Bia hơi vỉa hè

Trần Minh| 09/12/2022 15:03

Bắc là người con của Thủ đô, nhưng sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi khi có dịp ra Hà Nội công tác, Bắc lại gọi điện thoại rủ tôi đi uống bia hơi vỉa hè. Có lần, tôi mời Bắc vào một quán sang trọng chuyên bán bia tươi của ngoại, vốn đang là trào lưu thưởng thức bia cao cấp hiện nay, nhưng Bắc không đồng ý.

bia-hoi-ha-noi1(1).jpg
"Bia hơi vỉa hè là văn hóa của người Hà Nội" (ảnh minh hoạ)

Bắc nói, sống ở đất Sài Gòn, bia loại nào chả có, nhưng Bắc thích uống bia hơi vỉa hè, và coi nó là một nét văn hóa của người Hà Nội. Nói rồi, Bắc lại nghêu ngao một câu hát của nhạc sĩ Trần Tiến: "Hà Nội cái gì cũng vui, rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè"...

Vâng, với nhiều người con Hà Nội sống xa Thủ đô như Bắc, những kỷ niệm bình dị làm nên nỗi nhớ đôi khi chỉ giản đơn có thế. Vậy mà, cũng đủ gợi lên những nhớ thương quay quắt. Khi được trở về, họ như muốn sà vào sự thân quen ấy, ôm ấp vào lòng để thỏa nỗi nhớ mong...

Với cá nhân tôi, từ giờ trở đi, sẽ chẳng bao giờ tôi được ngồi cùng với Bắc nữa. Những buổi hàn huyên bên ly bia nơi góc phố khi mỗi lần Bắc ra Hà Nội chỉ còn là kỷ niệm của tình bạn, đại dịch Covid 19 năm ngoái đã cướp Bắc đi mất rồi!

Hôm nay, ngồi uống bên cốc bia một mình nơi quán cũ, quán mà trước đây, tôi và Bắc vẫn hay ngồi mỗi khi có dịp, lại nhớ về câu nói trước kia của Bắc: "Bia hơi vỉa hè là văn hóa của người Hà Nội".

Bắc đã đúng! Kinh tế vỉa hè ở đô thị nào cũng có, nhưng ở Hà Nội, quán bán rong vỉa hè nói chung, bia hơi vỉa hè nói riêng đã trở nên thân thuộc với nhịp sống của người Hà Nội từ xa xưa. Nếu một sáng mai thức giấc, đi trên ba mươi sáu phố phường Hà Nội mà không còn bóng dáng của một quán vỉa hè nào nữa, thì Hà Nội đâu còn là mảnh đất kinh kỳ, đô hội ngày nào?

Văn hóa được hình thành từ truyền thống và lịch sử, nhìn lại lịch sử, bia hơi đã xuất hiện trên mảnh đất này hơn một thế kỷ nay. Từ hàng chục năm trở lại đây, nó trở thành một thứ đồ uống bình dân, thân thiết, không thể thiếu được của rất nhiều người Hà Nội; bất kể họ là doanh nhân, công chức, viên chức, hay chỉ là một người lao động bình thường.

Trong những năm tháng thời bao cấp khó khăn, cái ăn còn chưa đủ no, nhưng quán bia hơi "Tổ phục vụ" đầu xóm tôi thì không bao giờ vắng khách. Không có tủ bảo ôn, bia được giữ lạnh bằng những bao tải với nhiều lớp đá bên trong. Mỗi người xếp hàng, chỉ được mua một số lượng có hạn, tùy theo hôm đó bia được phân phối về nhiều hay ít. Lúc đong bia, ai cũng dõi theo tay đong của nhân viên tổ phục vụ. Chiếc tuy-ô dẫn bia màu trắng được nối từ bom bia ra. Người bán phải xiết tuy-ô sao cho vừa phải, đủ để cốc bia sủi bọt trong khoảng 2 đến 3cm ở mép cốc. Nếu bọt nhiều quá, sẽ bị phàn nàn là "đong điêu", mà không có bọt, thì cốc bia cũng mất ngon cả về vị giác lẫn thị giác...

Uống bia bây giờ ai cũng sợ uống nhiều sẽ béo, bụng to; nhưng mua được cốc bia hơi thời ấy, người ta coi đó là thứ đồ uống "bổ dưỡng" nhất. Họ pha thêm đường để uống, có người còn chế biến đánh với lòng đỏ trứng gà. Chẳng biết làm vậy có bồi bổ cơ thể thêm được ít nào hay không; nhưng bây giờ uống bia kiểu đó chắc là chuyện lạ?

Còn nhớ mỗi bận nhà có khách, cha sai tôi đem chiếc ấm nhôm dùng để đun nước ra tổ phục vụ mua bia. Không có tủ lạnh bảo quản, ấm nhôm đựng bia được cha tôi nút kín vòi, buộc dây thả xuống giếng nước giữ lạnh, đợi chiều khách đến thì kéo lên.

Bây giờ, bia hơi có nhiều hãng sản xuất, lại xuất hiện thêm bia tươi, bia chai nội, bia chai ngoại... nhưng tốc độ tiêu thụ bia ở Việt Nam vẫn thuộc vào "tốp" đứng đầu khu vực.

Nếu bạn là người Hà Nội, có thú uống bia hơi đều đặn mỗi ngày, thì có lẽ, cái ngày uống bia thú vị nhất là vào chiều 30 Tết. Trong lúc nhiều gia đình đang quây quần bên mâm cổ tất niên, thì quán bia hơi vẫn đông nghịt khách. Bia hơi đã tạm dừng sản xuất trước đó mấy ngày để công nhân nghỉ Tết. Nhưng một số quán vẫn tích bia sẵn để phục vụ các "thượng đế" trung thành vào cái ngày cận kề của năm mới!

Người ta muốn tranh thủ thưởng thức những cốc bia cuối cùng của năm cũ, họ biết, chắc chắn sẽ phải "nhịn" bia, "xa" bia hơi ít nhất vài ba ngày, nên cố đến bằng được quán bia quen thuộc để uống gỡ, để thời gian chờ đợi thêm ngắn lại!? Uống bia trong một ngày cuối năm, với bao công việc lo toan tạm gác lại, sự cảm nhận cũng sẽ được tăng gấp bội phần!

Có nhiều bà vợ thắc mắc với đức ông chồng: Bia chai, bia lon tây, ta đủ cả đầy nhà, sao không uống mà cứ phải kéo nhau ra quán xá tụ tập làm gì? Nếu thèm bia hơi, mua về nhà mà uống không được hay sao? Đó là vì họ muốn níu chân chồng ở nhà chứ cánh đàn ông, uống bia một mình ở nhà thì còn đâu là thưởng thức bia nữa. Quán sá đông người làm cho họ hưng phấn, thư thái, xả đi những lo toan, bận rộn, ưu phiền... sau một ngày làm việc, lao động, học tập. Đó cũng là nơi gặp gỡ của tình bạn hữu.

Bên cạnh những quán bia hơi vỉa hè, bia hơi bây giờ đã được đưa vào các nhà hàng, uống bia hơi trong phòng máy lạnh... Nhưng với đa số nhiều người, cái thú uống bia hơi ngon nhất, thư thái nhất, vui vẻ nhất vẫn là cách uống bình dân nhất: Bia hơi vỉa hè!

Hà Nội đang phát triển, Hà Nội đã đổi thay, nhưng có những thói quen đã ăn sâu vào nhịp sống của người Hà Nội thì vẫn không thay đổi. Thói quen đó đã hình thành qua nhiều năm tháng, trở thành văn hóa của người Tràng An. Nó được những người con Hà Nội sống xa Thủ đô như Bắc gói gem trong ký ức với nỗi niềm khấp khoải nhớ mong. Bia hơi vỉa hè là một phần ký ức thể hiện nhịp sống đời thường dung dị đó, có thể gọi đó là nét văn hóa của người Thủ đô. Tuy nhiên, kinh tế vỉa hè nếu không được qui hoạch hoặc giới hạn ở một chừng mực nhất định sẽ xung đột với công tác quản lý trật tự đô thị. Theo đó, từ một góc nhìn văn hóa, sẽ bị lạm dụng, để người dân bung ra quá đà, biến đô thị trở nên nhếch nhác và không phù hợp với tiêu chí văn minh, xanh, sạch đẹp của đô thị.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Trần Minh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Bài liên quan
  • Hà Nội trong mắt tôi
    Hà Nội – mảnh đất ngàn năm văn vật luôn là đề tài bất tận của sáng tạo nghệ thuật. Với tôi từ khi còn là một cậu bé đã yêu thành phố này bằng cách của riêng mình. Tôi yêu Hà Nội qua âm nhạc. Những con phố, tên đường, địa danh nơi đây đã trở nên quá đỗi gần gũi, thân thương dù bản thân ngày xưa ấy chưa một lần được đặt chân đến. Chính âm nhạc là phương tiện chuyên chở sự mến yêu của ta đến nơi phương xa và nó cũng là những viên gạch từng ngày xây nên ngọn tháp tình yêu của mình với Hà Nội.
(0) Bình luận
  • Hà Nội, mùa đầu nỗi nhớ
    Tôi chậm rãi bước từng bước nhẹ nhàng trên một con phố nhỏ quanh Hồ Tây, từng chiếc lá vàng từ tốn rơi trên mặt đường tấp nập người qua lại, mặt hồ còn nhấp nhô phản chiếu những tia nắng mờ nhạt còn sót lại của buổi hoàng hôn. Dường như thời gian đang trôi chậm lại để tôi có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của miền đất Thủ đô, mà trước đây tôi chỉ có thể trông thấy qua lớp màn ảnh vô giác.
  • Ấn tượng thiên nhiên giữa lòng Hà Nội
    Dạo ấy, gần hai năm trước, nhân chuyến công tác Thủ đô, đoàn chúng tôi tổ chức chuyến thực tế thực sự ý nghĩa. Cho đến bây giờ, mọi người vẫn còn luyến tiếc, bởi với thời gian một ngày, chúng tôi chưa thể nào tiếp cận trọn vẹn không gian của “địa chỉ đó”. Cách trung tâm thành phố gần 40km về phía Tây, nơi hội tụ các sản phẩm văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em. Nơi đó là “Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” thuộc Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
  • Vé không khứ hồi
    Viết gì đây? Khi mỗi lần nhớ đến thời thơ ấu lòng lại buồn thương da diết. Tuổi thơ yêu dấu trong lòng Hà Nội, nơi mở ra những trang màu hồng đầy ắp kỷ niệm của hai đứa chúng tôi. Nay xa rồi tất cả tầm tay với.
  • Gửi cậu của một năm sau
    Bây giờ, tớ là một cô sinh viên năm ba vô lo, vô nghĩ chuyện tương lai. Hoặc đã từng nghĩ nhưng không quá nhiều lo lắng. Một năm sau cậu sẽ làm gì? Cậu sẽ trở thành ai? Liệu cậu có tiếp tục cuộc sống nơi Hà Nội nhộn nhịp xô bồ hay trở về miền quê yên bình của riêng cậu? Tớ chắc sẽ không khuyên nhủ gì cậu đâu, nhưng tớ muốn nói với cậu, mặc cho việc kiếm việc khó khăn, mặc cho áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai cậu thì đã từng có một Hà Nội yêu thương, che chở, bảo vệ cậu đến nhường nào.
  • Hà Nội mến thương
    Quê hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nơi để những đứa con xa quê nhung nhớ mỗi khi có cơn gió hiu hiu thổi qua làm dấy lên cả một bầu trời nhung nhớ. Nhưng có những vùng đất ta sẽ gặp khi bước ra khỏi luỹ tre làng, để rồi khẽ thương từ độ nào không hay. Bởi ở nơi ấy, có những kỷ niệm, có những con người làm ta cảm mến, lưu luyến chẳng nỡ rời xa.
  • Hà Nội và những người thầy
    Tôi cùng một số bạn bè đến Thủ đô, dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chiều cuối thu bên Hồ Tây, bốn người không chung giọng nói, cùng nhau nhâm nhi li bia hơi Hà Nội và đĩa mực khô nướng Quảng Bình. Được dịp, chuyện nổ như rang ngô, niềm vui cứ thế thăng hoa, khiến câu chuyện cũng trở nên không đầu không cuối…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bia hơi vỉa hè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO