Đình, chùa Gióng Mốt (huyện Gia Lâm)
Đình chùa Gióng Mốt nằm bờ nam của sông Đuống, thuộc thôn Đổng Xuyên, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Thôn Đổng Xuyên có tên nôm là Gióng Mốt nằm ở trung tâm truyền thuyết về người anh hùng làng Gióng từng có công đánh giặc Ân vào đời Hùng Vương thứ 6. Bởi vậy các nhân vật lịch sử được thờ tại đình Gióng Mốt gắn liền với truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Đình Gióng Mốt thờ đức Thánh Mẫu (mẹ Thánh Gióng), đức Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) và đức đại vương Nguyễn Nộn (một trung thần thời Lý).
Theo truyền thuyết, trước thôn Đổng Xuyên (Gióng Mốt) có một tảng đá lớn có một vết sâu lõm ở chính giữa tựa như dấu chân - tương truyền là dấu chân ông Đổng - một con người khổng lồ thường gặp trong các huyền thoại Việt Nam. Theo lời kể thì mẹ Thánh Gióng - một phụ nữ nghèo chuyên nghề trồng cà, một buổi sớm đi hái cà đã vô tình giẫm lên chân ông Đổng. Sau đó bà mang thai và sinh ra Thánh Gióng. Ngày nay ở vùng Phù Đổng có nhiều ao hồ tương truyền đó là dấu chân ngựa sắt, có loại tre vàng - tương truyền đó là do lửa của ngựa ông Gióng phun ra làm cháy. Theo các truyền thuyết và các nguồn tư liệu trong các sách sử cũ như “Vũ trung tuỳ bút” của Phạm Đình Hổ, “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên thì các đền như đền Gióng (Phù Đổng), đền Sóc (Sóc Sơn) và các đền, đình khác quanh vùng đều thờ đức Thánh Mẫu và đức Đổng Thiên Vương.
Do vậy từ xưa đến nay, cứ đến ngày 9 tháng 4 âm lịch, nhân dân của 5 thôn: Phù Đổng, Phù Dực, Hội Xá, Đổng Xuyên, Đổng Viên lại cùng nhau long trọng tổ chức tưởng niệm vị anh hùng làng Gióng có công với nước với dân. Và đến ngày 21 tháng 2 âm lịch lại kỷ niệm ngày mất của đức Thánh Mẫu.
Theo lời truyền kể của dân làng, trước đây gốc cũ của đình, chùa Gióng Mốt được dựng ở Cố Viên (vườn cũ) là nơi quê mẹ của Thánh Gióng thuộc xã Phù Đổng. Đến đời Lý đình, chùa được chuyển về vị trí ở ngoài bãi và được dựng sát cạnh nhau quay hướng đông nam. Do nước sông lên to, đất xung quanh đình chùa bị lở làm ảnh hưởng đến tuổi thọ và kiến trúc của di tích. Trong kháng chiến chống Pháp, phần lớn gỗ bị trôi mất, gạch bị dỡ làm bốt nên cảnh đình chùa không còn được nguyên vẹn, chùa chỉ còn nhà Tổ. Năm 1967, Đổng Xuyên được tách ra chuyển về thành thôn Đổng Xuyên, xã Đặng Xá thì nhân dân đã xin được dỡ nhà Tổ cũ của chùa mang về vị trí hiện tại để lập đình mới và sau đó lại dựng chùa sát cạnh đình.
Trải qua những biến thiên của lịch sử nhưng đình, chùa Gióng Mốt vẫn lưu giữ được toàn bộ những đồ thờ tự có giá trị của di tích.
Hiện tại đình, chùa Gióng Mốt được dựng trên một khu đất cao ráo, tách biệt với nhân dân xung quanh. Chùa gồm 3 gian ở bên trái, đình gồm 3 gian, 1 dĩ ở bên phải, mái lợp ngói vẩy hến, mái chùa liền mái đình theo kiểu thờ “bên trái là thần, bên phải là Phật”, vừa trang trọng, vừa ấm cúng.
Chất liệu chủ yếu của đình là gỗ lim lâu năm đã lên nước đen bóng. Phần trang trí của kiến trúc chủ yếu được tập trung vào các bức cốn chạm khắc các đề tài: lão trúc, lão mai, hoa lá cách điệu. Ngoài ra các câu đối, đại tự, cuốn thư được thờ góp phần làm tăng giá trị nghệ thuật và vẻ cổ kính của di tích. Phía ngoài Đại đình ở gian giữa được đặt một nhang án lớn và một đôi hạch thờ. Phần Hậu cung gồm 3 gian nhỏ được xây 3 bệ trên có đặt ngai, bài vị của đức Thánh Mẫu (gian bên trái), đức Đổng Thiên Vương (gian giữa), đức đại vương Nguyễn Nộn (gian bên phải).
Khác với đình, giá trị nghệ thuật của chùa Gióng Mốt lại được tập trung vào nghệ thuật chạm khắc các pho tượng tròn. Trong số trên 20 pho tượng cổ còn lại của chùa bao gồm các chất liệu như gỗ, đồng, đất... đã có những pho tượng đẹp, hiếm mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVIII - XIX. Đặc biệt chùa còn có một hiện vật rất quý đó là một bát hương đá hình chữ nhật cao khoảng 45cm, xung quanh khắc chìm hoa cúc, rồng chầu, kiếm và hoa văn hình học rất tinh xảo.
Với những giá trị lịch sử - văn hoá nêu trên, đình và chùa Gióng Mốt đã được Bộ văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 1995./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01