Phố Check in

Nguyễn Trọng Văn| 17/11/2022 17:10

Đó là con phố được mệnh danh là “Đường phố đẹp nhất Thủ đô”. Phố đẹp, cổ xưa mà lãng mạn. Phố đẹp, hiện đại mà hào hoa. Phố đẹp, ồn ã mà lắng đọng. Phố đẹp, hối hả mà trầm tư. Và cũng bởi phố đẹp nên ai từng đến phố, ai từng qua phố đều dừng lại để… chụp ảnh. “Phố Check in” nên tên từ đó.

Phố bắt đầu từ bốt nước có từ thời Pháp, chỗ nối với phố Hàng Đậu. Người nơi xa đến với Hà Nội sau khi xuống cầu Long Biên thì theo phố Hàng Đậu đi chừng 500 mét là tới phố Phan Đình Phùng. Phố Phan Đình Phùng chạy dài 1,5 cây số, thẳng tắp theo hướng đông tây, chính là đường hào chạy mé ngoài bức tường Hoàng thành Thăng Long phía bắc, điểm cuối của phố giáp với phố Hoàng Hoa Thám và phố Mai Xuân Thưởng ở chỗ vườn hoa Lý Tự Trọng. Đầu phố chính là từ bốt nước cũ mà người Hà thành quen gọi là “Bốt Hàng Đậu”.

Thời Pháp, phố Phan Đình Phùng được gọi là phố Các-nô, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có tên là Phan Đình Phùng. Nhưng phố hiện có nhiều “tên gọi” khác nhau. Ngay cái tên “phố Check in” cũng là cách gọi thể hiện trào lưu hiện nay của người Hà Nội. Em mở những ngày thu/ Áo dài trắng check in trên phố.

122961298_3391866797599406_367006304993877370_n.jpg

Tôi có may mắn gắn bó với phố Phan Đình Phùng hơn bốn mươi năm, thực ra cũng chẳng “nhiều nhặn” gì nhưng chừng đó cũng đủ để tôi yêu phố. Còn nhớ, khi những tia nắng đầu hè rọi từ phía đông, phía cầu Long Biên tới, đấy cũng là lúc hàng cây sấu cổ thụ trên phố nở ngàn ngàn những bông hoa màu trắng, nhỏ xinh xinh. Hoa sấu tinh khôi, hoa sấu thơm nồng nàn. Những buổi tối đầu hè như thế, tôi mở cửa bước ra ban công, đứng ở đây dù chỉ một mình nhưng tôi có cảm giác vây xung quanh mình là rất nhiều bè bạn. Hương hoa sấu nhè nhẹ toả lan, bao bọc quanh tôi như thân gần trìu mến. “Anh ngỡ mình lạc dưới mưa tiên/ Khi bắt gặp mùa hoa sấu rụng”, tôi viết câu thơ ấy để thay lời cảm ơn thứ hoa dân giã mà sang trọng. Tuổi trẻ mộng mơ, tuổi trẻ sôi động, tuổi trẻ ôm ấp nhiều hoài bão. Và “trận mưa tiên” bất ngờ trút xuống khi có một cơn gió ào qua, đám thiếu niên chạy ùa ra đứng dưới gốc cây sấu. Có thằng ngửa mặt lên nhìn, nét mặt mơ màng giống kẻ làm thơ. Có đứa hét to, chụm tay hứng những bông hoa đang rơi lả tả, rồi nó bẽn lẽn bước chân đi, hoa sấu rụng rơi trắng xoá mái đầu.

Phố có nhiều tên gọi khác nhau, tuỳ theo cảm nhận của mỗi người, tuỳ theo mùa trong năm và cũng tuỳ vào đặc điểm thấy được trên phố. Có nhiều tên gọi như thế là bởi phố đẹp hàng ngày, đẹp hàng tuần, đẹp hàng tháng, đẹp hàng năm và mùa nào cũng đẹp. Và như người ta nói: Phố đẹp từng chi tiết nhỏ.

4519_dsc_6951.jpg

Có người gọi đó là “phố hai hàng cây”, gọi như thế cũng thấy hay hay bởi đây là đường phố duy nhât ở Hà Nội có vỉa hè bên số chẵn rất rộng, rộng đến nỗi trên vỉa hè ấy người đã đã trồng những hai hàng cây, mà toàn là những cây dạng cổ thụ. Vỉa hè thoáng rộng, hai hàng cây quanh năm xanh tốt che rợp những ngôi biệt thự kiểu Pháp. Vào giờ tan học, nam thanh nữ tú của Trường THPT Phan Đình Phùng ùa ra cổng trường, rộn tiếng cười giòn, áo trắng học sinh như nổi bật lên giữa màu xanh cây lá. Nhà tôi ở phía đối diện với trường. Những hôm về nhà buổi trưa, tôi thường bị vợ nhắc vì sao về muộn. Tôi cười ngượng nghịu bởi chót “yêu” cái thuở học trò sáng trong nhường ấy.

Có người gọi đó là “phố cây sấu”, gọi như thế vì đa phần cây được trồng hai bên hè phố là những cây sấu cổ thụ. Đấy, đầu hè nắng vàng rực rỡ, hoa sấu nở trắng vòm cây, gặp gió ùa về rụng rơi. Hoa sấu rụng rơi phơi trắng vỉa hè, hoa sấu rụng rơi phơi thơm từng bước chân qua. Có đêm không ngủ, tôi lại ra đứng ở ban công, tiếng ve sôi cồn cào, tiếng ve nhắc nhắc, tiếng ve thúc giục. Lại nhớ thuở tới trường, mỗi khi nghe tiếng ve sôi lại thầm ước về một miền xa thẳm, lại thầm mong lớn lên từng ngày để được đi xa. Và để rồi đêm đêm ở xa thành phố, nghe tiếng ve kêu lại nhớ phố nôn nao, nhớ vô cùng, nhớ vô vàn.

Có người thì bảo đây là “phố lá vàng”, gọi như thế là bởi lá sấu theo mùa mà vàng đi, gặp cơn mưa hạ đổ xuống, mưa tạnh, nắng lên, vỉa hè như được nhuộm thảm vàng. Tôi lại bảo “đó là màu nắng”. Màu của sức sống vươn lên khi ngước mắt lên nhìn vòm cây ngỡ chỉ còn trọi trơ cành lá ấy mà vòm cây sấu đã rậm rịt màu xanh, tôi nói “màu xanh bất tận”. Nhưng thích nhất mỗi độ lá vàng rơi, trên vỉa hè phố Phan Đình Phùng rộn rã những bước chân thiếu nữ. Các cô gái Hà thành từ khắp các phố phường khác đổ về đây để cùng lưu lại khoảnh khắc tà áo dài lướt trên thảm vàng, lưu lại thời khắc những bàn chân đi nhẹ cánh tiên mà chợt vọng lại hình ảnh thú vị của “Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp lên lá vàng thu”.

duong-phan-dinh-phung-ha-noi.jpg

Có người lại bảo đây là “phố hàng hoa rong”. Còn nhớ khoảng mươi mười lăm năm về trước. Hồi đó cứ sáng sớm bước ra phố đã thấy những cô những chị bán hoa. Họ từ mạn Bưởi xuôi theo phố Hoàng Hoa Thám xuống. Những gánh hoa tung tẩy theo mỗi bước chân làm dậy lên mùi thơm khó tả. Giờ thì những gánh hoa buổi sớm nhường chỗ cho những chiếc xe đạp đầy nặng hoa với hoa. Nhộn nhịp nhất lại vào buổi chiều. Các cô bán hoa đạp xe vào tới phố Phan Đình Phùng thì xuống xe dắt bộ. Dắt đến giữa phố, chỗ trước cổng Bắc môn thì dừng xe sát vỉa hè, dùng thanh tre làm cây chống cho xe chắc vững. Các cô dừng lại thong thả rẩy nước tưới cho hoa tươi thêm phần mời gọi. Mùa nào hoa nấy. Mùa xuân, hoa hồng, hoa đào. Mùa hè, hoa sen, hoa loa kèn. Mùa thu, hoa cúc hoạ mi. Đến mùa đông thì thầm kín màu tim tím của hoa cúc tím bên những bó hoa thạch thảo.

z3891155734954_2e40eb85fb9433a1bf9b7524b0007d46.jpg

Hoa vào phố, cũng là lúc áo dài trắng, áo dài đỏ, áo dài xanh ríu rít bên nhau, xúm xít chụp ảnh. Dường như ngày nào, dường như mùa nào, gái Hà thành cũng rủ nhau về đây chụp ảnh. Họ muốn lưu giữ vẻ đẹp của hoa bên những tà áo thướt tha. Vui nhất và đông nhất là cuối mùa thu. Tầm ấy, nắng vàng nhẹ, tiết trời hanh hanh, một chút se se và thế là đủ để các chị các em “khoe” những chiếc áo đẹp nhất của mình, khoe những màu áo ưa thích nhất của mình. Và “Mình đẹp mình có quyền” được khoe với hàng phố, được khoe với thiên hạ.

Các chị các em đến đây chụp ảnh hẳn không thể thiếu trên tay mình những bó hoa xinh xinh. Thì tiếc gì chút tiền nhỏ để mình thêm đẹp. Họ sà vào những chiếc xe đạp đầy nặng hoa được đợi bên hè phố để chọn mua hoa cho mình, vừa làm đạo cụ vừa đem về nhà cắm vào bình hoa sang thêm căn phòng sau buổi đi làm về mệt mỏi.

Giờ thì những cô những chị bán hoa biết chiều khách hơn. Họ không chỉ đơn thuần là chở hoa vào phố bán kiếm chút tiền nhỏ mà họ chở hoa vào phố để góp vào “bữa tiệc” chụp ảnh những màu sắc quê hương. Hoa Hà Nội thật nhiều, hoa Hà Nội thật đẹp và cũng thật phong phú. Trên giá đèo hàng của những chiếc xe đạp bán hoa giờ người bán hoa cũng đã chú ý hơn. Những bó hoa được bao gọn gàng, những bó hoa được bao chi li. Được xếp thành một bó hoa lớn. Nếu chưa biết chọn bó hoa nào thì cứ đứng bên xe đạp bán hoa mà chọn lựa. Kiểu gì thì đứa bạn đi cùng cũng giơ smatphone lên bấm cho vài kiểu. Vậy là bên những kiểu ảnh có sắp đặt thì gái Hà thành còn có cái để khoe, đó là những kiểu ảnh rất tự nhiên, rất ưa nhìn bên những chiếc xe bán hoa bên phố.

6.jpg

Có người gọi đây là “phố hoa sưa”. Cùng với hàng sấu cổ thụ thân già thâm nghiêm, phố Phan Đình Phùng còn khiến người tới đây, dù chỉ là vô tình đi qua cũng phải thốt lên “Hoa sưa trắng ngỡ ngàng/ Trắng đến say mê”. Hoa sưa lạ lắm, vào dịp cây trổ hoa, chỉ thấy cả vòm cây rực sáng một màu hoa trắng. Hoa sưa nở như nở ra từ những cành khô, hoa nở như mọc ra từ những se sắt. Cả vòm cây sưa bây giờ như lời thảng thốt của người trai thầm tiếc mỗi tình đầu thuở học trò “Nhớ bữa ấy/ Chớm em/ Mười sáu tuổi/ Hay nắng xuân vô ý nỡ gieo bùa/ Nhớ bữa ấy/ Ngày nói lời hò hẹn/ Hoa sưa trắng hết mình làm thông điệp tiễn mùa đi”.

Tôi lại gọi đấy là “Phố tình yêu”, cũng bởi từ chính con phố này tôi đã có một tình yêu. “Phố mãi đẹp như ngày xưa ta đến/ Vẫn mãi yêu giàn hoa tím trước nhà/ Ngày ấy/ Tóc em dài lắm/ Cho ta thấy gió về, bữa ấy sang thu”. Nhớ những buổi tối tôi dắt tay em đi trên hè phố. Hai đứa lặng im đi, thỉnh thoảng lại cùng như tình cờ dừng chân ngước mắt nhìn lên, dưới ánh sáng của những ngọn đèn đường, vòm lá xanh chập chờn những khoảng sáng. Có vô vàn những khoảng sáng nhỏ biến ảo kỳ vĩ khi vòm cây lao xao theo gió. Có lần em đã bảo: “ Hoa nở từ ánh sáng”. Tôi gật đầu xác nhận. Mà không gật đầu sao được khi những khoảng sáng nho nhỏ cứ lung linh dưới trời đêm.

Phố đẹp mãi trong tôi, trong ký ức, trong hiện tại và trong tương lai. Những buổi chiều đi bách bộ dọc phố lòng lại thầm những mong sao Hà Nội sẽ có thêm những đường phố đẹp, những đường phố sẽ không thể không tới một lần để nhớ.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Trọng Văn. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Bài liên quan
  • Bên lề Hà Nội
    Thi thoảng, trong câu chuyện trà dư tửu hậu, người bạn của tôi hay nói rằng, cuộc đời chị phải nhiều lần cảm ơn Hà Nội. Từ một thiếu nữ tỉnh lẻ, lên thành phố lập nghiệp với hai bàn tay trắng, sau một thời gian, Hà Nội đã đem lại cho chị mọi điều như chị hằng mơ ước: một công việc tốt, một người chồng tốt, một cơ ngơi xinh xắn cùng hai đứa con ngoan. Với người bình thường thì hẳn là trọn vẹn đủ đầy. Vì thế, chị yêu Hà Nội bằng thứ tình nồng nhiệt, yêu và biết ơn!
(0) Bình luận
  • Lấp lánh gốm sứ Bát Tràng
    “Trước khi về, nhớ sang Bát Tràng mua cho mẹ bộ bát đĩa nhé!”. Nghe lời dặn của mẹ, ký ức một thuở hiện về và nỗi nhớ căn nhà kỷ niệm cứ xốn xang trong tôi. Nơi đó có mẹ đang móm mém mỉm cười chờ tôi. Thấy con về, nhất định mẹ sẽ hỏi “Có sang Bát Tràng không?”. Tôi sẽ đùa “Nhà thiếu gì bát đĩa mà mẹ cứ phải Bát Tràng!”. Mẹ sẽ mắng yêu “Đấy là tôi dặn mua sắm cho anh em anh đấy chứ. Thi thoảng các con về đây ăn uống đầy nhà đầy cửa không vui sao!”... Càng nghĩ, ký ức càng cuộn lên khôn nguôi, trong đó có những hình ảnh rất quen thuộc trong nhà tôi – một gia đình miền núi nhưng đậm đặc hơi hướng một miền đất đồng bằng nổi tiếng - Bát Tràng.
  • Nghề thuốc ở xứ Đoài
    Nhắc đến xứ Đoài, trong tâm thức người Việt Nam ta đó là vùng đất cổ, nơi lưu giữ những tầng lịch sử, văn hóa được trầm tích qua hàng ngàn năm. Xứ Đoài, tên gọi quen thuộc, nhưng không dễ để hiểu tại sao lại gọi như vậy.
  • Hà Nội trong trái tim tôi
    Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã vô cùng yêu thích và thuộc nằm lòng bài hát: “Hà Nội - Một trái tim hồng” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Khi những ca từ trong trẻo cất lên: “Tôi hát bài ca ngợi ca Hà Nội/ Ơi Thủ đô xao xuyến trong trái tim tôi/ Hàng cây xanh bao mùa lá đỏ/ Gió sông Hồng rì rào sóng vỗ…”.
  • Hoài niệm về tàu điện xưa
    Hình ảnh những chuyến tàu điện chở khách hồi xưa: bây giờ chỉ còn trong hoài niệm. Nghe nói, tàu điện do người Pháp đưa sang, có hơn 100 năm (có nhà ga, sửa chữa cho tàu khá lớn, ở đường Hoàng Hoa Thám bây giờ)...
  • Vô định bước chân khi qua chốn cũ
    Một lần tôi âm thầm trở lại Hà Nội. Tôi có hẹn phỏng vấn với một công ty ở đó. Sau bao tháng ngày lăn lội công trường bùn lầy gió bụi, tôi muốn tìm kiếm một công việc mang nhiều yếu tố chuyên môn hơn. Thế nhưng, buổi phỏng vấn hờ hững, kết thúc mà chẳng hứa hẹn điều gì, có lẽ tôi không phải là lựa chọn phù hợp cho vị trí đang tuyển dụng. Chông chênh giữa một thành phố quen mà nay như xa lạ, tôi một mình lang thang qua những con phố cũ, chờ chuyến xe trở về lúc chiều muộn.
  • Sơn Tây, một thoáng thành cổ
    Nằm dưới chân núi Tổ lại ở vị trí trung tâm của xứ Đoài, thành cổ Sơn Tây từng in dấu thời gian và trở thành một chứng nhân của lịch sử trong giai đoạn cuối của thời phong kiến và những năm tháng bi hùng kháng chiến chống Pháp của phe “chủ chiến” và phong trào cần vương trên mảnh đất xứ Đoài.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh
    Trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Lễ Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh, bao gồm: Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh). Đây là hoạt động bên lề nhân chu
  • [Podcast] Truyện ngắn Hố băng
    Huỳnh Trong Khang được biết đến là cây bút tài năng thuộc thế hệ 9x và là một trong những tác giả trẻ đầy triển vọng. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàm 2016 cây bút trẻ quê gốc An Giang Huỳnh Trọng Khang đã gây ấn tượng với chất văn chương già hơn so với tuổi, cái già trong văn chương của Khang được thể hiện rõ nét trong từng tầng nghĩa. Hầu hết các tác phẩm của Khang mang đến cho bạn đọc mênh mang chữ, sâu thẳm nghĩa.
  • “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”
    Trường Đại học Luật (Đại học Huế) phối hợp tổ chức Cuộc thi “Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ” lần thứ IV với chủ đề “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”.
Đừng bỏ lỡ
Phố Check in
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO