Văn hóa – Di sản

Lê Văn Hưu – nhà sử học khơi nguồn Quốc sử

Nguyễn Minh Tường - Nguyễn Hữu Sơn 30/10/2023 15:52

Lê Văn Hưu (1230 - 1322), người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý Trung, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1964, trên Nghiên cứu Lịch sử, hai tác giả Nguyễn Kha và Trần Huy Bá cho công bố bài: Phát hiện những tài liệu liên quan đến sử gia Lê Văn Hưu (số 62, tháng 5-1964). Qua đó, cho chúng ta biết đã phát hiện được gia phả và mộ của Lê Văn Hưu.

Cuốn gia phả mang tên Lê thị gia phả (Gia phả họ Lê), do bà Lê Thị Huệ lưu giữ. Lê thị gia phả gồm 3 quyển, không ghi tên người soạn, chép từ đời khởi thủy của dòng họ Lê là Trấn Quốc Bộc xạ Lê Lương, thời Đinh Tiên Hoàng, cho đến các đời gần đây, cả thảy hơn 20 đời. Lê Văn Hưu thuộc đời thứ 7. Lê thị gia phả chép về ông như sau: “Thế tổ đời thứ 7 đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, Đệ nhị danh triều Trần, trải làm quan đến chức Hàn Lâm viện Thị độc, Binh Bộ Thượng thư, kiêm Chưởng sử, tước Nhân Uyên hầu, hiệu Tu Hiền, soạn Đại Việt sử ký”.

le-van-huu.jpg
Tượng Lê Văn Hưu.

Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (1993) cho biết về khoa thi mà Lê Văn Hưu đỗ: “Lê Văn Hưu, người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn... 18 tuổi đỗ Bảng nhãn khoa thi Thái học sinh năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) đời Trần Thái Tông”.

Sau khi thi đỗ, Lê Văn Hưu được giữ chức Kiểm Pháp quan (chức quan trông coi việc hình luật), rồi Binh Bộ Thượng thư, sung chức Hàn Lâm viện học sĩ, kiêm Quốc sử viện Giám tu. Ông cũng là thầy học của Thượng tướng Trần Quang Khải, một trong những danh tướng của hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288).

Trong thời gian giữ chức Quốc sử viện Giám tu, ông đã hoàn thành việc biên soạn Đại Việt sử ký - bộ quốc sử đầu tiên của nước ta. Đại Việt sử ký toàn thư chép về bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu như sau: “Nhâm Thân - Thiệu Long năm thứ 15 (1272). Mùa xuân, tháng giêng, Hàn Lâm viện Học sĩ kiêm Quốc tử viện Giám tu Lê Văn Hưu. vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại Việt sử ký, từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển, dâng lên. Vua xuống chiếu khen ngợi”. Như vậy, trong thời gian giữ chức Giám tu phụ trách Quốc sử viện, Lê Văn Hưu đã biên soạn Đại Việt sử ký. Bộ sử gồm 30 quyển, chép từ Triệu Vũ đế (207 - 136 tr. CN) đến Lý Chiêu Hoàng (1224-1225), hoàn thành và dâng lên vua Trần Thánh Tông năm 1272. Trong lịch sử phát triển của nền sử học Việt Nam, Đại Việt sử ký giữ vị trí bộ sử bề thế đầu tiên.

Năm Hồng Đức thứ 10 (1479) đời Lê Thánh Tông, khi biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư, sử gia Ngô Sĩ Liên đã “lấy hai bộ sách tiên hiền ra, hiệu chính biên soạn lại”. Hai bộ sách của “tiên hiền” là hai bộ sử cùng mang tên Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên. Cho đến lúc đó, bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu vẫn còn. Nhưng rồi sau đó, chưa biết rõ vào thời điểm nào, bộ quốc sử đầu tiên của chúng ta bị mất và thất truyền. Ngày nay, Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu không còn nữa, nhưng nội dung của nó đã được thâu nhập vào Đại Việt sử ký toàn thư qua sự sửa chữa, bổ sung của các sử thần triều Lê, từ Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh đến Phạm Công Trứ, Lê Hy. Trong bản in năm Chính Hòa thứ 18 (1697), nó là cơ sở của phần Ngoại kỷ từ quyển 2 đến quyển 5 và phần Bản kỷ, từ quyển 1 đến quyển 4, bao gồm thời gian lịch sử từ kỷ họ Triệu đến hết kỷ nhà Lý (năm 207 tr. CN đến năm 1225). Đây là cống hiến của sử gia Lễ Văn Hưu đối với quá trình biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư.

Hiện nay chúng ta không thể phân biệt được trong Đại Việt sử ký toàn thư, những bộ phận trong Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu được giữ nguyên vẹn hay đã bị sửa chữa. Chỉ có những đoạn trích dẫn dưới đề mục “Lê Văn Hưu viết” là chắc chắn của Lê Văn Hưu. Trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, hiện còn lại 30 đoạn trích dẫn như vậy, được phân bố như sau: Ngoại ký: 11 đoạn, Bản ký: 19 đoạn. Có thể coi những đoạn trích dẫn đó là những mảnh vỡ nhưng gần nguyên tác nhất trong Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, còn được giữ lại trong Đại Việt sử ký toàn thư. Trên cơ sở 30 đoạn dưới đề mục “Lê Văn Hưu viết”, đó là nguồn tư liệu đáng tin cậy để chúng ta tìm hiểu quan điểm sử học và phương pháp viết sử của Lê Văn Hưu.

Lê Văn Hưu sống và hoạt động trong một giai đoạn mà những vấn đề mất còn của đất nước đặt ra rất gay gắt, cho nên ông luôn tỏ ra nhạy cảm với những công lao, gian khổ của cha ông trong quá khứ. Bao thế hệ sống trên mảnh đất thiêng liêng này không ngừng phải nổi dậy, phải chống trả lại bọn phong kiến phương Bắc để giành lại non sông gấm vóc. Ông nhiệt liệt ca ngợi hành động oanh liệt của Hai Bà Trưng (? - 43): “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta, đủ dựng được nghiệp bá vương”. Ông cũng ca ngợi Ngô Quyền (899-944), lần đầu tiên khai sáng nền tự chủ cho dân tộc: “Tiền Ngô vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Thao, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi dậy mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy”... Chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng khiến cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Ngay sau đó Ngô Quyền chính thức bãi bỏ chức Tiết độ sứ và xưng vương, định đô ở Cổ Loa, đặt các chức quan văn võ, qui định nghi lễ trong triều. Trước sự thật lịch sử, Lê Văn Hưu không chỉ đề cao tài cầm quân của Ngô Quyền “một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy”, mà còn đặc biệt khẳng định vai trò người “mở nước xưng vương”, “Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu, mà chính thống của nước Việt ta gần như nối lại được”... Đó thật sự là những lập luận chặt chẽ, hiểu đúng tình thế lịch sử và ghi nhận đúng mức những đóng góp của danh nhân. Bởi lẽ, Ngô Quyền dù yêu nước Việt đến đâu thì ông cũng chỉ mới xưvng vương, chưa đủ thực lực xưng đế trong ngày một ngày hai. Chỉ có điều, bề ngoài ông xưng vương nhưng bên trong đã lập triều đình theo nghi thức đế, thực hiện phép ngoại giao “thần phục giả vờ, độc lập thật”. Trong buổi đầu xây nền đắp móng, công lao “nối lại” chính thống nước Việt của Ngô Quyền đã được ghi nhận đúng mức.

Không những coi trọng nền độc lập, tự chủ của dân tộc, Lê Văn Hưu càng đề cao sự thống nhất quốc gia trong những thế kỷ đầu tiên đất nước ta vừa bước ra khỏi hơn ngàn năm đêm trường Bắc thuộc. Vì vậy, công lao dẹp loạn Mười hai sứ quân của Đinh Tiên Hoàng (925-979) thu non sông về một mối, rất được Lê Văn Hưu tán thưởng: “Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà Mười hai sứ quân phục hết..”. Trong các cố gắng “mở nước, đóng đô, xưng hoàng đế, đặt trăm quan, dựng sáu quân, chế độ gần đử” thì việc xưng hoàng đế đánh dấu một bước phát triển mới trong nhận thức về nền độc lập và chủ quyền dân tộc. Từ việc xưng vương đến xưng đế là cả một khoảng cách và sự thay đổi về chất trong nhận thức. Bởi lẽ khi xưng vương là vẫn thừa nhận thần phục hoàng đế phương Bắc, còn khi xưng đế thì đã nâng mình lên vị thế ngang hàng, tự tin và tỏ rõ bản lĩnh “các đế nhất phương” (mỗi đế là chủ một phương). Ghi nhận điều này, Lê Văn Hưu không chỉ đánh giá tài năng sáng suốt, dũng lược hơn đời của Đinh Tiên Hoàng mà đã nâng tầm con người lên bậc thánh triết, tinh hoa nước Việt, tầm vóc vũ trụ, mở thông tới ý trời và để ngỏ sự đồng cảm, niềm ngưỡng vọng cho cả phía người đọc: “Chắc là ý trời vì nước Việt ta lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối chính thống của Triệu Vương chăng?”.

Quan tâm tha thiết đến cuộc sống của nhân dân, ông cũng nghiêm khắc phê phán những hành vi bạo ngược, trái đạo lý của vua chúa như sự kiện vào năm Thiên Thuận thứ 3 đời Lý Thần Tông (1130): “Xuống chiếu cho con gái các quan không được lấy chồng trước, đợi sau khi chọn sung vào hậu cung”. Lê Văn Hưu phê phán: “Trời sinh ra dân mà đặt vua để chăn dắt, không phải để cung phụng riêng cho vua. Lòng cha mẹ ai chẳng muốn con cái có gia thất, thánh nhân thể lòng ấy còn sợ kẻ thất phu, thất phụ không được có nơi có chốn... Thần Tông xuống chiếu cho con gái các quan phải đợi xong việc tuyển người vào cung rồi mới được lấy chồng, thế là để cung phụng riêng cho mình, đâu phải là lòng làm cha mẹ của dân?”..... Hơn nữa, vua Lý Thần Tông còn nổi tiếng mê tín dị đoan, ham những chuyện kỳ dị, điềm lành dữ, việc khác thường, rất thích những vật lạ, phàm ai có hươu trắng hươu đen hay chim sẻ trắng, rùa trắng đều phải đem dâng. Lần ấy có tên lính Đỗ Khánh đem dâng con cá hầu và cá công có sắc vàng.

Nhà vua cho đấy là điềm lành, xuống chiếu cho bề tôi chúc mừng. Lại nói chuyện Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc đều là thân vương nhà Lý, làm quan dưới triều Lý Thần Tông. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thân vương Nguyễn Lộc tâu rằng, ở núi Tản Viên có hươu trắng. Vua sai Thái úy Dương Anh Nhĩ đi bắt được, bèn cho Lộc tước Đại liêu ban... Tháng 3, Nguyễn Tử Khắc tâu rằng, ở rừng Giang Để có hươu trắng. Vua sai Thái úy Lưu Khánh Đàm đi bắt được, bèn thăng Tử Khắc làm Khu mật sứ, xếp vào hàng tước Minh tự, được đội mũ bảy cầu”... Trước những sự việc trên, Lê Văn Hưu đã phản bác lại, không coi đó là điềm lành. Ông khẳng định chỉ có “dùng được người hiền” và “được mùa” mới xứng gọi là điềm lành. Bởi lẽ việc “dùng được người hiền” sẽ giúp cho chính sự vững vàng, cơ đồ phát triển dài lâu; việc “được mùa” sẽ giúp dân chúng no đủ, đất nước thái bình. Những điềm lành như thế là điều có thể kiểm chứng, đo đếm và đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, đất nước. Với cách nói loại trừ “ngoài ra không có cái gì đáng gọi là điềm lành cả”, Lê Văn Hưu đã trực diện phủ nhận cả cách nghĩ và việc làm của Lý Thần Tông. Tiếp tục phê phán quan điểm sai trái về “điềm lành” của Lý Thần Tông, tác giả dẫn lời khuyên răn của tiên vương để lại qua sách Kinh thư: “Trân cầm kỳ thú bất dục vu quốc” (Ở trong đất nước mình cai trị, không nuôi những cầm thú quý hiếm, kì lạ) và đi đến khẳng định “người thưởng và người nhận thưởng đều không phải cả”. Ông còn phân tích và chỉ rõ nguồn gốc: “Thần Tông vì được dâng thú lạ mà cho quan tước, thế là thưởng lạm”, nghĩa là phê phán nhà vua chạy theo sở thích riêng, quyền lợi riêng mà quên cả phép tắc quốc gia; “Lộc và Khắc không có công mà nhận thưởng, thế là dối vua”, có nghĩa là phê phán kẻ bầy tôi giả dối, cơ hội, nịnh hót theo cả ý thích sai trái của nhà vua. Lời bình của Lê Văn Hưu thật sự thẳng thắn, quyết liệt, tình ý sâu xa, xứng đáng là bài học cho muôn đời.

Lê Văn Hưu mất ngày 23 tháng 3 năm Nhâm Tuất (1322), táng ở cánh đồng xứ Mả Giòm, thuộc địa phận xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay ở đó vẫn còn phần mộ với tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 20 (1867), khắc ghi tiểu sử và một bài minh ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Lê Văn Hưu – nhà sử học khơi nguồn Quốc sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO