Còn tôi, hơn 20 năm Hà Nội, những gì tôi chi chút cố gắng cũng chỉ chìm khuất trong hàng triệu người tất tả mưu sinh. Dù đã nhận hộ khẩu thành phố, nhưng tôi chưa một lần tự xưng mình là “Người Hà Nội”. Tôi nghĩ nhiều về nỗi nhớ quê hương, nhưng chưa thốt lên một lời nào về tình yêu Hà Nội.
Vì sao ư? Vì Hà Nội rộng lớn quá, Hà Nội sâu sắc quá. Hà Nội mang trong mình bao trầm tích bể dâu của hơn nghìn năm tuổi. Hà Nội rực rỡ vàng son hội tụ nhân tài của bao miền văn hóa. Làm sao tôi có thể hiểu được nếu chỉ qua vài cuốn sách, vài bộ phim, vài cuộc chuyện trò.
20 năm, tôi mang tâm thức một người đi bên lề thành phố, háo hức và lặng lẽ, nhiệt thành và tự ti, rụt rè chạm tay vào Hà Nội.
20 năm, tôi thực hiện nhiều chuyến đi gần và đi xa để nhận diện Hà Nội, soi vào Hà Nội, kiếm tìm Hà Nội. Trong những chuyến đi ấy, tôi còn muốn kiếm tìm chính tôi, nhận diện mình đang ở đâu trong lòng Hà Nội.
Rụt rè. Thật sự rụt rè. Và mãi còn rụt rè. Vì những nơi mang chất Hà Nội nhất, tôi chỉ dám ngắm vọng, hoặc nếu đến gần, thì nhẹ bước, sợ góp thêm chút ồn ào làm bong vệt ký ức đang lim dim ngủ, nơi những tường rêu, mái ngói, khung cửa cũ phố Tràng Tiền, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Ngang… Tôi xa lạ với sầm uất bán mua chốn kẻ chợ. Tôi lặng lẽ trước vũ trường quán bar sôi động âm thanh chói gắt ánh đèn màu. Tôi chưa đủ lịch lãm để chạm vào một Hà Nội linh thiêng hào hoa, chưa đủ tự tin để bước vào những không gian sang trọng thanh lịch, chưa đủ thành đạt để kết thân với giới quý tộc thượng lưu, chưa đủ kiến thức để mạn đàm với những học giả khiêm cung ẩn mình trong căn gác nhỏ. Cũng chưa đủ tinh tế để bàn luận về món ngon Hà Nội xưa, nét thanh lịch Hà Nội xưa, vẻ uyên thâm Hà Nội xưa…
Tôi thiếu tất cả để trở thành người Hà Nội.
Nhưng Hà Nội vẫn mở lòng đón tôi.
Những ngày đầu Hà Nội, tôi đã ở bên lề. Thành phố tiếp tục mở rộng, tôi bị đẩy ra xa hơn, và hàng ngày lóp ngóp bò vào nội đô làm việc, trong nắng, trong khói bụi, trong đông đúc người xe. Tôi thân thuộc với những con đường ngổn ngang bụi bặm mà vắng bóng cây xanh. Tôi lẫn trong bao dáng hình tất bật vì thời gian, nhàu nhĩ vì lo lắng, nhăn nhó vì bực bội. Tôi đi bên những gương mặt mệt mỏi vì tăng ca, vì chạy chợ, vì thất nghiệp, vì nhà cửa chật chột, vì cãi nhau giành chỗ mưu sinh vỉa hè quán nước. Họ không biết đến bữa tiệc thượng lưu ở đâu, chiếc xe sang êm và mát mẻ ra sao, những ngôi biệt thự tiện nghi thế nào. Họ thuộc về ngõ nhỏ ưu phiền, với tiếng í ới chồng vợ, tiếng dọa nạt xen tiếng rao bánh mỳ, mùi bếp than tổ ong, tiếng ho và tiếng cười con trẻ…
***
Chiều nay. Một chiều xuân nắng oi nồng và gió thì mơn trớn. Tôi chọn góc hồ Tây vắng vẻ, xa trung tâm thành phố. Nước mắt ở đâu theo gió tràn về. Rất nhiều lần, tôi rơi nước mắt trước cái mênh mông sâu thẳm của hồ Tây. Nơi đây, từng chứng kiến nụ hôn thơ dại đầu đời, vòng tay nồng nhiệt đầu đời. Người con trai ấy giờ đang ở nơi nào xa lắc, hay vẫn đang bươn bả giữa phố phường náo nhiệt, hay đang ở bên kia của mé Tây hồ? Sóng nước hồ Tây bốn mùa luân chuyển có lưu giữ giọt nước mắt nào tôi đã từng rơi?
Thời gian cũng như những vòng sóng này, miệt mài chảy mãi chảy mãi. Tôi lẫn vào hàng triệu con người ngụ cư, hàng triệu số phận vui buồn, như con kiến nhỏ nhập vào đàn kiến khổng lồ nối nhau làm nên cái tất bật đêm ngày. Hà Nội chưa bao giờ ưu ái, chưa bao giờ đem cho tôi một cơ hội riêng nào cả. Nhưng tôi vẫn thầm cảm ơn Hà Nội. Hà Nội đã gọi tôi đến rồi lại đẩy tôi xa, buộc tôi phải tự bơi giữa mênh mang sóng nước, đôi khi vắt tôi đến run rẩy kiệt sức. Hà Nội để mặc tôi khóc, mặc tôi khôn dại, mặc tôi bẽ bàng.
Hà Nội. Người đã không lau cho tôi dòng nước mắt giữa đường. Nhưng tôi không trách người. Bởi người dạy tôi cách tự đứng lên.
Tôi – một người quê bên lề thành phố, yêu Hà Nội bằng tình yêu rất xa!
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Vũ Anh Thư. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.