Đình Đại Tảo
Đình nằm trên một khu đất rộng của thôn Đại Tảo, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Thôn này vốn gốc theo dân gian gọi là làng Tảo Khui ghi vào danh mục làng xóm dưới thời Lê Trung Hưng, thế kỷ VII - XVIII viết thành Đường Tảo thôn thuộc xã Tình Lam, huyện Yên Sơn, tổng Quốc Oai, Sơn Tây, cuối thế kỷ XIX đổi tên là Đại Tảo.
Từ Hà Đông theo Quốc lộ số 6, qua Ba La tới cuối thôn Do Lộ (xã Yên Nghĩa) rẽ phải theo đê sông Đáy, tới đầu làng Đông Lao, qua cầu sông Đáy, vượt thôn Tình Lam, hỏi đường tới đình (khoảng 2km).
Đại Tảo nằm ven bờ hữu ngạn con đường thuỷ giao thông cổ (sông Đáy), là mảnh đất của một vùng văn hoá cổ dựng trên nền tảng nông nghiệp và vạn chài có truyền thống trọng thuỷ và yêu quý quê hương xứ sở. Từ đó, dân định hình vị thần bảo vệ làng xóm, (tức Thành hoàng làng) là Linh Lang đại vương và Ả Lã Nương Đê. Hai vị là thần linh chung của nhiều làng ven sông Đáy. Có thể hiểu con rắn thần chủ nguồn nước hạnh phúc của nông nghiệp đã gắn bó vào tâm thức của người Việt cổ, được nhân cách hoá và cấy vào lịch sử để trở thành con vua nhà Lý và thành một anh hùng mang tính dân tộc, đánh giặc cứu nước, cứu dân lập nhiều công lớn. Vị thần Linh Lang được thờ ở nhiều nơi, ven nhiều con sông cổ và ngay ở Hà Nội đã là thần ở đền Voi phục và nhiều đền khác. Còn vị Thành hoàng thứ hai là Ả Lã được coi như một anh hùng nơi thôn dã, có ý thức chống bạo quyền đô hộ, theo Hai Bà Trưng lập nhiều chiến công. Hai vị thần kể trên đã khéo kết hợp với nhau, một người vì cuộc sống no đủ của dân, một vị bảo vệ cuộc sống yên lành của thôn xóm. Đó là ước vọng chân chính ngàn đời mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta.
Đình Đại Tảo có mặt bằng kiểu chữ “đinh”, phía trước có Nghi môn trụ xây bằng gạch. Cũng như nhiều đình khác, Nghi môn gồm hai trụ lớn ở giữa thay cho cửa chính. Đỉnh trụ là bốn phượng kiểu lá lật, tượng cho linh khí bốn phương hội tụ, dưới bốn mặt mui luyện đắp hình bốn hổ phù nổi trong ý thức cầu được mùa, rồi tiếp tới phần lồng đèn đắp nổi tứ linh (rồng, phượng, lân, rùa). Thân trụ có câu đối chữ nổi, chân trụ đắp hình trái dành, hai trụ bên nhỏ hơn, đỉnh trụ đắp hình lân ngồi trong ý thức kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương.
Sau Nghi môn, một sân gạch rộng dẫn vào Đại đình dựng trên nền cao vừa phải. Đôi rồng thành bậc đá khá đẹp - một hiện vật từ ngôi đình gốc, đưa chúng ta vào nội đình. Rất tiếc là ngôi đình hiện tại đã được nổi sản với nền trên tu sửa quá nhiều, để tới nay chỉ là ngôi nhà 3 gian tường hồi bít đốc, các bộ vì vẫn theo phong cách cổ với bốn hàng cột (bốn hàng chân). Song, các cột này thay bằng trụ đá vuông. Phần trang trí chủ yếu ở đầu các con rường của “vì nóc” và ở “cốn” (bộ phận kết cấu giữa cột cái và cột quân) với các đề tài vân xoắn và lá cách điệu. Tuy hình thức chạm khắc này đơn giản, nhưng mạch lạc, nét chạm mạnh mẽ, chúng vẫn giữ được sự kế thừa từ hình thức và ý thức cổ truyền, các y môn (phần chạm gắn liền giữa hai cột cái cùng hàng ngang) gian giữa được thể hiện đôi rồng chầu mặt trời sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Hậu cung là phần mở ra phía sau của gian giữa, có kết cấu bào trơn đóng bén, phần gắn Hậu cung với Đại đình cũng là hệ thống của bức bàn. Nhìn chung, kiến trúc của đình Đại Tảo ít còn giữ được dấu vết từ thời khởi dựng, nhưng nhiều hiện vật của đình rất đáng quan tâm, đó là:
- 5 tấm bia đá trong đó có 1 tấm bia cổ nhất làm vào đời Dương Đức nguyên niên (1672).
- Bộ kiệu bát cống, long đình khá đẹp và cổ, nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn sớm.
Bát hương đá, voi thờ đá, các lư đỉnh đồng và nhiều đồ thờ khác... của các thời hậu Lê và thời Nguyễn.
Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01