Hà Nội - Những người tôi mới gặp

Thuỳ Trang| 27/11/2022 08:00

Sân bay Nội Bài đón tôi bằng giai điệu thân thương ngay khi máy bay đang chuẩn bị hạ cánh: "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội". Vâng, đây là chuyến đi Hà Nội đầu tiên của tôi sau bao ngày ước mơ, háo hức.

anheee(1).jpg
Hành trang trở về Huế của tôi là một Hà Nội đẹp như bức tranh thu bên hồ (Ảnh minh hoạ)

Xuống xe buýt từ sân bay đến trung tâm thành phố, tôi phải đón một chiếc xe để về khách sạn mà tôi đã đặt phòng từ trước đó. Gõ cửa một chiếc xe ô tô đang chờ khách, tài xế là một người đàn ông chừng 45 tuổi, nói giọng Bắc đặc sệt. Vừa leo lên xe, anh ấy nói: "Từ đây đến khách sạn tôi tính cô 50 nghìn đấy nhé!". Tôi mỉm cười gật đầu, anh nói thêm: "Sở dĩ tôi nói giá trước là để cô yên tâm ngắm phố phường Hà Nội mà không lo lát nữa đây có bị tính tiền xe đắt không!". Tôi ngạc nhiên quá chừng, và thầm nghĩ: "Đây là người Hà Nội tử tế đầu tiên mà tôi gặp!". Nói giá trước cho khách, đó là một thái độ văn minh mà không phải nơi đâu cũng làm như vậy trong các dịch vụ du lịch. Chưa khám phá gì nhiều về Hà Nội nhưng đây là ấn tượng đẹp trong tôi ngay từ những bước chân đầu tiên trên vùng đất kinh đô.

anh2.jpg

Người Hà Nội tôi gặp lần thứ hai là anh, người tình cờ gặp trên đường. Hôm đó tôi thuê xe máy để đi thăm lăng Bác và khi nhận xe chỉ có rất ít xăng còn lại trong xe. Lòng đang hồi hộp vì Hà Nội đang vào thời điểm "khát xăng" nhưng lại chưa thông thuộc đường sá, nhỡ đâu hết xăng giữa đường. Nghĩ đến cảnh phải dắt xe đi bộ khi mặc chiếc áo dài vướng víu lòng tôi lo lắng bất an. Tranh thủ đèn đỏ tôi hỏi anh đường đến cây xăng gần nhất. Thấy tôi còn ngơ ngác vì lạ đường anh bảo tôi cứ chạy theo anh, anh sẽ đưa tôi đến cây xăng gần nhất. Dọc đường qua vài câu chuyện tôi được biết anh đang đi giao hàng rau củ quả cho các siêu thị. Thảo nào sau xe anh chở hai cái sọt và một thùng hàng rất to. Đúng như lời anh nói, Hà Nội đang trong thời điểm hiếm xăng nên mặc dù đã đến được hai trạm nhưng tất cả đều để biển báo "hết xăng". Dù đoạn đường khá xa và anh còn phải đi giao hàng nhưng anh vẫn kiên nhẫn đưa tôi đến trạm có xăng mới chào tạm biệt tôi. Dòng người đang xếp hàng rồng rắn chờ đến lượt mình, ai ai cũng lộ vẻ ngao ngán nhưng lòng tôi đang có cảm giác Hà Nội thật thân thương, người Hà Nội tốt bụng và tử tế vô cùng.

Rời lăng Bác, tôi tìm đường đến Quốc Tử Giám, và lại phải hỏi đường, lần này tôi gặp một bác tuổi trung niên. Khi biết tôi từ Huế ra bác bảo tôi cứ đi theo bác. Đưa tôi qua mấy dãy phố xe cộ đông đúc, cuối cùng cũng đến Quốc Tử Giám. Không những thế, bác còn cẩn thận hướng dẫn tôi vào tận nơi gửi xe rồi mới rời đi. Ôi, tại số tôi hay gặp được quý nhân hay tại Hà Nội vốn là mảnh đất hình thành nên những con người giàu lòng nhân ái.

Dạo chơi hồ Gươm, một cô gái trẻ đang ngồi chơi với bạn trên ghế đá nhiệt tình chụp cho tôi rất nhiều bức ảnh. Cô cứ chọn góc này góc kia để chụp đến lúc tôi thấy ái ngại vì sợ làm phiền mới thôi, dù vậy cô vẫn luôn miệng nói chị thích góc nào cứ tạo dáng để em chụp cho. Ôi, người đâu mà dễ thương đến thế!

Cũng tại nơi này, tôi đã gặp một nhóm bạn trẻ học trường Trung học Phổ thông Việt Đức. Các bạn ấy đang thực hiện một bài tập bằng video clip với đề tài những cảm nhận của du khách về ẩm thực Hà Nội. Các bạn rất trí tuệ, năng động và tự tin nhưng cũng rất nghiêm túc trong công việc của mình. Chúng tôi đã có những phút giây thật gần gũi làm phong phú thêm cho chuyến đi của mình. Chào nhóm bạn, tôi thầm vui về một Hà Nội không chỉ ấn tượng về một vùng đất địa linh nhân kiệt với những nét văn hoá quý báu lưu truyền ngàn năm mà còn là một Hà Nội rất trẻ, rất tràn đầy năng lượng của hội nhập và phát triển.

Lang thang phố cổ, đi đâu tôi cũng nhận được những câu mời chào xởi lởi, hiếu khách của người Hà Nội. Dù ăn hay không, mua hay chỉ là ngắm nghía, lúc rời đi bạn cũng sẽ nhận được những nụ cười thân thiện, lịch sự để hình ảnh còn lưu lại trong tâm trí bạn vẫn là một Hà Nội hiếu khách, góp phần đưa Hà Nội trở thành thành phố du lịch, là điểm đến của những thiện cảm và nhiều sự bất ngờ thú vị.

Hà Nội với những ngôi nhà cổ kính, những ngôi miếu thiêng, di tích lịch sử ngàn năm. Hà Nội còn lưu giữ những nét văn hoá truyền thống đặc trưng của Việt Nam lưu truyền từ đời này sang đời khác nhưng tự hào thay bên cạnh những nét "cũ" đó vẫn có một Hà Nội văn minh luôn mới và trẻ cùng song hành. Đó là những hàng quán, những mặt hàng được niêm yết giá một cách công khai, minh bạch. Điều đó tạo cho du khách một tâm lý thoải mái khi đi thưởng thức, mua sắm. Một Hà Nội thật văn minh trong những "cái gì cũng cũ", sự đối lập này là một nét vàng son đáng yêu mà người Hà Nội luôn ý thức để gìn giữ: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Tôi đã gặp rất nhiều hàng quán cả ngoài đường lẫn trong những con ngõ rất hẹp. Ở đây khái niệm "Buôn có bạn bán có phường" được thể hiện rất rõ nét: Phố Hàng Dầu bán dép, phố Hàng Bồ bán áo quần, Hàng Bạc bán bạc, Hàng Đậu bán món bò nướng, Lương Văn Can mắt kính... Điều thú vị ở đây là tuy bán sát nhau và cùng một mặt hàng nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy cảnh "hàng cá dèm hàng tôm", mời chào mà không chèo kéo, có thể ngắm nghía ở hàng này rồi sang ngồi ăn hoặc mua ở hàng khác người ta vẫn vui vẻ tiễn khách chứ không có cảnh nguýt háy, dèm pha, cạnh khoé nhau. Trong những con ngõ rất nhỏ, có những thức hàng rong phong phú ngồi sát nhau, người ta phân biệt ranh giới của mỗi quán bằng màu sắc của những chiếc ghế con: hàng bún đậu mắm tôm ghế màu xanh, hàng bún chả ghế màu đỏ, hàng nem rán ghế màu vàng,... ai muốn ăn gì thì cứ việc kéo ghế ngồi xuống đó mà thưởng thức những món hàng rong nức tiếng của người Hà thành trong thoảng thơm hương hoa sữa, trong tiếng dương cầm thánh thót vọng ngân. Nghe những lao xao nhỏ nhẹ giọng con gái Hà Nội, ngắm phố xá xe cộ tấp nập đông vui trong tiết thu dịu mát. Còn gì vui thú hơn cho một chuyến đi!

Hà Nội không chỉ đẹp trong hiện tại mà Hà Nội còn chú trọng đến việc ươm mầm xanh cho mai sau. Khi tôi đến viếng lăng Bác, trong dòng người xếp hàng trang nghiêm còn có những em bé độ tuổi măng non. Các em được cô giáo hướng dẫn vào thăm lăng Bác và những khu di tích nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc. Đây là một việc làm rất nhân văn, ý nghĩa và mang tính giáo dục cao. Qua đó các em biết thêm những giá trị lịch sử, hiểu và tự hào hơn về những danh nhân Việt Nam, từ đó trân trọng và phát huy tính tự tôn dân tộc. Biết tôi từ Huế ra, các cô giáo đã hoan hỷ cho tôi được chụp chung ảnh với các cháu mầm non Bé Thơ. Tôi hạnh phúc biết bao khi được chung hàng cùng tuổi thơ Hà Nội tại một nơi chốn thiêng liêng, trang trọng này!

Đây là lần đầu tiên tôi đến Hà Nội và một kỉ niệm đẹp Hà Nội dành cho tôi đó là một sáng tôi ghé thăm tòa soạn báo Hà Nội Mới. Thật bất ngờ số báo Hà Nội Mới Cuối tuần vừa ra lò còn ấm thơm mùi giấy có đăng bài viết của tôi: "Những trang thơ tình thơm từng giấc mơ yêu". Một người Huế lần đầu ra Hà Nội và cầm trên tay tờ báo hằng yêu mến lại có bài viết của mình, nếu bạn ở vào vị trí của tôi hôm ấy chắc bạn sẽ thấy một niềm vui và ý nghĩa trong chuyến đi của mình lớn như thế nào. Đó là một trong những món quà tinh thần vô giá tôi nhận được từ người Hà Nội.

Thiết nghĩ khi bạn du lịch đến một vùng đất nào, con người nơi ấy là một phần thể hiện nét văn hoá đại diện đặc trưng của nơi đó. Mỗi người ta gặp, mỗi cảnh ta qua đều để lại một dấu ấn đầy thiện cảm trong lòng du khách, tôi nghĩ điều này Hà Nội đã làm được từ những người lao động bình thường. Đây là điều cốt lõi để hiểu rằng tại sao doanh thu từ ngành du lịch là một con số rất lớn và thành công của người Hà Nội. Đưa Hà Nội xứng danh là nơi hội tụ tinh hoa của những nét văn hóa, nghệ thuật không chỉ riêng vùng Kinh Bắc mà còn đại diện cho sự tinh túy của dân tộc Việt Nam.

Rồi cũng đã hết thời gian, dù lòng còn bao vương vấn, đành giã từ Hà Nội trong niềm luyến tiếc không nguôi. Hành trang trở về Huế của tôi là một Hà Nội đẹp như bức tranh thu bên hồ, một Hà Nội thơm thơm hương cốm, nồng nàn hương hoa sữa, thanh khiết hương ngọc lan, một Hà Nội thanh lịch như nàng con gái Hà thành và một Hà Nội năng động, sáng tạo, tự tin của các bạn trẻ. Chỉ tạm biệt nhau thôi vì chắc chắn nếu có cơ hội được đi xa Hà Nội vẫn là nơi tôi muốn đến. Vì Hà Nội yêu dấu vẫn còn những món ngon tôi chưa kịp ăn, những nơi tôi chưa kịp đặt chân đến. Hẹn ngày gần, Hà Nội ơi!

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Thuỳ Trang. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Bài liên quan
  • Nhớ mùa đông Hà Nội
    Hà Nội ba mươi năm trước, phố còn thưa, người hẳn chưa đông đúc như bây giờ. Dòng đời ồn ã trôi nhanh ấy vậy mà đã ba mươi năm!
(0) Bình luận
  • Hà Nội, mùa đầu nỗi nhớ
    Tôi chậm rãi bước từng bước nhẹ nhàng trên một con phố nhỏ quanh Hồ Tây, từng chiếc lá vàng từ tốn rơi trên mặt đường tấp nập người qua lại, mặt hồ còn nhấp nhô phản chiếu những tia nắng mờ nhạt còn sót lại của buổi hoàng hôn. Dường như thời gian đang trôi chậm lại để tôi có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của miền đất Thủ đô, mà trước đây tôi chỉ có thể trông thấy qua lớp màn ảnh vô giác.
  • Ấn tượng thiên nhiên giữa lòng Hà Nội
    Dạo ấy, gần hai năm trước, nhân chuyến công tác Thủ đô, đoàn chúng tôi tổ chức chuyến thực tế thực sự ý nghĩa. Cho đến bây giờ, mọi người vẫn còn luyến tiếc, bởi với thời gian một ngày, chúng tôi chưa thể nào tiếp cận trọn vẹn không gian của “địa chỉ đó”. Cách trung tâm thành phố gần 40km về phía Tây, nơi hội tụ các sản phẩm văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em. Nơi đó là “Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” thuộc Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
  • Vé không khứ hồi
    Viết gì đây? Khi mỗi lần nhớ đến thời thơ ấu lòng lại buồn thương da diết. Tuổi thơ yêu dấu trong lòng Hà Nội, nơi mở ra những trang màu hồng đầy ắp kỷ niệm của hai đứa chúng tôi. Nay xa rồi tất cả tầm tay với.
  • Gửi cậu của một năm sau
    Bây giờ, tớ là một cô sinh viên năm ba vô lo, vô nghĩ chuyện tương lai. Hoặc đã từng nghĩ nhưng không quá nhiều lo lắng. Một năm sau cậu sẽ làm gì? Cậu sẽ trở thành ai? Liệu cậu có tiếp tục cuộc sống nơi Hà Nội nhộn nhịp xô bồ hay trở về miền quê yên bình của riêng cậu? Tớ chắc sẽ không khuyên nhủ gì cậu đâu, nhưng tớ muốn nói với cậu, mặc cho việc kiếm việc khó khăn, mặc cho áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai cậu thì đã từng có một Hà Nội yêu thương, che chở, bảo vệ cậu đến nhường nào.
  • Hà Nội mến thương
    Quê hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nơi để những đứa con xa quê nhung nhớ mỗi khi có cơn gió hiu hiu thổi qua làm dấy lên cả một bầu trời nhung nhớ. Nhưng có những vùng đất ta sẽ gặp khi bước ra khỏi luỹ tre làng, để rồi khẽ thương từ độ nào không hay. Bởi ở nơi ấy, có những kỷ niệm, có những con người làm ta cảm mến, lưu luyến chẳng nỡ rời xa.
  • Hà Nội và những người thầy
    Tôi cùng một số bạn bè đến Thủ đô, dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chiều cuối thu bên Hồ Tây, bốn người không chung giọng nói, cùng nhau nhâm nhi li bia hơi Hà Nội và đĩa mực khô nướng Quảng Bình. Được dịp, chuyện nổ như rang ngô, niềm vui cứ thế thăng hoa, khiến câu chuyện cũng trở nên không đầu không cuối…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội - Những người tôi mới gặp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO