Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – thiên tài quân sự
Trần Quốc Tuấn là con An Sinh vương Trần Liễu, tương truyền là Thanh Sơn đồng tử giáng sinh, một đêm phu nhân của Trần Liễu nằm mộng thấy một đồng tử áo xanh chui vào bụng mình, có mang rồi sinh ra ông.
Ông vốn thông minh hơn người, dung mạo hùng vĩ, có người coi tướng nói rằng: “Người này ngày sau có tài kinh bang tế thế”. Trần Quốc Tuấn được cha đón nhiều thày giỏi văn, võ về dậy, ông là người thông minh nên học đâu nhớ đó, chẳng bao lâu ông đã thấu hiểu mọi kinh nghĩa, văn thơ cổ kim. Ông cũng đọc hết các binh pháp của Tôn Tử, Ngô Khởi, ông còn rút ra những bài học bổ ích cả về thành công và thất bại đối với những chiến dịch lớn của Trung Quốc. Trần Quốc Tuấn đặc biệt coi trọng phương pháp xây dựng quân đội ít nhưng tinh, lấy ít thắng nhiều phù hợp với đặc điểm của Việt Nam.
Năm 1236, quân Nguyên - Mông đánh chiếm Thành Đô, Hán Khẩu của Trung Quốc, thì ngay sau đó vua Tống vội vàng sai sứ sang phong cho vua Trần là An Nam quốc vương. Song triều đình nhà Trần hiểu rõ kẻ thù của Đại Việt là Mông - Thát chứ không phải là nhà Tống, kẻ đang thua trận nên đã tích cực chuẩn bị kháng chiến trên toàn diện. Từ năm 1240 trở đi quân Nguyên - Mông đánh chiếm nước Nga rộng lớn rồi đánh cả châu Âu, tràn sang Trung Á. Cả châu Âu và Tòa thánh La Mã khiếp sợ và đều cam chịu làm nô lệ cho đế chế Mông - Thát.
Để uy hiếp mặt Tây - Nam của Nam Tống, từ năm 1252, Hốt Tất Liệt (Qubilai Khubilai) được lệnh của chúa Mông Cổ đánh chiếm Vân Nam của Trung Quốc. Năm 1253, Hốt Tất Liệt và tướng Utiangkhaiđai (Nguyên sử chép là Ngột Lương Hợp Thai) chỉ huy đạo quân đánh xuống tây nam Trung Quốc. Vua nước Đại Lý ở Vân Nam là Đoàn Hưng Trí bỏ trốn, sau bị bắt đã đầu hàng Mông Cổ. Năm 1254, vua Đại Lý Đoàn Hưng Trí tuyển mộ 20.000 quân là người Bạc Thoán (Lô Lô, còn gọi là người Di) giúp quân Mông Cổ chinh phục các nước khác ở Tây Nam Trung Quốc và lăm le xâm lược Đại Việt. Đến năm 1256 toàn bộ tỉnh Vân Nam đã bị quân Nguyên - Mông chia làm quận huyện.
Năm 1257, chúa Mông Cổ Mông Kha cất quân đánh Tống theo bốn mặt, trong đó có một mặt do cánh quân của Ngột Lương Hợp Thai từ nước Đại Lý được vua Đại Lý là Đoàn Hưng Trí đưa 20.000 quân đi tiên phong đưa số quân lên 50.000 tên đánh chiếm Đại Việt rồi từ Đại Việt đánh ngược lên châu Ung (nay là Nam Ninh tỉnh Quảng Tây), châu Quế (Quế Lâm, Quảng Tây) rồi tiến lên phía Bắc gặp ba cánh quân mở cuộc tổng tấn công vào Ngạc Châu.
Tháng 9 năm 1257 sứ của Ngột Lương Hợp Thai từ nước Đại Lý tới trước cửa ải Quy Hóa xin vào. Quy Hóa thời Trần gồm châu Thủy Vĩ (Lào Cai), Văn Chấn, Vĩnh Yên, Yên Lập. Trại chủ Quy Hóa đóng gần biên giới có thể ở phía Tả ngạn hoặc ở động Cam Đường bên Hữu ngạn, nay thuộc huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Chủ trại Quy Hóa là Hà Khuất cho chạy trạm về triều là có sứ Mông Cổ xin vào. Triều đình cho sứ vào, nhưng tới kinh thành Thăng Long là bị bắt tống vào ngục tối. Tháng 10-1257, Ngột Lương Hợp Thai lại cho sứ sang, và lần này nhà vua cũng cho vào để rồi đến kinh thành Thăng Long lại bị tống giam vào ngục.
Ngay lập tức vua Trần và Thái sư Trần Thủ Độ chưa biết chọn vị tướng nào để đi biên giới chặn giặc thì Trần Quốc Tuấn lúc đó khoảng 2425 tuổi tình nguyện xin đi. Ông được nhà vua giao ấn tiên phong đưa quân lên Quy Hóa bày trận. Vua Trần cũng chuẩn bị kháng chiến từ lâu nên ngay lập tức điều động quân đội lên lập trận địa chặn giặc ở phía Nam Bạch Hạc và ở Bình Lệ Nguyên.
Tháng 12 năm 1257, Ngột Lương Hợp Thai không ngờ là Đại Việt đã bắt sứ giả, một điều chưa từng xẩy ra với quân Nguyên - Mông vì hễ quân Nguyên - Mông phái sứ đến đâu thì nước đó chỉ có đầu hàng, vậy mà Đại Việt là một nước nhỏ dám chống lại, nên Ngột Lương Hợp Thai cho sứ sang đồng thời cũng cho 50.000 quân vượt biên giới vào Đại Việt. Sử không ghi quân Nguyên - Mông vào Đại Việt bằng đường nào, nhưng từ Vân Nam sang Đại Việt chỉ có hai đường, một là theo hữu ngạn sông Thao qua vùng Cam Đường, Võ Lao, Văn Bàn, Trấn Yên rồi xuống Hạ Hòa phủ Hưng Hóa rồi tới Bạch Hạc. Cũng có khả năng chúng đi theo đường Hà Giang qua Tuyên Quang, Đoan Hùng rồi về Bạch Hạc nhưng đường này xa hơn, khó đi hơn.
Trong khi đó thì tướng tiên phong Trần Quốc Tuấn cũng bày trận đánh địch, quân địch bị chặn lại, nhưng chúng vẫn tiến được. Trần Quốc Tuấn thấy rõ với lực lượng ít ỏi của mình không thể đánh tiêu diệt chúng được mà cần phải rút lui. Nhưng phải rút một cách an toàn để bảo toàn lực lượng đánh trận lớn ở nam Bạch Hạc và ở Bình Lệ Nguyên do chính vua Trần chỉ huy, ông liền bố trí trận địa. Ngột Lương Hợp Thai phát hiện lực lượng quân Trần mỏng, hắn tung toàn bộ lực lượng bủa vây toan bắt sống vị tướng trẻ. Nhưng Trần Quốc Tuấn bố trí trận địa làm như chuẩn bị đánh lớn, nhưng khi tên tướng Nguyên - Mông hùng hổ tung quân vào thì đó chỉ là trận địa giả, còn Trần Quốc Tuấn thì đã đưa toàn bộ quân rút lui an toàn. Tên tướng Nguyên chưa từng bị thua trận nào, lần này bị lừa tức đến hộc máu.
Trần Quốc Tuấn đã đưa toàn bộ quân lui về phía sau và bố trí nhiều trận địa đánh chặn tiêu hao địch khiến cho chúng bị thương vong nặng nề. Chúng còn bị các đội dân binh do Hà Bổng, một người ở châu Quy Hóa đánh nhiều trận lớn khiến cho quân giặc đi không an toàn, đóng quân khôn yên.
Tuy vậy, với lực lượng 50.000 quân, Ngột Lương Hợp Thai vẫn tiến được xuống phía nam, nhưng rồi chúng lại bị đội dân binh do Phùng Lộc Hộ chỉ huy, do bẩy anh em họ Lỗ chặn đánh quyết liệt.
Giặc vừa tới Bạch Hạc nhìn sang bên kia sông đã thấy trận địa chặn đánh do vua Trần thân chỉ huy. Thế giặc mạnh, phòng tuyến phía nam Bạch Hạc vỡ, vua Trần lui về phòng tuyến thứ hai là Bình Lệ Nguyên ở ngang vùng Phủ Lỗ hiện nay. Phòng tuyến này cũng nhanh chóng bị quân Nguyên - Mông chọc thủng, vua Trần rút quân về Thăng Long.
Do có kế sách từ trước, Trần Thủ Độ đã đưa triều đình và dân cư 61 phường của kinh thành Thăng Long, thực hiện “vườn không nhà trống”, kinh thành không còn bóng người, không một chút lương thực, và đi đâu cũng bị dân binh tập kích. Khi Ngột Lương Hợp Thai vào trong thành chỉ thấy mấy tên sứ giả bị trói trong ngục, có tên đã gần chết đói, Ngột Lương Hợp Thai sợ không dám đóng quân ở trong thành mà phải đóng ở Đông Bộ Đầu trên sông Hồng. Quân Nguyên không có lương, không đuổi được vua Trần, lại luôn luôn bị đánh nên vô cùng hoang mang.
Nắm thời cơ đó ngày 24 tháng Chạp năm Nguyên Phong thứ bẩy (291-1258), vua Trần Thái Tông cùng Thái tử Hoảng chỉ huy thủy quân từ sông Hoàng Giang Xích Đằng đánh ngược lên, các cánh quân bộ cũng hợp đồng tác chiến, giặc bị thua to, chúng phải rút chạy theo hai đường, một đường qua Lạng Giang lên Lạng Sơn, một đường qua Tam Dương, Bạch Hạc rồi lại chia làm hai đường, một theo đường sông Thao ngược lên Quy Hóa, một lên đường Tuyên Quang, Hà Giang rồi vượt biên giới.
Đám tàn quân chạy tới Tam Dương, Bạch Hạc bị quân triều đình đuổi theo phía sau, phía trước thì bị dân binh Phùng Lộc Hộ chặn đánh. Cánh quân rút theo đường Quy Hóa thì phía sau cũng bị quân triều đình đuổi theo, phía trước thì bị dân binh do Hà Bổng chỉ huy chặn đánh, giặc bị chết quá nhiều.
Ngột Lương Hợp Thai chạy về đến Nguyên triều vẫn chưa hết khiếp đảm, sử Nguyên phải thừa nhận: “Khi quân đánh Đại Việt về tới Ngạc Châu, đám tàn quân của Ngột Lương Hợp Thai chỉ còn có 5.000 người”.
Ba mươi năm sau đế quốc Nguyên - Mông đã rất hùng mạnh lại lăm le xâm lược Đại Việt.
Để đối phó với cuộc xâm lược này, tháng 11-1282, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã triệu tập các vương hầu, tướng lĩnh họp hội nghị ở bến Bình Than bàn kế đánh giặc. Thượng hoàng, vua và các quan văn võ đều nhất trí với kế sách đánh giặc của Trần Quốc Tuấn. Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải tâu vua xin nhường quyền Tiết chế thống lĩnh binh mã các đạo cho Trần Quốc Tuấn. Khi trở về kinh thành Thăng Long, vua Trần Nhân Tông đã làm lễ trao ấn kiếm Tiết chế cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Ngay sau khi nhận trọng trách tổng chỉ huy đánh giặc Mông Thát, Quốc công Tiết chế đã điều động các tướng đi phòng thủ các vị trí xung yếu. Ông cử thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản lên giữ ải phía Bắc, điều Chiêu Minh vương Trần Nhật Duật đi Nghệ An chặn đánh Toa Đô... Giữa tháng 12-1284, Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn đóng đại bản doanh ở Vạn Kiếp được tin cấp báo từ biên ải về là 500.000 quân Nguyên - Mông do Thái tử Trấn Nam vương Thoát Hoan chỉ huy đã xuất phát tiến về biên giới nước ta. Quốc công Tiết chế sai người về kinh cấp báo và phái thêm các tướng Lê Phụ Trần, Nguyễn Khoái lên biên giới tăng cường cho các tướng Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản.
Chính trong giờ phút lâm ngụy của Tổ quốc, vua Trần Nhân Tông chuẩn y lời tâu của Quốc công Tiết chế, triệu tập bô lão trong cả nước về dự yến tiệc ở điện Diên Hồng để hỏi kế sách đánh giặc. Sau khi các bộ lão nghe nhà vua báo tin Thoát Hoan chỉ huy 50 vạn quân đang tiến vào biên giới, đồng thời 10 vạn quân Toa Đô cũng từ Chiêm Thành đang tiến ra để tấn công Đại Việt từ hai phía, thế giặc rất mạnh, vậy ta nên hòa hay nên đánh. Các bộ lão trăm nghìn người như một nhất tề hô “đánh”.
Sau cuộc họp lịch sử đó, Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn phái Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đưa quân vào Nghệ An tiếp ứng cho Chiêu Minh vương Trần Nhật Duật. Quốc công Tiết chế thì thân dẫn đại quân ngược lên biên giới phía Bắc cự địch.
Ngày 27 tháng giêng 1285 đại quân địch trên hướng Đông Bắc tiến vào Lộc Bình (Lạng Sơn). Tại cửa ải Nội Bàng, Hưng Đạo vương, Phạm Ngũ Lão cùng các tướng chiến đấu quyết liệt với giặc. Vua Trần cũng dẫn quân Thánh dực và hơn 1.000 chiến thuyền lên tăng viện. Quân Nguyên - Mông bị tổn thất nặng nề, song chúng vẫn chọc thủng được phòng tuyến Nội Bàng. Vua Trần rút về Thăng Long, Trần Hưng Đạo cùng các tướng lùi về giữ Vạn Kiếp. Phòng tuyến Vạn Kiếp bị quân Thoát Hoan chọc thủng ngày 14-2-1285, quân ta rút khỏi Vạn Kiếp về giữ kinh thành Thăng Long. Trong khi đó triều đình theo kế hoạch từ trước xuống thuyền xuôi theo sông Hồng về bãi Đà Mạc, Đông Kết, Tây Kết, Chương Dương (Khoái Châu, Hưng Yên), nhân dân cũng rút khỏi kinh thành, thực hiện vườn không, nhà trống.
Chiếm được Vạn Kiếp, Thoát Hoan ngược theo sông Lục Đầu vào sông Đuống rồi ra sông Hồng chiếm kinh thành Thăng Long. Bọn xâm lược vào thành chỉ có thành không, sợ bị quân ta tập kích, Thoát Hoan phải đóng quân ở bờ Bắc sông Hồng. Mấy ngày sau Thoát Hoan cho Hữu thừa Khoan Triệt, Vạn hộ Mang Cổ Đài, Vạn hộ Bốt la Đáp Cáp Nhĩ chỉ huy quân bộ, Tả thừa Lý Hằng, Vạn hộ Ô Mã Nhi chỉ huy quân thủy theo sông Hồng đuổi theo vua Trần. Vua cùng triều đình rút về sông Hoàng Giang giao cho Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng ở lại chặn giặc ở bãi Đà Mạc (sau đổi là bãi Mạn Trù). Hôm ấy là ngày Nhâm Thìn, tháng giêng năm Ất Dậu (24-2-1285), tướng chỉ huy của ta là Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng (Ông vốn là dòng dõi vua Lê Đại Hành quê ở tỉnh Hà Nam, lấy công chúa Thụy Bảo con vua Trần Thái Tông, có công nên được ban quốc tính) chiến đấu rất quyết liệt, nhưng giặc đông, quân ta ít, không đương nổi, Trần Bình Trọng bị giặc bắt, chúng muốn dụ dỗ ông làm tay sai cho chúng, mời ông ăn uống, ông từ chối. Giặc hỏi ông: “Có muốn làm vương đất Bắc không?”, ông khảng khái trả lời: “Thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc!”. Chúng đã giết ông.
Ngày 3 tháng 2 âm lịch (10-3-1285), quân ta giao chiến với giặc ở sông Đại Hoàng (đoạn sông Hồng chảy qua huyện Lý Nhân, Hà Nam). Thế giặc mạnh, quân ta phải rút lui. Giữa lúc quân ta gặp khó khăn như vậy thì Trần Kiện là tôn thất được lệnh đem 10.000 quân, Lê Trắc đem gần 10.000 vào Thanh Hóa đánh Toa Đô thì hai tên này đầu hàng giặc đánh vào sau lưng quân Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật, gây tổn thất lớn cho quân ta.
Trần Quốc Tuấn phải lập tức phái Phạm Ngũ Lão vào Thanh Hóa phối hợp với Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật phá giặc.
Tháng 4-1285 quân giặc bắt đầu quẫn bách, Quốc công Tiết chế lại nhanh chóng vào Thanh Hóa cùng vua Trần và Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải hoạch định kế hoạch tấn công giặc.
Theo kế hoạch thì Quốc công Tiết chế cùng Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật và các tướng sĩ sẽ vượt biển ra Bắc tới cửa Ba Lạt, cánh quân này sẽ chia làm hai. Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, Chiêu Minh vương Trần Nhật Duật có nhiệm vụ tiêu diệt các đồn binh trên hai bờ sông Hồng như Giang Khẩu, Tây Kết, Hàm Tử và các trại thủy quân trước khi Toa Đô tới cửa Hàm Tử. Quốc công Tiết chế tiêu diệt đại đồn A Lỗ ở ngã ba sông Luộc - sông Hồng (ở đầu huyện Tiên Lữ tới cuối Phố Hiến), sau đó qua các lộ phía Đông tới Vạn Kiếp để đánh phía sườn và phía sau quân Thoát Hoan từ Thăng Long rút chạy qua. Vua Trần ở lại Thanh Hóa cầm cự với Toa Đô khi Toa Đô tiến ra Bắc thì đuổi theo chặn đường rút của chúng theo đường sông Hồng ra biển.
Thực hiện kế hoạch trên, tháng 4 năm Ất Dậu (từ 6-5 đến 4-6-1285), các tướng cho chiến thuyền vượt qua vùng kiểm soát của Toa Đô ở vùng biển Thanh Hóa ra Bắc. Ngay lập tức Hưng Đạo vương tấn công đại đồn A Lỗ, tướng giặc là Vạn hộ Lưu Thế Anh phải tháo chạy. Cũng trong tháng 4 Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải hạ hàng loạt đồn trại giặc hai bên bờ sông Hồng, Chiêu Thành vương (không rõ tên), Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản và tướng Nguyễn Khoái đánh quân Nguyên - Mông ở đồn Tây Kết, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đánh tan quân Nguyên - Mông ở cửa Hàm Tử.
Ngày 15 tháng 5 năm Ất Dậu (19-6-1285), hai vua từ Thanh Hóa về đến Long Hưng (Thái Bình) bái yết lăng mộ tổ tiên nhà Trần. Ngày 17 tháng 5 (21-6-1285), Toa Đô - Ô Mã Nhi theo đường biển qua cửa Ba Lạt vào sông Hồng tiến lên sông Thiên Mạc (khúc sông Hồng từ thị xã Hưng Yên lên huyện Khoái Châu), lập tức vua Trần dẫn quân thủy đuổi theo. Ba ngày sau, ngày 20 tháng 5 (24-6-1285) quân Trần đại phá quân Toa Đô. Đến Đại Mang, bộ tướng Nguyên là Tổng quản Trương Hiển ra hàng. Hôm đó quân ta lại đến đánh tan quân Nguyên vừa mới tái chiếm Tây Kết. Tướng Toa Đô bị chém đầu. Ô Mã Nhi và Vạn hộ Lưu Khuê liều chết mở vòng vây ở hạ lưu chạy thoát được ra biển. Tiểu Lý đi thuyền phía sau thấy khó thoát đâm cổ tự tử.
Sau khi phá tan quân giặc ở Hàm Tử, vua Trần dẫn các tướng tiến ra Thăng Long, đánh bại Thái tử Trấn Nam vương Thoát Hoan ở bến Chương Dương Độ (phía trên cầu Long Biên). Bọn chúng phải chia làm hai đường thủy bộ, đường thủy theo sông Lục Đầu qua Vạn Kiếp ra sông Bạch Đằng thoát ra biển, đường bộ chạy theo hướng Đông Bắc qua ải Nội Bàng, nhưng số phận của bọn xâm lược đã được định đoạt, bọn theo đường thủy bị Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn đánh cho tan tác, bọn rút theo đường bộ thì bị quân Phạm Ngũ Lão tiêu diệt chỉ còn một đám tàn quân chạy thoát về Trung Quốc.
Trong ngày ca khúc khải hoàn tại kinh thành Thăng Long, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã làm bài thơ:
Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang sơn.
Sau hai trận đem quân đánh Đại Việt đều bị thất bại thảm hại, vua Nguyên Hốt Tất Liệt vô cùng tức giận, nhưng thế chưa thể đánh ngay được nên đành cho sứ sang để thăm dò.
Về phía nước Đại Việt sau hai lần chiến thắng lừng lẫy vẫn không chểnh mảng việc xây dựng quân đội, chấn hưng kinh tế, thắt chặt mối đoàn kết toàn dân. Đối với nhà Nguyên, triều đình không có quan hệ ngoại giao nào, vẫn giam giữ năm vạn tù binh và tháng 2-1286 mới hạ lệnh tha cho chúng trở về nước.
Tuy Đại Việt đã thả tù binh, nhưng vua Nguyên Hốt Tất Liệt vẫn tích cực chuẩn bị xâm lược Đại Việt, đã lệnh cho Thái tử Thoát Hoan, A Lý Hải Nha huy động quân thủy bộ, quân kỵ, đóng chiến thuyền, tập trung ngựa. Vua Nguyên cũng phong cho tên phản bội Trần Ích Tắc làm An Nam quốc vương, các tên Trần Tú Hoãn được phong làm Nghĩa công, Trần Văn Lộng làm Tuyên phủ sứ Quy Hóa, Lại Ích Khuy làm An phủ lộ sứ Đà Giang sẽ theo quân Nguyên về đánh Đại Việt.
Nắm được ý đồ của giặc, vua Trần lại cử Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế, thống đốc mọi việc mộ quân, điều quân, chế tạo binh khí, đóng chiến thuyền của các vương hầu, tôn thất. Ông cũng diễn tập quân sự, đắp kè đá ở cửa sông Bạch Đằng, bố trí các tướng giỏi trấn giữ những nơi hiểm yếu từ cửa biển Vạn Ninh (Móng Cái) tới cửa sông Bạch Đằng. Nhà vua hỏi Trần Quốc Tuấn: “Năm nay thế giặc như thế nào?”. Ông trả lời: “Nếu năm nay quân giặc lại sang thì quân ta đã quen đánh dẹp, mà quân họ thì ngại đi xa, vả chi sự thất bại của những tên Hằng, tên Quán còn làm chúng khiếp sợ, chúng không có lòng muốn đánh. Cứ tôi xem xét thì nhất định phá được giặc”.
Ngày 11-10 năm 1287, 50 vạn quân Nguyên - Mông do Trấn Nam vương Thoát Hoan, Bình Chương Áo Lỗ Xích theo đường Quảng Tây vào Lộc Bình, còn Trịnh Bằng Phi theo đường Chi Lăng tiến vào biên giới Đông Bắc nước ta. Đạo quân Vân Nam do Ái Lỗ chỉ huy vào biên giới Tây Bắc nước ta rồi xuôi theo sông Hồng tiến xuống Bạch Hạc. Đạo quân thủy theo đường biển Vạn Ninh, đi ven biển vào cửa Bạch Đằng để tiến vào Vạn Kiếp. Thủy quân địch đến Mũi Ngọc lại chia làm hai cánh, một cánh có 15.000 quân do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy, một cánh mấy vạn quân đi cùng với 500 thuyền lương do Trương Văn Hổ chỉ huy. Cả ba cánh quân hẹn đợi ở Vạn Kiếp.
Ngày 25 tháng 12 năm 1287, hai cánh quân bộ tiến qua biên giới. Lần này Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương không đánh chúng quyết liệt ngay ở biên giới mà giao cho các tướng đánh chặn quyết liệt. Hướng Tây Bắc do Chiêu Minh vương Trần Nhật Duật chỉ huy đã đánh 18 trận lớn trong đó có trận ở Nam Bạch Hạc diễn ra vào ngày 6 tháng 11 âm lịch là lớn nhất. Đạo quân của Trịnh Bằng Phi đi theo đường Chi Lăng xuống phải giao chiến với quân ta 17 trận. Đạo quân của Thoát Hoan bị quân ta chặn đánh ở cửa ải Nữ Nhi và nhiều nơi khác. Đạo quân thủy cánh do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp cũng bị Trần Khánh Dư chặn đánh từ Ngọc Sơn, Vạn Ninh, Đa Mỗ, Vân Đồn, An Bang nên tiến rất chậm. Còn 500 thuyền lương của Trương Văn Hổ đi sau không theo kịp cánh quân vài vạn quân. Tuy vậy Trần Khánh Dư cũng không hoàn thành nhiệm vụ của chiến dịch đề ra là tiêu diệt quân Ô Mã Nhi, chúng tới được cửa sông Bạch Đằng. Kết quả là chỉ trừ cánh quân ở hướng Tây bắc không đến hội quân ở Vạn Kiếp được, còn quân của Thoát Hoan, Bằng Phi, Ô Mã Nhi đều hội quân được ở Vạn Kiếp, nhưng chúng bị quân ta tấn công dữ dội và lâm vào cảnh thiếu lương, đi cướp không được vì nhân dân thực hiện “Vườn không nhà trống”. Khi vào đến thành Vạn Kiếp thì chỉ có thành không. Thoát Hoan sợ bị đánh nên đóng trong các thành gỗ rải rác chung quanh Vạn Kiếp.
Ngày 23 tháng chạp âm lịch (27-1-1288), Thoát Hoan và Áo Lỗ Xích để lại một lực lượng nhỏ giữ Vạn Kiếp, còn đem đại quân tiến xuống Thăng Long. Ngày 26 tháng chạp (30-1-1288), quân ta do Nguyễn Thức chỉ huy chặn đánh quân giặc ở cửa Đại Than, quân giặc thua, nhưng quân ta cũng rút. Đại quân Thoát Hoan qua sông Đuống tiến xuống sông Hồng, lại đóng quân ở phía Bắc (ngang thị trấn Gia Lâm).
Trong khi Thoát Hoan chuẩn bị đánh Thăng Long thì Trần Khánh Dư đã đánh thắng Trương Văn Hổ cướp được 500 thuyền lương. Trương Văn Hổ đi thuyền nhẹ trốn thoát. Tại cửa ải Nội Bàng, 5.000 hậu quân Thoát Hoan cũng bị tiêu diệt, chỉ có 60 tên quân kỵ chạy thoát. Tên Việt gian Lê Trắc chạy thoát qua biên giới.
Ngày 29 tháng chạp âm lịch (2-2-1288), Thoát Hoan chỉ huy quân vượt sông Hồng đánh vào Thăng Long nhưng chỉ có thành không, vội vàng phải rút quân. Thoát Hoan cho Ô Mã Nhi và các tướng khác chia làm hai cánh thủy bộ đuổi theo vua Trần, Ô Mã Nhi lớn tiếng đe: “Ngươi chạy lên trời, ta theo lên trời, ngươi chạy xuống đất ta theo xuống đất, ngươi lặn xuống nước ta theo xuống nước”. Quân Thoát Hoan đánh vào đồn Cảm Nam, A Bát Xích đánh vào cửa Hàm Tử. Nhưng trên đường hành quân, cả quân thủy lẫn quân bộ của giặc đều bị dân binh chặn đánh tiêu hao lực lượng và chúng cũng bị đói ăn không cướp được lương thực. Ô Mã Nhi đuổi theo đến Phố Hiến thì vua Trần đã rút tới cửa Hải Thị, khi chúng đến Hải Thị thì vua và triều đình đã rút ra biển an toàn. Quân Nguyên - Mông đốt phá hàng trăm làng mạc, tàn sát hàng ngàn dân thường, phá lăng mộ Trần ở Hưng Long (chúng chỉ phá được phần kiến trúc trên mặt đất). Trong khi đó vua Trần rút vào Thanh Hóa rồi bất thần tiến ra Đồ Sơn nơi Quốc công Tiết chế đã cho Phạm Ngũ Lão ra xây dựng căn cứ từ trước. vua Quân Nguyên - Mông đã phải sớm từ bỏ ý định đuổi theo vua Trần vì không có lương ăn, Ô Mã Nhi theo lệnh của Thoát Hoan phải liều chết lọt qua các phòng tuyến của quân Trần từ Thăng Long theo sông Lục Đầu, qua Vạn Kiếp ra sông Bạch Đằng để ra biển tìm 500 thuyền lương của Trương Văn Hổ. Ô Mã Nhi lênh đênh trên biển cả tháng không tìm thấy, đành lại phải liều chết quay về. Quân Nguyên - Mông đã khốn đốn vì đói, vì dịch bệnh nên Thoát Hoan tính kế rút quân về nước. Ngày 2 tháng 2 âm lịch (5-3-1288), Thoát Hoan, Áo Lỗ Xích đem quân rút tới Vạn Kiếp, Thoát Hoan lại phải cho quân đi tìm Trương Văn Hổ và Ô Mã Nhi. Ngày 19-2 âm lịch (22-3-1288), Ô Mã Nhi lẻn vào cửa sông Bạch Đằng lại bị quân ta chặn đánh.
Thoát Hoan bắt buộc phải rút quân thật nhanh, và chia làm hai đường: Thoát Hoan, Áo Lỗ Xích, A Bát Xích đi đường bộ, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đi theo đường sông Bạch Đằng, có Trịnh Bằng Phi đi trên bộ hộ tống, nhưng hắn chỉ đi tới Đông Triều thì bị nghẽn đường phải quay lại để rút theo đường bộ cùng Thoát Hoan.
Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo đã phán đoán ý đồ của giặc nên đã bố trí trận địa cọc trên sông Bạch Đằng và cho quân mai phục ở những nơi hiểm yếu, lại cho quân đánh nhử, đánh chặn để “điều” quân Nguyên tới trận địa cọc đúng vào ngày, giờ thủy triều rút để chiến thuyền của chúng đâm vào cọc.
Ngày 7 tháng 3 âm lịch giặc buộc phải cho chiến thuyền đi vào sông Bạch Đằng, sáng ngày 8-3 nước thủy triều rút, quân ta không giả thua nữa mà đánh thật mạnh. Trận đánh lớn nhất ở sông Bạch Đằng diễn ra vào mờ sáng ngày 8 tháng 3 âm lịch (9-4-1288). Khi thuyền chiến giặc đi ngang qua núi Tràng Kênh thì Hoàng thân Trần Quốc Bảo chỉ huy quân triều đình và dân binh đánh mạnh, quân ta đuổi theo bắn tên lửa vào những chiếc thuyền nhẹ chất đầy cỏ khô, diêm tiêu cho lao vào thuyền giặc, khi đó nước thủy triều đang rút, thuận gió nên chiến thuyền giặc bị cháy, thuyền của chúng lại xích liền vào nhau nên không sao di động nhanh chóng được.
Phàn Tiếp phải liều chết đánh lên bộ chiếm lấy núi cao để khống chế quân ta nhưng hắn vừa lên bờ đã bị quân ta vây chặt.
Thuyền giặc vừa tới cửa sông Chanh thì tướng Nguyễn Khoái đánh mạnh, tướng Phạm Ngũ Lão dẫn quân đánh giáp lá cà. Hai vua Trần cũng từ Đồ Sơn tới vùng rừng núi Quảng Yên trước đó ít ngày cũng từ phía sông Đá Bạc đánh vào phía sau quân giặc buộc chúng phải cho chiến thuyền vào sông Chanh nơi quân ta bố trí trận địa cọc. Do quân ta nắm vững thủy triều, lại “khéo điều giặc” nên đúng vào lúc thủy triều rút để lộ hàng nghìn cọc lim bịt sắt tua tủa chĩa mũi vào thuyền giặc. Khi đó quân giặc chỉ biết kêu la vì phía sau vua Trần đánh tới, các chiến thuyền đi sau đều bị thiêu cháy, hai bên bờ thì tên nỏ bắn xuống như mưa, tên nào liều chết bơi vào bờ nếu không chết đuối thì cũng bị quân Trần giết chết.
Trong trận này 500-600 chiến thuyền, 60.000 quân bị chết hết. Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ bị bắt sống. Vạn hộ Trương Ngọc bị chém tại trận, Phàn Tiếp bị trọng thương ở trên bờ cố liều chết chạy xuống thuyền cũng bị quân ta bắt sống.
Trong khi đó trên đường bộ, số phận bọn giặc cũng bi đát không kém gì, mặc dù bọn Tích Đô Nhi đã rút chạy theo đường Chi Lăng, Khâu Ôn để nghi binh, còn Thoát Hoan, Áo Lỗ Xích, A Bát Xích thì rút chạy theo cửa Đại Bàng, nhưng cả hai đều bị quân ta chặn đánh ác liệt, Thoát Hoan phải chạy lên Lộc Bình rồi mới dám vượt biên giới, Vạn hộ Lưu Thế Anh, Đáp Lạt Xích chết tại trận, Tiết Văn Anh bị bắt.
Ba lần vua Mông Thát đưa quân sang xâm lược đều bị thất bại thảm hại, đều bị vị tướng thiên tài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đánh cho đại bại. Triều đình Nguyên - Mông vô cùng uất ức nhưng đành cam chịu.
Đầu năm 1300, Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn lâm bệnh tại phủ đệ riêng ở Vạn Kiếp. Vạn Kiếp là tên của hai làng: đó là làng Vạn Yên tên Nôm là Kiếp và Dược Sơn (nơi trồng cây thuốc để chữa bệnh cho quân sĩ của Hưng Đạo vương) tên Nôm là làng Bạc.
Hương Vạn Kiếp thuộc lộ Lạng Giang thời Trần, thời Nguyễn xã Vạn Yên thuộc tổng Trạm Điền, xã Dược Sơn (làng Bạc) thuộc tổng Chi Ngại, huyện Chí Linh, nay đều thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Vạn Kiếp là đất được phong của Hưng Đạo Đại vương và là phủ đệ, là căn cứ kháng chiến của Hưng Đạo Đại vương trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai và thứ ba.
Khi Quốc công Tiết chế ốm nặng, vua Trần Anh Tông chế ngự đến thăm, hỏi rằng: “Nếu có điều chẳng may mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?”. Vương trả lời: “Đại khái nó cậy trường trận thì ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản (binh) chế trường (trận) là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì dễ chế. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cần thắng nhanh chỉ phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét, quyền biến như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại khoan thử sức dân làm kế rễ sâu, bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.
Ngày 10 tháng 8 âm lịch năm 1300, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, hương Vạn Kiếp lập đền thờ ông.
Tại Hà Nội có nhiều nơi thờ ông trong đó có đền Ngọc Sơn ở giữa hồ hoàn Kiếm, tại đây có tượng thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Hằng năm cứ đến ngày 20 tháng tám âm lịch, nhân dân Hà Nội lại làm lễ tưởng nhớ người anh hùng dân tộc./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội