Danh thắng & Di tích Hà Nội

Từ đường họ Nguyễn ở Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm)

Sơn Dương (t/h) 15:15 27/04/2023

Từ đường họ Nguyễn ở Xuân Tảo thuộc Phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Nguyễn Công Cơ (1675 - 1733) tên thường gọi là Thượng Cáo, huý Cẩm, hiệu Nghĩa Trai, tước Cảo quận Công và Cơ quận công. Sau khi mất, được ban tên thuy là Mẫn Trực phủ quân. Ông là người làng Minh Quả, tên nôm là làng Cáo, nay thuộc làng Xuân Tảo, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội.

Nguyễn Công Cơ sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều người học hành, đỗ đạt và làm quan trong triều. Điều này có ảnh hưởng lớn đến chí hướng của ông. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Công Cơ đã nổi tiếng thông minh, hiếu học. 13 tuổi thi Hương đỗ Tam trường; 5 năm sau thi Hương đỗ Tứ trường; 22 tuổi thi đậu Tiến sĩ khoa Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hoà thứ 18 (1697) nhà Lê. Từ đó tên tuổi ông lừng danh khắp bốn cõi, văn chương của ông nổi trôi khắp “rừng Nho”.

Ngay sau khi thi đỗ, về vinh quy bái tổ được ít ngày thì cụ thân sinh qua đời, ông ở nhà chịu tang cha. Sau ba năm đoạn tang, năm 1700, Nguyễn Công Cơ được nhận chức Hàn lâm viện Kiểm thảo. Ra làm quan chưa được bao lâu, năm 1703 ông lại về quê chịu tang mẹ. Mặc dù thời gian làm quan còn ngắn ngủi, sự đời ít trải, nhưng ngay trong thời gian ở quê, ông đã tận mắt nhìn thấy cảnh bọn tham quan ô lại hà hiếp dân lành, ông không sợ thù oán, đã dâng biểu đề nghị bề trên về khám tra, trị tội bọn nhũng nhiễu. Chính qua sự việc này mà Nguyễn Công Cơ được chúa Hy tổ Nhân vương ngợi khen là bậc trung nghĩa và thưởng cho vàng bạc. Sau khi mãn tang, ông được bổ nhiệm giữ chức Tả thị Lang bộ Công. Sau được thăng Bồi tụng, rồi được thăng Hữu thị lang bộ Hình. Năm 1713, ông vâng mệnh giữ chức Nhập thị Kinh diễn. Năm 1715, Nguyễn Công Cơ được bổ nhiệm làm Tham Chính sứ, cùng Lê Anh Tuấn, Đinh Nho Hoàn đi sứ nhà Thanh. Khi tiếp xúc với vua quan nhà Thanh, ông đã dùng lý lẽ đối đáp có lý có tình, ông đã đấu tranh dẫn đến kết quả buộc nhà Thanh phải bãi bỏ lệ cống ngà voi, sừng tê giác...; vàng bạc cống không phải làm thành các bình hoa, chậu, lư hương, số người đi cống cũng giảm bớt và đồ cống chỉ mang đến Quảng Tây không phải mang sang tận Kinh đô như trước. Năm sau về nước, ông được thăng Phó đô ngự sử, rồi Tả thị lang bộ Lại, kiêm Đông các Đại học sĩ. Năm 1721, ông xin đổi sang hàng võ. Năm sau, quốc triều mở khoa thi võ ông được xếp hạng nhất với bài ký “Võ học trùng ký”, sau đó ông được cử làm Đề điệu.

Nguyễn Công Cơ làm quan nổi tiếng công bằng và chính trực. Thời kỳ làm quan ở bộ Lại, dưới trướng của ông có đến 300 người trong diện được cất nhắc bổ nhiệm, ông đã tỷ tài từng người mà bổ dụng, không hề có chút tư tâm, được người đời ngợi khen là ông quan chí công. Không những vậy, ông còn là người rất ngay thẳng. Khoa thi Cống sĩ năm 1726, ông phát giác những người thi Hương đã nhờ người gà văn, quan chấm trường lấy đỗ quá lạm, hơn nữa con em nhà thế gia được đỗ phần nhiều không có thực tài. Tin lời ông, chúa xuống lệnh cho thi lại. Quả như vậy, nhiều con em trong hàng ngũ quan lại đã bị rớt, bị đưa ra xét hỏi, trị tội. Chúa cho ông là người dám nói thẳng, gia thăng Thiêu bảo. Cuộc đời làm quan của Nguyễn Công Cơ có lúc thăng trầm nhưng ông vẫn một lòng vì dân, vì nước.

Tuy làm quan to trong triều nhưng ông cũng hay về làng. Ông quan tâm đến đời sống của nhân dân. Thấy dân làng thường khổ về cảnh ngập lụt, hàng năm đến mùa mưa hơn một nghìn mẫu ruộng ở đồng làng bị ngập nước không có chỗ tiêu, ông liền đứng ra thương lượng và cho tiền đền bù thiệt hại cho dân làng Cổ Nhuế để đào con mương qua làng Cổ Nhuế ra sông Nhuệ. Dân làng Xuân Đỉnh bao đời vẫn còn ghi nhớ công ơn đó.

Vào những năm tuổi cao sức yếu, khi về nghỉ dưỡng bệnh tại quê, Nguyễn Công Cơ vẫn luôn nghĩ tới việc nước. Năm 1733, trước lúc mất ông còn dâng một tờ khải trình bày bốn điểm, theo ông đó là những điều cốt yếu trong chính sự: “Một là, sáng suốt việc quyết đoán; hai là, cẩn thận sự sủng ái; ba là, xét kỹ tình hình quân lính; bốn là, thấu hiểu ẩn tình của dân”. Cũng trong thời gian dưỡng bệnh ở quê, ông đã dành nhiều thời giờ viếng thăm phong cảnh non sông, hoặc lưu tâm dạy bảo con cháu. Chính vì vậy mà con cháu ông nhiều người thành đạt như: Nguyễn Bá Trấn đỗ Hương Cống làm quan Tống đốc Tuyên Quang, Nguyễn Hiếu Nghĩa được phong Đặc tiến Kim tử đại phu kiêm Đông các Đại học sĩ. Trong gia phả còn ghi: Khi cháu nội, cháu ngoại thi đỗ, nhà chúa đã gửi tặng ông mấy vần thơ bằng quốc âm:

Một khoa hai cháu đỗ ông Nghè

Tiếng Cáo có thể nói rằng, Nguyễn Công Cơ văn võ gồm đủ tài đức kiêm toàn. Khi làm Đề điệu trường thi, lúc đi đánh dẹp. Văn thì nghĩa lý uyên sâu: khi soạn câu đối, lúc hoạ quốc âm, khi lại luận thơ Đường luật. Tuy bận nhiều việc chính sự, ông vẫn dành nhiều thì giờ soạn thuật, viết văn, làm thơ. Văn thơ của ông đến nay mới tìm được trong một số sách còn lưu giữ tại thư viện Viện Hán Nôm.

Nguồn cảm hứng trong thơ là đề vịnh tả cảnh, ghi lại sự việc, thơ tiễn tặng, hoa đáp với sứ giả Triều Tiên, v.v...

Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều câu đối, có câu đối mang đậm triết lý Nho giáo, vừa bày tỏ lòng mình, vừa khuyên răn những người làm quan lại:

“Hành, tăng, dụng, xả ngội nhi an, sĩ hoạn yếu tức tri chỉ; Sinh, sát, giữ, đoạt duy quân sở mệnh, thần công vô tắc, phúc tác uy”. Nghĩa là:

“Dùng thì làm, bỏ thì về nghỉ, tuỳ thời gặp mà yên, làm quan phải biết dừng, biết đủ; Cho sống được sống, bắt chết phải chết, chỉ theo lệnh vua truyền, hành sự không gây phúc gây uy”.

Sau khi ông mất, nhà vua vô cùng thương tiếc đã làm nhiều thơ, câu đối để tiễn biệt ông và ban tặng sắc phong cho dân làng thờ cúng. Các bậc văn thần trong huyện đau xót khóc làm bức trướng trong đó có câu:

"Sơn xuyên tú khí đản huyền nhân

Văn võ toàn tài mại đẳng luân.

Loạn nhĩ vị hình công xã tắc

Học thi hữu dụng trạch sinh dân .”.

Nghĩa là:

“Non sông chung đúc bậc hiền nhân,

Võ văn vẹn toàn nổi trội hơn

Dẹp loạn công lao lưu xã tắc.

Ân trạch nhuần thấm khắp muôn dân...”

Nguyễn Công Cơ sống rất thanh bạch và liêm khiết. Trong suốt cuộc đời làm quan không hề tậu ruộng, không nhận ruộng vua ban, không xây dinh thự. Sau khi ông mất được vua Lê truy tặng Thiếu phó, Phụ quốc Thượng tướng quân và cấp tiền cho con cháu ông xây nhà thờ. Đó cũng là Từ đường của dòng họ Nguyễn, ba gian nay vẫn còn nguyên vẹn. Cửa ngoài có hai con chó đá tương truyền hai con chó cụ nuôi đã có công phát hiện vụ mưu sát chúa Trịnh Căn khi chúa ra du ngoạn ở làng Giàn, bên cạnh làng Cáo.

Từ đường họ Nguyễn - Nhà thờ Nguyễn Công Cơ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử lưu niệm danh nhân năm 1993./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Từ đường họ Nguyễn ở Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO