Huế: “Phát huy giá trị văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trong phát triển du lịch”
Hưởng ứng “Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030”, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trong phát triển du lịch”.
Ngày 12/10, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát huy giá trị văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trong phát triển du lịch”.
Phá Tam Giang trải dài trên địa phận của 4 huyện của tỉnh Thừa Thiên – Huế là Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc với diện tích rộng khoảng 52km2. Đây là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á và hiện đang được quan tâm phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng.
Hội thảo “Phát huy giá trị văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trong phát triển du lịch” nhằm hưởng ứng “Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030” và góp phần đánh giá về tiềm năng, thế mạnh của văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đề xuất định hướng và giải pháp phát triển du lịch bền vững.
Hội thảo có 26 bài tham luận từ các nhà quản lý, nhà khoa học và những người làm du lịch ở Thừa Thiên Huế được giới thiệu, trình bày như “Ấn tượng Lagoon” – Ý tưởng về show diễn thực cảnh khai thác di sản văn hóa đầm phá phát triển du lịch của TS. Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian, “Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai: Tiềm năng và thực tiễn khai thác trong phát triển du lịch Thừa Thiên – Huế của ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế và “Phát huy giá trị di tích tại vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai gắn với phát triển du lịch” của TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên – Huế…
Tham luận ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, “…vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có thể xây dựng khai thác giá trị văn hóa dân gian là du lịch di sản trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Cụ thể, riêng với vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là du lịch tâm linh (du lịch tín ngưỡng) thu hút được đông đảo du khách, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu tín ngưỡng, tôn giáo thông qua những lễ nghi của cá nhân và cộng đồng, các lễ hội truyền thống của cộng đồng địa phương.
Du lịch trải nghiệm văn hóa đáp ứng nhu cầu khám phá văn hóa (về nông, ngư nghiệp, các nghề/làng nghề thủ công truyền thống) của du khách, nhất là giới trẻ, người dân ở các đô thị và đang trở thành một xu hướng của du lịch hiện nay…”
Phát biểu tại hội thảo, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cùng với vùng ven bờ biển là “món quà” vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Thừa Thiên - Huế.
Đây là vùng đất chứa đựng những trầm tích lịch sử văn hóa của cư dân bản địa và cư dân Việt trong suốt chặng đường di dân mở cõi đến nay. Cảnh quan thiên nhiên, tiềm năng về kinh tế, giá trị lịch sử văn hóa trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cần phải được nghiên cứu và đánh giá cụ thể hơn để phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế - Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc cho biết thêm./.