Đền Liễu Giai (quận Ba Đình)
Đền Liễu Giai thuộc phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội.
Từ thời Lý nơi đây có địa danh là Thập Tam trại, do đó vị thần được thờ ở đền là ông Hoàng Lệ Mật. Ngoài ra đền còn thờ thánh Mẫu và Thuỷ Tinh phu nhân.
Đền Liễu Giai quay hướng tây nam. Phía trước có Tam quan, kiến trúc chính hình chữ “công”. Phía trước là Tiền tế 5 gian xây kiểu đầu hồi bít đốc, giữa là Ống muống, sau là Hậu cung 3 gian nhỏ. Bộ vì Tiền tế làm kiểu thượng chồng rường hạ kẻ chuyền. Hai đầu hồi trước Tiền tế còn hai trụ biểu đắp gạch vữa trang trí ô hộc là hai loại hình khá phổ biến. Sau cánh cửa bức bàn làm kiểu thượng song hạ bản, chảm nổi tùng, lộc, mai, hạc, có niên đại thế kỷ XIX là tác phẩm đẹp. Các bộ phận của kiến trúc Tiền tế như đầu dư, cốn nách đền được chạm khắc rồng phượng, các mảng chạm này đều có niên đại thế kỷ XIX.
Ngoài các tác phẩm kiến trúc và điêu khắc trên, đền còn bảo lưu được nhiều di vật quý hiếm: 1 cỗ kiệu bát cống sơn son thếp vàng rực rỡ, 1 khám thờ cao 2,2m, rộng 1,8m, sâu 1,1m; 1 đôi câu đối; 1 bức đại tự v.v... Trong khám thờ còn có 3 pho tượng Mẫu. Ở gian bên trái Hậu cung còn có tượng Quỳnh Nương, tượng hầu.
Lễ hội đền Liễu Giai được mở vào ngày 16 và 17 tháng tám âm lịch hàng năm, chính hội là 17 tháng tám. Trong các ngày hội, sau phần lễ là múa bồng, hát văn... Đặc biệt, ngày 21 tháng ba âm lịch là ngày giao hiếu giữa làng Liễu Giai và làng Đống Nước - chính là ngày sinh của Ngọc Nương công chúa.
Bên cạnh những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đền Liễu Giai có nhiều ý nghĩa về lịch sử, về địa danh giúp cho việc nghiên cứu sự hình thành và phát triển của thành Thăng Long.
Đền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01