Đình, chùa Đại Lan
Đình, chùa Đại Lan ở thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Tương truyền đình, chùa nghè Đại Lan có từ lâu đời, nhưng do làng bên sông Hồng bồi lở liên miên nên làng cũng hay bị dời đổi, lúc ở bờ nam, lúc sang bờ bắc. Mỗi lần như thế đình chùa lại chuyển theo. Nay di tích còn giữ được 11 đạo sắc phong, sớm nhất là đạo sắc phong năm thứ 12 niên hiệu Chính Hoà (1691).
Đình có bố cục hình chữ “đinh”, Đại đình 3 gian, Hậu cung 2 gian. Đình thờ 3 vị đại vương có công đánh giặc thời Hùng Vương là: Linh Hồ, Minh Chiêu và Cung Mục. Đến đời Lê, Nguyễn Như Đổ (1424 - 1525) được thờ là Á thánh cùng ba vị thành hoàng. Nguyễn Như Đổ tên chữ là Mạnh An, hiệu Khiên Trai, sinh năm 1424, đỗ bảng nhãn năm 19 tuổi, 3 lần đi sứ, làm quan đến chức Thượng thư, thọ 102 tuổi. Phan Huy Chú (1782 - 1840) viết về ông trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Ông lúc trẻ thi đỗ khôi nguyên, khi lớn làm quan to, cũng là hiếm có trong hoạn đồ". Ông làm quan, giữ nhiều trọng trách, tính tình thẳng thắn, thanh liêm nên được triều đình coi trọng, nhân dân quý mến. Khi mất, vua cho thờ làm Á thánh.
Chùa Đại Lan (Đại Lan tự) thuộc thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 17km về phía nam, ở ven bờ sông Hồng.
Chùa Đại Lan trước ở bờ sông nên đã bị lở, dân làng chuyển tượng Phật và các đồ thờ cúng vào nghè, vì vậy nghè của làng đã trở thành chùa.
Chùa mới gồm hai nếp nhà, nếp trước là nhà tiền tế dùng làm nơi tế lễ và hội họp, nếp sau dùng làm tam bảo. Tiền tế có 5 gian xây kiểu “tường hồi bít đốc”. Tam bảo hình “chuôi vô” gồm Tiền đường 3 gian và Thượng điện 2 gian.
Chùa còn đầy đủ hệ thống tượng Phật. Trong chùa có nhiều mảng chạm khắc, trang trí, di vật có niên đại thế kỷ XIX - XX. Tượng Phật cũng có niên đại tương tự.
Chùa đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Những năm đầu thế kỷ XXI, nhân dân đã trùng tu lại ngôi Tam bảo khang trang như hiện nay.
Lễ hội làng Đại Lan được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 8 tháng giêng âm lịch, chính hội ngày 7 tháng giêng âm lịch. Trong lễ hội có rước cá lăng, (đặc sản vùng Đại Lan), và làm lễ trình cá ở đình, sau đó đem cá về chế biến làm cỗ rồi rước lễ cá ra dâng thánh ở đình. Trong hội làng có các hoạt động vui chơi như đánh gậy, múa roi, vật...
Đình và chùa Đại Lan đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01