Văn hóa – Di sản

Chuẩn bị khai mạc Lễ hội truyền thống đình Chèm (Hà Nội)

Ly Ly 14/06/2023 20:37

Lễ hội truyền thống đình Chèm, phường Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội được xem là một trong những tín ngưỡng lâu đời gắn liền với ngôi đình cổ của Hà Nội. Lễ hội có nhiều nghi lễ đặc trưng, tiêu biểu cho sinh hoạt văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước đồng bằng sông Hồng.

Sáng ngày 14/6, Đoàn Liên ngành của Thành phố Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đã có buổi làm việc về công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội truyền thống đình Chèm. Tham gia Đoàn kiểm tra còn có đại diện các sở, ngành liên quan của Thành phố như: Sở Giao thông Vận tải, Sở Du lịch, Sở Y tế, Ban Quản lý Di tích Danh thắng, Công an Thành phố, Ban Tôn giáo Thành phố…

Tiếp Đoàn Liên ngành có các đồng chí: Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin quận Phan Thị Thanh Huyền, đại diện các phòng ban chuyên môn liên quan thuộc quận; Bí thư, Chủ tịch HĐND phường Thuỵ Phương Nguyễn Việt Phương; đại diện Ban Quản lý di tích đình Chèm…

1(1).jpg
Đoàn làm lễ dâng hương trước buổi làm việc

Đình Chèm (hay còn gọi là đền Chèm, đền Lý Hiệu Uý hay Thuỵ Hương từ) có lịch sử cách đây khoảng hai nghìn năm. Đình thờ chính Đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng cùng Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung sinh vào thời vua Hùng Vương thứ 18 tức Hùng Duệ Vương.

Lễ hội đình Chèm được tổ chức thường niên để tỏ lòng tri ân công đức đối với Đức Khang Hy Thiên Vương Lý Ông Trọng (hay còn gọi là Đức Thánh Chèm). Đây cũng là dịp để những người con xa quê hương tìm về nguồn cội cũng như du khách thập phương tìm hiểu về những nét đẹp văn hoá truyền thống của mảnh đất và con người quận Bắc Từ Liêm. Sâu xa hơn, lễ hội cũng là nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp đồng bằng sông Hồng thời xã xưa.

2(2).jpg
Quang cảnh bên trong đình Chèm

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó có đề cập đến mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết 09-NQ/TU Hà Nội 2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025; định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”. Đặc biệt, khẳng định lại một lần nữa lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa ngày 24/11/2021 rằng: “Thủ đô Hà Nội - "nơi lắng hồn núi sông ngàn năm"; "nơi hội tụ, kết tinh và toả sáng nền văn hoá, văn minh của Dân tộc"; "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"; "Thành phố vì hoà bình"; "hào hoa và thanh lịch"; "văn hiến và anh hùng"… Đồng chí Trần Thị Vân Anh mong muốn, quận Bắc Từ Liêm, xã Thuỵ Phương, Ban Quản lý Di tích đình Chèm và nhân dân trên địa bàn tiếp tục chuẩn bị và tổ chức tốt lễ hội; hướng tới gắn hoạt động lễ hội với công tác phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hoá bền vững, phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại trên địa bàn quận, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm, lễ hội truyền thống đình Chèm đã được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

5(2).jpg
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin quận Bắc Từ Liêm Phan Thị Thanh Huyền, công tác quản lý Nhà nước về tổ chức lễ hội truyền thống trên địa bàn quận được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định của Chính phủ và Thành phố Hà Nội. Hoạt động trên lễ hội được duy trì đúng với tinh thần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm; phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, của quận; đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân, thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

“Riêng với công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội truyền thống đình Chèm, UBND quận giao các phòng ban chức năng thuộc quận phối hợp, hướng dẫn UBND phường Thuỵ Phương xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết đảm bảo các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội diễn ra an toàn tuyệt đối cho nhân dân và du khách thập phương”, bà Phan Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.

4(2).jpg
Quang cảnh bên trong đình Chèm

Lễ hội truyền thống đình Chèm năm nay diễn ra từ ngày 01/7 – 3/7 (nhằm ngày ngày 14-16/5 âm lịch), trong đó ngày 15/5 là chính hội.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thìn, Trưởng tiểu ban Quản lý di tích đình Chèm, Lễ hội được chia thành 2 phần: phần lễ và phần hội. Các nghi lễ đặc trưng trong lễ hội bao gồm: lễ rước nước trên sông Hồng, lễ rước văn, phát tấu, lễ yên vị, lễ mộc dục, lễ phóng sinh… Phần hội có các hoạt động sôi nổi và hấp dẫn như: thi làm chè kho, thi bơi, vật, bắt vịt nước, chơi cờ người, đấu vật… hứa hẹn sẽ thu hút sự tham gia của cộng đồng nhân dân, để lại ấn tượng với du khách thập phương.

8.jpg
Hình ảnh trong Lễ hội đình Chèm những năm trước

Để thực hiện nghi lễ, Ban tổ chức phải huy động lực lượng lớn đoàn rước gần 400 người. Đoàn rước xuất phát từ đình, đi xuống bến ngự. Các thành viên trong đội rước mặc trang phục truyền thống, diễn lại sự tích Đức Thánh Chèm ra trận. Đi đầu đoàn rước là đội múa rồng do thanh niên đảm nhiệm, theo sau là đội đánh trống, đánh chiêng. Tiếp đến là hàng tổng cờ vừa đi vừa múa cờ, kế đến hàng hàng chức việc cầm vũ khí: gươm hầu, bát bửu, chấp kích... Theo sau là 2 đội nhạc lễ: bát âm, đồng văn (trống) tấu bài lưu thủy rộn ràng réo rắt... Xuống tới bến, đoàn rước lần lượt xuống thuyền, chèo thuyền ra khoảng sông Hồng, thuyền chính quay 3 vòng để lấy nước. Nước rước được dùng làm lễ Mộc Dục tắm bài vị cho Đức Thánh. Buổi chiều, được bắt đầu bằng tiết mục cúng phát tấu do các cụ ông trong trang phục truyền thống thực hiện. Sau cúng phát tấu là lễ rước văn từ chùa Chèm về đình Chèm. Khi văn tế về đình, đội tế lễ của 3 làng cùng làm lễ tế để nhập tịch.

Bí thư, Chủ tịch HĐND phường Thuỵ Phương Nguyễn Việt Phương cho biết, Lễ hội truyền thống đình Chèm là lễ hội lớn trong vùng, có sự tham gia của nhân dân 3 làng: Thụy Phương, Hoàng Xá, Hoàng Liên. Thực hiện chỉ đạo của UBND quận, UBND phường Thuỵ Phương đã xây dựng và ban hành kế hoạch, thành lập Ban tổ chức và các tiểu ban liên quan đến lễ hội… để đảm bảo các hoạt động diễn ra đúng theo quy định, đúng các nghi lễ truyền thống của địa phương, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội cũng như Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của UBND Thành phố Hà Nội.

9.jpg
Cổng đình Chèm mới được trùng tu

Thay mặt Đoàn Liên ngành, đồng chí Trần Thị Vân Anh đánh giá cao công tác quản lý và xây dựng kế hoạch tổ chức, chuẩn bị các phương án triển khai Lễ hội đình Chèm; đồng thời chia sẻ, quận Bắc Từ Liêm và xã Thuỵ Phương cần quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng kịp thời cho các tập thể và cá nhân có những đóng góp tích cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn quận và phường ,nhằm khích lệ, động viên, nhân rộng những gương điển hình tiên tiến; lan tỏa nét đẹp thanh lịch, văn minh của người Thủ đô, thúc đẩy các phong trào thi đua nói chung, phong trào “Người tốt, việc tốt” nói riêng; góp phần tạo nên sức sống và động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp xây dựng, phát triển quận và Thủ đô.

6(1).jpg
Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà phát biểu tại buổi làm việc

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà yêu cầu các phòng ban chức năng thuộc quận, phường Thuỵ Phương và Ban quản lý lễ hội quan tâm đến văn minh đô thị, vệ sinh môi trường trong lễ hội; trang trí tất cả các tuyến đường dẫn đến lễ hội để quảng bá, giới thiệu tới đông đảo mọi tầng lớp nhân dân và du khách gần xa biết và tham gia lễ hội. Quận tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với địa phương để giữ gìn và phát huy giá trị gốc của di tích và Lễ hội đình Chèm, sẽ nghiên cứu phương án để nâng tầm Lễ hội truyền thống đình Chèm thành lễ hội cấp quận, cấp Thành phố; gắn lễ hội với kỷ niệm 10 năm thành lập quận. Trong thời gian tới, quận đồng thời sẽ chú trọng đầu tư cho Lễ hội bơi Đăm truyền thống phường Tây Tựu. Đồng chí Lưu Ngọc Hà đề nghị phòng ban chức năng tham mưu và đề xuất đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó lưu ý đến công tác thông tin với báo chí để giới thiệu, quảng bá tốt hơn nữa về các lễ hội, di tích; giá trị của các lễ hội, di tích trên địa bàn quận.

3(2).jpg
Quảng cảnh bên trong đình Chèm

Đình Chèm được xây dựng từ thời Bắc thuộc, đến nay đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng vẫn mang dáng vẻ cổ kính tiêu biểu cho kiến trúc thế kỷ XVII. Đình Chèm được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào ngày 09/01/1990 và được nâng cấp xếp hạng thành di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 25/12/2017./.

Bài liên quan
  • "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa": lan tỏa tình yêu di sản trong thế hệ trẻ
    Hội Di sản Văn hóa Việt Nam vừa phối hợp với các đơn vị phát động Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” dành cho những người yêu hội họa, các họa sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài nhằm thể hiện tình yêu với di sản văn hóa, cũng như thể hiện ý tưởng, sự sáng tạo trong những sáng tác hội họa của mình.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị khai mạc Lễ hội truyền thống đình Chèm (Hà Nội)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO