Đình, quán Khê Than (huyện Chương Mỹ)
Đình, quán Khê Than là những di tích đình thờ ba anh em Nguyễn An Định, Nguyễn Diên Phúc, Nguyễn Cương Nghị và Thái phi Vũ Thị Phương. Đây là những vị thần có công giúp dân giúp nước. Đình, quán Khê Than được xây dựng trên một khu cao ráo ở đầu làng, gần kề nhau nhìn về phía đông nam. Xa xưa, xã Khê Than thuộc tổng Tiên Lữ, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, nay thuộc huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Căn cứ vào cuốn thần phả hiện lưu giữ tại di tích thì ba vị đại vương là con trai của ông Nguyễn Trác Luân, sinh ra tại trang Bình Lao vào ngày 10 tháng mười một và đặt là: Nguyễn An Định - hiệu An, huý Định; Nguyễn Diên Phúc - hiệu Diên, huý Phúc; Nguyễn Cương Nghị - hiệu Cương, huý Nghị.
Vào triều Lê, nước nhà có Vũ Đình Dung mưu phản, triều đình sai Đốc lĩnh Hoàng Kim Qua ra dẹp giặc nhưng bị thua trận, tử vong. Cùng thời ấy ở Lương Sơn lại có giặc gây rối phản triều đình, các quan ai nấy đều sợ hãi lo âu, quần thần chỉ còn biết cầu xin trời đất vạn vật linh thần. Khi ấy, có một cô đồng tinh thông địa lý. Một hôm, vua cho người mời cô đồng để hỏi về vận mệnh nước nhà. Được thiên đình trợ giúp, nhà vua phải tìm ba anh em nhà họ Nguyễn mới dẹp được loạn này. Sau đó, ba anh em hồi triều giúp vua đánh giặc. Sau khi giặc tan, ba ông về triều tâu vua, vua bèn gia phong là Đô nguyên soái.
Thái phi Vũ Thị Phương, là con gái ông Vũ Tất Thận, mẹ là Lê Thị Quỳnh. Đêm bà Quỳnh nằm mộng thấy rồng rắn giao nhau, sau sinh ra Thái phi vào ngày 17 tháng bảy. Khi trưởng thành thì mặt mũi khôi ngô diễm lệ, da dẻ hồng hào, mặt trắng như băng tuyết thật là chim sa cá lặn, được nhà vua phong là Thái phi. Bấy giờ, nhân lúc nhà vua đi kinh lý phía Nam, Nguyễn Soạn mưu phản, đem quân đến kinh thành, Thái phi sai quân án giữ bốn mặt thành lại lệnh cho mọi người ra hết ngoài thành ăn mặc giả là thường dân chài lưới để làm kế nghi binh. Nguyễn Soạn sợ mắc mưu không giám vào thành phải cho quân rút lui... Sau khi các ngài hoá, nhà vua sai quan đại thần trong triều hộ tang, được ba năm sau vua uỷ nhiệm cho Bộ Lễ viết sắc phong thần.
Nguyên xưa, đình Khê Than là ngôi đình cổ kính, có quy mô khá đồ sộ với nhiều hạng mục kiến trúc gồm: Nghi môn, Đại bái, Trung cung, Hậu cung và các công trình phụ trợ khác... Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, một số hạng mục công trình bị xuống cấp. Hiện nay công trình chỉ còn toà Hậu cung mang nhiều dấu tích của ngôi đình xưa như các mảng chạm trên các bộ vì, chân tảng đá, bia đá và nhiều di vật quý khác...
Quán Khê Than được cổ nhân xây dựng hướng đông nam với kết cấu kiến trúc chữ “đinh” và các hạng mục công trình phụ trợ: cổng, bức bình phong, hệ thống sân vườn... Phía trước quán là bức bình phong làm theo kiểu cuốn thư với hai trụ biểu nhỏ, chính giữa là cuốn thư, bên trên đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, mây cụm cách điệu.
Đại bãi quán làm theo kiểu tường xây, hồi bít đốc, tay ngai với hai mái chảy. Đại bái gồm ba gian nhà ngang, các bộ vì được làm theo kiểu thức khác nhau “thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền, bẩy” trên mặt bằng bốn hàng chân cột tương ứng với bốn bộ vì đỡ mái. Hậu cung được làm theo kiểu cuốn vòm gỗ tích.
Trải qua thời gian tồn tại, hiện nay đình và quán Khê Than còn lưu giữ được những di vật sau: 3 long ngai bài vị, trong đó 1 long ngai bài vị thời Lê, 1 kiệu long đình thời Nguyễn; 4 bia đá; 3 quả phù trang; 1 tượng thờ và nhiều di vật có giá trị khác.
Theo lệ, cứ ba năm làng tổ chức lễ hội một lần, bắt đầu từ ngày 10 tháng 6 đến ngày 17 tháng 7 âm lịch, ngày 17 tháng bảy là ngày hội chính. Đình, quán Khê Than đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2007./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01