Đình La Khê (quận Hà Đông)
Đình La Khê thuộc phường Văn Khê, quận Hà Đông, Hà Nội.
Ngôi đình được cổ nhân xây dựng ở giữa khu dân cư, xung quanh có hệ thống tường bao, phía trước là một ao rộng tạo nên sự thoáng mát và cũng là nơi tụ thuỷ tụ phúc. Đình có mặt bằng rộng nên hiện diện nhiều công trình như cổng đình, nhà Tiền tế, Trung cung và Hậu cung.
Theo truyền thuyết, đình La Khê thờ hai vị Thiên thần: Hoắc Diện đại tướng quân và Tiên Tiên Bảo Hoa công chúa.
Đình La Khê có niên đại đầu thế kỷ XVII, đến thế kỷ XVIII được tu bổ lớn, song trải qua thời gian dài đã có sự thay đổi. Kiến trúc hiện tại của đình La Khê theo kiểu “tiền kẻ hậu bẩy, giá chiêng chồng rường con nhị”. Hình thức trang trí đơn giản, thiên về bào trơn đóng bén đấu vuông, không có nhiều hoa văn. Các bức tường, cột hiên được xây bằng gạch Bát Tràng miết mạch to, đầu hồi bít đốc. Đây là kiến trúc sử dụng vôi vữa là chính, thường gặp ở thời Nguyễn.
Hiện tại, đình La Khê lưu giữ khá nhiều di vật quý, trong đó có những di vật có giá trị được tạo tác công phu, tỉ mỉ như án gian, hương án, kiều, hoành phi, câu đối, long ngai bài vị.
Toà Trung cung có 2 cỗ long ngai bài vị của Đức Ông và Đức Bà. Hai cỗ long ngai bài vị này cao hơn 1m, chạm khắc đề tài hổ phù, rồng, phượng, hoa chanh, hoa cúc, hoa sen; hai tay ngai có 6 con tiện tròn chạm rồng. Niên đại của hai cỗ long ngai này cùng thời với ngôi đình. Tại Hậu cung có 1 sập thờ kiểu chân quỳ dạ cá bằng gỗ cao 4 tầng, kích thước 0,8m x 2,22m x 1,82m được sơn thếp lộng lẫy, 4 góc có 4 con rồng, mỗi con có 5 tia lửa, các tầng được chạm lần lượt theo hình thức: tầng 1 soi chỉ, tầng 2 lá đề, tầng 3 rồng chầu mặt nguyệt với phượng, rùa đội cuốn thư, tầng 4 chạm trổ cánh sen. Đây là một di vật mang phong cách thế kỷ XVIII. Ngoài ra còn có nhiều di vật cũng được tạo tác vào thế kỷ XVII như kiệu, phỗng đất, bát bửu và một số bát hương gốm cùng chân đèn đồng...
Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1988./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01