Hà Nội hai tiếng thân thương

Nguyễn Thanh Nga| 20/11/2022 09:25

Trời xanh biêng biếc nơi Thủ đô, cái xanh như tự ngàn năm còn đó. Có khi nào sắc vàng trời thu còn bỏ ngỏ, ngỡ ngàng reo trên cột cờ, một sắc đỏ in vào nền trời xanh. Để rồi mùa thu ấy long lanh, để một tôi nhỏ bé nhớ, một Hà Nội nồng nàn gợi mở, Hà Nội sâu thẳm và bao dung, vẫn ấp ủ tôi thao thức bao đêm say giấc nồng, thủ thỉ lời tự tình rất ngọt.

4a(1).jpg
Ảnh minh hoạ

Ngày tôi còn nhỏ xíu ở quê, mỗi đận bác tôi công tác từ Hà Nội trở về, bác mang theo bao nhiêu món quà Hà Nội. Mùa đông là chiếc áo len ủ ấm ngày rét buốt, mùa xuân chấm phá một cành đào, mùa hè từng trái sấu nhỏ xoay tròn nao nao, tới mùa thu bác mua về lao xao hương cốm. Những món quà ngọt ngào nơi tuổi thơ ngủ vùi ngày ấy, bác gói mang về với cả tình yêu, những chắt chiu đọng lại nơi Thủ đô rất nhiều, Hà Nội có gì đó thật rực sáng, long lanh rơi như những vì sao miệt mài trên bầu trời đêm thắp nến. Hà Nội như đoàn tàu chạy qua mang theo bao khao khát về Thủ đô văn hiến. Chúng tôi cũng giống như chị em Liên và An trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, vẫn cố thao thức chờ đợi chuyến tàu muộn đi qua. Để rồi chẳng làm gì, chỉ nhìn ngắm, mãn nguyện buông một nụ cười, thời gian kịp trôi khép lại một ngày tàn cho sớm hôm sau bình minh rực sáng, nơi Hà thành trong mát một buổi sáng mùa thu.

Hà Nội có Hồ Gươm một buổi chiều êm như ru, bầy sâm cầm chao nghiêng bay về phía mặt trời tìm chốn ngủ. Chiếc đồng hồ đếm ngược thời gian dập dềnh sóng vỗ, hồi sắp kỷ niệm ngày 1000 năm Thăng Long - ngày vua Lý Công Uẩn dời kinh đô cũ về nơi giấc mơ có rồng bay. Từng đám mây ngũ sắc cuộn mình trong chiều cả gió hây hây, bước chân xa đi qua, ngước lên vẻ đẹp thủ đô bên mặt hồ vây quanh những con sóng nhẹ lăn lăn chỉ đủ làm gợi nhớ. Người lữ khách co mình bước về nơi con phố, cả ngõ nhỏ heo may đón người bạn già phương trời nao lưu lạc. Hà Nội chẳng bao giờ khác, vẫn ôm ấp điều gì sâu lắng nhất, một Hà Nội rưng rưng trong lòng ai.

Trời Hà Nội lại mưa bay, từng dòng người tiến vào lễ đài trang nghiêm tưởng niệm. Tiếng bác Hồ trong trời thu tô điểm, lăng Bác uy nghi dáng điệu lịch sử hào hùng. Những người con hàng nối hàng hướng về lăng Bác rưng rưng, một niềm thương vị cha già dân tộc. Lá cỏ đỏ bay trong ngày độc lập, hôm nay cũng là ngày hơn bảy mươi năm về trước, Người đứng trên đài cao đọc tuyên ngôn. Một buổi sáng mồng 2 tháng 9, nơi Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình. Tiếng hát ân tình người xưa đâu đây còn vang? Ta lại nhớ về một sáng tháng Năm, những người lính áo trắng đứng lặng lẽ uy nghiêm bên cạnh lăng. Vinh quanh còn đó lòng bồi hồi, để canh giấc ngủ cho Người. Chiều nghiêng nắng đám mây bồng bềnh trôi, những bé em nô đùa trong từng ô cỏ quanh khu lăng Bác, ai đó gom từng chiều nhớ, nhẹ nhàng thả từng vạt nắng ấm vào tim.

Ta lạc vào nơi Hoàng Thành Thăng Long, những dấu tích xưa còn đây trong màu nâu trầm quá khứ. Con đường thẳng lối, cây cổ thụ đổ bóng dài rớt chiếc lá xuống bờ vai trần của ai? Thả rơi nét gầy hao hao màu thanh xuân tươi đẹp. Chuyển mùa rồi lá còn vương chất diệp lục xanh ngắt xanh, lá còn chưa muốn thu qua độ tàn phai rụng xuống. Buông một nét cười, ta theo đám bạn bước vào dấu tích xưa. Gặp lại cơn mưa của mùa xưa đã cũ. Đi qua mỗi bức rèm trong làn khói hương trầm ấp ủ, những câu chuyện níu lớp đổi thay chất chồng. Lòng tôi nao nao vén bức rèm vương tình cố nhân còn đó. Biết bao cuộc chiến tranh qua, biết bao câu chuyện nắng xoa mắt cười. Những người làm nên lịch sử muôn nơi, hầm địa đạo thông gió cùng nhau ngồi họp. Trận ném bom giặc mỹ mùa đông năm 1972, bức ảnh đen trắng trên tường còn treo nguyên thời khắc, chiếc bàn gỗ có vết nứt của thời gian, vẫn nằm sâu dưới lòng đất mênh mang kể câu chuyện lịch sử mới đó đã nửa thế kỷ vụt trôi.

Hà Nội còn xanh trong tôi, cả những điều nhỏ nhoi nhưng rất thật. Chiều đứng bóng nắng xiên qua quán quen khẽ chật, ai hẹn hò ai, lối thu xưa lá khởi vàng câu hỏi. Chỉ nỗi nhớ âm thầm mong mỏi, từng chiều đưa đón nhau thanh mát một ly kem Tràng Tiền. Lòng vương chút gió điềm nhiên, lá me bay xanh cả thanh xuân thả xuống áo em gầy, áo em biêng biếc nhuốm màu xanh kỷ niệm. Chiều thổn thức trong em, mùa thu ấy, anh còn nhớ hay anh đã quên? Những con phố vẹn nguyên một chuyện tình chưa kể. Có hai người xưa đã từng yêu, chỉ hai người đó biết. À không, cả những con phố dài, những chuyến xe vội vã lách qua nhau, khúc giao mùa hương hoa sữa nồng nàn có nhắc. Một chuyện tình ngày xưa! Muốn nói bao nhiêu, muốn nhớ bao nhiêu, những nghẹn ngào chúng ta nào đã quên được. Phố Chùa Bộc vội vã lên đèn, để anh mua áo cho em. Qua hiệu sách Thái Hà trời tối đã lem nhem, chỉ để biết chúng ta nghĩ gì trong từng trang chữ. Phố Tây Sơn tư lự, dòng người tấp nập nối đuôi nhau, sẽ nên đi về phía nào để tránh ngược chia hai lối? Ai yêu thương tôi và tôi còn mong ai, nếu tuổi xuân có đôi lần thắm lại? Có phải thế không mà những con đường Hà Nội còn vang mãi, một tiếng chuông chùa Trấn Quốc, lọt thỏm phía đằng xa.

Phố cổ ai qua? Ba mươi sáu phố phường còn nguyên vẹn trên mái ngói ngôi nhà đổ màu rêu xanh xám. Vệt rêu nào vừa phủ bóng thời gian? Những hàng Bạc, hàng Đào, hàng Than, tên vẫn còn đây mà thứ hàng bán nay đã khác. Chỉ có hồn cốt Hà thành như hương chiều bảng lảng, thứ màu quá khứ, sáng cùng ánh đèn, treo trên cột điện, lấp lánh ánh vàng khoe. Những quán cóc vẫn đậu trên vỉa hè, thức quà đủ loại thanh mát cả tuổi thơ. Ai ăn bánh cuốn Thanh Trì chỉ một lần rồi nhớ, hương cốm làng Vòng, xanh mướt và thơm ngon. Cây bàng già chuyển lá theo mùa cũng ghé bên cửa sổ nhà ai miên man, mùa đông rồi lá đỏ chưa hay còn xanh xao mãi? Cả bước chân người nghệ sĩ lặng lẽ đi trong hiện tại, lang thang hoài con phố, lục tung quá khứ, liệu có còn nhớ nổi một con đường?

Hà Nội hai tiếng thân thương, vẫn đâu đây xoay quanh một miền nhớ. Ai đã đến Hà Nội dù một lần cũng chẳng thể quên. Ai đã sống Hà Nội hàng bao thập niên chẳng nỡ dời đi đâu xa cho được. Bởi trong mảnh đất ấy có rất nhiều mối duyên níu lòng người không
ai biết trước, cứ nhẹ nhàng mà thấm rất sâu. Những loài hoa trên từng con phố mưa ngâu, phố vẫn nhắc màu hoa gọi mùi hương kỷ niệm. Dòng sông Hồng nhịp chảy phía thượng nguồn, phù sa miệt mài bồi đắp, tiếng con sông vẫn hát bốn nghìn năm.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Thanh Nga. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Bài liên quan
  • Chiều Hồ Tây
    Tan họp. Về ngay thì đường tắc. Và cũng đã lâu rồi chưa được ngắm hồ Tây trong buổi hoàng hôn của cái tiết trời vừa khi chớm đông với cái lạnh còn như thể mới mơn man trên da thịt xen lẫn những màn khói sương huyền thoại đang dần buông trên mặt nước hồ mênh mang nên chúng tôi dễ dàng nhất loạt đồng tâm hướng về phía cửa hàng Bánh tôm Tây Hồ.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • [Video] Làng nghề Sơn Đồng: Trung tâm đồ thờ gỗ của Thủ đô và cả nước
    Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã tạo nên những sản phẩm vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Hà Nội của Việt Nam với những nét văn hóa độc đáo trong dòng chảy lịch sử nghìn năm văn hiến.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội hai tiếng thân thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO