Màu mến yêu

Duyên Bạc Thuỳ| 07/12/2022 10:19

Lòng tôi vẫn ngập tràn những hình ảnh dịu dàng của sáng xuân năm ấy. Ngày tôi mặc một chiếc áo dài trắng mượt mà sải bước tự tin trên sân của một ngôi trường tiểu học ở Hà Nội trong những ngày cuối cùng của kì thực tập. Chiếc áo dài rạng rỡ khiến tôi như hoá thành bướm trắng. Mang trong mình ngập tràn xúc động, tôi vững bước dần trên con đường đi gieo tiếp những mến yêu...

thieu-nu-dep-diu-dang-giua-khoanh-khac-ha-noi-sang-thu-10(1).jpg
Ảnh minh hoạ (nguồn: internet)

Tôi nhận được rất nhiều những tình cảm mến yêu từ đất và người Hà Nội. Nhưng mến yêu rất nhiều sắc nhiều màu. Mến yêu đến từ giảng đường và nơi ở, mến yêu đến từ những thầy cô đã dạy; đến từ những bà, những bác, những chị, những anh đã từng giúp đỡ và đến từ những người bạn tri âm dù thời gian được ở cạnh nhau cũng chẳng tính là dài.

Vào năm thứ hai học tại trường đại học sư phạm, tôi bắt đầu tham gia thêm những hoạt động khác ở ngoài giờ học. Một trong những hoạt động yêu thích của tôi là tham gia tập luyện tại Câu lạc bộ Thiếu Lâm Sơn Đông - một câu lạc bộ do võ sư Phạm Vũ Quang tổ chức và duy trì trong một thời gian dài của cuối những năm chín mươi và đầu những năm hai nghìn ở khu vực Cầu Giấy. Và rồi ở đây, tôi yêu Hà Nội thêm vì một màu sắc khác: màu của người Hà Nội hào sảng và chân thành.

Lúc mới đăng kí đi tập, lòng tôi vẫn còn băn khoăn vì sợ mình không đủ tiền đóng học. Nhưng đi tập rồi thì mới biết thầy tổ chức lớp học này là hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi chỉ việc chuẩn bị đồ tập cá nhân là một bộ võ phục, một đôi giày vải và một bó đũa mà thôi. Võ phục thì may bằng vải thô màu nâu với cái quần chun ống rộng và cái áo vạt chéo ngắn có thắt đai lưng.

Tuần nào cũng có hai buổi tối, tôi mặc trên người bộ áo nâu rộng rãi ấy mà theo các bạn ra sân tập luyện. Chúng tôi khởi động rồi chúng tôi tập chạy, chúng tôi luyện cho những cánh tay phát lực dẻo dai và những trụ chân đứng vững, chúng tôi tập lấy hơi rồi tập gồng cơ, chúng tôi học lăn và học ngã, chúng tôi học tránh và học cách ra đòn… Những chiếc áo nâu luôn thấm đẫm mồ hôi dù sân tập ngoài trời mùa nào cũng lồng lộng gió.

Mỗi tháng một lần, chúng tôi đạp xe từ Cầu Giấy lên nhà thầy ở trên phố Hồ Xuân Hương để cùng nhau gặp mặt, liên hoan. Những cuộc hội ngộ lúc nào cũng vui vẻ trong tiếng cười đùa của đám võ sinh tuổi đôi mươi mười tám. Buổi liên hoan nào cũng rực rỡ sắc màu với những thứ đồ ăn mà vợ thầy dịu dàng bày biện. Buổi nói chuyện nào cũng gần gũi trong lời nói chuyện vừa nghiêm cẩn, vừa dễ gần của thầy. Thầy luôn luôn không có đủ thời gian để dạy võ có thu phí cho những người nước ngoài xếp hàng đăng kí. Nhưng thầy lại luôn có thời gian để tổ chức lớp tập cho những đứa học sinh, sinh viên nghèo đến tập từ những nơi rất khác nhau.

Và rồi, dưới sự dẫn dắt của thầy, những võ sinh, những trợ giảng; những anh; những em trong câu lạc bộ đối xử với nhau ngày càng thân thiết. Nhiều học viên đến tập một thời gian ngắn rồi đi. Có những cậu học sinh đến tập vài buổi rồi vì nản, vì sợ đau mà nghỉ. Có cô sinh viên đã tốt nghiệp thì ra trường về quê. Có anh võ sinh đã trở thành trợ giảng rồi đi du học nước ngoài nên cũng chia tay. Có cả cậu bạn vì bạo bệnh mà đi trong tiếng than dài “ lá vàng lại tiễn lá xanh” làm mắt của chúng tôi đều rơm rớm. Nhưng trong mỗi chúng tôi, ký ức về câu lạc bộ, về nơi những võ sinh mặc áo màu nâu vẫn luôn là một phần ký ức thanh xuân đẹp nhất.

Với tôi, ký ức ấy lại càng tươi đẹp.

Là sinh viên đến từ một huyện miền núi xa xôi, tôi đến Hà Nội và mang theo mình tính cách rụt rè, khép kín và không dễ gì cởi mở. Đến tận những năm cuối cùng của thời kì đại học rồi mà tính cách ấy vẫn chẳng thay đổi nhiều. Vì thế, những ngày đi thực tập đầu tiên của tôi trôi qua không mấy suôn sẻ. Tôi dạy học trong luống cuống nhớ quên dù trước đó tôi đã tập giảng đến cả chục lần. Tâm trạng buồn buồn của tôi chắc đã làm cho các bạn tập trong câu lạc bộ chú ý và họ đã giúp tôi bằng một cách thực sự bất ngờ.

Tôi đã khóc khi nhận được một tấm vải may áo dài từ các bạn. Thời ấy, một chiếc áo dài đối với cô sinh viên sư phạm đi học chủ yếu nhờ vào học bổng được cấp và tiền đi làm gia sư là một thứ gì đó vô cùng xa xỉ. Tôi biết, các bạn tôi đã gom góp cùng nhau để có thể tặng cho tôi món quà đặc biệt ấy. Một cậu bạn rất tình cảm nhưng lúc nào cũng có vẻ mặt bất cần và ngang ngạnh; một bạn khác luôn giấu biệt sự quan tâm trong kiểu nói chuyện phất phất phơ phơ; một người anh luôn luôn trầm lặng mà chúng tôi thường yêu quý gọi là “đại ca”; và hình như còn có vài người bạn nữa. Mãi về sau này tôi cũng không có cách nào để trả lại được những ân tình ngày đó. Chỉ có thể giữ chúng trong tim như thể giữ những yêu thương từ những người có chung một gia đình.

Buổi sáng mùa xuân dịu dàng năm đó. Tôi mặc chiếc áo dài trắng muốt, tinh khôi sải bước trên sân trường ngập tràn nắng sớm. Tôi mang trên mình chiếc áo dài trắng rạng rỡ đến từ những người bạn hay mặc áo nâu luôn có mùi mồ hôi chát mặn. Tôi bóc nốt lớp kén giấu mình cuối cùng và vươn mình xòe ra đôi cánh trắng. Tôi bắt đầu bay cho một hành trình thật dài đi gieo tiếp những mến yêu…

Thời gian cuốn chúng tôi đi, các bạn tôi không còn ai mặc bộ võ phục màu nâu ấy nữa. Tôi cũng chẳng còn mặc vừa chiếc áo dài trắng khi xưa. Những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi thuở ấy giờ số tuổi đều đã gấp đôi lần tuổi cũ. Nhưng không khí tại những buổi gặp gỡ thi thoảng của kẻ ngược người xuôi; của những người làm công việc rất khác nhau thì dường như vẫn vậy: tràn đầy không khí thanh xuân, tràn đầy những nụ cười sâu từ chân tơ, kẽ tóc. Không có gì xa cách, chỉ còn những nhớ thương; không có những toan tính, chỉ có những chân thành. Gió Hà Nội vẫn thổi bồi hồi từ miền ký ức mà dồn thành những háo hức, những mong chờ mà cậu em nhỏ tuổi nhất thỉnh thoảng lại ghim ghim trong nhóm: Nhớ nhau rồi, gặp nhau thôi.

Còn tôi, từ một nơi xa, tôi lại ngắm những bóng áo nâu giản dị mà hào sảng, tôi lại nhìn bóng áo dài trắng tươi sáng, dịu dàng từ trong miền ký ức, tôi lại ước ao được về ngay Hà Nội. Về với Hà Nội, về với những mến yêu.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Duyên Bạc Thùy. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Hà Nội trong mắt tôi
    Hà Nội – mảnh đất ngàn năm văn vật luôn là đề tài bất tận của sáng tạo nghệ thuật. Với tôi từ khi còn là một cậu bé đã yêu thành phố này bằng cách của riêng mình. Tôi yêu Hà Nội qua âm nhạc. Những con phố, tên đường, địa danh nơi đây đã trở nên quá đỗi gần gũi, thân thương dù bản thân ngày xưa ấy chưa một lần được đặt chân đến. Chính âm nhạc là phương tiện chuyên chở sự mến yêu của ta đến nơi phương xa và nó cũng là những viên gạch từng ngày xây nên ngọn tháp tình yêu của mình với Hà Nội.
(0) Bình luận
  • Hà Nội của tôi
    Hà Nội của tôi! Những năm tuổi thơ tôi thích cùng chúng bạn đi tàu điện leng keng ra Bờ Hồ chơi. Chúng tôi chạy lăng xăng trên cầu Thê Húc, chiếc cầu nhỏ cong cong như đi vào cổ tích, cùng ngắm những làn sóng lăn tăn lấp lánh trong nắng ban mai, cùng háo hức chờ ông Rùa nổi lên mặt nước, như chờ xem truyền thuyết Hồ Gươm. Tôi cũng rất thích trò chơi trốn tìm, núp mình sau những thân cây cổ thụ nghiêng nghiêng bên hồ, ngồi ngắm tháp rùa, đón làn gió mênh mang thổi qua mặt hồ xao động và thưởng thức kem Tràng Tiền. Chúng tôi có tuổi thơ thật êm đềm và lúc đó chúng tôi không hề biết chiến tranh đang đến rất gần.
  • Hoài niệm Phớớ ơơơ!!!
    Hà Nội rực rỡ sang xuân, dịu dàng mùa thu gió heo may, tĩnh lặng trước trời đông buốt giá để rồi lại bừng lên nắng vàng gay gắt đón hè về. Thủ đô bốn mùa đều mang vẻ đẹp và thức quà riêng cho những con người biết tận hưởng và nâng niu. Những tháng hè oi ả đã ghé thăm thành phố mà tôi yêu, chốn Hà thành vốn yên bình giờ đây căng mình trước vòng xoáy cuộc sống và sự khắc nghiệt của thời tiết.
  • "Hoa" trong Hà Nội
    Từ bé, tôi ấp ôm giấc mộng được sinh sống và học tập ở Thủ đô Hà Nội mặc dù tôi chỉ biết đến Hà Nội qua ti vi và những mùa hoa bà kể. Hà Nội 12 mùa hoa, bà đều đưa tôi lạc vào những khung trời nên thơ, cổ tích. Tôi cũng mang trong mình nỗi bâng khuâng, bồi hồi xao xuyến như kiểu mình là đứa con xa quê vọng nhớ về cố hương của mình vậy. Mặc dù từ nhỏ tới lớn, tôi chưa hề được đặt chân đến Hà Nội để chiêm ngưỡng trực tiếp vẻ dịu dàng đằm thắm, đường phố nên thơ với những cánh hoa rụng rơi phủ khắp lối về.
  • Có một mùa lá rụng trong ký ức ở Hà Nội
    Sáng nay, khi mải mê với công việc ở văn phòng trong một tòa cao ốc ngột ngạt giữa Sài Gòn, tôi bất ngờ nhận được tấm bưu thiếp nhỏ từ cô bạn thân đang sống ở Hà Nội. Khẽ khàng mở chiếc phong bì chứa tấm bưu thiếp, lòng tôi chợt nao nao khi nhìn thấy hình ảnh cả góc phố ngập tràn lá vàng. Chợt nhớ chỉ cần bước sang tháng 10 cũng chính là thời điểm cuối mùa thu ở Hà Nội, khi thời tiết bắt đầu se sắt lạnh vào những buổi sớm mai, gió heo may lành lạnh phủ đầy khắp ngõ và hương hoa sữa cũng bắt đầu ngạt ngào t
  • Hà Nội và tôi
    Có lẽ, trên dải đất hình chữ S này, hiếm có thành phố nào được biết đến nhiều nhất so với những địa điểm khác như Thăng Long - Hà Nội. Các thế hệ nhà văn sinh ra tại Hà Nội hoặc có tâm hồn hướng đến Hà Nội đã nối tiếp nhau ghi nhận đời sống phong phú muôn mặt, cùng với con người trên mảnh đất này. Qua cái nhìn và sự sáng tạo của mỗi nhà văn, Hà Nội đa sắc đa thanh hiện lên theo những phận người, phận đời ở trong thời kỳ phát triển, từ lúc đói nghèo lầm than, khi kiên cường chống giặc, khi vật lộn với kinh tế thị trường; những nếp sống thanh lịch của con người nơi đây...
  • Những đêm thao thức tại Hà Nội
    Khi đến Hà Nội, tôi bị bỡ ngỡ với nhịp sinh hoạt mới. Khoảng thời gian sau, khi bản thân đã quen dần với không khí ồn ã của đường phố vào ban ngày nhưng những bộn bề của bài vở cũng khiến tôi có nhiều đêm mất ngủ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Mắm cáy
    Mắm cáy là món ăn dân dã từ bao đời nay gắn bó với người dân quê tôi như củ khoai nước, quả cà pháo... Mâm cơm nhà nông thời hợp tác xã thường có món rau khoai lang luộc, đĩa cá kho và bát nước mắm cáy (người dân thường vẫn gọi thân mật là nước cáy). Giản dị vậy thôi mà sao mỗi khi đi xa lại nhớ đến nao lòng.
  • Góc nhìn đa chiều về lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội
    Từ buổi ban sơ dựng nước đến ngày nay, Thăng Long - Hà Nội mang trong mình bao trầm tích văn hóa, lịch sử. Góp thêm những góc nhìn đa chiều, cuốn sách “Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội” (Nxb Hà Nội, 2023) giúp người đọc khám phá những giá trị văn hóa truyền thống phong phú, đặc sắc của mảnh đất kinh kỳ.
  • Tọa đàm “Sự hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo thông qua tục thờ nữ thần ở Việt Nam”
    Sáng 22/9, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Sự hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo thông qua tục thờ nữ thần ở Việt Nam” với sự tham gia của đông đảo các hội viên trong Hội.
  • Đề xuất bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội
    Xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội, quy định một số thẩm quyền vượt trội của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội so với thẩm quyền của chính quyền quận, huyện.
  • Hà Nội điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới An Thịnh – Mê Linh
    UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4655/QĐ-UBND về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới An Thịnh - Mê Linh, thuộc các xã Tiền Phong, Đại Thịnh, Thanh Lâm và thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Màu mến yêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO