Trước ngày tựu trường, tranh thủ đi thăm mấy nơi đã từng gặp trong sách vở, trên những thước phim. Nhảy lên leng keng tàu điện, người lính chiến đến thăm Hồ Gươm, lẵng hoa tươi thấp thoáng bóng Tháp Rùa. Hồ Tây sóng sánh giăng giăng mờ sương khói. Ngẫm ngợi, cầu Long Biên già nua tay chống cằm hiền triết trên sóng nước sông Hồng… Ba mươi sáu phố phường và năm cánh hoa xòe trên 5 cửa ô sáng. Không thể cắt nghĩa tình yêu Hà Nội có từ bao giờ. Khi nghĩ về Hà Nội, nói đến Hà Nội với lòng mến thương, nhung nhớ chắc hẳn chúng ta, ai cũng liên tưởng đến bông hoa đào Nhật Tân xòe ra năm cánh, 5 cửa ô thơm ngát, mênh mang, hào sảng. Thăm thẳm trong ta bỗng ngân lên ca từ bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sỹ Văn Cao: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về… 5 cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa mừng nở/ Năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh”. Giai điệu của bài hát cứ ngân nga, ngân nga...
Ô Quan Chưởng, Cửa ô xưa còn đây, nét cổ kính trang đài của kinh thành Thăng Long sót lại, không chỉ mang nét kiến trúc độc đáo tài hoa của riêng Hà thành mà còn in dấu về một thời lịch sử hào hùng. “Long thành bao quản nắng mưa/Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây”. Uy nghiêm và gần gũi, cửa ô này đã bạc màu thời gian. Những viên gạch đã đỏ lậm vì sương gió, nắng mưa. Ơi một cửa ô như đang ngủ ngon giữa lòng Hà Nội.
Nằm trên phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, Ô Quan Chưởng rêu phong lớp gạch vồ nâu đỏ, trên cổng còn ghi dòng chữ “Đông Hà Môn” gợi nhớ một thời lịch sử hoàng kim. Áp tai vào tường gạch nghe âm âm tiếng trống trận, tiếng gươm khua... Cửa ô này không chỉ là chứng tích của sự tồn vong và phát triển của kinh đô, mà còn là hồn cốt của Hà Nội trong tâm tưởng người dân Hà Nôi. Thời gian và những cuộc chiến tranh liên miên đã xóa hầu hết bóng dáng của một kinh thành với hàng chục cửa ô tấp nập người ra vào, sầm uất. Ngày nay giữa phố thị sôi động. Ô Quan Chưởng vẫn hiển hiện uy nghiêm đứng đó như một trang sử mở giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến. Ung dung tự tại, cửa ô thượng võ với thế đứng chữ nhân như cốt cách người Việt. Cửa ô này, mang dáng dấp một cửa thành. Mặc dù đã được sửa chữa nhưng còn nguyên một cửa chính, hai cửa con hai bên và trên nóc cửa chính là vọng lâu. Trong con mắt của người lính trận bước ra từ chiến tranh, giặc giã, Ô Quan Chưởng như một điểm tựa, một pháo đài vững chãi đứng gồng mình gìn giữ nước non.
Lang thang bước chân dạo phố, nhưng khi đứng trong cửa ô, dưới mái cửa chính uốn cong cong mới thấy lòng thảnh thơi như đứng trong vòng tay vô hình bao bọc, chở che. Đúng như câu thơ của ai đó: “Đưa em dạo phố một vòng/ Thăm Ô Quan Chưởng thấy lòng thảnh thơi”. Qua bao biến cố thăng trầm, Ô Quan Chưởng vẫn uy nghiêm đứng đây cùng Hà Nội. Và đây, một kỳ quan đơn sơ, mộc mạc như tấm lòng ấm áp, đây cũng là chính hình ảnh, hồn cốt người Việt bao đời. Ta chợt nghĩ, hình tượng người Hà Nội thanh lịch, hào hoa gắn với vẻ đẹp văn hóa nghìn năm truyền thống của đất “Rồng chầu hổ phục”.
Trên đất nước ngàn năm đánh giặc, cổng và thành lũy nhiều địa phương cũng có nhưng cửa ô thì chỉ ở Hà Nội. Kinh thành Thăng Long xưa có nhiều cửa ô sáng. Mỗi cửa ô như là một công trình phòng thủ, một biểu tượng của quyết tâm bảo vệ đất nước. Cùng với thời gian và chiến tranh, các cửa ô mai một. Hà Nội ngày nay chỉ còn 5 cửa ô như năm cánh hoa đào hay được văn hóa, nghệ thuật nhắc đến. Muốn biết kiến trúc, phong thủy của những cửa ô kia thì hãy cứ nhìn từ Ô Quan Chưởng, thỏa thích mà hình dung như thơ của Nguyễn Đình Thi: “ Hà Nội vui sao/ Những cửa đầu ô/ Tíu tít gánh gồng/ Đây Ô Chợ Dừa/ Kia Ô Cầu Dền/ làn áo xanh nâu, Hà Nội tươi thắm”.
Ô Chợ Dừa hiện nay chỉ còn là tên địa danh, là nút giao cắt của sáu tuyến phố: Xã Đàn, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Đê La Thành, Ô Chợ Dừa. Một không gian hoành tráng, ấn tượng về một điểm đồng quy hội tụ và vượng khí.
Ô Cầu Dền chính là ngã tư lớn nối phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt.
Ô Đông Mác ở cuối phố Lò Đúc ở đoạn giao với đường Trần Khát Chân và phố Kim Ngưu.
Ô Cầu Giấy nằm ở cây cầu bắc qua sông Tô Lịch, tại ngã tư đường Láng – Bưởi – Cầu Giấy – Kim Mã.
Bảy mươi năm trước, đúng tám giờ, ngày mười tháng mười, năm một chín năm tư. Các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam oai hùng trong đó có những người con Hà Nội thuộc Trung đoàn Thủ đô từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Hà Nội trong tưng bừng cờ hoa rực rỡ của hàng vạn người dân Thủ đô. 5 cửa ô bừng sáng trong màu cờ đỏ bay bay sao vàng, màu đỏ thắm tươi hoa phượng nở sớm. 5 cửa ô cuồn cuộn sóng như năm dòng sông chảy về đồng quy trung tâm thành phố rồng bay.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Chung Tiến Lực. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.