Đình, chùa Nam Dư Thượng (quận Hoàng Mai)
Đình, chùa Nam Dư Thượng trước đây ở thôn Nam Dư Thượng, xã Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nay thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Đình Nam Dư Thượng nằm giữa thôn, thờ hai vị Thành hoàng là Minh Hoa An Quốc Đại Vương (cùng vợ là Hoàng Phi Trân), và Dương Thống Đại Vương (cùng vợ là Nguyệt Thái công chúa).
Minh Hoa An Quốc Đại Vương là con vua Hùng Vương thứ 17 có công trong việc trị quốc an dân.
Dương Thống Đại Vương còn gọi là Thống Công, em Sơn Thánh (Sơn Tinh), sống dưới triều Hùng Duệ Vương. Sơn Thánh lấy Mỵ Nương, còn Thống Công lấy công chúa Nguyệt Thái. Trong triều vua Hùng, hai người có công lớn trong việc giúp vua trị nước, đem lại cuộc sống an bình cho muôn dân.
Đình Nam Dư Thượng có kiến trúc đơn giản, quay về hướng đông. Tuy nhiên, đây là một ngôi đình bảo tồn được nhiều di vật quý gồm: 1 long đình, một nhang án, 4 long ngai, bài vị, 2 hoành phi, 2 cỗ kiệu lớn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX. Ngoài ra còn một bộ bát bửu, một thần phả, 16 sắc phong, sớm nhất là năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), muộn nhất là năm Khải Định (1924), 1 đỉnh đồng, một đôi hạc, 2 bát nhang sứ.
Chùa Nam Dư Thượng có tên chữ là Nghiêm Thống tự, nằm xế về phía tây của thôn Nam Dư Thượng. Chùa thờ Phật và hai người phụ nữ có công lao là Lê gia Hoàng thái hậu Trương Thị Niếu, nguyên soái Thống quốc chỉnh Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, Vương phi chánh cung Nguyễn Thị Ngọc Tú. Hoàng thái hậu là người trung thành với nhà Lê, bị quân Mạc đuổi theo giết chết trong cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc. Chánh cung Nguyễn Thị Ngọc Tú có công bỏ tiền của, thuê nhân công đắp đê quai lấn bãi sông Hồng. Nhờ đó, 200 mẫu đất bãi hoang đã trở thành ruộng đồng trù phú cho nhân dân cày cấy. Bà cũng là người bỏ tiền của xây dựng ngôi chùa Nam Dư Thượng vào năm 1622.
Chùa hiện nay quay hướng tây nam, gồm Tam quan, sân, chùa chính, nhà Mẫu, Ống muống, Hậu cung, nhà Tổ. Chùa còn giữ được 2 bản sắc phong, hơn 40 pho tượng các loại, 4 long ngai, bài vị, 1 kiệu võng, 16 hoành phi, 10 đôi câu đối, một khánh đá, một bia đá niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628), một chuông đồng.
Đình và chùa Nam Dư Thượng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01