Đình Phù Long (huyện Phúc Thọ)
Đình Phù Long thuộc xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đình còn có tên là đình Tổng (tổng Phù Long). Đình cách trung tâm Thủ đô khoảng 55km về phía tây. Từ Hà Nội, theo đường Quốc lộ 32 đi Sơn Tây, đến chợ Gạch, rẽ phải, qua Uỷ ban nhân dân huyện, lên đê sông Hồng, đi khoảng hơn 1km là tới di tích.
Theo thần phả và các đạo sắc phong hiện lưu giữ tại đình thì nơi đây thờ các vị hoàng Thành đến từ thời Tiền Lý: Lý Bí, Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử.
Đình được xây dựng tại trung tâm của làng, cạnh trục đường liên thôn của xã. Theo truyền thuyết, đình Phù Long được xây dựng từ lâu đời theo kiểu chữ “đinh”, gồm: Đại bái, Tiền tế và Hậu cung.
Toà Đại bái trước đây được xây dựng bằng gỗ lim, gồm 5 gian, 2 chái, phía trước có sân đình, cột trụ, tường bao, cổng đình rất uy nghiêm. Trải qua thời gian và chiến tranh, toà Đại bái đã bị phá huỷ. Đến năm 1952, khi tình hình chiến sự đã tạm ổn, dân làng lại tu bổ làm nơi hội họp của làng. Nền móng và tường vẫn là của công trình cũ nhưng nhìn chung phần kiến trúc cổ đã mất.
Dáng dấp kiến trúc cổ vẫn còn được lưu giữ tại toà Tiền tế. Kiến trúc toà này được kết cấu theo kiểu 3 hàng cột. Các vì kèo được cấu trúc theo hình thức chồng rường - lối kiến trúc phổ biến của thời Nguyễn. Trên câu đầu, xà nách, cột đại... các nghệ sĩ dân gian đã chạm khắc các hoạ tiết lá lật. Hai bên cửa Tiền tế vào Hậu cung, các con rường đều được chạm nổi rồng, phượng và long mã.
Hậu cung cũng có kiến trúc các vì kèo theo kiểu chồng rường. Hạng mục này có 2 gian. Gian bên ngoài có bài trí các hương án, trên đặt bát hương, mâm bồng, cây đèn, cây nến. Gian bên trong là nơi thâm nghiêm, đặt ban thờ, bài trí long ngai, bài vị ba vị Thành hoàng, được sơn son thếp vàng và choàng gấm vóc cổ.
Đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý với nhiều chất liệu khác nhau như: thần phả, sắc phong, long ngai, bài vị...
Đình Phù Long đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01