Đình Mạch Tràng (huyện Đông Anh)
Đình Mạch Tràng thuộc thôn Mạch Tràng, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Mạch Tràng là địa bàn cư trú của dân cư thời cổ, khi Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa và tiến hành cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Triệu Đà, thì Mạch Tràng là khu vực chứa lương thảo của quân Âu Lạc.
Trên địa bàn huyện Đông Anh nói chung và Cổ Loa nói riêng rất nhiều di tích thờ vua Thục An Dương Vương. Ông được đánh giá là một nhà quân sự tài ba, có công trong việc chọn đất dựng kinh đô, xây thành đắp luỹ chống quân xâm lược. Công tích của vua An Dương Vương không chỉ được ghi trong sử sách mà còn sống mãi trong lòng nhân dân. Vua An Dương Vương được thờ phụng như một vị thần hộ mệnh ở các đình làng và được các triều đại phong kiến sắc phong.
Đình Mạch Tràng nằm trên một khu đất cao, rộng, nhiều cây cối cổ thụ tạo nên khung cảnh thâm nghiêm huyền bí. Theo hồi ức của nhân dân, khu đình khi xưa có Tam quan tứ trụ, cây đa, bến nước, sân đình... Ngôi đình gồm Tiền tế, Đại đình và Hậu cung. Tất cả các công trình kiến trúc bây giờ của Mạch Tràng đáng chú ý là trang trí kiến trúc của Đại đình là tâm điểm của cả cụm di tích. Kiến trúc với 4 góc đao chắc khoẻ, bờ nóc, bờ chảy trên mái được đắp trang trí hoạ tiết hoa chanh, đầu kìm. Các bộ vì được kết cấu theo kiểu thượng giá chiêng, hạ chồng rường, tiền kẻ, hậu bảy. Chạm khắc trang trí trên kiến trúc gỗ được tập trung vào hai bộ vì gian giữa.
Đình Mạch Tràng có niên đại vào cuối thế kỷ XVIII nhưng với quy mô và kiến trúc cũng như nghệ thuật chạm khắc gỗ, thếp... cho ta thấy giá trị của kiến trúc nghệ thuật đã hàng trăm năm, nơi đây đã từng là nơi quy tụ những tài hoa của nghệ nhân khắp cả nước.
Đình Mạch Tràng hiện còn lưu giữ được một số di vật quý có niên đại thế kỷ XVIII - XIX như ngai thờ, bài vị, sập thờ, kiệu bát cống, án gian. Các đồ thờ bằng gỗ được chạm tỉ mỉ, tinh tế, sơn son thiếp vàng, dù đã hàng trăm năm nhưng vẫn giữ được màu sắc tươi đẹp. Đáng chú ý là đôi hạc thờ đứng trên lưng rùa là tác phẩm có tính nghệ thuật cao. Hạc và rùa thể hiện cho sự thanh cao và chắc chắn cũng như sự thuỷ chung là nền tảng tốt cho đạo đức xã hội. Đặc biệt 8 đạo sắc phong thời Nguyễn, sắc sớm nhất có niên hiệu Gia Long (1802), sắc muộn nhất có niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) và cuốn thần phả là những tư liệu chữ Hán quý giá góp phần vào việc tìm hiểu nghiên cứu lịch sử của nước nhà.
Mạch Tràng là một trong 8 thôn của “Bát xã Loa Thành” tham gia rước kiệu tại lễ hội Cổ Loa ngày mùng 6 tháng giêng. Ngày lễ hội là dịp để con cháu xa gần về hội tụ. Ngôi đình luôn là cây cầu nối liền lịch sử, quá khứ với hiện tại, là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Với những giá trị về lịch sử - văn hoá, đình Mạch Tràng được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1997./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01