.

Hứng thời xuy hề vô khổng địch,

Tĩnh xứ phần hề giải thoát hương.

Huệ Chi - Đỗ Văn Hỷ dịch thơ:

Đói thì ăn chừ, cơm tùy ý,

Mệt thì ngủ chừ, làng không làng!

Hứng lên chừ, thổi sáo không lỗ,

Lắng xuống chừ, giải thoát đốt nhang.

Trong phần kết bài thơ, Trần Tung nhấn mạnh sự thấu hiểu mối quan hệ giữa đời và đạo, sự biến dịch của thời gian và sự sống. Con người đạt đạo ấy không đối lập giữa đời và đạo, chỉ mong kiếm tìm lẽ đạo như một phép xử thế trước cuộc đời, một thế ứng xử nhân văn trước thực tại với những giàu sang, bể hoạn, ấm lạnh thói thường, nông sâu, dụng xả, hành tàng, xuất xử... Trên tất cả, ông nhận thức được giá trị của tự do, phóng chiếu sức mạnh của bản ngã và hạnh phúc bởi sự thỏa nguyền “được nơi ta muốn”:

Đốt đốt phù vân hề phú quý,

Hu hu quá khích hề niên quang.

Hồ vi hề quan đồ hiểm trở,

Phả nại hề thế thái viêm lương.

Thâm tắc lệ hề thiển tắc yết,

Dụng tắc hành hề xả tắc tàng.

Phóng tứ đại hề mạc bả tróc,

Liễu nhất sinh hề hưu bôn mang.

Thích ngã nguyện hề đắc ngã sở,

Sinh tử tương bức hề ư ngã hà phương.

Huệ Chi - Đỗ Văn Hỷ dịch thơ:

Ối ôi! Giàu sang chừ, lưng trời mây nổi,

Chà chà! Năm tháng chừ, bóng ngựa lướt ngang!

Nói sao chừ, chông gai bể hoạn,

Tạm quen chừ, ấm lạnh thói thường!

Sâu thì dấn chừ, nông thì xắn vén,

Dùng thì làm chừ, bỏ thì ẩn tàng.

Buông hình hài chừ, chớ chạy quàng.

Thỏa ước nguyền ta chừ, được nơi ta muốn,

Sống, chết thôi thúc chừ, lòng ta coi thường.

Đặc biệt trong bài Trừu thần ngâm (Bài ngâm bĩu môi), Trần Tung trực diện bày tỏ chính kiến:

Qui dư đạo ẩn hề sơn lâm,

Khôi khước lợi danh hề triều thị.

(Về thôi! Ẩn đạo nơi rừng núi,

Nguội lạnh lợi danh chốn triều đình, đô hội)...

Chiếm phần chủ yếu trong thơ Trần Tung là những suy nghiệm về lẽ chân tâm, chân như, hư không theo tinh thần Phật giáo nhưng vẫn chú trọng sự tu dưỡng cá nhân và nội lực bản ngã, ý thức tự tại, tự soi nhìn lại chính mình. Trần Tung có nhiều bài thơ đề vịnh, đề tặng, thơ thăm, xướng họa, chúc tụng, đùa vui với các sư thầy và đạo hữu. Ông vừa có những bài thơ răn dạy chúng dân đệ tử hãy ngưỡng vọng về Phật giáo (gợi bảo người học đạo, người chân tu, thấy muôn việc đều qui về cõi chân như và ngợi ca tấm gương Trần Thánh Tông học đạo Phật...), vừa tỏ ý ham vui giữa cõi đời, an nhiên giữa cuộc đời (lui về chốn an nhàn, vui với đời theo cách nhìn đời của Phật giáo và hát bài ca “cuồng phóng”...), đồng thời nâng cấp, đòi hỏi sự thông hiểu về Phật giáo ở một trình độ cao (bàn về chữ tâm, sự nuôi dưỡng chân tính, tính chất hư ảo của cõi đời...). Trong rất nhiều bài thơ, Trần Tung thường đề cao các mối liên hệ, các tương quan giữa Phật và tâm, sinh và tử, phàm và thánh, mê lầm và giác ngộ, trì giới và nhẫn nhục... Bước đầu thơ ông đã bộc lộ dấu hiệu tiếng nói con người cá nhân phá cách, tiếng nói trữ tình hướng nội, tự mình chiêm nghiệm và tìm đến niềm an lạc theo cung cách riêng của mình. Ngay đối với các vấn đề căn bản của Phật giáo, ông vẫn bày tỏ theo một cách nhìn, một cách cảm nhận riêng. Trong bài thơ Tự tại, Trần Tung gián cách mình với cuộc sống đời thường, vượt qua những thiên kiến cố chấp, đạt đến chí “vô phân biệt”. Sài môn mao ốc cư tiêu sái – Vô thị vô phi tự tại tâm (Cửa liếp nhà tranh, ăn ở thảnh thơi - Không “thị” không “phi”, lòng ung dung tự tại)...

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Hoàn thiện chính sách pháp lý phát triển văn học, nghệ thuật bước vào kỷ nguyên mới
    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định).
  • Kỷ lục gần 18.000 vận động viên dự Marathon quốc tế Techcombank mùa 7
    Giải Marathon Quốc tế Techcombank Hồ Chí Minh mùa thứ 7 chính thức đóng cổng đăng ký sau khi cháy vé với gần 18.000 vận động viên tham gia, đánh dấu sự kiện biểu trưng của thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2024.
  • Chung kết cuộc thi Tài năng Anh ngữ dành cho học sinh, sinh viên Thủ đô lần thứ VIII năm 2024
    Các giải nhất cá nhân đã thuộc về 2 thí sinh Nguyễn Kiều Trang (Trường trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) và Nguyễn Thị Hường (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)...
Đừng bỏ lỡ
Trần Tung – nhà thiền học yêu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO