Văn hóa – Di sản

Giáo dục di sản: phương pháp mới để học sinh Thủ đô chủ động tìm hiểu kiến thức văn hóa, lịch sử

Hoa Quỳnh - Hải Truyền 17:09 10/06/2023

Lấy học sinh làm trung tâm, 7 năm qua, chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới của Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội) đã thu hút hàng chục ngàn học sinh Thủ đô đến với trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Trong hành trình phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, lan tỏa tinh thần tôn sư trọng đạo, hiếu học tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngoài việc nhận được sự quan tâm của Nhà nước, Thành phố Hà Nội; Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám (sau đây gọi là Trung tâm) cũng có những cách làm mới nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục tuyên truyền.

van-mieu-2-.jpg
Các em học sinh trên địa bàn Hà Nội trong một chủ đề chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Một trong số đó, Trung tâm đã tổ chức chương trình giáo dục di sản, thu hút đông đảo sự tham gia của các trường học, các em học sinh trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung trong nhiều năm qua. Trung tâm cũng đã xây dựng phòng “Trải nghiệm cùng di sản” - địa điểm hoạt động, trải nghiệm của nhóm học sinh đi theo lớp hoặc của trẻ em đi theo gia đình. Đây cũng là nơi dành cho khách tham quan các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu chuyên sâu về di sản.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội về sự ra đời của chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới, Thạc sĩ Đường Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông Trung tâm cho biết, lượng học sinh hàng năm đến tham quan khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám rất đông. Từ thực tế đó, với mong muốn giúp các em học sinh được tìm hiểu sâu hơn về khu di tích, năm 2016, Trung tâm xây dựng chương trình giáo dục di sản với các hoạt động  hấp dẫn hơn so với trước đây.

van-mieu-7-.jpg
Học sinh tham gia trải nghiệm tìm hiểu văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Chương trình giáo dục di sản xây dựng theo lứa tuổi, các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông, diễn ra theo nhiều cách khác nhau vì trình độ nhận thức, sở thích của các em ở mỗi cấp học không giống nhau. Điểm chung của chương trình này là thực hiện trên phương pháp giáo dục trải nghiệm. Các em học sinh đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ để nghe thuyết minh theo cách thụ động, cũng không phải học lý thuyết suông mà sẽ trực tiếp tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử Giám thông qua hoạt động trải nghiệm.

Có 3 bước trong chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Một là, học sinh và giáo viên phụ trách đưa các em tham gia chương trình sẽ tìm hiểu chủ đề trải nghiệm tại nhà trường trước. Tiếp theo, giáo viên sẽ đưa học sinh đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế để các em học sinh ghi nhớ nội dung, nâng cao kiến thức. Kết thúc buổi trải nghiệm, giáo viên cùng các em học sinh sẽ sáng tạo ra những sản phẩm theo sở thích từng nhóm như đóng kịch, vẽ, viết cảm nhận…để giới thiệu tại trường, lớp.

“Đến nay Trung tâm đã xây dựng được hơn 30 chủ đề chương trình giáo dục di sản dành cho học sinh các cấp, các lứa tuổi, có tên gọi như Ơ kìa con nghê, Khám phá bia Tiến sĩ, Đi tìm linh vật trên kiến trúc cổ Văn Miếu, Lớp học xưa, Đánh giá môi trường di tích, Vinh quy bái tổ, Khám phá bia Tiến sĩ... Mỗi chủ đề là một bài học về di sản đầy thú vị với các em học sinh”, Thạc sĩ Đường Ngọc Hà chia sẻ.

van-mieu-6-.jpg
Hiện tại, có hơn 30 chủ đề chương trình giáo dục di sản dành cho học sinh các cấp, các lứa tuổi ở trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Chẳng hạn chủ đề giáo dục di sản Lớp học xưa, các em học sinh được trải nghiệm làm học trò xưa và cùng hòa mình vào không gian lớp học xưa để nhận ra lớp học xưa khác với lớp học thời nay thế nào, trang phục của thầy giáo và học trò xưa có đẹp không, làm sao để được mài mực, viết bút lông? Sau đó các em học sinh được tham gia trải nghiệm về các nội dung này. Chủ đề Đi tìm linh vật trên kiến trúc cổ Văn Miếu, với một chiếc máy ipad, các em học sinh sẽ đi khảo sát thực tế. Chủ đề này như một trò chơi vì trả lời đúng tên và ý nghĩa của linh vật, học sinh sẽ tiếp tục hành trình khám phá ở khu vực khác của Văn Miếu. Với chủ đề Ơ kìa con nghê, các em sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của mỗi con nghê có ở các vị trí khác nhau tại trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Trong mỗi chủ đề giáo dục di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trung tâm luôn đặt học sinh là chủ thể trong các hoạt động. Thay vì chỉ nghe cán bộ giáo dục thuyết minh, hướng dẫn cách trải nghiệm thì mỗi học sinh cầm một lá phiếu trên tay và tự do tìm hiểu tại Văn Miếu nhằm trả lời cho các câu hỏi trong lá phiếu đó. Các em có thể hỏi khách tham quan, hỏi người hướng dẫn, đọc các thông tin trên pano, xem trưng bày hiện vật…

Chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã cho thấy sức hút với các nhà trường, học sinh tại Hà Nội. Tính riêng năm 2022, có khoảng 7.000 học sinh Thủ đô đến với chương trình giáo dục di sản. Từ đầu năm 2023 đến nay, 32 chủ đề giáo dục di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã diễn ra, thu hút hàng ngàn học sinh tham dự. Cô giáo Nguyễn Thị Thảo (Trường Trung học cơ sở Pascal, huyện Đông Anh) cùng các em học sinh trong trường tham gia hoạt động giáo dục di sản tại Văn Miếu, chia sẻ, sau mỗi chủ đề của chương trình các em lại được tự tay viết chữ, tự tay in tranh chữ cổ, in tranh họa tiết hoa văn cổ trên bia Tiến sĩ. Sau trải nghiệm, trở về lớp, các em yêu lịch sử dân tộc, truyền thống văn hóa của Thủ đô hơn bao giờ hết.

van-mieu-4-.jpg

Thực tế cho thấy chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang phát huy hiệu quả trong công tác giáo dục tuyên truyền, đồng thời tạo ra nhiều hệ giá trị khác. Trước tiên, chương trình là sản phẩm văn hóa mới để thu hút du khách, cụ thể ở đây là thế hệ trẻ đến với khu di tích. Tiếp đến, chương trình bắt kịp xu hướng giảng dạy và học tập tiên tiến của nhiều quốc gia trên thế giới, coi trọng việc học thông qua trải nghiệm thay vì để học sinh học lý thuyết đơn thuần. Hoạt động giáo dục di sản cũng góp phần đổi mới cách dạy và học trong nhà trường, giúp các em học sinh không bị “nhồi” kiến thức một chiều, các em chủ động tìm hiểu kiến thức văn hóa, lịch sử, di sản theo kiểu “học mà chơi, chơi mà học”. Thông qua các hoạt động trải nghiệm giáo dục di sản, các em học sinh phát triển kỹ năng làm việc nhóm, phân tích, ghi chép, thuyết trình; phát triển tư duy, tính sáng tạo…

Văn Miếu - Quốc Tử Giám giờ đây đã trở thành một địa chỉ “không thể không đến” với du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. Và hơn 5 năm đã qua, chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới được triển khai tại trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi này thành không gian trải nghiệm thân thuộc của các em học sinh Thủ đô ngàn năm văn hiến.

“Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng xây dựng một ngân hàng chủ đề cho chương trình giáo dục di sản, làm sao phải vừa đa dạng, thú vị vừa phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các em học sinh”, Thạc sĩ Đường Ngọc Hà chia sẻ./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • Trao giải, triển lãm 62 tác phẩm ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản”
    62/561 tác phẩm ảnh chất lượng trong cuộc thi ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản” được đưa ra triển lãm và trong đó có 11 tác phẩm của 8 tác giả xuất sắc đạt giải.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND TP Hà Nội
    Bà Nguyễn Thị Tuyến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Quang Đức, nguyên Trưởng ban Nội chính, được cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố do được phân công công tác khác.
  • Cơ hội tăng trưởng cho ngành rau, hoa, quả Việt Nam
    Ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành Công nghệ sản xuất và Chế biến rau, hoa, quả lần thứ 7 (HortEx Vietnam 2025).
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục di sản: phương pháp mới để học sinh Thủ đô chủ động tìm hiểu kiến thức văn hóa, lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO