Văn hóa – Di sản

Di tích Quốc gia đặc biệt Đình So “bất khả xâm phạm”

Phạm Vũ 10/10/2023 21:47

“Có đưa tiền tỉ tôi cũng không để người ta làm điều vớ vẩn tại Đình So”, cụ Vương Đắc Hưng (87 tuổi), Phó tiểu ban quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Đình So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) chia sẻ. Bởi vừa qua, người thủ từ tuổi xưa nay hiếm tiếp đoàn làm phim điện ảnh, người ta xin tháo hoành phi, câu đối tại Đình So để dựng cảnh quay cho bộ phim nhưng bất thành.

20230823_132708.jpg
Cổng tam quan Đình So.

Từ ngôi đình duy nhất được vua phong tặng “Vạn cổ anh linh”…

Chúng tôi đến Đình So - một trong những kiệt tác của kiến trúc và điêu khắc; quy mô kiến trúc nghệ thuật cổ kính chẳng khác gì một thắng tích cung điện nhỏ của Việt Nam. Đúng như dân gian lưu truyền “Đẹp đình So, to đình Cấn”, chúng tôi hoàn toàn bé nhỏ khi đứng trước di tích quốc gia đặc biệt này.

Theo nội dung khắc trên bia đá tại Đình So, đình thuộc hai xã Cộng Hòa và Tân Hòa, huyện Quốc Oai. Đây là ngôi đình thờ Tam vị Nguyên soái Đại vương, vốn là Linh Linh Tướng quân, con của Lạc Long, làm quan Thủy Thần ở Long cung phụng mệnh Thiên đình đầu thai làm con ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả. Ba ông đều là các vị tướng có công lớn, đã giải cứu vua Đinh Tiên Hoàng bị quân Ngô bao vây ở chùa Bối Khê và phù vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên nước Đại Cồ Việt. Nhớ ơn giải cứu, vua Đinh Tiên Hoàng cử người về làm lễ tế, phong tước là Tam vị Nguyên soái Đại vương và bốn mỹ tự “Cao thông, Bác đạt, Tĩnh chính, Tối linh”.

20230823_132616.jpg
Đình So là một trong những ngôi đình đẹp nhất Xứ Đoài cũng như cả nước.
img_0158.jpg
Một sắc phong được trưng bày tại Đình So.

Đình So trải qua hơn 400 năm đã nhận được 45 đạo sắc phong - tài liệu lưu trữ quý hiếm từ 27 vị vua (từ thời Đinh Tiên Hoàng, năm 968 đến cuối thời nhà Nguyễn, năm 1945). Sắc phong của các triều đại kết tinh giá trị tinh thần, truyền thống yêu nước và là niềm tự hào của cư dân địa phương về quê hương đất nước.

Nếu đến Đình So, chắc chắn cảnh quan di tích đều khiến tất cả bị mê hoặc khi đình tựa lưng Núi Rùa, phía trước nhìn ra dòng sông Đáy uốn lượn mềm mại. Thế đất Đình So “Sơn châu Thủy tự”, đắc địa theo phong thủy. Đình được trùng tu xây dựng ngày 27 tháng 7 năm Quý Mão (năm 1663), có khuôn viên rộng hơn 4 ha, kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc. Tòa đại đình dài 32,9m, rộng 13,1m; gồm 5 gian, 2 chái, 2 dĩ, bốn mái lợp ngói mũi hài cổ, bờ nóc gần hai hàng gạch hộp rỗng hoa chanh và bốn đầu đao gắn tượng nghê, uốn cong vút lên theo kiểu “Tàu đạo lá mái”. Di tích quốc gia đặc biệt này có 6 bộ vì kèo, nóc được kết cấu theo kiểu “Chồng rường - giá chiêng” quy mô bề thế. Hệ thống cột xếp thành 6 hàng dọc, 10 hàng ngang (60 cột gỗ) và có sàn gỗ Lim chắc chắn.

Khuôn viên trước tòa đại Đình bao gồm Tam quan, sân cỏ rộng và hồ bán nguyệt được bao quanh bởi vành đai đê sông Đáy, đẹp cổ kính độc nhất vô nhị của đình làng Việt. Trang trí mỹ thuật Đình So khá phong phú và đa dạng. Các mảng chạm khắc tập trung chủ yếu ở các bức còn nghi môn; trong tòa đại đình các bẩy đều chạm trổ hình tứ linh, tứ quý, Lân, Long mã, Hồ phù, Rùa, Cá chép, Hoa sen, các lá lật xen kẽ; hồ nước, mây trời, hoa lá rất sinh động.

20230823_104314.jpg
Vẻ cổ kính trên từng hạng mục tại Đình So.
img_0124.jpg
Những nét chạm khắc tinh xảo trong kiến trúc của đình.

Sự kết hợp giữa chạm khắc, chạm bong và tổng hòa khéo léo nhiều phong cách kiến trúc tạo ra sự đa dạng trong trang trí, đa chiều trong kiến trúc mà vẫn đảm bảo tính tổng thể hoàn chỉnh, thống nhất, bề thế về không gian với những thăng hoa trong sáng tạo của điêu khắc và kiến trúc, mô tả cuộc sống đương thời và gửi gắm vào đó những khát vọng của con người với nhân bản Chân - Thiện Mỹ.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, Đình So là một trong những kiệt tác của kiến trúc và điêu khắc. “Đình So được tặng 3 bằng xếp hạng Di tích Quốc gia: Di tích Kiến trúc thế kỷ XVII (1980); Di tích Lịch sử - Văn hóa (1995) và Di tích Quốc gia đặc biệt (2018). Theo tôi tìm hiểu, trước khi dựng đình thì các hiệp thợ đã dựng mô hình, mỗi hiệp thợ làm một công đoạn. Tục truyền, xưa sông Đáy sát ngay cạnh đình, một đêm phong ba bão táp, vua Thủy Tề cho nhân dân một bè gỗ về làm đình. Trong đình có 3 cây gỗ chò vảy nhìn giống với cột bê tông bây giờ. Không có đình nào ở Việt Nam được nhà vua phong “Vạn cổ anh linh” - nghĩa là đời đời kiếp kiếp linh thiêng như đình So”, cụ Vương Đắc Hưng, nhấn mạnh.

…đến Đình So bất khả xâm phạm

Trò chuyện với cụ Vương Đắc Hưng gần 4 giờ đồng hồ, quên cả cái đói của bữa trưa, chúng tôi mới vỡ lẽ vị thủ từ tuổi gần 90, đã trông coi Đình So hơn 30 năm qua vừa làm được một việc mà như ông nói: “chắc chưa có ai “rắn” như tôi”, biến Đình So thành di tích “bất khả xâm phạm”.

img_0111.jpg
Cụ Vương Đắc Hưng (87 tuổi), Phó tiểu ban quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Đình So.

Chuyện là cách đây không lâu, đoàn làm phim điện ảnh “Vợ quan” từ trong Nam đến Đình So, xin thực hiện một số cảnh quay trong khuôn viên của đình. Đoàn phim đã đưa cho cụ Hưng xem văn bản các cơ quan, ban ngành và cấp có thẩm quyền của Hà Nội đồng ý chủ trương cho đoàn phim quay tại Đình So. Vui vẻ tiếp đón nhưng cụ Hưng muốn xem kịch bản trước để dễ bề phối hợp. Đoàn phim nói không có kịch bản, cụ Hưng nhất quyết từ chối làm việc. “Sau đó đoàn phim đưa cho tôi một số hình ảnh thể hiện bối cảnh dự định xin quay trong đại đình”.

Theo bản vẽ phối cảnh đoàn phim đưa cho cụ Hưng, họ muốn dựng phòng khách, phòng thờ phủ quan huyện cho “Vợ quan” tại đại đình và “xin dọn, cất, che những đồ không dùng đến, thay sập bằng trường kỷ, treo rèm, xin tháo hoành phi câu đối của đình, xin dựng vách ngăn phòng, cửa võng như hình vẽ, treo đồ quay phim, xin mượn bàn ghế, đồ trang trí nếu phù hợp để quay”. Đồng thời, gian bên cạnh ban thờ tại đại đình, đoàn phim muốn xin dựng hai phòng ngủ của… vợ quan. Đoàn phim đã mang gỗ lạt, bàn ghế về chỉ việc lắp ghép và bấm máy.

dinh-so-1-.jpg
dinh-so-2-.jpg
Bản vẽ đoàn làm phim xin làm bối cảnh tại Đình So.

“Khi xem xong những hình ảnh ấy, tôi lặng người và mời đoàn làm phim ra khỏi đại đình, đồ đạc cũng vậy. Tôi nói với họ, Đình So không phải nơi các anh dựng những cảnh như vậy. Các anh làm sai nguyên tắc, trái với quy định bảo vệ di sản văn hóa. Thượng cổ đến nay, nhà vua đi qua đình còn phải đứng làm lễ”, cụ Vương Đắc Hưng giọng cao trào dù đã phẫu thuật ung thư vòm họng 10 năm nay.

Thủ từ không đồng ý, người của đoàn phim vào tận nhà riêng, tìm mọi cách để cho cụ Hưng “xuôi”. Thậm chí, 12 giờ đêm, người của đoàn phim gọi điện thoại cho cụ ra Đình So. “Họ đứng ở cửa đại đình hai tiếng đồng hồ, thuyết phục tôi mở cửa. Họ bảo tôi hé cửa để cho quay một chút nhưng tôi bảo không, có cho tôi tiền tỷ tôi cũng không đồng ý để người ta xâm hại đại đình Đình So”, lão thủ từ nhấn mạnh. Theo cụ Hưng, đạo diễn phim quốc tịch nước ngoài, có người trong đoàn phim bảo với cụ, nếu không dựng được cảnh trong đại đình Đình So thì cháu chỉ có hai con đường: phá sản hoặc tự sát. “Tôi chỉ nói việc ai người ấy làm và không ai bị làm sao cả”.

img_0133.jpg
Gian thờ chính của đại đình - nơi đoàn làm phim muốn xin tháo hoành phi, câu đối để dựng cảnh phòng thờ của quan huyện trong phim.

Sau đó, trong cuộc họp hội lão, hội người cao tuổi, ban quản lý di tích, cụ Hưng đưa những hình ảnh bản vẽ của đoàn phim định dựng trong đại đình cho mọi người xem, tất cả đều sợ hãi. Ai cũng bảo, từ nay về sau, kể cả khi cụ Hưng không còn thì sẽ học tập cụ, cấm tất cả những việc làm không đúng tại Đình So. Theo Phó tiểu ban quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Đình So, làm vậy để bảo vệ di sản văn hóa - lịch sử quốc gia, đó cũng là nguyện vọng của người dân 2 xã Cộng Hòa và Tân Hòa.

“Đình So là bất khả xâm phạm. Không ai có thể tháo hoành phi, câu đối hay sắc phong tại đại đình dù với lý do gì. Không ai có thể mượn cung thánh để làm nhà quan. Trong trường hợp không tháo hoành phi, câu đối mà chỉ dựng hai phòng ở gian bên cạnh đại đình theo cảnh phim, tôi cũng không cho phép. Với di tích đặc biệt cấp quốc gia thì không được làm gì. Đến Đình So để quảng bá hình ảnh di tích, phát triển du lịch, không yêu cầu thay đổi gì trong đại đình thì tôi đồng ý hết.

Tôi trông nom đình không có phụ cấp, làm trên tinh thần tự nguyện. Chúng tôi cũng không đòi hỏi, chỉ có cái tâm để bảo vệ di sản của cha ông”, cụ Vương Đắc Hưng nhấn mạnh./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nơi “nuôi dưỡng” niềm tự hào dân tộc
    Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã từng đi nhiều nơi và đã có rất nhiều địa điểm in dấu chân Người, gắn liền với sự kiện quan trọng của dân tộc. Một trong số đó là ngày 3/12/1946, Bác Hồ về nhà cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) để chuẩn bị rút lên chiến khu. Tại ngôi nhà này, Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển đến toàn thể quốc dân, đồng bào, kêu gọi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
  • Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024
    Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam: Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển vì một Thế giới hòa bình”, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 quy tụ 16 tỉnh, thành phố tham gia: Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.
  • Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - sứ mệnh lịch sử
    Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại.
  • Những âm thanh cổ điển vang lên trong đêm “Hà Nội Concert: Hoà nhạc mùa đông”
    Tối 13/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam cùng Dàn hợp xướng Bình Minh đã có những màn trình diễn thăng hoa trong đêm hòa nhạc “Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông” dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng trẻ tài năng Phan Đỗ Phúc.
  • Triển khai đợt 2 Giải thưởng quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
    Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa có Công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai đợt II xét tặng Giải thưởng quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2025.
  • Hà Nội dự kiến giảm 5 sở, 2 đảng ủy khối sau khi sắp xếp
    Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã ký ban hành Thông báo Kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo TP Hà Nội về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương (Thông báo số 07-TB/BCĐ)
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế: “Đường băng” để Hà Nội tiến vào kỷ nguyên mới
    Quán triệt quan điểm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, văn hóa phải được coi trọng và đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; Thành phố Hà Nội thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị và trong kinh tế, xác định đây là giá trị, chất lượng, trình độ phát triển của chính trị, kinh tế với tư cách là hai lĩnh vực cơ bản, trọng yếu nhất của đời sống xã hội.
  • Triển lãm "Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh"
    Sáng 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Triển lãm “Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh”. Triển lãm giới thiệu gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật khái quát quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, thành tựu 35 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
  • Hà Nội - 36 khúc giao thời: Khám phá sự giao thoa quá khứ và hiện tại của 36 phố phường
    “Hà Nội - 36 khúc giao thời” - chuỗi hoạt động khám phá 36 phố phường Hà Nội và những nét văn hóa đặc sắc từ Hà Nội xưa sẽ diễn ra vào ngày 15/12/2024 tại Cafe Phố Hàng (251 Phố Hồng Hà, Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến với không gian mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng góc phố cổ Hà Nội, công chúng, đặc biệt là giới trẻ sẽ có cơ hội khám phá và hiểu hơn những giá trị văn hóa của Thủ đô.
Di tích Quốc gia đặc biệt Đình So “bất khả xâm phạm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO