Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền thờ quận công Nguyễn Đình Huấn (huyện Gia Lâm)

Sơn Dương (t/h) 15:21 27/04/2023

Đền thờ quận công Nguyễn Đình Huấn thuộc xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Từ Vũ Yên Thường, nơi phụng thờ và tưởng niệm Quận công Nguyễn Đình Huấn - một nhân vật nổi tiếng thời Hậu Lê, là một di tích thời Lê thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc xưa. Đời vua Minh Mệnh, Yên Thường thuộc huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh (hiện nay thuộc thôn Yên Thị, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Yên Thường là một vùng đất có bề dày về lịch sử, địa danh linh thiêng đã sinh ra một con người hiển đạt - Nguyễn Đình Huấn. Ngay từ thuở nhỏ ông đã hiếu học, thông minh, đĩnh đạc, thích kết bạn cùng anh em hiệp khách. Khi lớn, làm Thái giám trong triều, song đường quan lộ của ông được bắt đầu từ chức quan võ. Khi Đình Huấn làm Đề lĩnh bốn cửa thành, trong Kinh kỳ được nghiêm chỉnh, yên tĩnh. Trịnh Doanh nhận thấy ông có tài nên giao cho chức này. Từ đó, trong suốt bốn mươi năm làm quan, Nguyễn Đình Huấn đã có nhiều công lao trị nước, yên dân, được ban nhiều chức vụ cao như: Đại Tư Mã, Đại Tư Đồ... cực phẩm trong triều, làm rạng rỡ và vẻ vang trong dòng họ, xóm làng... Công tích và sự nghiệp của ông đã được nhà nho nổi tiếng Ngô Thì Sĩ - một người sống cùng thời và là bạn thân của ông đã tổng kết trong tấm bia dựng ngày lập Thu năm Ất Mùi hoàng triều Cảnh Hưng thứ 36 (1775) hiện còn trong đền thờ... Ông phò tiên Thánh vương do có tài văn trị nên được tin yêu trao việc, ân cần mọi nhẽ, hiệu quả lớn lao, hết thảy đều thấy rõ. Rồi lại phò giúp Tư Vương lên ngôi chúa, là vị đại thần phục vụ cả thảy hai triều hơn bốn mươi năm. Bồi tòng trong phủ chúa, truyền đạt mệnh lệnh đến nơi đến chốn, mười phần tốt đẹp. Làm hộ tào, làm nhiều chức vụ cao cấp và quan trọng trong ngoài đều trọn vẹn. Mọi việc giải quyết đâu ra đấy, công lao tỏ rõ tài năng, thành tích tiếng tăm trong triều ngoài quận. Ít lâu sau, ông vào phủ chấp chính lại là lúc chúa cầm quân đi dẹp phương Nam, ông lo giữ nước vững vàng, cung cấp vận chuyển lương khí giới. Lòng trung kính sáng tỏ, tước vị cao lớn, chốn công đường ngoài quân doanh quyền hành to lớn. Công lao với xã tắc ước hẹn cùng non sông mãi mãi tốt đẹp. Ông là người cung kính cẩn thận và khiêm nhường, chung thuỷ. Về phụng thờ tổ tiên, ông hết lòng xây đền tạc tượng, lòng hiếu kính nổi tiếng, tuy là địa thần nhưng lại bình dị gần dân, đối với nỗi khổ của dân, ông bày tỏ lòng yêu thương người áo rách, chia để cho kẻ thiếu ăn, ngay ở thôn mình ông đã xây dựng đình lớn thờ thần, mang của nhà xây chùa Phật. Quyên góp tiền tài cùng làm lợi cho dân, còn thừa đến hàng trăm góp vào hưng lợi trừ hại, đầu tiên là các xã thôn Yên Thường, Xuân Dục, Yên Khê, lân cận đến các thôn Đình Vĩ, Đỗ Xá, Quy Mông, Đồng Thôn... đều ca ngợi công đức của ông. Nhân dân đều tâm niệm công đức không quên mang ơn ông, đều muốn báo đáp bằng một hộ chức (nhà lưu niệm) cùng nhau hương khói phụng thờ. Vì vậy, nhân dân trong vùng đã cho xây dựng đền thờ ông trên khu đất cao rộng. Bên cạnh là dòng sông Thiên Đức chảy qua, làm cho di tích này trở nên linh thiêng và đẹp hơn. Thiên nhiên quanh di tích là những vườn hoa lá, như cam, bưởi và nhiều cây cổ thụ khác xum xuê toả mát. Bên phải đền có chùa Phúc Nương, đền và chùa ở đây đã gắn bó mật thiết làm tăng thêm sự thâm nghiêm.

Đặc biệt, trước cổng đền có một vũng tròn, xưa kia là một miệng giếng cùng với toà Tiền bái mang dạng hổ phù ngậm ngọc, tượng trưng cho sự no đủ và hạnh phúc.

Đền thờ quận công Nguyễn Đình Huấn có quy mô kiến trúc đặc biệt theo chiều sâu gồm Nghi môn, sân và khu thờ tự. Cũng như một số đền thờ, lăng mộ thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII) hiện còn, ngoài những di vật xây dựng của kiến trúc truyền thống như gạch, gỗ lim, đền thờ quận công ở Yên Thường còn sử dụng nhiều chất liệu đá.

Hai bên thềm trước cửa Nghi môn là đôi chó đá (cao 85cm, ngang lớn nhất 55cm, trước sau lớn nhất 43cm) chạm đơn chỉ đục bạt để tạo khối, nổi hình nhưng rất sinh động.

Nghi môn hiện còn hai mảng tường xây gạch Bát Tràng, dựng trên nền cao 30cm bó vỉa bằng những phiến đá hộc lớn. Hai bên sau Nghi môn có hai tượng đá “hộ sĩ” đứng, tay cầm chuỳ cao 164cm, tiếp vào khoảng sân nhỏ đặt cân xứng hai bên còn có bốn hộ sĩ đứng một tay đặt trước ngực, một tay cầm trường kiếm, các pho tượng này lớn hơn, cao 159cm. Về tạo hình, các pho tượng đều có khuôn mặt đẹp, nhưng dáng hơi mập. Các pho tượng này có thể coi là điển hình của nghệ thuật điêu khắc mang phong cách ở thế kỷ XVIII.

Khu đền chính là một nếp nhà dọc 3 gian và 1 chái ngoài. Kết cấu gỗ, đã được tu sửa theo lối gần đây. Duy ở mặt trước vẫn còn lưu một mảnh ván “rốn nhện” có trang trí. Đồ án hoa lá trên ván này gần với phong cách của “vỉ ruồi” chùa Tây Phương (Thạch Thất). Lần tu sửa gần đây vẫn bảo lưu được hình thức bên ngoài của ngôi đền. Đền được thờ theo chiều dọc, cửa ra vào mở ở chái hồi. Kiểu bố cục không gian mặt bằng này khá hiếm ở các tỉnh phía Bắc, nó phù hợp với kiến trúc chiều sâu. Phần kết cấu bằng gỗ đỡ bộ mái của đền được làm giống nhau theo kiểu vì “giá chiêng kẻ chuyền”. Nhà có nền cao 30cm so với mặt sân, phía trước mở cửa bức bàn, bên trong chia thành hai phần, hai gian ngoài làm Tiền tế, gian trong ngăn thành Cung cấm.

Đặc điểm chính của di tích đền thờ quận công Nguyễn Đình Huấn hiện còn có một hệ thống di vật thờ bằng đá làm vào thời Lê Mạt (thế kỷ XVIII), chúng đều mang giá trị nghệ thuật cao, khá điển hình.

Trong Tiền tế đặt 5 nhang án bằng đá. Hai chiếc ngoài đề ngang, chắn trước hai cột quân thứ nhất. Chiếc bên phải với những chữ Hán ở đằng sau ghi việc hậu Phật, chiếc bên trái được khắc ghi hậu Thần. Gian trong có nhang án đều được làm từ khối đá lớn (hai nhang án ngoài cao 112cm, dài 70cm, rộng 36cm, nhang án trong kích thước dài 110cm, cao 115cm, rộng 35cm). Chiếc nhang án chính đặt ở trung tâm cao 135cm, dài 134cm, rộng 67cm, được chạm khắc tinh xảo, trên mặt ở chính giữa, hai bên góc ngoài có sư tử, có lư hương đá.

Cung cấm là nơi thờ tự của quận công Nguyễn Đình Huấn, đặc biệt nơi đây còn những di vật hiếm thấy ở nơi khác. Chính giữa cung là một am thờ ghép bởi ba khối đá. Khối thứ nhất là mái am cao 70cm, rộng 100cm; thân am là một khối đá khác cao 128cm, rộng 68cm bốn góc bổ bốn trụ bằng cách giật cấp 5cm, hai mặt mỗi trụ đều chạm hoa dây; “chương cửa” trước mặt am, giật hai cấp thụt dần vào, cấp một chạm rồng chầu mặt trời, cấp hai chạm hoa cách điệu; lòng khám hình hộp chữ nhật (60 x 34 x 40cm), bên trong đặt một bài vị bằng đá; đế am là một khối đá thứ ba giật cấp, mở rộng dần tạo cho am một chân đế vững chắc, nhô cao trên nền gạch xây. Có thể nói đây là một am thờ đá mang nghệ thuật thế kỷ XVIII đẹp nhất hiện nay.

Hai bên có hai hệ thống bài vị được làm tương đối giống nhau như dạng tấm bia (cao 90cm, rộng 40cm). Xung quanh bài vị được trang trí một cách hết sức tỉ mỉ với những hình hoa lá, như ô hoa chanh, trong lòng được chạm kiểu y môn vải, tạo nên nét trữ tình về nghệ thuật, trước tạc bài vị (giống như bài vị gỗ) bao quanh chạm hình lá sòi, hai bên của bài vị này có đôi sư tử. Theo một số nhà nghiên cứu nghệ thuật này để biểu hiện sự tôn kính và để kiểm soát tâm hồn của những kẻ hành hương. Đền thờ quận công Nguyễn Đình Huấn mang một phong cách riêng với một giá trị nghệ thuật cao, có thể coi đó là một điển hình về điêu khắc đá của Hà Nội hiện nay.

Đền thờ quận công Nguyễn Đình Huấn đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, lưu niệm danh nhân năm 1995./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đền thờ quận công Nguyễn Đình Huấn (huyện Gia Lâm)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO