Văn hóa – Di sản

Lý Bí Nam Đế - người dựng nước Vạn Xuân độc lập

Nguyễn Duy Hinh 22/10/2023 08:45

Đại Việt sử ký toàn thư đã có một kỷ nhà Tiền Lý, Tiền Lý Nam Đế và có một kỷ Hậu Lý, Hậu Lý Nam Đế. Tác giả bộ quốc sử này đã phân biệt triều đại của Lý Bí với triều đại của Lý Phật Tử thành "tiền" và "hậu", tưởng rằng hai nhà vua thuộc hai vương triều khác nhau nhưng thực tế đó là cùng một vương triều có quan hệ huyết thống của cùng một nước Vạn Xuân. Tại đình Ngọc Than huyện Quốc Oai (nay thuộc Hà Nội) và đình Tu Hoàng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội ngày nay) còn lưu lại một văn bản dùng tư liệu chính xác hơn - Vạn Xuân quốc đế ký (Tư liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.2651. Văn bản này dùng nhiều đoạn văn trong nguyên bản chữ Hán của Đại Việt sử ký toàn thư, chiếm khoảng 1/3 toàn văn. Việc trích lấy từng câu từng đoạn chứng tỏ tác giả có trong tay Đại Việt sử ký toàn thư. Hợp hai văn bản này sẽ có một tiểu sử tương đối chi tiết về Lý Bí).

Vua họ Lý, tên huý là Bí, Chữ Hán này còn có thể đọc Bôn hay Phần, mỗi âm đọc có nghĩa khác nhau, Đọc Bôn có nghĩa là dũng sĩ. Đọc Phần có nghĩa là to lớn. Đọc Bí có nghĩa là rực rỡ, sáng sủa. Lý Bí người phủ Long Hưng thuộc Thái Bình. Tổ tiên là người phương Bắc, cuối thời Tây Hán khổ vì loạn lạc nên di cư sang nước ta. Tổ là Lý Thuận. Lý Thuận sinh Lý Hành, Lý Hành sinh Lý Năng, Lý Năng sinh Lý Như, Lý Như sinh Lý Hòa, Lý Hòa sinh Lý Quỹ. Lý Quỹ sinh Lý Hàm. Đến đời thứ 7 này thì Lý Hàm lấy người Việt là Ma thị sinh 8 con: Thanh, Tân, Quý, Thần, Hành, Hội, Tần, Câu. Thời Nguyên Gia (424-452) nhà Tống, Lý Thạnh đã từng dẫn hơn 300 người trong họ theo Đàn Hòa Chi đánh Lâm Ấp, có công lớn nên được ban cho thế tập làm thổ hào địa phương. Lý Thanh sinh Lý Hoa. Lý Hoa sinh Lý Cạnh. Lý Cạnh lấy Phí thị sinh 4 con: Lý Thiên Bảo, Lý Bí, Lý Xuân, Lý Hùng.

ly-bi.jpg
Lý Nam Đế. Ảnh minh họa

Họ Lý đã trở thành một đại gia tộc người Việt hào phú địa phương.

Lý Bí tự Liêm Cử, sinh năm 499 mất năm 548, thọ 49 tuổi, tài kiêm văn võ, từng làm quan nhà Lương, giữ chức giám quân ở châu Cửu Đức. Bấy giờ thứ sử Giao Châu là Tiêu Tư hà khắc tàn bạo mất lòng người, Lý Bí bèn liên kết với hào kiệt các nơi cùng nhau mưu đồ khởi nghĩa, thế lực lớn đến mấy vạn người. Nhiều hào kiệt hưởng ứng, trong đó có Tinh Thiều người cùng quê và Triệu Túc, tù trưởng Chu Diên là những trụ cột sau này của vương triều. Tinh Thiều giỏi từ chương, từng sang triều Tống xin làm quan. Thượng thư bộ Lại Sái Tôn thấy không thuộc danh gia vọng tộc nên chỉ cho làm Quảng Dương môn lang. Tinh Thiều bị khinh bỉ tức giận về phò Lý Bí, trở thành người mưu lược đứng đầu văn ban triều đình nước Vạn Xuân. Triệu Túc đứng đầu võ ban triều đình và sau khi vua băng thì con là Triệu Quang Phục được giao toàn bộ binh quyền, tổ chức đánh du kích ở đầm Dạ Trạch, tiếp tục sự nghiệp chống quân Lương, lập nên triều đại Triệu Việt Vương. Năm 541, Tiêu Tư biết việc vua chuẩn bị khởi nghĩa, cả sợ, sai người đem vàng bạc mua chuộc không được, bèn bỏ chạy về Quảng Châu. Vua chiếm giữ châu thành Long Biên.

Nhà vua tiên liệu quân Lương nhất định sẽ quay lại đánh chiếm nước ta bèn bố trí các tướng trấn giữ các địa phương. Phong cho em là Lý Xuân làm Tây chinh đô đốc kiêm Hiệu úy đem 5.000 quân trấn thủ Phong Châu. Phong Lý Hùng làm Nha môn tướng quân đem 5.000 quân trấn thủ Tân Xương Cửu Đức. Phong cho anh là Lý Thiên Bảo làm Giám quân tướng quân đem 5.000 quân trấn thủ Tân Xương. Phong cho cháu họ là Lý Phục Man làm Uy viễn tướng quân đem 5.000 quân trấn giữ Nhật Nam. Vương triều đã ổn định, sẵn sàng chống ngoại xâm.

Quả nhiên tháng 12 năm 542, vua Lương sai Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng mang quân sang xâm chiếm. Tôn Quýnh trù trừ không muốn tiến quân. Nhưng bị Tiêu Tư và thứ sử Quảng Châu Tân Du hầu Hoán thúc ép, bèn tiến quân đến Hợp Phố.

Vua nghe tin bèn hội họp chư tướng bàn mưu tính kế. Tinh Thiều tâu rằng: Quân Lương đi đường xa mệt mỏi, quân đi hàng ngàn dặm, lương thực không tiếp tế kịp, người ngựa đều mệt mỏi cả rồi. Hơn nữa năm nay tháng chạp rất rét. Như vậy mà cất quân đi xa là điều kiêng kỵ của binh gia. Xin ban cho một vạn tinh binh phục nơi hiểm yếu mà đánh thì không có gì đáng lo nữa. Vua cả khen và phong Lý Phục Man làm Tả vệ hiệu quân, Phạm Tu làm Hữu vệ hiệu quân đem 5 vạn quân đồn trú ở Vân Lâm để phòng bị. Phong cho Tinh Thiều làm Tán nghị sĩ, Triệu Túc làm Tiếp ứng sứ. Toàn quân chia làm 3 lộ tiến về Hợp Phố. Khi đại quân đến biên giới Hợp Phố, đầu tiên gặp quân của Tử Hùng. Triệu Túc thúc ngựa xông ra đánh với Tử Hùng hơn 30 hiệp. Tinh Thiều đứng trên đồi cao thấy Tử Hùng anh dũng, phía sau thì Tôn Quýnh tỏ vẻ tức giận, bèn ra lệnh phất cờ, hai cánh quân tả hữu cùng xông lên. Lý Phục Man từ bên phải ập đến, Phạm Tu từ bên trái đánh vào. Quân Tử Hùng đại bại. Quân Lương thua trận, mười phần chết đến sáu bảy, bỏ lại xe cộ lương thực, giẫm lên nhau mà chạy. Quân nhà Lý đại thắng thu được vô số chiến lợi phẩm. Vua rất vui mừng ban khen chư tướng.

Tiêu Tư tâu lên vua Lương kể tội Tôn Quýnh, Tử Hùng. Vua Lương nổi giận ban cho Tôn Quýnh, Tử Hùng phải tự tử ở Việt Vương lầu tại Quảng Châu.

Tháng 4 năm 543 vua Lâm Ấp tiến đánh quận Nhật Nam. Tướng Lý Phục Man đánh nhau bất phân thắng bại bèn báo về triều đình xin cứu viện. Vua bèn ra lệnh cho Phạm Tu làm Bình Lâm úy tướng đem quân tiếp viện, đại phá quân Chiêm Thành ở Cửu Đức, chém đầu hơn vạn quân Chiêm.

Thế là thắng giặc phương Bắc, phương Nam, cục diện ổn định. Tháng Giêng năm 544 lên ngôi vua xưng Nam Việt Đế, đặt niên hiệu Thái Đức, quốc hiệu Vạn Xuân, dựng điện Vạn Thọ, sắp đặt trăm quan, lấy Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều làm Thiếu úy, Phạm Tu làm Thái sư. Các tướng lĩnh khác đều được phong quan coi việc nước. Nhà vua cũng coi trọng Phật giáo, dựng chùa Khai Quốc (tiền thân chùa Trấn Quốc hiện nay ở Hà Nội).

Quốc danh Vạn Xuân biểu thị mong muốn đất nước muôn đời như mùa xuân. Tháng 6 năm 545, nhà Lương phong Dương Thiêu (Dương Phiêu) làm thứ sử Giao Châu, Trần Bà Tiên (người sau khi chiến bại ở Giao Châu đã về lập nên nhà Trần ở Trung Quốc) làm Tư mã, sai thứ sử Định Châu là Tiêu Bột hội quân ở Giang Tây, cả thảy 8 vạn quân. Tiêu Bột lo sợ không muốn xuất quân nhưng Trần Bá Tiên kiên quyết đem quân đi trước.

Lý Nam Đế sai Triệu Túc đem 2 vạn quân đóng ở Vân Đồn, Phạm Tu đem 2 vạn quân đóng ở Hiệp La, Tinh Thiều đem 2 vạn quân đóng ở Du Cốc, Lý Phục Man làm tiền phong, Lý Hùng vận lương, đem 6 vạn 8000 quân chống địch.

Triệu Túc bị Trần Bá Tiên vây chết trong trận, con là Triệu Quang Phục cùng quân tướng phá vòng vây chạy thoát. Phạm Tu, Tinh Thiều đem binh tiếp cứu cũng bị Trần Bá Tiên phục binh chặn lại. Lý Phục Man tả xung hữu đột mở một đường máu đến gặp Phạm Tu, Tinh Thiều khuyên nên cùng rút lui. Phạm Tu nói: Làm tướng bại trận thì chỉ có chết mới đền ơn vua nợ nước. Phạm Tu bèn cùng Tinh Thiều chia thành hai cánh quyết tử. Cuối cùng cả hai ông đều bị hơn mười vết thương mà chết trong trận. Lý Phục Man thấy hai tướng đã hy sinh bèn rút quân về giữ Chu Diên. Trần Bá Tiên xua quân vây chặt. Quân lính tán loạn bỏ chạy. Lý Phục Man tự sát, Lý Hùng thu thập tàn quân cố thủ cửa sông Tô Lịch. Sau nhiều lần thắng bại, Lý Hùng bèn cùng Lý Xuân phò Lý Nam Đế lui về cố thủ thành Gia Ninh. Quân Lương đuổi theo vây kín. Tháng Giêng năm Bính Dần (546) khi Lý Nam Đế đang bị vây trong thành Gia Ninh thì Triệu Quang Phục, con của Triệu Túc phá vây vào thành hầu vua. Triệu Quang Phục tâu: “Trong thành khốn quẫn, trong không có lương thực, ngoài không có viện binh, không thể ở lâu được, nên đến Tân Xương, nơi đó còn mấy vạn quân Lý Thiên Bảo, lương thực còn đầy đủ trong mười năm, nên lui vào đất người Lào chỉnh đốn quân đội chờ ngày phản công. Đó là diệu kế"... Lý Nam Đế nghe theo, bèn phong Triệu Quang Phục làm đại tướng, Lý Xuân làm Hợp hậu, Lý Hùng làm Bảo giá. Giữa trưa mở cửa thành phía Tây liều chết xông ra. Quân Lương không dám cản lại, Trần Bá Tiên dẫn quân đuổi theo, bắt được Lý Xuân. Trần Bá Tiên chiếm được thành Gia Ninh bèn đóng quân ở cửa sông Gia Ninh.

Tháng 8, Lý Nam Đế đem hai vạn quân từ đất người Lào ra hồ Điển Triệt, đóng nhiều thuyền chật mặt hồ, chuẩn bị phản công. Quân Lương cả sợ, chỉ đóng ở cửa sông Gia Ninh không dám tiến đánh. Trần Bá Tiên bảo chư tướng: “Quân ta đã đánh nhau quá lâu mệt mỏi, mà lại là đạo quân cô độc không có viện binh, nếu bị đánh bại một trận thì tan tác ngay. Nay nhân lúc quân địch đang bại liên tiếp, lòng quân chưa ổn định, người Di Lão dễ hợp mà cũng dễ tan, ta nên liều chết một phen, không được ngưng chiến mà mất thời cơ”. Chư tướng ai ai cũng im lặng không hưởng ứng.

Bất ngờ một đêm nước lớn dâng lên 7 thước tràn vào hồ, Trần Bá Tiên bèn nhân cơ hội đó xua quân tiến vào hồ. Vua vốn không phòng bị, vì thế quân vỡ, phải lui về động Khuất Lão để chấn chỉnh quân đội, ủy cho Triệu Quang Phục toàn quyền cầm quân đánh Trần Bá Tiên.

Tháng Giêng năm 547, Triệu Quang Phục cầm cự với Trần Bá Tiên bất phân thắng bại bèn quyết định rút quân về đầm Dạ Trạch đánh du kích lâu dài. Đầm này ở huyện Chu Diên (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), chu vi không biết bao nhiêu dặm, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ nước mới có thể đến được. Nhưng nếu không biết đường lối thì lạc không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước là bị rắn độc cắn chết. Quang Phục thuộc rõ đường đi lối lại, đem hơn hai vạn người vào đóng ở nền đất trong đầm, ban ngày tuyệt không để lộ khói lửa và dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của quân Bá Tiên, giết và bắt sống rất nhiều, lấy được lương thực để cầm cự lâu dài. Bá Tiên nhiều lần tiến đánh mà không đánh được.

Tháng 3 năm Mậu Thìn (548), Lý Nam Đế ở động Khuất Lão lâu ngày nhiễm lam chướng, ốm chết, thọ 49 tuổi.

Sự nghiệp của Lý Bí được Triệu Quang Phục tiếp tục. Tháng Giêng năm 550 nhà Lương phong Trần Bá Tiên làm thứ sử Giao Châu. Bá Tiên mưu tính cầm cự lâu dài nhưng nhân loạn Hầu Cảnh, Bá Tiên bèn về tranh bá đồ vương, lập nên nhà Trần. Tướng Dương Sàn được cử lưu lại tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lăng. Triệu Quang Phục tung quân đánh, Dương Sàn tử trận, quân Lương rút chạy về phương Bắc.

Triệu Việt Vương trở về đóng đô ở thành Long Biên.

Nền độc lập do Lý Bí khởi xướng năm 541 được duy trì dưới triều Triệu Việt Vương và Lý Phật Tử, thực tế chỉ chấm dứt năm 602 khi nhà Tùy thống nhất trung nguyên rồi sai tướng Lưu Phương thống lĩnh 27 doanh quân sang tái chiếm nước ta.

Như vậy thực tế nước Vạn Xuân đã tồn tại từ năm 541 đến năm 602, 62 năm độc lập đó gắn liền với tên tuổi Lý Bí, người đầu tiên đã dựng một triều đại dân tộc độc lập, khôi phục tộc danh Việt, có quốc hiệu Vạn Xuân, có thủ đô Long Biên, có bộ máy nhà nước tương đối hoàn chỉnh, có quân đội tương đối có tổ chức quy mô lớn.

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư...

đã được định từ Lý Nam Đế./.

Theo Doanh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển văn hóa, Hà Nội là địa phương tiên phong
    Tại Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sáng 29/10 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, bà Phạm Thị Thinh – Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, cho biết, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hà Nội là địa phương tiên phong, có nhiều cách làm cụ thể để phát triển văn hóa như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 - 2024).
  • Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người
    Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.
  • [Podcast] Nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô tạo đà cho Hà Nội phát triển bền vững, toàn diện
    Cùng nhiều chính sách đặc thù, vượt trội để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, Luật Thủ đô (sửa đổi) có một Điều riêng rất mới về nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thi hành Luật Thủ đô 2012, đồng thời thể chế hóa được các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.
  • Gần 400 võ sinh tranh tài tại Giải Taekwondo Hà Nội mở rộng 2024
    Ngày 28/10, tại Nhà thi đấu Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Cầu Giấy (Hà Nội), Sở văn hoá và thể thao thành phố Hà Nội đã tổ chức giải Taekwondo Hà Nội mở rộng năm 2024.
  • Hà Nội tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”
    Cuộc thi tìm hiểu “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2024 là một trong những hoạt động của Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp Thành phố nhằm tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, mừng thành công Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp.
Đừng bỏ lỡ
  • Hà Nội trong mắt nhìn “người núi”
    Tiến sĩ, nhà thơ Lê Tuấn Lộc, quê Thanh Hóa, nhưng gắn bó với nghề tìm quặng và làm mỏ chủ yếu ở Tuyên Quang và miền núi phía Bắc. Sau này về định cư Hà Nội, thành công dân Thủ đô, nhưng cái cốt cách của “người núi” đã ăn sâu vào cách nghĩ, cách nhìn, cách nói và cách thể hiện của Lê Tuấn Lộc.
  • Chiêm ngưỡng “Sơn son thếp vàng” 24k, nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn
    Ngôi điện quan trọng của Hoàng thành Huế và là nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn đang được thi công tu bổ giai đoạn cuối với “Sơn son thếp vàng” 24k để chuẩn bị đón khách tham quan vào cuối năm 2024.
  • “Khóa học” giáo dục di sản hấp dẫn tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024
    Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 diễn ra từ ngày 09-17/11/2024 với hơn 100 hoạt động, đặc biệt Lễ hội còn là một “khóa học” giáo dục di sản hấp dẫn và thuyết phục cho các bạn lứa tuổi học sinh.
  • Liên hoan Sâu khấu Hà Nội mở rộng 2024 quy tụ 11 vở diễn mới của sân khấu
    Diễn ra từ ngày 01 đến 09/11 tại rạp Công nhân, rạp Đại Nam và các Nhà hát khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng 2024 quy tụ các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp Trung ương, Hà Nội, lực lượng vũ trang trên địa bàn Hà Nội và các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố lân cận.
  • Báo chí Hà Nội đã tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Đó là khẳng định của bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tại “Lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tuyên truyền hoạt động đối ngoại và hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước năm 2024-2025” do Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức ngày 28/10 tại Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (TP. Hà Nội).
  • Đặc sắc Lễ hội Lẩu Then của đồng bào dân tộc Tày
    Nằm tại vùng biên giới phía Bắc, Hà Giang là nơi sinh sống của 19 dân tộc với hơn 60.000 dân, trong đó có hơn 16.500 người dân tộc Tày, chiếm 27% dân số. Lễ hội Lẩu Then là nét đặc trưng của người Tày, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
  • Nét đẹp di sản áo dài Trạch Xá
    Mang trong mình niềm tự hào có nghề cha ông truyền lại, người dân làng nghề may áo dài thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa nhiều thế hệ dù bôn ba khắp các tỉnh, thành phố hay ở trong lũy tre làng, vẫn luôn giữ tay kim thoăn thoắt đưa những đường chỉ tạo nên chiếc áo dài mềm mại, nhẹ nhàng, đậm văn hóa dân tộc Việt Nam. Tự hào hơn khi mới đây làng nghề may truyền thống áo dài Trạch Xá đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
  • Nhà hát Kịch Việt Nam xây dựng cơ sở 2 tại số 20 Hoàng Quốc Việt
    Theo quyết định số 3117/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL), Nhà hát Kịch Việt Nam cơ sở 2 sẽ được xây dựng tại số 20 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Quyết định do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông ký và ban hành.
  • [Podcast] Đình chèm – Di sản hàng nghìn năm tuổi của Thủ đô
    Nằm ẩn mình bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, trải qua thăng trầm suốt hơn 2.000 năm, đình Chèm (làng Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phủ lên mình một lớp rêu phong của lịch sử. Cùng với nét kiến trúc nghệ thuật cổ kính, đình Chèm còn mang trong mình sự tích về một vị tướng tài đức trọng, có công dẹp giặc ngoại xâm cứu nước.
  • Đắm chìm trong hoàng hôn hồ Tây những ngày mùa thu tháng Mười
    Chẳng biết từ bao giờ, hồ Tây là nơi người ta thường nghĩ đến đầu tiên khi tâm hồn cần nghỉ ngơi. Dù lòng đang mang nặng điều gì, chỉ cần ra đến hồ Tây, niềm vui sẽ nhân đôi và lòng người thư thái. Ai ở Hà Nội chẳng gửi vào đây chút tương tư thương nhớ, để nước hồ quanh năm sóng sánh đầy vơi những nỗi niềm ưu tư.
Lý Bí Nam Đế - người dựng nước Vạn Xuân độc lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO