Đình Linh Quy (huyện Gia Lâm)
Đình Linh Quy được gọi theo địa danh hành chính, thuộc thôn Linh Quy, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Đình Linh Quy được dựng lên để thờ Thần hoàng làng là Nguyễn Biểu, vị quan cuối triều Trần, tham gia vào cuộc khởi nghĩa chống quân Minh vào cuối thế kỷ XIV và đầu thế kỷ XV của Trần Quý Khoáng. Ông được cử đi thương thuyết với giặc, kiên quyết bảo vệ danh dự của nước và bị giặc bức tử. Tấm gương trung nghĩa của ông đã làm cho giặc khiếp sợ, ông được vua khen, phong thần và cho phép xã Linh Quy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An được hương hoả phụng thờ mãi mãi. Sau khi mất, thần còn hiển vinh cứu nước phò vua nên từ thời Lê đến thời Nguyễn thần được gia phong mĩ tự, đình được sửa sang để nhân dân Trang Vụi được phụng thờ muôn đời.
Đình quay hướng tây nam, đây là hướng người Việt Nam quan tâm khi dựng đình, thông qua hướng đình mong thần hoàng làng được yên vị để ban phúc cho dân.
Qua 3 bậc tam cấp là vào tới đình Thượng gồm 5 gian 2 dĩ, mái lợp ngói vẩy hến, bờ nóc thẳng được kết thúc bằng một đấu nắm cơm, bờ dải xây giật 2 cấp với trụ biểu cao để trái dành, đỉnh cột đắp hình lồng đèn, quanh cột có bổ ô để viết câu đối.
Do hoàn cảnh đặc biệt của địa phương mà di tích đã bị mai một đi nhiều nhưng những gì còn lại của gốc kiến trúc cũ cùng các di vật có giá trị đều được trân trọng bảo lưu.
Phần kiến trúc cổ bao gồm đình thượng, Hậu cung với những bộ vì chồng rường được chạm khắc tinh xảo những đầu dư chạm rồng, bức cốn với các đề tài tứ linh, tứ quý, những bảy hiên chạm hoa lá, chim, bướm... để làm tăng giá trị cổ kính của di tích.
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, cho đến ngày nay, đình Linh Quy vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật quý với nhiều chất liệu khác nhau đã góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử làng xã và các loại hình văn hoá dân gian như: 1 cuốn thần tích xã Linh Quy (hiện được lưu giữ tại Viện Hán Nôm), hệ thống 8 sắc phong được các triều vua ban sắc sớm nhất là năm Chiêu Thống thứ nhất (1787), muộn nhất là sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924), đồ gỗ với một đôi câu đối nội dung ca ngợi công đức của vị trung thần có công với dân với nước, một y môn gỗ có 4 chữ đại tự “Thượng đẳng tối linh”, đồ gốm gồm: 1 đôi lọ độc bình, 1 choé đựng nước...
Đình Linh Quy đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01