Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Mai Phúc (quận Long Biên)

Sơn Dương (t/h) 16:06 24/04/2023

Đình Mai Phúc thuộc phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội.

Mai Động nhân hề

Mai Động nhân Ngô thừa sắc chỉ báo ư dân Kim chiếu Vinh

Luân hồi tiên cảnh Tâu vi huyết thục nhã dân Thần

. Dịch nghĩa:

Người Mai Động, hỡi người Mai Động

Ta vâng sắc chỉ báo với dân rằng

chiều vàng gọi Vinh, Luân về tiên cảnh

Sau này làm Thần hưởng ở dân đây.

Bài thơ trên được trích trong cuốn Thần tích bằng đồng tại di tích đình Mai Phúc, phường Phúc Đồng. Như vậy bài thơ trên đã cho biết, đình Mai Phúc thờ 2 vị phúc thần là Xuân Vinh và Luân Nương. Chuyện kể rằng: Lúc đó ở trang Mai Động, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An có một người biết cư xử với đời, hiếu đễ với nhà, họ Lê tên là Cự. Tổ tiên vốn là người châu Bố Chánh lánh loạn Nhiễm Dương Tư, cư trú ở trong Mai Động, đến đời sống đã là đời thứ ba rồi lấy người ở Nga Bá tên là Hoàng Thị Tuyết, gia thế vốn hào cường. Vợ chồng sống rất trung hậu. Lúc ấy, ông đã ngoài bốn mươi tuổi mà chưa có con. Vì thế ông chia hết gia tài, chẩn cấp cho người nghèo, chỉ cầu mong có con nối dõi. Phàm là đền thờ Thần, chùa thờ Phật, không nơi nào ông không đến cầu khấn. Một hôm nghe nói có chùa Yên Tử, đạo Hải Dương có đền thờ rất linh ứng, cầu gì được nấy. Ngay hôm đó, vợ chồng ông đem tiền, hương tiến cúng và cầu khấn.

Khấn xong, đêm hôm đó, vợ chồng ông nằm ở trước án ngủ thiếp đi, bỗng mộng thấy trong chùa sáng bừng, hương khói thơm nức, Kim đồng, Ngọc nữ cầm đàn sáo hát, vàng bạc châu báu vô số, ở phía trong Điện chính có một vị quan áo tím ngồi ở trên tuyên chiếu với vợ chồng ông rằng: Nhà ngươi tích đức đã ba, bốn đời cho tới nay chưa mảy may làm điều gì ác. Giờ đây một bên là tiền của, một bên là Tiên đồng, ngươi muốn lấy vật gì ta cũng cho. Vợ chồng mơ màng ngước về phía Tiên đồng, ở đó có cậu con trai rất kháu. Vợ chồng vui sướng cầu xin. Quan mặc áo tím bèn truyền cho vị sứ mặc áo xanh chọn đứa trẻ. Theo mộng đó ắt là có điềm lành. Hôm sau, ông bà làm lễ bái tạ rồi về. Từ đó, bà có mang. Được 12 tháng, đến giờ Dần ngày 12 tháng giêng mùa xuân năm Giáp Dần sinh hạ được một cậu con trai, thần sắc hiên ngang, cao khác người thường, cha mẹ đặt tên là Xuân Vinh. Năm 12 tuổi, cậu bắt đầu học ở nhà họ Dương tiên sinh. Học được vài năm, văn chương thông thái, thiên sử bách gia, không gì không thuộc, từ thiên văn đến địa lý không gì không biết, không vật gì không hiểu. Lại ham cung tên, thích binh pháp. Mỗi khi bàn luận nói chuyện thì từ cha mẹ đến bạn bè, không ai không phục tài.

Năm ấy, Hoàng Thị Tuyết trong mộng còn thấy một lão ông tóc bạc phơ, ban cho một bông hoa mai, thế là bà có thai. Đến kỳ sinh nở, bà sinh được một cô con gái nhan sắc tuyệt trần, phong tư yểu điệu, môi đỏ mặt phấn, tuyệt thế giai nhân. Cha mẹ đặt tên là Luân Nương (nàng Luân). Đến năm 3 tuổi cha mẹ đều mất. Cô ở với anh. Năm 15 tuổi, theo anh học rất giỏi, lại kiêm lục giáp. Không gì không tinh xảo. Thực là bậc kỳ tài trong giới nữ. Anh em khảng khái, có chí lớn. Anh em thường nghĩ: Nước Việt ta tại sao không có người dẹp loạn 12 sứ quân? Thế là kết thành một đảng, dự trữ lương, rèn quân tinh nhuệ, mưu tính làm việc lớn. Hào kiệt các huyện bên, phần lớn theo về không hô hào kêu gọi mà xa gần đều biết tên. Lúc ấy có sứ quân tên là Nguyễn Viết Khoan cát cứ vùng Tế Giang, nghe tin anh em ông là bậc anh tài, mưu trí bèn sai gia thần đến dụ. Ông không chịu, trả lời rất khinh mạn. Sứ thần bực tức đem binh mã đến đánh. Anh em ông cùng dân binh Mai Động chống lại, sứ quân thua chạy, không dám quấy nhiễu. Dân làng Mai Động nhờ anh em ông mà được yên ổn. Từ đó tiếng tăm càng lẫy lừng trong thiên hạ. Thời kỳ đó, Đinh Tiên Hoàng sai quan văn là Đinh Điền ban chiếu mời anh em ông đến yến ẩm họp mặt ở nhà, ông uống say ngủ thiếp đi. Bỗng trong mơ hiện lên một ông lão mặc áo trắng đội mũ chỉnh tề, đàng hoàng xuống thẳng chỗ ông nằm. Ông liền hỏi lão ông ở đâu mà dám đường đột như vậy. Lão ông cười rồi ngâm (dịch nghĩa):

Đinh Điền sẽ đến nhà người

Tiên Hoàng là người thống nhất sơn hà

Vua tôi hợp sức dẹp giặc Ngô

Trời đã định rồi há phải là ngoa.

Ngâm xong, ông lão vút lên không và biến mất. Tỉnh dậy, ông biết mình mơ. Lúc bấy giờ trời đã sáng. Qua bốn khắc đã thấy một cánh quân khí giới người ngựa tinh nhuệ tiến đến đồn sở. Anh em ông tưởng là tướng giặc Ngô bèn bài binh bố trận, lên ngựa chỉ vào đám quân mà mắng rằng: Chúng bay là quân Ngô đến xâm lấn bờ cõi của ta, không tự giữ, ta quyết đánh, bay sẽ bị bại. Rồi thấy một người cưỡi ngựa ô, cầm binh khí tiến thẳng đến nói rằng: Ta là tướng là phụ của Tiên Hoàng, họ Đinh tên là Điền, vâng mệnh Đinh Tiên Hoàng, đến cùng Vinh Công đồng tâm báo quốc tiêu trừ giặc Ngô, lấy lại bình yên, cùng hưởng niềm vui mãi mãi. Ông nghe vậy nghĩ ngay đến lời báo mộng của Thần. Điền nhân tức là chữ điền vậy. Ai nấy gác dao, vui vẻ đón Điền vào đồn sở, mở tiệc khao quân. Xong việc chiêu mộ được tới 3.000 người khoẻ mạnh lên đường đánh giặc, còn đồn sở giao cho em gái trông giữ. Từ khi ông cùng Đinh Điền yết kiến Đinh Tiên Hoàng, Tiên Hoàng thấy Vinh Công tướng mạo oai phong, thân dài 8 thước, sức có thể địch được vạn người, bèn tôn là Xuân Vinh là Đại phu, giao cho làm Tiên phong sứ đi đánh Ngô sứ quân Kiều Công Hãn ở Phong Châu. Ông vâng mệnh trở về Mai Động cùng em gái là Luân Nương tiến thẳng đến Phong Châu, đánh nhau với Kiều Công Hãn. Anh em ông trong một trận chém được Công Hãn. Quân của Công Hãn đại bại, chạy toán loạn, ông lại đuổi, chém được vô số. Còn lại 11 sứ quân, Đinh Điền, Nguyễn Bặc chia ra các đạo và dẹp được hết. Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua ở Hoa Lư, mổ trâu bò khao tướng sĩ. Các công thần lớn nhỏ đều phong đại vương, phong Xuân Vinh là “Xuân Vinh đại vương”, Luân Nương được phong là “Luân Nương công chúa”.

Theo Thần phả thì sau khi hai anh em ông hoá được triều đình xây dựng miếu thờ và nhân dân cúng tế tưởng nhớ muôn đời.

Đình Mai Phúc hiện còn giữ được 28 sắc phong qua các triều đại. Sắc phong có niên đại sớm nhất vào đời Dương Đức thứ 3 (1674) và đặc biệt còn lưu giữ được một đôi chân đèn thời Mạc có niên hiệu Diên Thành thứ 7 (1583) do người Bát Tràng cung tiến. Từ những cứ liệu trên cho thấy ngôi đình được dựng ít nhất vào thế kỷ XVI.

Vào khoảng thế kỷ XVI, đình Mai Phúc có thể đã là một danh thắng đồ sộ. Theo các cụ kể lại, trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, nhân dân trong làng đã phải di chuyển các đồ thờ tự trong di tích đi sơ tán. Sau trả lại, đồ thờ, nhưng bị thất lạc rất nhiều, hiện nay di vật cổ nhất trong di tích là đôi chân đèn thời Mạc (1583).

Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, đình Mai Phúc đã bị huỷ hoại. Đến năm 1992, đình được tu sửa Nghi môn, năm 1994 xây dựng lại Tả mạc, Đại đình, năm 2003 đại tu phần Hậu cung.

Đình Mai Phúc hiện quay hướng nam.

Đình Mai Phúc đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
  • Nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử năm 2025
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ban hành Kế hoạch số 362/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, Thủ đô trong năm 2025 trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Đình Mai Phúc (quận Long Biên)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO