Văn hóa – Di sản

Quần thể di tích chùa Trầm: Tiềm năng phát triển du lịch văn hóa - lịch sử của Thủ đô

Phạm Hoa - Vũ Đăng 23/10/2023 07:48

Quần thể di tích chùa Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) là điểm đến lễ phật, tìm hiểu truyền thống yêu nước... bấy lâu nay của khách thập phương. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển du lịch văn hóa - lịch sử quần thể di tích chùa Trầm, nếu được khai thác đúng cách và hiệu quả.

Quần thể di tích độc đáo của xứ Đoài

Huyện Chương Mỹ là địa phương duy nhất của Thủ đô có hai trong số “Tứ đại danh thắng của xứ Đoài”, đó là chùa Trăm Gian và chùa Trầm bên cạnh chùa Thầy (huyện Quốc Oai) và chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất). Quần thể di tích chùa Trầm gồm các di tích cạnh núi Trầm (Tử Trầm Sơn), bên cạnh có ao sen, hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát, con đường uốn lượn tựa như bức tranh thủy mặc. Từ xa, tiếng tụng kinh gõ mõ trong chùa vọng lại càng làm cho quần thể di tích này thêm linh thiêng, cổ kính…

pht_3819.jpg
Lối lên chùa Vô Vi.
pht_3845.jpg
Chuông đồng đúc năm 1814 thời nhà Nguyễn treo giữa vách đá, trước khi lên đỉnh núi có lầu Nghênh Phong.

Quần thể di tích chùa Trầm gồm có chùa Trầm (chùa chính), Động Long Tiên (Chùa Hang) và Vô Vi tự (Chùa Vô Vi). Trước khi tới chùa Trầm, người dân sẽ đi qua chùa Vô Vi – một trong những ngôi chùa cổ tại Hà Nội được xây từ thời Hậu Lê, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514). Chùa Vô Vi nằm sát vách núi, để lên chùa phải đi qua cả trăm bậc đá.

Trên đỉnh núi chùa Vô Vi có lầu Nghênh Phong cùng quả chuông đồng đúc năm 1814 treo giữa vách đá. Hiện ở vách đá chùa Vô Vi còn bài thơ khắc đá bằng chữ Nôm: Sơn Đông chi bằng Vô Vi phật tự/ Thuỳ kỳ huyền sư đạo sĩ/ Bên này Thiên Trúc nọ Bồng Lai/ Đem cảnh thanh u đặt giữa trời do tướng quân Trần Văn Tăng sáng tác.

Qua chùa Vô Vi vài trăm mét, chùa Trầm hiện lên trước mắt. Theo Ban Quản lý di tích chùa Trầm, chùa do tướng quân Trần Văn Tăng trong 12 sứ quân khởi dựng từ khoảng đầu thế kỷ XVI. Chùa xây theo lối phong thủy quen thuộc trong tín ngưỡng người Việt khi lưng tựa núi, trước mặt hướng sông Đáy và tọa lạc trên một khoảnh đất cao, rộng rãi và thoáng mát. Xưa kia, chùa Trầm là hành cung của vua Lê, chúa Trịnh vì khung cảnh yên tĩnh, thanh tịnh của sông Đáy và dãy Trầm Tử sơn.

pht_3737.jpg
Chùa Trầm lưng tựa núi, trước mặt hướng sông Đáy. Đây là một trong “Tứ đại danh thắng xứ Đoài”.
pht_3731.jpg
Phật tử tụng kinh trong chùa Trầm.
tuong-phat.png
Nhiều tượng phật trong chùa Trầm có giá trị văn hóa lịch sử.

Nhà Tiền đường chùa Trầm có 5 gian mái ngói, hàng cột hiên được dựng bằng đá vững chắc. Phía bên trong là Thượng điện - nơi tôn nghiêm không phải ai cũng tự ý vào, và phía sau là nhà Tổ. Với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo trên cửa, trên bức khảm, chùa Trầm có lối kiến trúc độc đáo trong hệ thống chùa cổ ở nước ta.

Tại chùa Trầm còn có nhiều di vật đặc trưng có giá trị văn hóa lịch sử, gồm các cặp câu đối, hoành phi sơn son thiếp vàng, án thờ, ngai thờ, tượng phật. Ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh đặc trưng của cư dân vùng Đồng bằng Bắc bộ, qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa Trầm còn giữ được nhiều tượng phật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, XIX với những nét chạm khắc công phu, tinh tế.

pht_3689.jpg
pht_3674.jpg
Chùa Hang có các pho tượng bằng đá, trên vách động có các tác phẩm thơ văn khắc vịnh cảnh chùa.

Ngay cạnh chùa Trầm là Chùa Hang (Động Long Tiên) dưới chân núi Trầm. Nhờ ánh sáng tự nhiên chiếu qua một số khe nhỏ bên sườn núi và trên đỉnh núi, nhiều hình thù trong chùa Hang như mái tóc tiên, khánh đá, chuông đá, hình rồng, hình chim, hoa sen đá... hiện lên rất sinh động. Chùa Hang còn có các pho tượng bằng đá rất độc đáo, cùng hàng chục tác phẩm thơ văn khắc vịnh cảnh chùa trên vách đá có giá trị văn học.

Chị Tống Thị Hoa (quê Thanh Hóa, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) đến vãn cảnh, dâng hương lễ Phật tại chùa Trầm, chia sẻ: “Chùa rất tĩnh lặng và yên bình, hiện rõ nét cổ kính, trang nghiêm. Đến chùa Trầm, tôi không còn thấy những ồn ào, xô bồ và tâm an yên hơn”.

Nơi vang lên lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ

Điều đặc biệt, chùa Trầm còn gắn với liền lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc trong thế kỷ XX. Chùa Trầm chính là địa điểm đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam rời trung tâm Hà Nội tiếp tục công tác phát thanh (từ 20/12/1946 đến 4/3/1947) trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại chùa Trầm, sáng ngày 20/12/1946, Đài tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

pht_3668.jpg
Biểu tượng của Đài Tiếng nói Việt Nam tại quần thể di tích chùa Trầm. Tại chùa Trầm, sáng ngày 20/12/1946, Đài tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ lời kêu gọi của Bác, quân dân Thủ đô Hà Nội cùng nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ và kết thúc vang dội bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau đó đến cuộc kháng chiến chống Mỹ và kết thúc bằng Đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử, thống nhất đất nước và thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô Hà Nội và đất nước.

Cũng tại chùa Trầm, đêm giao thừa Tết Đinh Hợi năm 1947, Bác Hồ đã đến Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lời chúc tết chiến sỹ, đồng bào cả nước. Bác Hồ cũng đã viết câu đối mừng nhà chùa bằng chữ Hán: Cao sơn hữu ý thiên niên bút/Lưu thủy vô thanh vạn cổ cầm. Bác còn viết tám chữ trên giấy điều để sư cụ chùa Trầm dâng lên bàn thờ Phật: “Kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành”.

Sau đó, chùa Trầm còn vinh dự được đón Bác về thăm khi miền Bắc giải phóng (1957) và Người về chùa Trầm thăm, động viên đơn vị bộ đội thuộc quân chủng phòng không, không quân vào ngày 13/7/1966.

Khai phá tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa lịch sử

Với các giá trị của quần thể di tích lịch sử, cách mạng đặc sắc chùa Trầm, có thể thấy đây vừa là tiềm năng cũng như thế mạnh để huyện Chương Mỹ phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh nếu khai thác đúng cách và hiệu quả. Chính vì thế, huyện Chương Mỹ đã kiến nghị Thành phố Hà Nội xem xét chủ trương đầu tư xây dựng khu nhà lưu niệm Bác Hồ tại cụm di tích chùa Trầm.

Đồng thời, huyện Chương Mỹ đã quy hoạch tổng thể khu du lịch chùa Trầm rộng hàng chục héc-ta để xây dựng mô hình du lịch văn hóa, kết hợp chú trọng tu bổ nâng cấp chùa Trầm để thu hút khách thập phương.

Như vậy, quần thể di tích chùa Trầm trong tương lai gần sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn và trở thành địa điểm du lịch văn hóa tâm linh, di tích cách mạng đặc sắc của Chương Mỹ và Thành phố Hà Nội. Điều này không chỉ giúp địa phương phát triển du lịch văn hóa - lịch sử mà còn giáo dục ý chí tự lực, tự cường, tự tôn của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.

Bài liên quan
  • Di tích Quốc gia đặc biệt Đình So “bất khả xâm phạm”
    “Có đưa tiền tỉ tôi cũng không để người ta làm điều vớ vẩn tại Đình So”, cụ Vương Đắc Hưng (87 tuổi), Phó tiểu ban quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Đình So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) chia sẻ. Bởi vừa qua, người thủ từ tuổi xưa nay hiếm tiếp đoàn làm phim điện ảnh, người ta xin tháo hoành phi, câu đối tại Đình So để dựng cảnh quay cho bộ phim nhưng bất thành.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Quần thể di tích chùa Trầm: Tiềm năng phát triển du lịch văn hóa - lịch sử của Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO