Tôi đến Hà Nội lần đầu cách đây tròn 12 năm trong một hoàn cảnh éo le khi con gái đột ngột lâm bệnh nặng. Hè năm ấy, miền Bắc trải qua những ngày nắng nóng kỷ lục. Bình minh chưa ló rạng mà cái nóng đã ập đến. Trời trong veo không một gợn mây. Hơi nóng từ trên trời phả xuống, từ dưới đất bốc lên ngột ngạt, tức thở. Tôi lắc lư theo chuyến xe khách xuôi về Hà Nội chăm con gái nhỏ. Chiếc xe già nua cũ kỹ mỗi lần leo dốc lại kêu rầm rầm, phả ra mùi xăng sống gây gây. Mùi mồ hôi, mùi nước hoa của những người đi xe quyện vào nhau tạo nên một thứ mùi hỗn hợp khiến cho đầu óc tôi váng vất như người đang say rượu. Sau mấy tiếng đồng hồ vật lộn với cơn say xe tôi cũng đến trung tâm Hà Nội. Trưa nắng chang chang. Bến xe Mỹ Đình đông nghịt người. Tôi như đứa con lạc mẹ bơ vơ, hoang mang giữa phố phường xa lạ. Cố xua tay chối từ những cái kéo tay, kéo áo mời mọc của mấy bác xe ôm, tôi leo lên chiếc xe ôm của một người đàn ông trung niên mặc áo lính đã ngả màu có nụ cười ấm áp. Ai nấy đều vội vã lao thật nhanh như chốn chạy cái nắng, cái nóng khủng khiếp như nung như rang ấy, nhưng bác xe ôm lại chẳng có vẻ gì vội vàng. Cái cách vừa chạy xe thong thả vừa nhẩn nha nói chuyện khiến tôi hơi ngạc nhiên mặc dù tôi đang rất vội. Trong câu chuyện trải dài trên quãng đường từ bến xe đến bệnh viện 103, tôi biết anh từng là lính tăng thiết giáp của Tiểu đoàn 201 đóng quân tại Xuân Mai. Người lính có 25 năm tuổi xuân gắn liền với xe với pháo, với thao trường bãi tập, quanh năm xa nhà biền biệt, trở về Thủ đô hoa lệ khi mái tóc đã pha sương. Thay vì ngồi uống nước chè, đánh cờ như bao cán bộ về hưu khác anh lựa chọn làm thêm bằng nghề lái xe ôm. Khi biết tôi lần đầu đến Hà Nội lại chăm con ở một bệnh viện lớn anh đã tận tình đưa tôi đến tận nơi con gái nằm, giúp tôi hoàn tất các thủ tục nhập viện cho con. Chia tay người xe ôm đặc biệt trong lòng tôi không khỏi xúc động xen lẫn sự ngưỡng mộ. Trong cuộc đời này có được bao nhiêu người lính như anh? Trở về với cuộc sống đời thường khi tuổi đã xế chiều nhưng không ngại thay đổi, không ngại làm những công việc bình thường để thấy mình vẫn còn có ích. Trong nắng trưa rực rỡ nụ cười của người lính ấy thật dịu và hiền biết bao. Nhìn nụ cười ấy tôi tin rằng dù cuộc sống có khó khăn, khắc nghiệt đến đâu cũng vẫn le lói những điểm sáng, những điều tốt đẹp.
Trong hành trình chữa bệnh cho con gái nhỏ, có những tháng ngày con trở bệnh nặng, sự sống của con cứ mong manh tựa hồ chỉ cần một cơn gió thoảng qua là có thể dứt đứt sợi dây mong manh, thanh xuân ấy. Trái tim người mẹ của tôi như có bàn tay ai bóp nát khi nghĩ rằng một ngày nào đó đứa con gái bé bỏng của tôi, thiên thần nhỏ của tôi có thể sẽ rời xa tôi mãi mãi. Để rồi hàng ngày tôi cứ ngồi nơi cửa phòng cấp cứu mà nước mắt nhạt nhòa, mà không để ý bao đôi mắt ái ngại đang chăm chú nhìn mình. Trong bao người lặng lẽ nhìn tôi khóc trước cửa phòng cấp cứu có một chàng lính trẻ đã âm thầm mua cơm, mua cháo đặt trước mặt tôi và nói:
- Cơm, cháo em mua rồi. Chị ăn đi để còn có sức chăm cháu. Mình phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con chị ạ.
Bất cứ lúc nào rảnh rỗi em lại tranh thủ đến thăm mẹ con tôi, làm giúp tôi bất cứ việc gì có thể. Việc làm ấm áp của chàng lính trẻ vốn không phải anh em ruột rà giữa nơi đất khách quê người, giữa chốn mà sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc khiến tôi không khỏi xúc động. Việc làm của em khiến tôi nghiệm ra rằng: Trong khó khăn, trong tận cùng khổ đau ta sẽ thấy được tấm lòng của mỗi người đối với mọi người xung quanh. Những lời động viên nhẹ nhàng của em như suối nguồn ấm áp gieo vào tâm hồn con gái tôi những hy vọng sống, giúp con vượt qua bệnh tật hiểm nghèo.
Trong suốt hành trình dài hơn mười năm giành giật sự sống cho con, tôi đã đi qua bao nhiêu bệnh viện lớn nhỏ, đã nhận đủ sự ấm áp và cả sự bạc bẽo của con người giữa nhân gian. Nhưng nơi để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất là bệnh viện 103 và những người thầy thuốc mang quân hàm xanh. Những người lính - người thầy thuốc nơi đây đã không ít lần chạy đua cùng thời gian để giành giật sự sống mong manh cho con gái tôi, giành giật sinh linh bé nhỏ từ tay tử thần. Mặc dù có lúc rất mệt mỏi, rất căng thẳng nhưng các anh, các chị luôn nhẹ nhàng dành cho mẹ con tôi những lời động viên ân cần. Những người thầy thuốc mang quân hàm xanh ấy là điểm tựa vững chắc giúp cho những người bệnh và cả người nhà của họ tiếp tục hy vọng, tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Không ít người trong đó có mẹ con tôi nhờ những lời động viên ấm áp đó mà chiến thắng bệnh tật, chiến thắng tử thần, trở về với cuộc sống đời thường.
Mẹ con tôi đã đi qua những tháng ngày khó khăn giông bão như thế. Gần mười năm với bao hy vọng mong manh, với bao nỗi đớn đau cứ vò xé, cứ đan xen vào nhau. Và người đồng hành, giúp đỡ mẹ con tôi trên chặng đường dài khó khăn đó ngoài những người thân, anh em bạn bè còn có những người lính Hà Nội – những anh bộ đội Cụ Hồ. Họ đã lặng thầm động viên giúp đỡ mà không màng đến sự hàm ơn, trả nghĩa của mẹ con tôi.
Hơn mười năm, thời gian khá dài để những người lính ấy quên rằng đã có lúc mình giúp đỡ một ai đó. Nhưng tôi không bao giờ quên hình bóng và những việc làm đẹp của những người lính tôi đã gặp. Có thể họ là người Hà Nội, cũng có thể họ chỉ là những người lính ngang qua Hà Nội. Nhưng trái tim ấm áp và những việc làm thật đẹp của các anh đã và đang góp phần làm nên một Hà Nội – trái tim của cả nước không chỉ đẹp, không chỉ hào hoa và còn rất bao dung nghĩa tình. Để mỗi người dù chỉ ngang qua Thủ đô Hà Nội một lần đều không thể quên. Hình ảnh Hà Nội và những người lính, những người thầy thuốc mang quân hàm xanh luôn ấm áp trong trái tim tôi.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Bùi Thị Hồng Vân. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.