Mười ba tuổi, tôi đặt chân đến Hà Nội trong chuyến đi thăm Lăng Bác được nhà trường tổ chức. Đó là lần đầu tiên tôi đến Thủ đô – nơi thành phố hoa lệ, nơi mà đứa học sinh nghèo tỉnh lẻ là tôi chưa từng đặt chân đến. Chuyến đi tua trong ngày khá vội. Hà Nội trong tôi ngày đó là Quảng trường Ba Đình rộng lớn, là Lăng Bác uy nghi trầm mặc – nơi đó có Bác đang bình yên giấc ngủ; là ngôi nhà Bác ở đơn sơ mộc mạc, là ao cá, là bờ tre, là hàng râm bụt dưới bầu trời xanh đầy nắng và gió. Hà Nội lúc đó đối với tôi vừa lạ vừa quen.
Mười tám tuổi, tôi lại đến Hà Nội trong mấy ngày dự thi đại học. Nhưng ngoài từ nơi trọ đến trường thi, tôi chẳng biết gì hơn thế. Hà Nội lúc đó vội vã theo bước chân của những sĩ tử; Hà Nội ngơ ngác mắt nhìn, bơ vơ, lạ lẫm và Hà Nội cũng rất trẻ trung, đáng mến trong màu áo xanh tình nguyện của các anh chị sinh viên. Hà Nội dễ gần, dễ mến, xởi lởi như cô chủ nhà khi chia tay còn gói tặng ông cháu tôi ít quả sấu làm quà với lời hẹn chừng nào nhập học thì lên nhà cô ở.
Nhưng rồi, tôi đã lỡ hẹn với Thủ đô khi không đủ điểm đậu nguyện vọng 1 vào Đại học sư phạm Hà Nội. Tôi ngược vào Nam mang theo ước mơ con chữ. Xa Hà Nội thật rồi! Nhưng thật không ngờ, khi đi xa, tôi lại “gặp” Hà Nội nhiều hơn qua những bức thư tay mà bạn gửi. Sau hai năm làm sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, bạn khẳng định mình đã trở thành thổ địa nơi đây, rằng khi tôi về Hà Nội bạn sẽ tình nguyện làm hướng dẫn viên đưa tôi đến bất cứ đâu tôi muốn. Lời hứa hẹn cứ chộn rộn trong lòng, tôi mường tượng cuộc gặp gỡ với Hà Nội mà tâm hồn chợt ngân lên xao xuyến. Hà Nội có bạn và có cả những ước mơ. Những bức thư tay giữa chúng tôi cứ ngược xuôi Nam – Bắc đều đặn hàng tuần. Trong thư, bạn kể nhiều về Hà Nội. Những cung đường, những quán ăn mà tôi chưa một lần đi tới; những con người tôi chưa một lần gặp mặt trở nên gần gũi, thân thương tự bao giờ. Bạn yêu Hà Nội, tình yêu đó, có cả trong tôi.
Tôi học xong, chọn miền đất võ trời văn (Bình Định) nơi đây là nơi lập nghiệp. Những lá thư tay xuôi ngược cũng dần thưa, tôi và người ấy không còn liên lạc. Nhưng trong tôi, Hà Nội vẫn không hề thay đổi. Ở nơi quê hương thứ hai, tôi vẫn chờ mong một ngày nào đó, mình đến Hà Nội, chầm chậm tản bộ bên bờ Hồ Gươm mà nghe từng cơn gió mát lành thổi về vờn lên mái tóc, lặng nghĩ về một thuở cha ông đánh đuổi giặc thù để đến khi hoàn thành nghiệp lớn cưỡi thuyền rồng chầm chậm giữa hồ dâng kiếm thần trả lại Đức Long Quân; hay nhẩn nha thưởng thức kem Tràng Tiền vào một ngày mưa mát lạnh, hoặc đơn giản chỉ là ngồi trên ghế đá ngắm mặt hồ lăn tăn gợn sóng, lặng dõi theo từng phận người qua lại ngang đó để thấy một Hà Nội thiêng liêng mà gần gũi, một Hà Nội đẹp cổ kính mà thanh lịch, hào hoa…
Ước muốn tưởng chừng giản đơn mà hơn hai chục năm rồi tôi vẫn chưa thực hiện được. Bao năm nay, tôi vẫn ngang qua Hà Nội để về thăm quê. Vậy mà lần nào cũng vội, lần nào cũng “xẹt” ngang qua nơi đây một cách vội vã. Những cung đường, những ngôi nhà nơi Hà thành cứ lùi lại phía sau qua ô cửa chiếc xe khách. Dòng người vẫn tấp nập ngược xuôi, lòng tôi chợt rối, chợt cảm thấy mình còn mắc nợ với Hà thành một lời hẹn: Về chơi.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Ý Thu. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.