Miền thương yên tĩnh

Hiên Mai| 16/12/2022 15:48

“Mùa thi” - Hai tiếng ấy cứ dâng lên trong tôi những thổn thức miên man mỗi độ hè về. Như bản tình ca tạm lắng, rồi lại bừng lên diết da, khuấy động trong tôi cả một miền thương yên tĩnh. Miền thương tôi giấu nơi ngực trái - miền thương thiêng liêng ấy là Hà Nội - thủ đô dấu yêu, cùng với một người - một người tôi chưa kịp biết tên, và có thể chẳng bao giờ gặp lại trong đời - Bác chủ nhà Sóc Sơn năm ấy…

diem-du-lich-o-soc-son-viet-phu-thanh-chuong(1).jpg
Con thấy đấy, Hà Nội cũng quê lắm phải không! (ảnh minh hoạ)

Hai mươi năm trước, anh em tôi lẽo đẽo chở nhau đi thi. Tôi thi Đại học Sư phạm tại trường cấp II Phù Lỗ. Cha già, mẹ yếu, hai anh em dắt díu nhau đi bằng chiếc xe tám mốt cũ mèm.

Anh là sinh viên Đại học Y, nhưng cũng chỉ vừa chân ướt chân ráo tới Thủ đô để học. Bạn bè lạ lẫm, phố xá là nỗi ngác ngơ với cậu trai tỉnh lẻ quê mùa.

Sau khi làm thủ tục thi xong, chúng tôi bước chân ra cổng. Hai anh em nhìn nhau, chẳng biết nói gì. Đi đâu? Ở đâu? Tôi thoáng nghĩ, rồi kệ anh lo liệu. Vài bác xe ôm chèo kéo. Dăm bà chủ trọ đon đả mời chào. Anh móc tiền trong túi ra, nhẩm đếm. Những đồng lẻ quăn queo, bạc nhàu. Tôi thở dài, tự nhiên thấy chạnh lòng. Anh bảo, sẽ ở nhờ nhà bác họ của người bạn cách đây vài cây số.

Tôi miễn cưỡng lên xe, nghĩ nơi sắp đến chắc dư thừa hờ hững.

Anh chở tôi đi. Vòng vèo. Cô học sinh Chuyên thở dài, vỡ mộng. Hà Nội hoa lệ của tôi đây ư? Hà Nội trong mơ của tôi đây ư? Càng đi, tôi càng thấy đường sá sập sệ, lởm chởm; rồi đường đất đỏ, ổ voi, ổ gà. Tôi ngước mắt lên, tìm kiếm những ngôi nhà. Thưa thoáng những mái ngói nâu mốc mác, lụp xụp, tồi tàn.

Giờ thì tôi hiểu - Hà Nội cũng chỉ thế mà thôi…

Sau vài ba lần hỏi thăm, qua những khúc cua vắng vẻ, chúng tôi đã tới nơi cần tới. Anh dừng xe, lễ phép hỏi chủ nhà, ngập ngừng trình bày mọi chuyện. Tôi không nghe, chỉ đảo mắt nhìn. Ngôi nhà ba gian cũ càng, sạch sẽ. Vườn cam, cây mít, cây bưởi trĩu cành. Bác chủ nhà luống tuổi, bàn tay đồi mồi, mái tóc đẫm sương, nhưng cái cười nghe chừng hiền hậu.

Bác dừng lại nhìn tôi, tinh ý trấn an: “Các cháu cứ tự nhiên. Bác gái ốm nằm viện, bác ở nhà có một mình. Nhà cửa không rộng, nhưng chỗ ngủ thì thoải mái. Cứ coi như đang ở nhà cháu nhé!”. Tôi thở phào, rồi chợt nghĩ: “Bác là đàn ông thì cơm nước nhờ vả được chi!”.

Bác nói chuyện, rồi mỉm cười cúi xuống xách ba lô cho tôi, bảo đi theo bác. Con bé nhà quê ngại ngùng, lật đật bước sau - vẫn chưa hết lạ lẫm ngắm nhìn.

Bác xếp tôi ở trong căn buồng nhỏ, nhìn ra ô cửa là khóm dạ hương ngan ngát; bên trên là giàn thiên lí trổ những chùm sao vàng mơ thơm mát, những trái tim xanh non xinh xắn, xen giữa những đốm nắng lao xao. Bác bảo, cháu ở đây cho tĩnh, ôn bài để thi cho tốt. Tôi dạ dạ vâng vâng, thấy mọi thứ sao mà thân thương quá.

Rồi bác dẫn chúng tôi đi dạo quanh nhà. Gian giữa, bộ tràng kỷ nghiêm ngắn đã bạc màu. Trên bàn, tích vối ủ trong giỏ mây vàng óng. Những chiếc chén cũ nằm ngoan trong chiếc khay men màu xanh trứng sáo. Bác rót nước mời chúng tôi, trò chuyện như thể quen thân tự bao giờ.

Rồi bác chỉ ra gian bếp, phòng tắm, khu nhà vệ sinh ở góc vườn. Tất cả đều ngăn nắp, sạch sẽ đến ngỡ ngàng.

Trời cũng vừa xâm xẩm tối, bác giục chúng tôi đi tắm gội. Xong đâu đó, tôi bước ra, đã thấy mâm cơm bày sẵn trên bàn. Đậu rán, rau muống luộc dầm sấu, chấm tương. Bữa ăn chỉ có vậy, mà ngon quá đỗi. Chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện. Những rụt rè, thất vọng của tôi khi trước đã tiêu tan.

Bác sai tôi bật ti vi bằng chiếc điều khiển dưới ngăn bàn. Tôi cầm lên, lúng túng, quay ngược quay xuôi, ngượng ngùng không biết bật ra sao. Bác cười xòa: “Không sao con, bác cũng mới biết, đứa cháu năm tuổi dạy cho bác đó!”. Tôi chưa hết mắc cỡ, nhưng đủ tinh ý nhận ra tiếng gọi “con” của bác sao mà thương quá!

Tôi trở lại buồng ôn bài theo lời bác. Ngoài kia, tiếng ti vi bật nhỏ, ngả lưng nằm xuống, tôi chỉ nghe dạ hương vương cánh mũi thật ngọt ngào.

Sớm sau, tôi dậy ngó qua tài liệu, đã thấy bóng bác thấp thoáng trong vườn, bên luống mồng tơi, rau dền, rau muống. Sương mỏng mảnh. Hương cau tinh khiết quện vào tiếng lảnh lót chích chòe trên những khóm xoan…

Và thật ấm lòng khi buổi thi nào trở về, tôi cũng thấy mâm cơm chờ sẵn. Chiếc lồng bàn tre, mâm gỗ. Mở ra là bát canh cua ngọt mát, thịt rang cháy cạnh; khi là con cá diếc rán vàng ươm, gọn ghẽ trên chiếc đĩa cổ Bát Tràng, là quả cà pháo trắng ngần trong chiếc bát xinh xinh.

Ba ngày thi kết thúc. Anh tôi xin được gửi bác chút tiền để cảm ơn, bác cứ khăng khăng từ chối. Anh nói mãi, rằng gửi biếu bác gái cân đường, nhưng bác chỉ nhận cho chúng tôi vui rồi trả lại.

Chúng tôi cúi đầu từ tạ. Bác cười thật hiền, bảo tôi: “Nao đỗ rồi báo tin cho bác vui. Mà là sinh viên ở đó, cuối tuần không về thì con xuống bác chơi, đừng ngại con nhé. Con thấy đấy, Hà Nội cũng quê lắm phải không!”.

Tôi dạ dạ vâng vâng rồi cúi chào bác thêm lần nữa. Ngồi sau xe, tôi ngoái lại, đưa tay lên vẫy, vẫy mãi, tới khi bóng bác nhỏ xíu, nhỏ xíu như một dấu chấm than - ở cuối con đường…

Hai mươi năm qua, con bé tôi hời hợt, vô tâm chưa từng báo cho bác một lời và tất nhiên cũng chưa từng để đôi chân mình về thăm chốn cũ - như tôi vẫn biện minh bởi vô số lí do. Nhưng có một điều chắc chắn, hình ảnh bác chủ nhà năm ấy đã trở đi trở lại trong nhiều câu chuyện mà tôi kể cho các con nghe, kể cho các học trò...

Tôi đã ngã vào lòng Hà Nội giản đơn như thế đấy - món nợ nhớ, món nợ thương, mà suốt đời này, tôi có thể nào trả hết được đâu!

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Hiên Mai. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Bài liên quan
  • Ra Hà Nội, đãi bạn món canh cá ngạnh “lờ và lờ vờ”
    Tôi có cậu bạn trong TP. Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng ra Thủ đô chơi. Để ghi dấu ấn ẩm thực Hà thành trong dạ dày cậu bạn, tôi đã “chót” tìm đến món canh cá ngạnh nấu với con lờ vờ. Từ đó, mỗi lần chuẩn bị ra đón cái rét xứ Bắc, cậu bạn tôi lại thả cho tôi một tin nhắn nũng nịu: “Lại mời tui món canh lờ vờ, rồi nghe tiếng sóng sông Hồng vỗ vào bờ nghen”.
(0) Bình luận
  • Hà Nội, mùa đầu nỗi nhớ
    Tôi chậm rãi bước từng bước nhẹ nhàng trên một con phố nhỏ quanh Hồ Tây, từng chiếc lá vàng từ tốn rơi trên mặt đường tấp nập người qua lại, mặt hồ còn nhấp nhô phản chiếu những tia nắng mờ nhạt còn sót lại của buổi hoàng hôn. Dường như thời gian đang trôi chậm lại để tôi có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của miền đất Thủ đô, mà trước đây tôi chỉ có thể trông thấy qua lớp màn ảnh vô giác.
  • Ấn tượng thiên nhiên giữa lòng Hà Nội
    Dạo ấy, gần hai năm trước, nhân chuyến công tác Thủ đô, đoàn chúng tôi tổ chức chuyến thực tế thực sự ý nghĩa. Cho đến bây giờ, mọi người vẫn còn luyến tiếc, bởi với thời gian một ngày, chúng tôi chưa thể nào tiếp cận trọn vẹn không gian của “địa chỉ đó”. Cách trung tâm thành phố gần 40km về phía Tây, nơi hội tụ các sản phẩm văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em. Nơi đó là “Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” thuộc Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
  • Vé không khứ hồi
    Viết gì đây? Khi mỗi lần nhớ đến thời thơ ấu lòng lại buồn thương da diết. Tuổi thơ yêu dấu trong lòng Hà Nội, nơi mở ra những trang màu hồng đầy ắp kỷ niệm của hai đứa chúng tôi. Nay xa rồi tất cả tầm tay với.
  • Gửi cậu của một năm sau
    Bây giờ, tớ là một cô sinh viên năm ba vô lo, vô nghĩ chuyện tương lai. Hoặc đã từng nghĩ nhưng không quá nhiều lo lắng. Một năm sau cậu sẽ làm gì? Cậu sẽ trở thành ai? Liệu cậu có tiếp tục cuộc sống nơi Hà Nội nhộn nhịp xô bồ hay trở về miền quê yên bình của riêng cậu? Tớ chắc sẽ không khuyên nhủ gì cậu đâu, nhưng tớ muốn nói với cậu, mặc cho việc kiếm việc khó khăn, mặc cho áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai cậu thì đã từng có một Hà Nội yêu thương, che chở, bảo vệ cậu đến nhường nào.
  • Hà Nội mến thương
    Quê hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nơi để những đứa con xa quê nhung nhớ mỗi khi có cơn gió hiu hiu thổi qua làm dấy lên cả một bầu trời nhung nhớ. Nhưng có những vùng đất ta sẽ gặp khi bước ra khỏi luỹ tre làng, để rồi khẽ thương từ độ nào không hay. Bởi ở nơi ấy, có những kỷ niệm, có những con người làm ta cảm mến, lưu luyến chẳng nỡ rời xa.
  • Hà Nội và những người thầy
    Tôi cùng một số bạn bè đến Thủ đô, dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chiều cuối thu bên Hồ Tây, bốn người không chung giọng nói, cùng nhau nhâm nhi li bia hơi Hà Nội và đĩa mực khô nướng Quảng Bình. Được dịp, chuyện nổ như rang ngô, niềm vui cứ thế thăng hoa, khiến câu chuyện cũng trở nên không đầu không cuối…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Miền thương yên tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO