Lý Phục Man – người con quang vinh của làng Giá
Đi đường Hà Nội lên Sơn Tây đến Trạm Trôi, một trạm chạy thư cũ của thời phong kiến, rồi rẽ sang trái theo con đường rải đá độ bốn cây số, người ta thấy dưới chân đê sông Đáy một làng lớn trồng rất nhiều dừa. Thật là một sự đặc biệt của cảnh vật miền Bắc vì rất ít nơi lại trồng dừa một cách phổ biến đến như vậy. Trong vườn, bên đường đi ngang dọc trong làng, đâu đâu người ta cũng trông thấy những cây dừa cao vút, trĩu quả. Đó là làng có tên tục là Giá, tên chữ là Yên Sở và trước đó từ đời nhà Trần có tên là Cổ Sở. Vùng này có 4 làng trồng dừa gần nhau ở dưới chân đê tả ngạn sông Đáy là Yên Sở, Đắc Sở, Dương Liễu, Cát Quế, nhưng theo nhân dân địa phương cho biết thì Yên Sở là nơi trồng dừa đầu tiên và cũng là nơi trồng nhiều nhất.
Làng Giá không những chỉ nổi bật lên vì dừa trồng chi chít mà còn nổi tiếng vì một ngôi đình vào loại to nhất và đẹp nhất ở nước ta. Đình chiếm một diện tích rất lớn rộng 52 mét, dài 120 mét. Ít nơi trên đất nước ta lại có một ngôi đình quy mô to tát đến như vậy. Từ ngoài vào đình, sau khi đi qua một sân cỏ rộng giữa lát gạch, ta bắt gặp một dãy tường hoa với hai cột trụ lớn được trang trí bằng hình rồng đắp nổi và hình bốn con phượng cong đuôi tạo thành một bông hoa duyên dáng ở trên đầu trụ. Qua hai cột trụ và sân cỏ thứ hai, ta tới cửa tam quan, hai bên có hai bức tường được trang trí một cách hết sức độc đáo bằng một diềm gạch nung đỏ (22 hòn trên tường bên đông và 26 hòn trên tường bên tây) với những hình đúc người đi cày, người kéo lưới, người cưỡi voi, người học trò và những hình rồng, voi, sư tử, phượng, khỉ, hoa, lá... Toàn bộ những hình tiếp nhau đó cộng với câu thơ:
Đại đạo sinh tài, tài ích thịnh,
Tiên sư giảng phúc, phúc thường lại.
(Đạo lớn sinh ra của cải, của cải ngày càng thịnh,
Thần thánh ban phúc, phúc thường đến)
có vẻ như là một bộ tranh truyện mà ngày nay người ta thực khó mà đọc được hết ý nghĩa.
Qua tam quan thì tới một cái sân cỏ thứ ba, hai bên có dãy hành lang dài mỗi dãy chia 11 gian. Tiếp đó là một cái sân nền cao hẳn lên, xây toàn gạch rồi đến tổng thể đình kế tiếp nhau gồm có: đình Hạ, đình Trung, đình Thượng. Hai con rồng chầu mặt trời được gắn trên nóc đình Hạ. Một con ngựa bằng đồng đúc năm 1707 đặt trên bệ có bánh xe được đặt trong một phòng nhỏ ở phía đông đình Trung, còn 5 tấm bia đá thì được đặt ở một phòng nhỏ khác ở phía tây. Trong đình Thượng có tới 5 pho tượng: một tượng nam thần với hai tượng nữ thần nhỏ hơn ở hai bên, và hai tượng thị nữ ở phía trước. Trong đình Trung thì ngoài các đồ thờ còn có hai pho tượng võ tướng nữa.
Toàn bộ cảnh đình được tăng thêm phần uy nghi bằng cây cối um tùm bao bọc cả ba phía: trái, phải và sau. Từ đình nhìn sang bên kia sông Đáy là núi Thầy (Sài Sơn), núi Cánh Phượng... thanh tú nổi bật lên giữa cánh đồng lúa bao la.
Ngôi đình bề thế và tuyệt đẹp này là nơi thờ Lý Phục Man. Tượng nam thần ở đình Thượng chính là Lý Phục Man còn hai vị nữ thần ngồi hai bên là hai vợ ông: Lý Nương, vợ cả, ở bên trái, và Á Nương, vợ hai, ở bên phải.
Lý Phục Man chính quê ở làng Yên Sở. Hiện nay trong làng còn có nơi, theo tục truyền, là nền nhà xưa của Lý Phục Man. Năm 541, ông đã tham gia nghĩa quân của Lý Bí nổi lên chống ách thống trị của nhà Lương, giành lại độc lập cho nước nhà. Theo văn bia do Lý Tuấn Ngạn soạn ra trong thế kỷ XVIII cũng như theo truyền thuyết địa phương, người ta biết rằng, thời niên thiếu, Lý Phục Man võ nghệ hơn người, cưỡi ngựa bắn cung đều giỏi lại có tài hàng phục được cả voi. Ông tham gia nghĩa quân Lý Bí ngay từ thời kỳ đầu của phong trào và đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Vì thế, trong triều đình Vạn Xuân, ông đã được phong làm Đại tướng quân, đứng đầu trăm quan và đặc nhiệm các miền Đường Lâm và Đỗ Động (tức là vùng từ huyện Phúc Thọ đến Thanh Oai ngày nay). Ông trị dân nghiêm minh lại cầm quân giỏi nên nhân dân vùng ông cai quản đều được yên ổn và người Di, người Lão, trước kia vẫn hay xâm nhập quấy nhiễu địa phương, đều phải lánh xa. Năm 543, do nhà Lương xúi giục, quân Lâm Ấp xâm nhập vào biên giới nước Vạn Xuân, đánh phá các quận Nhật Nam, Cửu Đức (tức vùng Thanh Nghệ Tĩnh ngày nay). Lý Phục Man được cử đi đánh giặc, thắng nhiều trận, bảo vệ được chắc chắn biên giới phía nam của Tổ quốc. Để thưởng công, Lý Bí đã gả con gái cho ông, ban cho ông họ Lý là họ nhà vua và phong cho ông tước hiệu là Phục Man (hàng phục được người Man). Cái tên Lý Phục Man xuất hiện từ đấy. Có điều là cái tên này đã được người ta dùng đến một cách tuyệt đối khiến cho ngày nay chúng ta khó mà biết được họ tên thật của ông là gì. Người ta có thể đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu, người được bộ Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép là đứng đầu hàng quan võ trong triều đình Lý Bí và có công lớn trong việc đánh dẹp quân Lâm Ấp ở Cửu Đức. Nhưng theo các nguồn tài liệu thì Phạm Tu lại quê ở Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Hiện nay chúng tôi chưa có điều kiện để xác minh mối liên quan giữa Lý Phục Man và Phạm Tu nên hãy tạm ghi mối nghi vấn này ra đây để các bạn yêu sử học lưu tâm giải quyết.
Nghi vấn cũng bao trùm lên cái chết của ông. Có thuyết nói rằng trong một trận đánh nhau với quân Lâm Ấp, ông bị giặc bao vây nên tự sát và quân sĩ đã đem thi hài ông về chôn ở dưới ao sen trong rừng ở sau đình Yên Sở. Có thuyết nói ông bị quân Lâm Ấp đánh thua, bị thương nặng, nhưng vẫn cố chạy về đến tận quê nhà rồi mới ngã ngựa. Theo truyền thuyết, nơi ông ngã ngựa là một viên đá lớn hiện còn nằm tại giữa đồng Yên Sở, còn có dấu vết chân ngựa và đầu ông. Nhưng thuyết thứ hai này lại khiến cho người ta có thể nghĩ rằng Lý Phục Man không phải bị quân Lâm Ấp đánh thua vì ông không thể từ vùng Thanh Nghệ mang trọng thương chạy về cho đến tận quê nhà. Hợp lý hơn cả là sau khi dẹp xong quân Lâm Ấp, ông lại trở ra Bắc chống đánh quân Trần Bá Tiên và trong một trận nào đó, có thể xảy ra ở gần quê ông, ông đã bị thương nặng, sau đó mở đường máu cố chạy về tới cánh đồng quê hương rồi mới ngã ngựa chết.
Đình Yên Sở, nơi thờ Lý Phục Man, vẫn được nhân dân địa phương gọi là quán với hàm ý là ngoài ngôi quán này còn có ngôi đình nữa thờ ông như tục thờ thần ở tất cả các làng Việt Nam khác. Đúng thế, Yên Sở trước kia có cả đình lẫn quán. Ngày thường, bài vị thần vẫn được để ở quán. Đến ngày hội tế thần hằng năm, bài vị thần mới được rước từ quán sang đình và cho đến khi tế lễ xong thì lại được rước từ đình về quán. Nhưng đến một thời kỳ nào đó, Yên Sở, do dân số phát triển, đã được tách ra làm hai xã Yên Sở và Đắc Sở. Đình ở vào địa phận Đắc Sở, quán ở vào địa phận Yên Sở. Nhưng hai làng Yên Sở và Đắc Sở vẫn cùng thờ chung một vị thần nên không thay đổi gì tình trạng cũ và trong những ngày hội tế thần hằng năm cả hai làng đều cùng đứng ra tổ chức theo đúng như nghi thức cũ và có khi bỏ cả lệ rước bài vị để tổ chức tế lễ ở ngay quán Yên Sở.
Xưa kia, bến Yên Sở còn được gọi là bến Hồ Mã. Đó là một bến sông quan trọng trên sông Đáy thời phong kiến. Ngày nay do việc xây dựng đập Đáy nên lượng nước sông Đáy ở đoạn này không đáng kể, do đó bến sông cũng không tồn tại nữa. Ở đây trước kia có phố chợ buôn bán đông vui. Đó cũng là một trạm dừng chân của các vua chúa đi tuần du xưa kia. Sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: Lý Thái Tổ đã có lần dừng chân tại đây và sau khi biết rõ sự tích Lý Phục Man, đã ra lệnh cho nhân dân địa phương làm đền thờ và dựng tượng Lý Phục Man theo như hình nhà vua mơ thấy trong khi nằm mộng. Đến đời Trần Thái Tông, nhà vua cũng có lần dừng chân tại Yên Sở và cũng có cho mở rộng thêm đình.
Điều đặc biệt đáng chú ý là Lý Phục Man tuy cho đến nay vẫn chưa ai biết được rõ tên họ thật là gì, tuy không được ghi tên trong các pho chính sử nhưng đã được thờ ở nhiều nơi trên đất nhiều tỉnh thuộc châu thổ sông Hồng.
Ở những nơi thờ Lý Phục Man nói chung người ta thường kiêng tên Man và nói chệch ra là Miêng hay Men. Như mắng ai là “man trá” người ta nói “đồ men trá”.
Đặc biệt là dân làng Yên Sở, quê hương của Lý Phục Man đã được nhiều lần các vua chúa trước kia miễn cho việc đi phu đắp đê làm đường và giảm cho một phần thuế để có thể tập trung tiền của và công sức vào việc thờ Lý Phục Man. Hẳn cũng vì thế nên Yên Sở đã có khả năng không những xây dựng một ngôi quán lớn mà còn xây dựng một ngôi đình bảy gian với đặc điểm là không có xà dọc nối các gian lại với nhau, với quy mô cũng to tát vào bậc nhất trong các đình cổ ở nước ta. Nhưng chính vì được các vua chúa trước kia ban cho một số đặc quyền, đặc lợi như vậy, nên việc tổ chức tế lễ hội hè trước kia đã tiến hành kéo dài quá lâu, nhiều khi tới một tháng ( từ mồng 10 tháng 3 đến mồng 10 tháng 4 âm lịch) gây ra rất nhiều tốn kém và hao phí sức lao động của dân làng.
Trong thời kỳ tạm chiếm, giặc Pháp đã tàn phá làng Yên Sở và Đắc Sở. Ngôi đình bảy gian không xà ở Đắc Sở, một công trình kiến trúc tuyệt tác, đã bị đốt trụi, ngày nay không còn để lại được dấu vết gì. Quán Yên Sở thì phần quan trọng nhất, mỹ thuật nhất là Tam quan, đình Hạ, đình Trung, đình Thượng cũng bị đốt trụi. Cho đến năm 1949 dân làng mới lại phục hồi được đình Thượng như kiểu thức cũ, còn đình Trung và đình Hạ thì chỉ phục hồi được một cách tạm thời. Tuy Quán Yên Sở đã bị giặc Pháp tàn phá nặng nề, tuy khu rừng bao quanh quán đã mất đi vẻ thâm nghiêm, nhưng nhìn về toàn bộ thì quán làng Yên Sở vẫn còn là một di tích lịch sử đẹp, có tính hấp dẫn đối với khách tham quan vì còn có những pho tượng nguyên vẹn cũng như nhà ngựa đồng, nhà bia đá, nên đáng được bảo lưu một cách đúng mức./.
Theo Doanh nhân Thăng Long Hà Nội