Màu mến yêu
Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi - Ngày đăng : 10:19, 07/12/2022
Tôi nhận được rất nhiều những tình cảm mến yêu từ đất và người Hà Nội. Nhưng mến yêu rất nhiều sắc nhiều màu. Mến yêu đến từ giảng đường và nơi ở, mến yêu đến từ những thầy cô đã dạy; đến từ những bà, những bác, những chị, những anh đã từng giúp đỡ và đến từ những người bạn tri âm dù thời gian được ở cạnh nhau cũng chẳng tính là dài.
Vào năm thứ hai học tại trường đại học sư phạm, tôi bắt đầu tham gia thêm những hoạt động khác ở ngoài giờ học. Một trong những hoạt động yêu thích của tôi là tham gia tập luyện tại Câu lạc bộ Thiếu Lâm Sơn Đông - một câu lạc bộ do võ sư Phạm Vũ Quang tổ chức và duy trì trong một thời gian dài của cuối những năm chín mươi và đầu những năm hai nghìn ở khu vực Cầu Giấy. Và rồi ở đây, tôi yêu Hà Nội thêm vì một màu sắc khác: màu của người Hà Nội hào sảng và chân thành.
Lúc mới đăng kí đi tập, lòng tôi vẫn còn băn khoăn vì sợ mình không đủ tiền đóng học. Nhưng đi tập rồi thì mới biết thầy tổ chức lớp học này là hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi chỉ việc chuẩn bị đồ tập cá nhân là một bộ võ phục, một đôi giày vải và một bó đũa mà thôi. Võ phục thì may bằng vải thô màu nâu với cái quần chun ống rộng và cái áo vạt chéo ngắn có thắt đai lưng.
Tuần nào cũng có hai buổi tối, tôi mặc trên người bộ áo nâu rộng rãi ấy mà theo các bạn ra sân tập luyện. Chúng tôi khởi động rồi chúng tôi tập chạy, chúng tôi luyện cho những cánh tay phát lực dẻo dai và những trụ chân đứng vững, chúng tôi tập lấy hơi rồi tập gồng cơ, chúng tôi học lăn và học ngã, chúng tôi học tránh và học cách ra đòn… Những chiếc áo nâu luôn thấm đẫm mồ hôi dù sân tập ngoài trời mùa nào cũng lồng lộng gió.
Mỗi tháng một lần, chúng tôi đạp xe từ Cầu Giấy lên nhà thầy ở trên phố Hồ Xuân Hương để cùng nhau gặp mặt, liên hoan. Những cuộc hội ngộ lúc nào cũng vui vẻ trong tiếng cười đùa của đám võ sinh tuổi đôi mươi mười tám. Buổi liên hoan nào cũng rực rỡ sắc màu với những thứ đồ ăn mà vợ thầy dịu dàng bày biện. Buổi nói chuyện nào cũng gần gũi trong lời nói chuyện vừa nghiêm cẩn, vừa dễ gần của thầy. Thầy luôn luôn không có đủ thời gian để dạy võ có thu phí cho những người nước ngoài xếp hàng đăng kí. Nhưng thầy lại luôn có thời gian để tổ chức lớp tập cho những đứa học sinh, sinh viên nghèo đến tập từ những nơi rất khác nhau.
Và rồi, dưới sự dẫn dắt của thầy, những võ sinh, những trợ giảng; những anh; những em trong câu lạc bộ đối xử với nhau ngày càng thân thiết. Nhiều học viên đến tập một thời gian ngắn rồi đi. Có những cậu học sinh đến tập vài buổi rồi vì nản, vì sợ đau mà nghỉ. Có cô sinh viên đã tốt nghiệp thì ra trường về quê. Có anh võ sinh đã trở thành trợ giảng rồi đi du học nước ngoài nên cũng chia tay. Có cả cậu bạn vì bạo bệnh mà đi trong tiếng than dài “ lá vàng lại tiễn lá xanh” làm mắt của chúng tôi đều rơm rớm. Nhưng trong mỗi chúng tôi, ký ức về câu lạc bộ, về nơi những võ sinh mặc áo màu nâu vẫn luôn là một phần ký ức thanh xuân đẹp nhất.
Với tôi, ký ức ấy lại càng tươi đẹp.
Là sinh viên đến từ một huyện miền núi xa xôi, tôi đến Hà Nội và mang theo mình tính cách rụt rè, khép kín và không dễ gì cởi mở. Đến tận những năm cuối cùng của thời kì đại học rồi mà tính cách ấy vẫn chẳng thay đổi nhiều. Vì thế, những ngày đi thực tập đầu tiên của tôi trôi qua không mấy suôn sẻ. Tôi dạy học trong luống cuống nhớ quên dù trước đó tôi đã tập giảng đến cả chục lần. Tâm trạng buồn buồn của tôi chắc đã làm cho các bạn tập trong câu lạc bộ chú ý và họ đã giúp tôi bằng một cách thực sự bất ngờ.
Tôi đã khóc khi nhận được một tấm vải may áo dài từ các bạn. Thời ấy, một chiếc áo dài đối với cô sinh viên sư phạm đi học chủ yếu nhờ vào học bổng được cấp và tiền đi làm gia sư là một thứ gì đó vô cùng xa xỉ. Tôi biết, các bạn tôi đã gom góp cùng nhau để có thể tặng cho tôi món quà đặc biệt ấy. Một cậu bạn rất tình cảm nhưng lúc nào cũng có vẻ mặt bất cần và ngang ngạnh; một bạn khác luôn giấu biệt sự quan tâm trong kiểu nói chuyện phất phất phơ phơ; một người anh luôn luôn trầm lặng mà chúng tôi thường yêu quý gọi là “đại ca”; và hình như còn có vài người bạn nữa. Mãi về sau này tôi cũng không có cách nào để trả lại được những ân tình ngày đó. Chỉ có thể giữ chúng trong tim như thể giữ những yêu thương từ những người có chung một gia đình.
Buổi sáng mùa xuân dịu dàng năm đó. Tôi mặc chiếc áo dài trắng muốt, tinh khôi sải bước trên sân trường ngập tràn nắng sớm. Tôi mang trên mình chiếc áo dài trắng rạng rỡ đến từ những người bạn hay mặc áo nâu luôn có mùi mồ hôi chát mặn. Tôi bóc nốt lớp kén giấu mình cuối cùng và vươn mình xòe ra đôi cánh trắng. Tôi bắt đầu bay cho một hành trình thật dài đi gieo tiếp những mến yêu…
Thời gian cuốn chúng tôi đi, các bạn tôi không còn ai mặc bộ võ phục màu nâu ấy nữa. Tôi cũng chẳng còn mặc vừa chiếc áo dài trắng khi xưa. Những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi thuở ấy giờ số tuổi đều đã gấp đôi lần tuổi cũ. Nhưng không khí tại những buổi gặp gỡ thi thoảng của kẻ ngược người xuôi; của những người làm công việc rất khác nhau thì dường như vẫn vậy: tràn đầy không khí thanh xuân, tràn đầy những nụ cười sâu từ chân tơ, kẽ tóc. Không có gì xa cách, chỉ còn những nhớ thương; không có những toan tính, chỉ có những chân thành. Gió Hà Nội vẫn thổi bồi hồi từ miền ký ức mà dồn thành những háo hức, những mong chờ mà cậu em nhỏ tuổi nhất thỉnh thoảng lại ghim ghim trong nhóm: Nhớ nhau rồi, gặp nhau thôi.
Còn tôi, từ một nơi xa, tôi lại ngắm những bóng áo nâu giản dị mà hào sảng, tôi lại nhìn bóng áo dài trắng tươi sáng, dịu dàng từ trong miền ký ức, tôi lại ước ao được về ngay Hà Nội. Về với Hà Nội, về với những mến yêu.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Duyên Bạc Thuỳ. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.