Có những mùa thu

Hoàng Khánh Linh | 04/12/2022 09:26

Mùa thu Pari kiều diễm, mơ mộng như một nàng thơ khiến tôi nao lòng nhớ mùa thu Hà Nội - mùa thu quê nhà.

123(2).png
Mùa thu Pari kiều diễm, mơ mộng như một nàng thơ khiến tôi nao lòng nhớ mùa thu Hà Nội

Tôi nhớ vị cốm Vòng dẻo thơm mùi cỏ hoa đồng nội làm nao lòng những người con xa xứ. Nhớ con phố nhỏ nồng nàn hương sữa vương mái tóc thề thiếu nữ, nơi ấy bao thế hệ gia đình tôi đã cùng nhau chung sống trong nếp nhà tứ đại đồng đường. Nhớ chùm ngọc lan trắng muốt, tinh khôi e ấp sau vòm lá mướt xanh tỏa hương ngọt ngào như mối tình đầu ban sơ. Hàng cây cơm nguội vàng xào xạc trút lá mỗi độ thu về. Tiếng dương cầm thánh thót, du dương vẳng đưa qua ô cửa sổ nhà ai đó khiến chiều thu Hà Nội lãng mạn hơn, tình tứ, kiêu sa hơn... Và hơn cả, tôi nhớ bước chân lặng lẽ, mỏi mòn của mẹ cùng gánh hàng hoa mỗi chiều thu rong ruổi phố. Tấm lưng ong thắt đáy trong tà áo bà ba màu mỡ gà cùng gánh hàng hoa đã trở nên thân thuộc với bà con hàng phố. Trong đôi thúng nhỏ xinh của mẹ, mười hai mùa hoa Hà Nội được thu gọn rực rỡ, lung linh sắc màu. Nhưng tôi thích nhất là những chùm hoa cúng xinh xinh được bó lại gọn gàng bởi đôi bàn tay khéo léo của mẹ: hoa cau, hoa ngâu, hoa nhài, hoa bưởi... đủ thành một đĩa hoa dân giã mà tao nhã. Người Hà Nội xưa thường cúng hoa đĩa mẹ bán hoa rất có duyên, chẳng khi nào bị ế bởi ở mẹ có sự duyên dáng, thanh lịch và cái tâm hồn hậu của người phụ nữ Hà thành gốc. Tuần rằm cũng như ngày thường, mẹ chẳng bao giờ tăng giá, ép giá. Cuối phố có bà lão sống đơn côi, cứ đến tuần rằm, mẹ thường bảo chúng tôi mang hoa đến để bà cúng tổ tiên. Thương chàng sinh viên nghèo không đủ tiền mua hoa tặng mẹ, mẹ tôi không lấy tiền. Mấy bạn học trò mua hoa tặng cô giáo, mẹ vừa bán, vừa cho. Có lần, tôi thắc mắc: “ Mẹ bán thế này sao đủ vốn?”, mẹ cười hiền như hoa cỏ mà rằng: “Cha cô, có đức thả sức mà ăn. Mình thương người, trời thương mình con ạ!”. Với gánh hàng hoa rong ruổi ấy, mẹ đã nuôi chị em tôi khôn lớn thành người. Mẹ tôi bán hoa không đơn thuần vì mưu sinh. Với mẹ, đó là lẽ sống, là niềm vui bình dị. Trao những bó hoa tươi thắm cho mọi người, mẹ trao cái tâm của người bán hàng chân chính, lương thiện, trao niềm hạnh phúc đến mọi nhà: bó hoa dơn kiêu sa chú rể tặng cô dâu ngày cưới; bó sen thuần khiết dâng ông bà, tổ tiên; bông hồng cài áo mẹ ngày vu lan báo hiếu... Bàn tay thon, gầy của mẹ nhẹ nhàng, nâng niu từng bông hoa nhỏ bé dâng đời.

12.png
Ảnh minh hoạ

Với chúng tôi, chẳng còn gì thích thú hơn khoảnh khắc kéo nhau ra ngõ đón mẹ đi chợ về. Trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi của mẹ bừng rạng niềm vui khi nhìn thấy đàn con, mẹ lấy vạt áo thấm những giọt mồ hôi rồi mở bọc quà từ trong cái thúng còn vương mùi hoa cỏ chia đều cho các con. Món quà tôi yêu thích nhất là cốm Vòng ủ trong lá sen và những trái hồng chín mọng ngọt sắc. Với món quà dân giã ấy, mẹ đã gói cả mùa thu Hà thành đem về cho chúng tôi. Đôi lúc tôi có cảm nhận mẹ là bóng hình của mùa thu Hà Nội: đẹp dịu dàng, tao nhã, phảng phất chút u buồn, kiêu sa.

Mẹ tôi vóc hạc xương mai mà nghị lực phi thường. Đôi vai nhỏ bé của mẹ đã gánh vác, tề gia cả đại gia đình mà không hề được nhờ cậy chồng. Mẹ thiệt thòi vì chỉ sinh được ba mụn con gái, cha tôi sinh thói đào hoa vợ lẽ con riêng. Với bản tính nhu mì, hiền thục, thanh lịch của người phụ nữ Hà thành, mẹ âm thầm ngậm đắng nuốt cay, không nửa lời ca thán nhưng tôi hiểu mẹ đau lắm, tủi lắm! Còn gì quặn thắt hơn cảnh chồng chung, có chồng mà hờ hững, chăn đơn gối chiếc? Bao tủi hờn, cay đắng mẹ mang vào lời ru ngậm ngùi, ai oán những đêm buồn:

                                  “ Gió đưa cây cải về trời

                              Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.”

Cứ thế, Lời ru của mẹ và những hạt cốm Vòng ấp ủ trong lá sen đã theo tôi suốt một thời thơ ấu, là nỗi nhớ cồn cào, quay quắt của tôi nơi xứ người khi nhớ về mẹ, về mùa thu quê nhà.

12345.png

Thoắt cái, ngoảnh lại nhìn tôi đã xa quê bao mùa vàng trút lá. Ngày tôi quyết chí ra đi lập nghiệp nơi xứ người- một ngày thu không nắng, mưa rả rích giọt buồn vương mắt mẹ. Dúi bọc cốm Vòng vào tay tôi, mẹ gạt nước mắt dặn dò đủ điều. Cha tôi, lặng lẽ bên ấm trà sen với ánh mắt khắc khoải, xa xôi. Cha không nói gì nhưng tôi đọc được bao điều cha muốn nói. Sang Pháp, tôi nương nhờ một người bà con họ xa. Lăn lộn mưu sinh, nếm trải bao cơ cực. Những đêm cô đơn một mình, nghe tiếng thu rơi xào xạc ngoài ô cửa sổ, tôi khát thèm cháy lòng một chiều thu Hà Nội; thèm ngơ ngẩn tiếng ru buồn ầu ơ của mẹ; thèm được đặt chân lên con ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó. Và tôi nhớ...

Sau bao năm bươn chải, tôi đã thỏa mãn khát vọng giàu sang. Thời gian chạy qua cuộc đời con người như vó câu bên cửa sổ. Ngày ra đi, tôi là thiếu nữ đôi mươi, giờ đây, tôi đã là một người phụ nữ trung niên ngót ba mươi tuổi, một người mẹ đơn thân trải đời. Có thể nói tôi đã thành công với một chuỗi cửa hiệu làm đẹp ở thành Paris, nhưng có những điều... tôi vĩnh viễn mất đi, tôi mất mẹ! Mẹ tôi đã đột ngột ra đi sau một cơn đau tim. Tôi bàng hoàng, tê tái khi nhận được hung tin nhưng không thể về làm tròn đạo hiếu của người con vì khi ấy châu Âu đang bùng dịch Covid -19.

 Đang đắm chìm trong suy tư, hoài niệm bỗng cơn mưa ào ạt đổ xuống bất ngờ, mùa thu Paris là vậy, mưa chợt đến rồi chợt đi như đùa. Những cơn mưa khiến nàng thu Paris quyến rũ, huyền hoặc, thơ mộng hơn. Tôi vào một quán cà phê trú chân, nhâm nhi từng giọt đắng, lặng lẽ ngắm mưa, bồi hồi nhớ về những chiều thu Hà Nôi.

Mưa ngớt! Những giọt cà phê cuối cùng tí tách chạm đáy ly kéo tôi về thực tại. Tôi lững thững tản bộ về nhà, lòng hoang hoải.

Tôi trở về!  Hà Nội mùa thu kiều diễm, mơ màng như áng thơ tình! Rưng rưng lòng, tôi muốn vỡ òa trong cảm xúc bao lâu vắng bóng. Hàng cây cơm nguội vàng ươm màu kí ức, cây bàng già góc phố đỏ lá đơn côi. Và mưa, mưa thu rả rích như rắc bụi vào lòng người. Ngôi nhà hoang hoải, bờ sân rêu mốc. Chùm ngọc lan se thắt trên cành đượm nỗi buồn man mác. Nhà tôi đây! Nghẹn lòng, đặt bọc cốm Vòng, mấy trái hồng đỏ mọng và chùm hoa lên đĩa cúng mẹ, nước mắt tôi nhạt nhòa. Cốm thơm, hồng ngọt mà sao chát lòng đến thế! Trên di ảnh, sau làn khói phất phơ, tôi bắt gặp nụ cười hiền hậu, dịu dàng muôn thuở của mẹ, như nghe tiếng mẹ thầm thì vỗ về: “Con đã về rồi sao! Bể đời vạn lối mênh mông, khi nào chùn chân, mỏi gối thì tìm về với mẹ nghe con! Gia đình, quê hương mãi là bến đỗ bình yên dang rộng vòng tay đón con trở về”. Sau bao năm bon chen xứ người, sau những gì được mất hôm qua, tôi chợt ngộ ra một điều bình dị mà thiêng liêng nhưng chẳng dễ gì nhận ra: Đôi khi, ta mê mải kiếm tìm hạnh phúc ở những chân trời xa xôi để rồi một khoảnh khắc nào đó nhìn lại, ta sững sờ nhận ra: hạnh phúc thật gần!...

Và hôm nay, tôi ngồi đây, giữa chiều thu Hà Nội, bên ô cửa sổ có chùm dây leo mềm mại, lắng lòng nghe từng giọt thu tí tách rơi ngoài hiên. Nhà ai đó vẳng đưa tiếng dương cầm dìu dặt. Trong cơn mưa, có bóng mẹ hanh hao với gánh hàng hoa xuống phố, nơi con đường rợp lá vàng rơi...

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Hoàng Khánh Linh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Bản nhạc êm đềm có tên là Hà Nội
    Mười tám tuổi, lần đầu đến Thủ đô vào một ngày mùa hè, Hà Nội năm đó (1992) khác xa Hà Nội bây giờ nhưng những nét văn hóa truyền thồng thì vẫn không khác nhiều. Tôi được đi dạo những nơi mà nhiều bạn cùng trang lứa ở quê hương phải hàng chục năm sau mới có được.
(0) Bình luận
  • Hà Nội, mùa đầu nỗi nhớ
    Tôi chậm rãi bước từng bước nhẹ nhàng trên một con phố nhỏ quanh Hồ Tây, từng chiếc lá vàng từ tốn rơi trên mặt đường tấp nập người qua lại, mặt hồ còn nhấp nhô phản chiếu những tia nắng mờ nhạt còn sót lại của buổi hoàng hôn. Dường như thời gian đang trôi chậm lại để tôi có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của miền đất Thủ đô, mà trước đây tôi chỉ có thể trông thấy qua lớp màn ảnh vô giác.
  • Ấn tượng thiên nhiên giữa lòng Hà Nội
    Dạo ấy, gần hai năm trước, nhân chuyến công tác Thủ đô, đoàn chúng tôi tổ chức chuyến thực tế thực sự ý nghĩa. Cho đến bây giờ, mọi người vẫn còn luyến tiếc, bởi với thời gian một ngày, chúng tôi chưa thể nào tiếp cận trọn vẹn không gian của “địa chỉ đó”. Cách trung tâm thành phố gần 40km về phía Tây, nơi hội tụ các sản phẩm văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em. Nơi đó là “Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” thuộc Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
  • Vé không khứ hồi
    Viết gì đây? Khi mỗi lần nhớ đến thời thơ ấu lòng lại buồn thương da diết. Tuổi thơ yêu dấu trong lòng Hà Nội, nơi mở ra những trang màu hồng đầy ắp kỷ niệm của hai đứa chúng tôi. Nay xa rồi tất cả tầm tay với.
  • Gửi cậu của một năm sau
    Bây giờ, tớ là một cô sinh viên năm ba vô lo, vô nghĩ chuyện tương lai. Hoặc đã từng nghĩ nhưng không quá nhiều lo lắng. Một năm sau cậu sẽ làm gì? Cậu sẽ trở thành ai? Liệu cậu có tiếp tục cuộc sống nơi Hà Nội nhộn nhịp xô bồ hay trở về miền quê yên bình của riêng cậu? Tớ chắc sẽ không khuyên nhủ gì cậu đâu, nhưng tớ muốn nói với cậu, mặc cho việc kiếm việc khó khăn, mặc cho áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai cậu thì đã từng có một Hà Nội yêu thương, che chở, bảo vệ cậu đến nhường nào.
  • Hà Nội mến thương
    Quê hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nơi để những đứa con xa quê nhung nhớ mỗi khi có cơn gió hiu hiu thổi qua làm dấy lên cả một bầu trời nhung nhớ. Nhưng có những vùng đất ta sẽ gặp khi bước ra khỏi luỹ tre làng, để rồi khẽ thương từ độ nào không hay. Bởi ở nơi ấy, có những kỷ niệm, có những con người làm ta cảm mến, lưu luyến chẳng nỡ rời xa.
  • Hà Nội và những người thầy
    Tôi cùng một số bạn bè đến Thủ đô, dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chiều cuối thu bên Hồ Tây, bốn người không chung giọng nói, cùng nhau nhâm nhi li bia hơi Hà Nội và đĩa mực khô nướng Quảng Bình. Được dịp, chuyện nổ như rang ngô, niềm vui cứ thế thăng hoa, khiến câu chuyện cũng trở nên không đầu không cuối…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Có những mùa thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO