Đình Gia Lộc (huyện Đông Anh)
Đình Gia Lộc thuộc thôn Gia Lộc, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Đình Gia Lộc nằm kề cận với khu di tích Cổ Loa - vùng đất có bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Đến với đình Gia Lộc phải đi qua cổng làng Gia Lộc cổ, ngôi đình nằm ở trung tâm làng Gia Lộc có cây đa, bến nước sân đình, phong cảnh thật hữu tình.
Đình Gia Lộc được tạo dựng từ lâu đời, thờ thần Đông Bảng đại vương, là tướng tài của Hai Bà Trưng chống lại giặc Hán giành độc lập cho dân tộc.
Thần tích kể rằng, ông sinh ra ở trang Đường Lâm - Sơn Tây sớm có tài thao lược được mọi người quý mến. Ông được Hai Bà giao cho trấn giữ vùng Đông Bắc. Khi đi đánh trận có qua trại Gia Lộc, thấy phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, long chầu hổ phục, ông bèn cho lập sở để chống lại quân Hán. Từ khi ông lập đền ở đây, các hình phạt đã giảm bớt, dân chúng yên ổn làm ăn. Khi thấy sứ giả đem chiếu thư đến sai ông đi đánh Tô Định, ông bèn truyền cho giết trâu bò, lập đàn tế thiên địa sơn thuỷ, cầu đảo bách thần, khao các sĩ tốt ở trại bản. Sau đó, ông cho hội quân cùng Trưng Nữ chia thành 5 đạo tiến công vào đồn sở của Tô Định. Chỉ trong thời gian ngắn đã thu phục 65 thành trì giải phóng đất nước. Ba năm sau Mã Viện lại xâm lược nước ta. Đội quân của chúng rất đông hùng mạnh ông cùng quân sĩ chống lại giặc và hy sinh anh dũng ngay tại trại Gia Lộc. Sau khi ông mất, các khu trại đều xây dựng miếu để thờ phụng ông.
Với kiến trúc bề thế cùng các di vật còn bảo lưu tại đình, có thể khẳng định đình Gia Lộc được khởi công xây dựng trước thế kỷ XVIII. Ngôi đình được toạ lạc trên một khu đất rộng, với cổng Tam quan tứ trụ uy nghi. Vẻ đẹp của ngôi đình được thể hiện qua mái đình thấp, rộng và trang trí trên kiến trúc được chạm trổ với các hình mây xoắn đầu rồng, vân mây hoa lá mang giá trị nghệ thuật tiêu biểu của cuối thời Lê đầu thời Nguyễn.
Tồn tại cho đến ngày nay, đình Gia Lộc còn bảo lưu được khối lượng di vật quý có giá trị nghệ thuật như: Cuốn thần phả và 4 đạo sắc phong chữ Hán. Ba tấm bia đá, sớm nhất bia có niên hiệu Chính Hoà thứ 23 (1702) và Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706).
Lễ hội của đình Gia Lộc được tổ chức vào ngày 12 tháng tám âm lịch hàng năm, trong lễ hội có lễ rước nước, lễ tế, lễ rước thần... Lễ hội là dịp để tăng thêm tình đoàn kết xóm làng, tưởng nhớ công đức của thành hoàng làng giáo dục truyền thống uống nước, nhớ nguồn cho thế hệ trẻ.
Với những giá trị về lịch sử kiến trúc nghệ thuật, đình Gia Lộc được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1999./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01