Văn hóa – Di sản

Quần thể Di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế là tài sản vô giá của quốc gia đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới

Kim Thoa 14/08/2023 07:30

Chương trình Lễ Kỷ niệm 30 năm Quần thể di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới nhằm đánh giá toàn diện về những thành tựu và hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong những thập niên qua hướng đến hành trình mới phát triển bền vững, đặc biệt tạo điều kiện giao lưu, hợp tác quốc tế trong phát huy giá trị di sản văn hóa của các quốc gia trên thế giới.

Ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào Danh mục Di sản Thế giới của UNESCO. Đây là Di sản thứ 410 trong Danh mục và là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. 10 năm sau, ngày 07/11/2003, Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam cũng được UNESCO ghi tên vào Danh mục các Kiệt tác văn hóa Phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của nước ta được công nhận.

at_hue-mua-thu-co-gi-dep-du-lich-hue-vao-thang-8910_308c02cbeadb64739e4a435a3a31e868(1).jpg
Quần thể Di tích Cố đô Huế

30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới (1993 - 2023)

Ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại, không những nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới mà còn tôn vinh giá trị của di sản văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới; góp phần mở ra những triển vọng cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của các tài nguyên đặc biệt này.

Trong hơn 300 năm (1636 - 1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong (1636 - 1775), là Kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788 - 1801), rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới thời 13 triều vua Nguyễn (1802 - 1945). Với tư cách là Kinh đô, Phú Xuân - Huế là nơi hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu các luồng văn minh nhân loại.

Tuy nhiên, trải qua các cuộc chiến tranh, sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên nhiên và những biến động của lịch sử, kho tàng di sản ấy đã bị tàn phá rất nặng nề. Gần 2/3 số công trình nằm trong Quần thể Di tích Cố đô Huế đã trở thành phế tích; Hệ thống lễ hội cung đình đã không còn tồn tại sau khi triều Nguyễn chấm dứt…

Xác định rõ tầm quan trọng và tính cấp bách của việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, mặc dù còn nhiều khó khăn chồng chất do phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, thiên tai, Đảng và Nhà nước đã tập trung cho công tác bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa, trong đó có Quần thể di tích cố đô Huế và các di sản văn hóa phi vật thể. Tháng 5/1976, UBND Cách mạng Bình Trị Thiên đã ban hành quyết định xác nhận tạm thời các cơ sở văn hóa công cộng, ghi tên 35 di tích danh thắng trên địa bàn. Năm 1979, 04 di tích Hoàng Thành - Đại Nội, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức và lăng Khải Định đã được đặc cách công nhận là di tích cấp quốc gia. Năm 1981, Tổng Giám đốc UNESCO đã phát lời kêu gọi cứu vãn di sản văn hóa Huế; tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện những chiến lược và quyết sách mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với những định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1982, thành lập Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế (10 năm sau đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh), nhằm quản lý một cách toàn diện Quần 2 thể di tích cố đô. Cho đến năm 1991, hầu hết các di tích quan trọng đã được lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ (căn cứ theo Pháp lệnh Bảo vệ di tích năm 1984).

Đến nay, đã có hơn 200 công trình được tu bổ, phục dựng. Các di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo đều bảo đảm nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và quốc tế. Trong 30 năm qua, có hơn 100 đầu sách nghiên cứu về Huế được xuất bản; hơn 80 hồ sơ khoa học về di tích được xây dựng phục vụ cho công tác nghiên cứu và bảo tồn di tích. Nhiều hồ sơ di tích được đệ trình lên các cấp để công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Bên cạnh đó, thông qua hợp tác quốc tế, hàng chục dự án nghiên cứu khoa học, bảo tồn trùng tu…

Có thể nói, việc UNESCO công nhận Quần thể di tích cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới, đã đem lại một cơ hội lớn để Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, chọn lọc bổ sung những yếu tố thích hợp làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc trên con đường hội nhập và phát triển. Di sản Huế đã trở thành một ví dụ tiêu biểu, xuất sắc cho chiến lược ngoại giao văn hóa của Việt Nam.

20 năm Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (2003 - 2023)

Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa nói chung và âm nhạc truyền thống Việt Nam nói riêng, là hạt nhân của bộ phận âm nhạc bác học cổ điển, tiêu biểu cho tài năng sáng tạo, cũng như thể hiện bản sắc của văn hóa Việt Nam.

Theo sách sử, Nhã nhạc ra đời vào triều Lý (1010 - 1225) và hoạt động một cách quy củ vào thời Lê (1427 - 1788). Các thể loại âm nhạc cung đình Huế bao gồm: nhạc lễ nghi thờ cúng và nhạc lễ nghi triều chính, múa cung đình, ca nhạc thính phòng và kịch hát (tuồng cung đình). Vào cuối thế kỷ XIX, bắt đàu mờ nhạt. Sau năm 1945, Nhã nhạc đã mất không gian vốn có của nó và có nguy cơ mai một dần…

Ngày 12/02/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 105/TTg Phê duyệt Dự án Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế 1996 - 2010, trong đó xác định một trong những mục tiêu bảo tồn là bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế (nhạc cung đình, múa cung đình, tuồng cung đình và lễ hội cung đình).

Năm 1992, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ra đời. Tháng 3/1994, tổ chức UNESCO đã phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị quốc tế về bảo vệ và giữ gìn phục hồi văn hóa phi vật thể vùng Huế.

Ngày 07/11/2003, Nhã nhạc Việt Nam đã được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cùng với 27 kiệt tác khác.

Năm 2004, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế đã đi biểu diễn Nhã nhạc cung đình tại các thành phố thuộc Cộng hòa Pháp và thủ đô Bruxelles (Bỉ). Trong đợt lưu diễn này, tại văn phòng UNESCO (Pháp), bằng chứng nhận Di sản Nhã nhạc Việt Nam là Kiệt tác Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại đã được UNESCO trao cho Huế. Sau khi Nhã nhạc được UNESCO vinh danh, hoạt động sưu tầm, nghiên cứu và lưu trữ các tài liệu liên quan đến Nhã nhạc đã được thực hiện và triển khai một cách bài bản; đã tham dự các khóa tập huấn đào tạo phương pháp luận về nghiên cứu, lưu trữ; trực tiếp tham quan, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm tại các viện nghiên cứu, trung tâm lưu trữ quan trọng của Việt Nam; tham quan các làng nghề truyền thống ở miền Bắc và phỏng vấn các nghệ nhân nổi tiếng tại đây...

Sau 20 năm, việc bảo tồn, phát huy Nhã nhạc - Kiệt tác Di sản phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại tại Thừa Thiên Huế đã thu được những thành quả rất đáng tự hào. Không chỉ là vốn quý, tài sản của dân tộc, Nhã Nhạc còn là một trong những minh chứng điển hình, đại diện cho khu vực Đông Nam Á về loại hình âm nhạc cổ xưa còn sót lại.

Với bề dày lịch sử hơn 700 năm hình thành và phát triển, Thừa Thiên Huế là địa phương hội đủ tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển nhanh và bền vững . Thừa Thiên Huế tự hào là nơi gìn giữ một “gia tài” văn hoá tiêu biểu cửa Việt Nam và nhân loại với 7 di sản được UNESCO công nhận, gần 1.000 di tích lịch sử văn hoá của cả nước, với hơn 500 lễ hội, hàng vạn hiện vật, cổ vật quý hiếm; có hệ thống nhà vườn, nhà rường phong phú, đa dạng; có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ như: sông Hương, núi Ngự, đàm phá Tam Giang, vườn quốc gia Bạch Mã, Lăng Cô vịnh đẹp thế giới… cùng với hệ thống đền đài, thành quách, chùa chiền, cung điện… đã tạo nên nét đặc trưng riêng và là yếu tố nổi bật của đô thị Huế. Ngoài ra, nếp sống, văn hoá ứng xử, đạo đức và cốt cách con người Huế là nét đặc trưng tạo nên bản sắc riêng của vùng đất Cố đô.

Chương trình kỷ niệm 2 di sản được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới là dịp để tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu, tôn vinh và nâng tầm giá trị di sản văn hóa thế giới tại Cố đô Huế; thêm cơ hội giới thiệu về vùng đất giàu giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, về con người Cố đô hiền hòa, thân thiện, thanh lịch và hiếu khách. Có thể khẳng định rằng “Quần thể Di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế là tài sản vô giá của quốc gia đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại. Bảo tồn toàn vẹn di sản văn hóa Cố đô Huế là bảo tồn tài sản văn hóa của dân tộc, góp phần gìn giữ và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nhân loại”. Đồng thời, chương trình kỷ niệm hướng đến việc tiếp tục thực thi nghiêm túc những cam kết với UNESCO trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để cụ thể hóa các biện pháp triển khai thực hiện, tăng cường hơn nữa hợp tác Việt Nam - UNESCO hướng tới mục tiêu gìn giữ và bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau./.

Bài liên quan
  • Chuẩn bị khai mạc Lễ hội truyền thống đình Chèm (Hà Nội)
    Lễ hội truyền thống đình Chèm, phường Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội được xem là một trong những tín ngưỡng lâu đời gắn liền với ngôi đình cổ của Hà Nội. Lễ hội có nhiều nghi lễ đặc trưng, tiêu biểu cho sinh hoạt văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước đồng bằng sông Hồng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Hà Nội thưởng 300 triệu đồng cho học sinh đạt huy chương vàng quốc tế
    Sáng 10-12, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 20 Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã xem xét thông qua nhiều nghị quyết về các mức chi. Trong đó, có quy định về mức tiền thưởng đối với giáo viên, học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi, kỳ thi cấp thành phố, quốc gia, quốc tế.
  • Lễ khởi công dự án xây dựng sân bay Gia Bình, Bắc Ninh
    Sân bay Gia Bình dự kiến hoàn thành vào dịp chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Đây là sân bay phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Không quân CAND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Quần thể Di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế là tài sản vô giá của quốc gia đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO