Đình Đỗ Xá (Huyện Gia Lâm)
Đình Đỗ Xá thuộc thôn Đỗ Xá, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Đình cũng thường được gọi là đình Đậu Xá.
Đình Đỗ Xá thờ Đông Hải đại vương Đoàn Thượng. Căn cứ vào bản thần tích còn lưu giữ tại địa phương, các sách trong chính sử, sự tích của Đoàn Thượng có thể tóm tắt như sau:
Vương họ Đoàn huý là Thượng, người làng Hồng Châu, quận Đông Hải (nay là Gia Lộc). Ông với Lý Huệ Tông cùng vú nuôi thấy nhà Lý khủng hoảng, nhà Trần ép nhường ngôi. Nhân đó chiêu mộ nhân dân Hồng Châu xây dựng thành luỹ ở Yên Nhân để làm mưu kế sau này. Khi Trần Thái Tông ép ngôi nắm quyền, ông không chịu phụng sự nhà Trần mà đặt đồn luỹ ở hướng đông xưng là Đông Hải vương, cát cứ Hồng Châu, mưu đồ sau này phục hồi nhà Lý. Đánh nhau với quân nhà Trần có đến 8 hay 10 trận mà không phân thắng bại. Sau đó nhà Trần dùng Hoài Đạo tức Nguyễn Nộn đánh úp. Về sau cùng hiển thánh ở xã Đống Đạo, huyện Yên Phú. Nơi đây nhân dân lập miếu thờ phụng ông, đồng thời 72 nơi khác đều thờ cúng. Trải qua các triều đại, nhà vua đều phong tặng sắc: giúp nước, yên dân và hiển ứng vô cùng. Sách Đại Nam dị nhân của tác giả Phan Kế Bính in năm 1912 và Đại Việt sử ký toàn thư tập một đều ghi chép về sự tích của ông.
Trong kháng chiến, đình Đỗ Xá cũng là nơi tuyên thệ của Việt Minh và nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng.
Đình có lịch sử tạo dựng lâu đời để thờ phụng các vị thần có công với dân, với nước. Hiện nay trong di tích không còn tài liệu thành văn nào ghi chép về niên đại khởi dựng của ngôi đình. Căn cứ vào các sắc phong, hệ thống các văn bia còn bảo lưu trong di tích thì đình Đỗ Xá có nguồn gốc xây dựng khá sớm. Tuy các văn bia trong di tích đều là bia gửi hậu, song các văn bia này được tạo dựng từ thời Lê, có niên đại sớm nhất là Chính Hoà thứ 25 (1704). Như vậy ta có thể đoán định đình Đỗ Xá có niên đại khởi dựng từ thời Lê, trong quá trình tồn tại và phát triển ngôi miếu đã chuyển thành đình làng để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Đình Đỗ Xá tồn tại đến ngày nay đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Đình được trùng tu lớn vào các năm 1987, 1992 và những năm gần đây. Đình Đỗ Xá toạ lạc trên một khu đất rộng có không gian thoáng đãng. Đình có quy mô kiến trúc bề thế với kết cấu kiến trúc truyền thống. Tổng thể khuôn viên đình bao gồm: cổng, sân gạch, Đại đình và Hậu cung.
Đình làm hướng nam, bố cục mặt bằng kiểu chữ “nhị” gồm 5 gian Đại đình và 5 gian Hậu cung ở phía sau. Đại đình gồm 5 gian, 2 dĩ làm kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Bờ nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, đầu đốc hai bên có đầu hổ phù. Hậu cung gồm 5 gian nhưng hẹp lòng hơn 5 gian Đại đình. Hậu cung là phần kiến trúc chính ở nghè mới chuyển về đình sau kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngoài ra trong khuôn viên của đình hiện còn có một ngôi nhà 5 gian kiểu chữ “đinh”. Theo địa phương cho biết thì ngôi nhà này trước đây là ngôi chùa thờ Phật do cửa bị hư hỏng nên nhân dân đưa vào thờ cạnh đình. Năm 2004, ngôi chùa được khôi phục lại trên nền cũ nên nhân dân chuyển tượng Phật và đồ thờ tự về chùa để thờ.
Đình Đỗ Xá còn bảo lưu được một số lượng di vật có giá trị . Đặc biệt là hệ thống văn bia, sắc phong. Trong số đó phải kể đến tấm bia “ Báo đức chi bi” được dựng vào tháng 3 niên hiệu Chính Hoà thứ 25 (1704) và tấm bia “Ký hỵ thạch bi” dựng vào năm Ất Mùi niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 36 (1775); 10 đạo sắc phong (bản gốc) phong cho Đoàn Thượng, trong đó sắc phong có niên hiệu sớm nhất là Khải Định thứ 9 (1924).
Hàng năm vào ngày mùng 10 tháng ba âm lịch dân làng mở hội. Ngày đó đã trở thành lễ hội truyền thống trang trọng để tưởng nhớ đến công lao của thần.
Đình Đỗ Xá đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2007./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01